Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu lên án Nga vì cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết quy trách nhiệm cho Nga vì đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine đồng thời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và bảo vệ hàng triệu dân thường cũng như nhà cửa, trường học, và bệnh viện thiết yếu đối với sự sống còn của họ.
Cuộc bỏ phiếu hôm thứ Năm (24/03) về nghị quyết này cho ra kết quả 140–5 với chỉ Belarus, Syria, Bắc Hàn, và Eritrea cùng Nga phản đối biện pháp này. Có 38 phiếu trắng, trong đó có Trung Quốc.
Nghị quyết lên án các cuộc pháo kích, không kích, và “sự bao vây” của Nga đối với các thành phố đông dân cư, bao gồm cả thành phố phía nam Mariupol, đồng thời yêu cầu tiếp cận viện trợ nhân đạo không bị cản trở.
Cuộc bỏ phiếu gần như giống với cuộc bỏ phiếu cho nghị quyết ngày 02/03 mà hội đồng đã thông qua yêu cầu Nga lập tức ngừng bắn và rút toàn bộ lực lượng của mình, đồng thời yêu cầu bảo vệ tất cả dân thường và cơ sở hạ tầng không thể thiếu cho sự sống còn của họ. Cuộc bỏ phiếu đó đã có kết quả 141–5 với 35 phiếu trắng.
Nga cung cấp lối đi an toàn cho các tàu bị mắc cạn
Quân đội Nga cho biết họ sẽ cung cấp lối đi an toàn cho các tàu ngoại quốc bị mắc cạn tại các cảng của Ukraine.
Hôm thứ Năm (24/03), Đại tướng Mikhail Mizintsev cho biết Nga đang đề nghị cho phép các tàu ngoại quốc đến tập trung ở Biển Đen cách cảng Illichivsk 20 dặm (32 km) về phía đông nam và sau đó đi men theo một con đường “hành lang nhân đạo” dài 80 dặm (129 km) đến nơi an toàn. Ông nói thêm rằng tuyến đường an toàn này sẽ mở cửa hàng ngày từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối theo giờ Moscow (5 giờ sáng đến 4 giờ chiều giờ GMT) bắt đầu từ hôm thứ Sáu (25/03).
Ông nói rằng 67 tàu từ 15 quốc gia đã bị mắc cạn tại các cảng của Ukraine. Ông Mizintsev cáo buộc những con tàu đó đã không thể rời đi do mối đe dọa từ các cuộc pháo kích của Ukraine và sự hiện diện của các loại thủy lôi do quân đội Ukraine khai triển.
Quân đội Ukraine tuyên bố phá hủy một tàu chiến lớn của Nga
Một tàu đổ bộ của Nga đã bị phá hủy và hai tàu khác bị hư hỏng tại thành phố cảng Berdyansk của Ukraine, theo các quan chức Ukraine.
Hôm 24/03, quân đội Ukraine đăng một đoạn video tuyên bố lực lượng của họ đã phá hủy tàu Orsk.
“Tàu đổ bộ lớn Orsk của Hạm đội Biển Đen của quân chiếm đóng đã bị phá hủy ở cảng Berdyansk do Nga chiếm giữ,” hải quân Ukraine cho biết trên Facebook.
Quân đội Nga chưa đưa ra bình luận công khai để đáp lại và The Epoch Times không thể xác minh ngay tuyên bố đó.
Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, đầu tuần này (21-27/03), các lực lượng vũ trang Nga xác nhận rằng con tàu đã cập cảng Berdyansk, một thành phố cảng trên Biển Đen, để khai triển các thiết bị quân sự.
Nga đã kiểm soát Berdyansk kể từ ngày 27/02.
Tổng thống Biden không loại trừ trường hợp Ukraine nhượng bộ lãnh thổ
Hôm thứ Năm (24/03), Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên tại trụ sở NATO rằng nếu Ukraine muốn từ bỏ bất kỳ lãnh thổ nào để đàm phán chấm dứt xung đột với Nga, thì đó là lựa chọn của chính họ mà Hoa Thịnh Đốn sẽ tôn trọng.
