20 ngày bên trong Mariupol: Hai phóng viên ghi lại sự đau đớn của thành phố

Tác giả: Mstyslav Chernov

Nguyễn Xuân-Phương dịch

23-3-2022

Lời người dịch: Ông Mstyslav Chernov là một phóng viên quay phim của Associated Press. Ông đã cùng với nhiếp ảnh gia Evgeniy Maloletka ở lại thành phố Mariupol trong 20 ngày để tường thuật lại tình trạng bên trong thành phố bị vây hãm. Đây là lời kể lại của ông Mstyslav Chernov.

***

Binh lính Nga đang săn lùng chúng tôi. Họ có một danh sách tên, trong đó có tên của chúng tôi, và họ đang thắt chặt vòng vây.

Chúng tôi là những nhà báo quốc tế duy nhất còn lại ở thành phố Mariupol của Ukraine, và chúng tôi đã ghi lại cuộc vây hãm của quân đội Nga trong hơn hai tuần. Chúng tôi đang tường trình từ bên trong một bệnh viện khi những người vũ trang bắt đầu tìm kiếm trong các hành lang. Các bác sĩ phẫu thuật đã cho chúng tôi những chiếc áo bác sĩ màu trắng để ngụy trang.

Đột nhiên vào lúc bình minh, một chục binh sĩ xông vào: “Các nhà báo đang ở đâu?

Tôi nhìn vào chiếc băng trên cánh tay của họ, màu xanh lam cho Ukraine, và cố gắng tính toán khả năng họ là lính Nga ngụy trang. Tôi bước tới để xác nhận mình là nhà báo. Họ nói: “Chúng tôi tới đây để đưa các bạn ra ngoài”.

Các bức tường của khu phẫu thuật rung chuyển do pháo và súng máy bắn ở bên ngoài, và dường như ở lại bên trong bệnh viện an toàn hơn. Nhưng những người lính Ukraine được lệnh phải đưa chúng tôi đi.

Nhiếp ảnh gia Evgeniy Maloletka của AP giúp một nhân viên y tế đưa một bà cụ bị thương trong trận pháo kích ở Mariupol, miền đông Ukraine, ngày 2/3/2022. Nguồn: AP / Mstyslav Chernov
Nhiếp ảnh gia Evgeniy Maloletka của AP chỉ vào đám khói bốc lên sau một cuộc không kích vào một bệnh viện phụ sản ở Mariupol, Ukraine, ngày 9/3/2022. Nguồn: AP / Mstyslav Chernov

Chúng tôi chạy ra đường, bỏ lại những bác sĩ đã che chở cho chúng tôi, những sản phụ bị trúng đạn pháo và những người ngủ ở hành lang vì họ không còn nơi nào để đi. Tôi cảm thấy xấu hổ khi bỏ lại tất cả họ.

Chín phút, có thể là 10, nhưng cảm giác như dài vô tận, đi qua những con đường và những tòa nhà chung cư bị đánh bom. Khi đạn pháo rơi gần, chúng tôi nằm rập xuống đất. Thời gian được đo từ lần pháo kích sang lần pháo kích khác, chúng tôi căng thẳng và nín thở. Cơn chấn động này đến cơn chấn động khác làm tim tôi đập mạnh trong lồng ngực và tay tôi lạnh ngắt.

Chúng tôi đến một lối vào, và những chiếc xe bọc thép chở chúng tôi đến một tầng hầm tối đen. Sau đó, chúng tôi mới biết được từ một cảnh sát, lý do tại sao người Ukraine lại mạo hiểm tính mạng của những người lính để đưa chúng tôi ra khỏi bệnh viện.

Anh ta nói: “Nếu họ bắt được các bạn, họ sẽ đưa bạn ra trước ông kính và bắt các bạn nói rằng những gì các bạn tường trình đều là dối trá. Tất cả những nỗ lực của các bạn và tất cả những gì các bạn đã làm ở Mariupol sẽ trở thành vô nghĩa”.

Người sĩ quan, người đã từng năn nỉ chúng tôi để cho cả thế giới thấy thành phố đang hấp hối của anh ấy, giờ đã năn nỉ chúng tôi rời khỏi đây. Anh thúc chúng tôi đi về phía hàng ngàn chiếc xe đầy dấu vết chiến tranh đang chuẩn bị rời Mariupol.