Đó là “một quyết định hoàn toàn dựa vào Ukraine,” ông Biden nói khi trả lời câu hỏi liệu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có cần phải nhượng lại bất kỳ vùng lãnh thổ nào để có được một lệnh ngừng bắn với Nga hay không.
Đồng minh Belarus của Nga cảnh báo về Đệ tam Thế chiến
Lãnh đạo Belarus đã cảnh báo rằng đề nghị của Ba Lan về việc khai triển lực lượng gìn giữ hòa bình của phương Tây ở Ukraine có thể kích hoạt Đệ tam Thế chiến.
Tổng thống Alexander Lukashenko hôm thứ Năm (24/03) đã chỉ ra lời đề nghị được đưa ra vào tuần trước của Ba Lan về một sứ mệnh gìn giữ hòa bình, nói rằng “nó sẽ có nghĩa là Đệ tam Thế chiến.”
“Tình hình rất nghiêm trọng và rất căng thẳng,” ông nói thêm.
Bình luận của ông Lukashenko diễn ra sau lời cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin từ thuở đầu của cuộc xâm lược Ukraine rằng bất kỳ sự can thiệp nào của ngoại quốc vào hành động quân sự của Moscow sẽ gây ra phản ứng tức thì của Nga, dẫn đến “hậu quả mà quý vị chưa từng thấy trong lịch sử của mình”. Vài ngày sau khi bắt đầu cuộc xâm lược, ông Putin đã ra lệnh đặt các lực lượng hạt nhân của Nga vào trạng thái trong nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt.
Tổng thống Biden muốn Nga bị loại khỏi G-20
Tổng thống Joe Biden nói rằng ông muốn Nga bị loại khỏi G-20.
Ông Biden đã đưa ra bình luận trên trong cuộc họp báo hôm thứ Năm (24/03) tại Brussels sau một loạt các cuộc họp khẩn cấp của NATO về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. G-20, hay Nhóm 20, là một diễn đàn liên chính phủ của 19 quốc gia và Liên minh Âu Châu làm việc về các vấn đề lớn toàn cầu. Ông cho biết ông đã nêu ra vấn đề này hôm thứ Năm (24/03) với các nhà lãnh đạo thế giới khác.
Tổng thống Biden nói rằng ông muốn Nga bị loại khỏi nhóm, nhưng nếu Indonesia hoặc các quốc gia khác không đồng ý, ông sẽ yêu cầu các nhà lãnh đạo Ukraine được phép tham gia các cuộc họp.
Cùng ngày, Tổng thống Biden và các đồng minh phương Tây đã cam kết các biện pháp trừng phạt và viện trợ nhân đạo mới để đáp trả cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Tuy nhiên hôm thứ Hai (21/03), phó thống đốc ngân hàng trung ương Indonesia Dody Budi Waluyo cho biết tại một hội thảo rằng Indonesia luôn giữ lập trường trung lập, nhưng lưu ý nguy cơ chia rẽ về vấn đề này. Ông cho biết Indonesia sẽ sử dụng vai trò lãnh đạo G-20 để cố gắng giải quyết mọi vấn đề phát sinh.
Hoa Kỳ chào đón 100,000 người tị nạn Ukraine
Hoa Kỳ sẽ phân bổ 1 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho Ukraine trong khi chào đón tới 100,000 người tị nạn Ukraine chạy khỏi cuộc xung đột theo một kế hoạch mới được Tòa Bạch Ốc công bố hôm thứ Năm (24/03).
Phó thủ tướng Ukraine: Moscow và Kyiv trao đổi tù nhân dân sự và quân sự
Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết Ukraine và Nga đã trao đổi tổng cộng 50 tù nhân quân sự và dân sự hôm thứ Năm (24/03).
Bà Vereshchuk cho biết trong một tuyên bố trên mạng xã hội rằng Ukraine đã đổi 10 “quân chiếm đóng bị bắt” lấy 10 quân nhân Ukraine.
Bà cũng tuyên bố rằng Ukraine đã trao trả 11 thủy thủ dân sự Nga mà Ukraine đã cứu từ một con tàu chìm ngoài khơi Odesa, đổi lại 19 thủy thủ dân sự Ukraine từ một tàu tìm kiếm và cứu nạn Ukraine. Con thuyền cũng sẽ được trả lại thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, bà nói.
Trước đây đã có tin tức về các cuộc trao đổi tù nhân địa phương ở quy mô nhỏ hơn so với những gì được bà Vereshchuk công bố. Các cuộc trao đổi này bao gồm việc hoán đổi chín binh sĩ Nga cho một thị trưởng Ukraine bị bắt. Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Tư (23/03) cho biết hai vụ hoán đổi tù nhân đã diễn ra nhưng không cung cấp chi tiết về thời điểm xảy ra hoặc những ai có liên quan.
Quan chức Ukraine tuyên bố công dân đang bị ép buộc vào Nga
Ukraine tuyên bố hơn 400,000 công dân của họ đã bị cưỡng ép đưa đến Nga.
Thanh tra viên Ukraine Lyudmyla Denisova cho biết tại một cuộc họp báo hôm thứ Năm (24/03) rằng người dân Ukraine đã bị quân đội Nga áp giải khỏi Mariupol và các thành phố Ukraine bị bao vây khác. Số lượng bao gồm 84,000 trẻ em. Bà khẳng định trẻ em bị đưa đi trong điều kiện sơ sài với ít thức ăn và nước uống.
Thống đốc vùng Donetsk Pavlo Kyrylenko cũng tuyên bố rằng người Nga đang tịch thu hộ chiếu của người Ukraine và đưa họ đến các trại sàng lọc, nơi các nhân viên cơ quan phản gián thuộc Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) tiến hành kiểm tra an ninh trước khi chuyển họ đến các khu vực xa xôi khác nhau ở Nga.
Ông Kyrylenko tuyên bố rằng cư dân của Mariupol từ lâu đã bị chặn thông tin và người Nga đưa cho họ những tuyên bố sai sự thật về những thất bại của Ukraine để thuyết phục họ chuyển đến Nga.
Hôm thứ Tư (23/03), các quan chức Nga báo cáo rằng hơn 384,000 người Ukraine đã tự nguyện đến Nga để được cung cấp chỗ ở và các khoản thanh toán.
Đức kêu gọi một kế hoạch năng lượng khẩn cấp từ Liên minh Âu Châu
Trước yêu cầu của Tổng thống Nga rằng các quốc gia “không thân thiện” phải trả tiền cho khí đốt bằng đồng rúp, Hiệp hội các Ngành công nghiệp Nước và Năng lượng Đức (BDEW) đã kêu gọi một thỏa thuận ở cấp Âu Châu về một giao thức khẩn cấp để phản ứng với thông báo của Moscow về cơ chế thanh toán khí đốt mới.
Theo hãng thông tấn Prime, người đứng đầu BDEW Kerstin Andreae cho biết: “Có những dấu hiệu chắc chắn và nghiêm trọng cho thấy chúng ta đang tiến tới tình hình cung cấp khí đốt xấu đi.”
NATO ra tuyên bố vạch rõ kế hoạch ‘sẵn sàng phòng thủ’ Nga
Hôm thứ Năm (24/03), NATO đã đưa ra một tuyên bố dài về học thuyết sẵn sàng phòng thủ chống lại Nga, lên án cuộc xâm lược của Moscow đối với Ukraine “bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể.”
Bản tuyên bố trước thềm hội nghị thượng đỉnh ở Brussels cho biết, “Chúng tôi, những nguyên thủ quốc gia và cũng là những người đứng đầu các chính phủ của 30 đồng minh NATO, đã gặp nhau hôm nay để ứng phó với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh Âu Châu-Đại Tây Dương trong nhiều thập niên. Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đối với Ukraine đã phá vỡ hòa bình ở Âu Châu và đang gây ra sự đau khổ và hủy diệt to lớn cho con người.”
Tuyên bố của NATO kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin “ngay lập tức dừng cuộc chiến này” và rút quân khỏi Ukraine, đồng thời thúc giục Nga “kêu gọi Belarus chấm dứt hành động tiếp tay của họ.”