Đó là ngày 15 tháng 3. Chúng tôi không biết liệu chúng tôi có sống sót ra khỏi thành phố Mariupol hay không.

***

Clip: Hàng ngàn người trong đoàn xe nhân đạo thoát khỏi Mariupol, Ukraine, vào ngày 15/3/2022. Nguồn: AP Video / Mstyslav Chernov

Là một thiếu niên lớn lên ở Ukraine trong thành phố Kharkiv, chỉ cách biên giới Nga 20 dặm, tôi đã học cách sử dụng súng như một phần trong chương trình giảng dạy ở trường. Lúc đó tôi cho rằng điều này thật vô ích. Tôi lý luận rằng Ukraine được bao quanh bởi những người bạn.

Kể từ đó, tôi đã tường trình từ các chiến trường Iraq, Afghanistan và lãnh thổ tranh chấp Nagorno Karabakh, cố gắng cho thế giới trực tiếp thấy sự tàn phá của chiến tranh.

Nhưng khi Hoa Kỳ và sau đó là châu Âu sơ tán các nhân viên đại sứ quán của họ khỏi thành phố Kyiv vào mùa đông vừa qua, và khi tôi nhìn trên các bản đồ vị trí các đoàn quân Nga ngay bên kia quê hương của tôi, suy nghĩ duy nhất của tôi là “Đất nước của tôi thật đáng thương”.

Trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến, Nga đã ném bom Quảng trường Tự do khổng lồ ở Kharkiv, nơi tôi thường đến chơi cho đến khi tôi 20 tuổi.

Tôi biết các lực lượng Nga sẽ coi thành phố cảng phía đông Mariupol là một địa điểm chiến lược cần đánh chiếm vì vị trí của thành phố này trên Biển Azov. Vì vậy, vào tối ngày 23 tháng 2, tôi đến đó cùng với đồng nghiệp lâu năm Evgeniy Maloletka, một nhiếp ảnh gia người Ukraine của hãng tin AP, trên chiếc xe tải Volkswagen màu trắng của anh ấy.

Trên đường đi, chúng tôi bắt đầu lo lắng về những lốp xe dự phòng, và tìm thấy trên mạng một người đàn ông gần đó sẵn sàng bán cho chúng tôi vào nửa đêm. Chúng tôi giải thích với anh ta và với một nhân viên thu ngân ở cửa hàng tạp hóa thâu đêm rằng, chúng tôi đang chuẩn bị cho chiến tranh. Họ nhìn chúng tôi như thể chúng tôi bị điên.

Chúng tôi đến Mariupol lúc 3:30 sáng. Chiến tranh bắt đầu một giờ sau đó.

Nhà quay phim Mstyslav Chernov của AP đi giữa làn khói bốc lên từ một căn cứ phòng không sau cuộc tấn công của Nga ở Mariupol, Ukraine, ngày 24/2/2022. Nguồn: AP / Evgeniy Maloletka

Khoảng một phần tư trong số 430.000 cư dân của Mariupol đã rời đi trong những ngày đầu tiên, khi họ vẫn còn có thể. Nhưng ít ai tin rằng một cuộc chiến sắp xảy ra, và đến lúc nhận ra sai lầm của mình thì đã quá muộn.

Với mỗi một quả bom, quân Nga cắt điện, nước, nguồn cung cấp lương thực và cuối cùng, rất quan trọng, là tháp điện thoại di động, đài phát thanh và truyền hình. Một số nhà báo khác trong thành phố đã thoát ra ngoài trước khi các kết nối cuối cùng bị cắt đứt và một cuộc phong tỏa hoàn toàn được thiết lập.

Việc không có thông tin trong một cuộc phong tỏa nhắm vào hai mục tiêu.

Đầu tiên là gây hỗn loạn. Mọi người không biết chuyện gì đang xảy ra và họ hoảng sợ. Lúc đầu, tôi không thể hiểu tại sao Mariupol lại tan rã nhanh chóng như vậy. Bây giờ tôi biết đó là vì thiếu liên lạc.

Mục tiêu thứ hai là trốn tránh tội. Không có thông tin về một thành phố, không có hình ảnh của các tòa nhà bị phá hủy và những đứa trẻ sắp chết, lực lượng Nga có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Nếu không có chúng tôi, sẽ không có gì cả.

Đó là lý do tại sao chúng tôi chấp nhận rủi ro như vậy để có thể gửi cho thế giới những gì chúng tôi đã thấy và đó là điều khiến Nga đủ tức giận để săn lùng chúng tôi.

Tôi chưa bao giờ cảm thấy việc phá vỡ sự im lặng lại quan trọng đến thế.

***

Ảnh: Nhiếp ảnh gia Evgeniy Maloletka của AP chụp bức ảnh thi thể của một cô gái, thiệt mạng do pháo kích vào một khu dân cư, tại bệnh viện thành phố Mariupol, miền đông Ukraine, Chủ nhật, 27/2/2022. Nguồn: AP / Mstyslav Chernov
Ảnh: Một bác sĩ cho xem thi thể của những đứa trẻ bị giết vì pháo kích tại bệnh viện số 3, ở Mariupol, Ukraine, hôm thứ Ba, ngày 15/3/2022. Nguồn: AP / Mstyslav Chernov
Ảnh: Một phụ nữ bị thương do pháo kích, đang nằm trong hành lang của bệnh viện số 3, ở Mariupol, Ukraine, ngày 15/3/2022. Nguồn: AP / Mstyslav Chernov
Ảnh: Các nhân viên y tế điều trị cho một người đàn ông, bị thương do pháo kích, tại một bệnh viện ở Mariupol, Ukraine, thứ Sáu, ngày 4/3/2022. Nguồn: AP / Mstyslav Chernov

Những cái chết đến rất nhanh. Vào ngày 27 tháng 2, chúng tôi đã chứng kiến cảnh một bác sĩ cố gắng cứu một bé gái bị mảnh đạn bắn trúng. Cô bé đã chết.

Một đứa trẻ thứ hai chết, rồi đứa thứ ba. Xe cứu thương ngừng chạy đến nơi những người bị thương vì người ta không thể gọi họ nếu không có tín hiệu và họ không thể điều hướng trên những đường phố bị đánh bom.

Các bác sĩ đã năn nỉ chúng tôi quay hình ảnh các gia đình phải tự mang những người thân đã chết và bị thương đến bệnh viện, và để cho chúng tôi sử dụng nguồn điện máy phát đang cạn kiệt của họ cho máy quay của chúng tôi. Họ nói rằng, “không ai biết chuyện gì đang xảy ra trong thành phố của chúng tôi”.

Pháo kích trúng vào bệnh viện và những ngôi nhà xung quanh. Nó làm vỡ cửa sổ của chiếc xe tải của chúng tôi, làm thủng một lỗ bên hông và làm thủng lốp xe. Đôi khi chúng tôi chạy ra ngoài để quay một ngôi nhà đang cháy và sau đó chạy trở lại giữa những đạn pháo nổ xung quanh.

Vẫn còn một nơi trong thành phố có thể có được kết nối internet ổn định, đó là bên ngoài một cửa hàng tạp hóa bị cướp phá trên Đại lộ Budivel’nykiv. Mỗi ngày một lần, chúng tôi lái xe đến đó và thu mình dưới gầm cầu thang để tải hình ảnh và video ra thế giới bên ngoài. Cái cầu thang chắc chắn không thể che chở được gì cho chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy an toàn hơn là ở ngoài trời.

Ảnh: Ngọn lửa bùng cháy tại một tòa nhà chung cư ở Mariupol, Ukraine, sau khi bị pháo kích ngày 11/3/2022. Nguồn: AP / Mstyslav Chernov

Đến ngày 3 tháng 3 thì tín hiệu biến mất. Chúng tôi đã cố gắng gửi video của mình từ cửa sổ tầng 7 của bệnh viện. Chính từ đó, chúng tôi đã chứng kiến những mảnh vụn cuối cùng của thành phố trung lưu kiên cố Mariupol tan rã.

Cửa hàng Thành phố Cảng đang bị cướp phá, và chúng tôi đi về hướng đó xuyên qua làn đạn pháo và súng máy. Hàng chục người chạy và đẩy những chiếc xe hàng chất đầy đồ điện tử, thực phẩm, quần áo.

Một quả đạn pháo nổ trên nóc cửa hàng, làm tôi văng xuống đất bên ngoài. Tôi nằm căng thẳng, chờ đợi cú trúng thứ hai và tự nguyền rủa bản thân hàng trăm lần vì chưa bật máy ảnh lên nên không quay lại được cảnh đó.

Và nó đã đến, một quả đạn pháo khác trúng vào tòa nhà chung cư bên cạnh tôi với một tiếng nổ khủng khiếp. Tôi thu mình vào một góc để núp.

Một thiếu niên đi ngang qua, đẩy một chiếc ghế văn phòng chất đầy đồ điện tử, những chiếc hộp đổ xuống hai bên. Thiếu niên nói với tôi: “các bạn của tôi đã ở đó và quả đạn pháo trúng cách chúng tôi 10 mét. Tôi không biết họ ra sao.

Chúng tôi chạy trở lại bệnh viện. Trong vòng 20 phút, những người bị thương đã được đưa đến, một số người được để trong các xe mua hàng.

Trong nhiều ngày, sự nối kết duy nhất mà chúng tôi có với thế giới bên ngoài là thông qua một điện thoại vệ tinh. Và vị trí duy nhất mà chiếc điện thoại đó hoạt động là ngoài trời, ngay bên cạnh một miệng hố bom. Tôi ngồi xuống, thu nhỏ mình và cố gắng kết nối tín hiệu.

Mọi người đều hỏi, hãy cho chúng tôi biết khi nào chiến tranh kết thúc. Tôi không có câu trả lời.

Mỗi ngày, có tin đồn rằng quân đội Ukraine sẽ đến để phá vòng vây. Nhưng không có ai đến cả.

Ảnh: Người dân trốn trong một hầm trú bom ở Mariupol, Ukraine, ngày 12/3/2022. Nguồn: AP / Mstyslav Chernov

***

Một người phụ nữ có chồng bị giết trong trận pháo kích, ngồi khóc ở dưới nền nhà trong hành lang một bệnh viện ở Mariupol, miền đông Ukraine, ngày 11/3/2022. Nguồn: AP / Mstyslav Chernov
Ảnh: Một người phụ nữ bế một đứa trẻ trong hầm trú bom ở Mariupol, Ukraine, ngày 7/3/2022. Nguồn: AP / Mstyslav Chernov
Ảnh: Mọi người chuẩn bị cho một đêm trong hầm trú bom tại một trung tâm thể thao, ở Mariupol, Ukraine, ngày 27/2/2022. Nguồn: AP / Mstyslav Chernov
Nhiều xác chết được cho vào một ngôi mộ tập thể ở ngoại ô Mariupol, Ukraine, ngày 9/3/2022, vì người ta không thể chôn cất người chết trong lúc bị quân Nga pháo kích dữ dội. Nguồn: AP / Mstyslav Chernov

Đến lúc này tôi đã chứng kiến những người chết ở bệnh viện, những xác chết nằm ngoài đường, hàng chục xác người bị bỏ vào một hố chôn tập thể. Tôi đã chứng kiến cái chết nhiều đến mức tôi đã quay phim như một cái máy, đầu óc tôi gần như bị đóng băng.

Vào ngày 9 tháng 3, hai cuộc không kích đã xé toạc tấm nhựa dán trên cửa sổ xe tải của chúng tôi. Tôi nhìn thấy quả cầu lửa chỉ trong tích tắc trước khi cơn đau xuyên qua tai, da thịt, mặt của tôi.

Chúng tôi đã chứng kiến khói bốc lên từ một bệnh viện phụ sản. Khi chúng tôi đến, các nhân viên cấp cứu vẫn còn đang kéo các sản phụ bê bết máu ra khỏi đống đổ nát.

Pin của chúng tôi đã gần hết và chúng tôi không thể kết nối để gửi hình ảnh. Giờ giới nghiêm đã trôi qua vài phút. Một sĩ quan cảnh sát tình cờ nghe chúng tôi bàn với nhau tìm cách đưa tin tức về vụ đánh bom bệnh viện. Ông nói: “Điều này sẽ thay đổi tiến trình của cuộc chiến”. Ông đã đưa chúng tôi đến chỗ phát điện và kết nối internet.

Chúng tôi đã ghi lại rất nhiều hình ảnh người chết và trẻ em chết, một dòng dài vô tận. Tôi không hiểu tại sao ông ấy nghĩ rằng nhiều cái chết hơn có thể thay đổi bất cứ điều gì.

Tôi đã sai.

Trong bóng tối, chúng tôi gửi hình ảnh bằng cách xếp ba điện thoại di động với clip video được chia thành ba phần để chuyển đi nhanh hơn. Chúng tôi đã mất nhiều giờ đồng hồ, vượt quá giờ giới nghiêm. Các cuộc pháo kích vẫn tiếp tục, nhưng các sĩ quan được giao nhiệm vụ hộ tống chúng tôi đi lại trong thành phố đã kiên nhẫn chờ đợi.

Sau đó, nối kết của chúng tôi với thế giới bên ngoài Mariupol một lần nữa bị cắt đứt.

Chúng tôi quay trở lại một tầng hầm trống của khách sạn với một hồ cá giờ đây đầy những con cá vàng chết. Trong sự cô lập của chúng tôi, chúng tôi không biết gì về một chiến dịch thông tin sai lệch ngày càng tăng của Nga nhằm làm mất uy tín công việc của chúng tôi.

Đại sứ quán Nga tại London đã đưa ra hai dòng tweet gọi những bức ảnh của AP là giả mạo và khẳng định một phụ nữ mang thai là một nữ diễn viên. Đại sứ Nga giơ các bức ảnh tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và lặp đi lặp lại những lời nói dối về vụ tấn công bệnh viện phụ sản.

Trong khi đó, ở Mariupol, rất nhiều người hỏi chúng tôi về những tin tức mới nhất về cuộc chiến. Rất nhiều người đã đến gặp tôi và nói rằng, “hãy quay phim tôi để gia đình tôi ở ngoài thành phố biết tôi còn sống”.

Vào thời điểm này, không có tín hiệu truyền hình hoặc đài phát thanh Ukraine nào hoạt động ở Mariupol. Đài radio duy nhất mà bạn có thể bắt được lại phát đi những lời nói dối xuyên tạc của Nga – rằng Ukraine đang bắt Mariupol làm con tin, bắn vào các tòa nhà, phát triển vũ khí hóa học. Tuyên truyền mạnh mẽ đến nỗi một số người mà chúng tôi nói chuyện đã tin vào điều đó, bất chấp bằng chứng tận mắt của họ.

Thông điệp được lặp đi lặp lại liên tục, theo kiểu Xô Viết: Mariupol bị bao vây. Hãy buôn vũ khí đầu hàng.

Vào ngày 11 tháng 3, trong một cuộc gọi ngắn mà không có thông tin chi tiết, biên tập viên của chúng tôi đã hỏi, liệu chúng tôi có thể tìm thấy những phụ nữ sống sót sau vụ không kích bệnh viện phụ sản để chứng minh sự tồn tại của họ hay không. Tôi nhận ra rằng đoạn video của chúng tôi đã phải đủ mạnh để kích động phản ứng từ chính phủ Nga.

Chúng tôi tìm thấy họ tại một bệnh viện tuyến đầu, một số với đứa con mới sanh và một số người khác đang chuyển dạ. Chúng tôi cũng được biết rằng một phụ nữ đã mất đứa con và sau đó cô cũng đã qua đời.

Chúng tôi đi lên tầng 7 để gửi video qua nối kết Internet yếu ớt. Từ đó, tôi chứng kiến cảnh xe tăng này đến xe tăng khác lăn bánh bên cạnh khuôn viên bệnh viện, mỗi chiếc được đánh dấu bằng chữ Z, biểu tượng của Nga trong chiến tranh.

Chúng tôi đã bị bao vây: Hàng chục bác sĩ, hàng trăm bệnh nhân và chúng tôi.

***

Những người lính Ukraine bảo vệ bệnh viện đã biến mất. Và con đường dẫn đến chiếc xe tải của chúng tôi, với thức ăn, nước uống và thiết bị của chúng tôi, bị giám sát bởi một tay súng bắn tỉa người Nga, đã bắn một nhân viên y tế mạo hiểm đi ra bên ngoài.

Nhiều giờ trôi qua trong bóng tối, chúng tôi lắng nghe những tiếng nổ bên ngoài. Đó là khi những người lính đến đón chúng tôi, la lên bằng tiếng Ukraine.

Nó không giống như một cuộc giải cứu. Có cảm giác như chúng tôi vừa được chuyển từ mối nguy hiểm này sang mối nguy hiểm khác. Vào thời điểm này, không nơi nào ở Mariupol được an toàn và không có sự cứu trợ nào. Bạn có thể chết bất cứ lúc nào.

Tôi vô vàn biết ơn những người lính, nhưng cũng cảm thấy tê tái. Và xấu hổ khi tôi ra đi.

Chúng tôi chen chúc trên một chiếc Huyndai với một gia đình ba người và nối vào đoàn xe dài 5 km trên đường ra khỏi thành phố. Khoảng 30.000 người đã rời khỏi Mariupol vào ngày hôm đó – nhiều đến mức lính Nga không có thời gian để quan sát kỹ bên trong những chiếc xe có cửa sổ được phủ bằng những mảnh nhựa bong tróc.

Mọi người hồi hộp. Họ đánh nhau, la hét nhau. Mỗi phút đều có một chiếc máy bay hoặc một cuộc oanh tạc. Mặt đất rung chuyển.

Chúng tôi đã vượt qua 15 trạm kiểm soát của Nga. Ở mỗi nơi, người mẹ ngồi phía trước xe của chúng tôi sẽ cầu nguyện dữ dội, đủ lớn để chúng tôi có thể nghe thấy.

Khi chúng tôi lái xe qua các trạm kiểm soát – trạm thứ ba, thứ mười, thứ 15, tất cả đều có binh lính trang bị vũ khí hạng nặng – hy vọng của tôi rằng Mariupol sẽ sống sót tắt dần. Tôi hiểu rằng chỉ để đến được thành phố, quân đội Ukraine sẽ phải vượt qua rất nhiều quân Nga. Và điều này sẽ không xảy ra.

Vào lúc hoàng hôn, chúng tôi đến một cây cầu bị quân Ukraine phá hủy để ngăn chặn bước tiến của quân Nga. Một đoàn xe của Hội Chữ Thập Đỏ, khoảng 20 chiếc đang bị mắc kẹt ở đó. Tất cả chúng tôi cùng nhau rẽ vào cánh đồng và các đường ngõ sau.

Các lính canh tại trạm kiểm soát số 15 nói tiếng Nga với giọng thô của vùng Caucasus. Họ ra lệnh cho cả đoàn xe tắt đèn pha để che giấu vũ khí, trang thiết bị đậu bên đường. Tôi gần như không thể nhận ra chữ Z màu trắng sơn trên các chiếc xe.

Khi chúng tôi kéo đến trạm kiểm soát thứ mười sáu, chúng tôi nghe thấy tiếng nói. Tiếng Ukraine. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng. Người mẹ ngồi trước bật khóc. Chúng tôi đã ra ngoài.

Chúng tôi là những nhà báo cuối cùng ở Mariupol. Bây giờ không còn ai nữa.

Chúng tôi vẫn bị tràn ngập bởi những tin nhắn từ những người muốn tìm biết số phận của những người thân yêu mà chúng tôi đã chụp hình và quay phim. Họ viết thư cho chúng tôi một cách tuyệt vọng và thân mật, như thể chúng tôi không phải là người lạ, như thể chúng tôi có thể giúp họ.

Khi một cuộc không kích của Nga tấn công một nhà hát nơi có hàng trăm người trú ẩn bên trong, vào cuối tuần trước, tôi có thể xác định chính xác nơi chúng tôi cần đến để tìm hiểu về những người sống sót, để tận mắt nghe cảm giác bị mắc kẹt trong nhiều giờ liên tục dưới đống gạch vụn. Tôi biết tòa nhà đó và những ngôi nhà bị phá hủy xung quanh nó. Tôi biết những người bị mắc kẹt bên dưới nó.

Và hôm Chủ nhật, chính quyền Ukraine cho biết Nga đã đánh bom một trường nghệ thuật ở Mariupol với khoảng 400 người bên trong.

Nhưng chúng tôi không thể đến đó được nữa.

Related posts