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Điện Kremlin bác bỏ thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Nga mất tích
Điện Kremlin đã bác bỏ các bản tin và suy đoán cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã mất tích trong bối cảnh xung đột kéo dài nhiều tuần ở Ukraine.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nói với các phóng viên hôm thứ Năm (24/03) rằng ông Shoigu đã không xuất hiện trước công chúng vì ông không có thời gian.
“Hiện tại Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có rất nhiều mối bận tâm. Một chiến dịch quân sự đặc biệt đang được tiến hành,” ông Peskov nói, sử dụng mô tả của Nga về cuộc xung đột ở Ukraine. “Tất nhiên, giờ không phải là lúc dành cho các hoạt động truyền thông, điều này khá dễ hiểu,” ông nói trước câu hỏi về tình trạng sức khỏe và nơi ở của ông Shoigu.
G-7, Hoa Kỳ công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga
Các nhà lãnh đạo Nhóm Bảy (G-7) quốc gia có nền kinh tế công nghiệp mạnh nhất đã thông báo rằng họ đang hạn chế Ngân hàng Trung ương Nga sử dụng vàng trong các giao dịch, trong khi Hoa Kỳ công bố một vòng trừng phạt mới nhắm vào hơn 400 người thuộc giới tinh hoa và thành viên của Duma Quốc gia Nga.
Trước đây, các lệnh trừng phạt đối với giới tinh hoa Nga, Ngân hàng Trung ương nước này, và Tổng thống Vladimir Putin đã không ảnh hưởng đến kho dự trữ vàng của Nga mà ông Putin đã tích lũy trong vài năm. Nga nắm giữ khoảng 130 tỷ USD dự trữ vàng và Ngân hàng Trung ương Nga hôm 28/02 đã thông báo rằng họ sẽ tiếp tục mua vàng trên thị trường kim loại quý trong nước.
Trong khi đó, chính phủ Tổng thống Biden đã công bố thêm các biện pháp trừng phạt nhắm vào 48 công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước, 328 thành viên Duma (Hạ viện Nga) và hàng chục người trong giới tinh hoa Nga. Duma với tư cách là một tổ chức cũng được nêu tên trong các lệnh trừng phạt mới.
G-7 và Liên minh Âu Châu cũng công bố một nỗ lực mới nhằm chia sẻ thông tin và phối hợp các biện pháp đáp trả nhằm ngăn chặn Nga trốn tránh tác động của các lệnh trừng phạt mà các quốc gia phương Tây đã áp dụng kể từ cuộc xâm lược ngày 24/02.
Anh đưa con gái riêng của vợ ngoại trưởng Nga Lavrov vào danh sách trừng phạt mới
Anh đang trừng phạt thêm 65 công ty và cá nhân do Nga xâm lược Ukraine. Các mục tiêu bao gồm ngân hàng tư nhân lớn nhất của Nga và một người phụ nữ mà chính phủ Anh cho là con gái riêng của vợ Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết vòng trừng phạt mới nhắm vào các ngành chiến lược, ngân hàng, và giới tinh hoa kinh doanh. Trong số các mục tiêu bị trừng phạt có Alfa-Bank, ngân hàng tư nhân lớn nhất của Nga và Alrosa, công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới.
Anh cũng nhắm đến tỷ phú Eugene Markovich Shvidler, người có quan hệ mật thiết với chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea Roman Abramovich và ông Herman Gref, giám đốc điều hành của Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga.
Cô Polina Kovaleva, người được mô tả là con gái riêng của vợ Ngoại trưởng Lavrov, cũng bị trừng phạt khi Anh mở rộng phạm vi trừng phạt để tiếp cận những người có liên quan đến những kẻ chịu trách nhiệm về “cuộc xâm lược của Nga”.
Anh cho biết họ đã trừng phạt hơn 1,000 cá nhân và công ty kể từ cuộc xâm lược. Tất cả các thực thể được nêu tên sẽ bị phong tỏa tài sản ở Anh và các cá nhân sẽ bị cấm đến hoặc đi khỏi Anh.
NATO gia hạn nhiệm kỳ cho Tổng thư ký Stoltenberg thêm một năm do cuộc xâm lược của Nga
Các nhà lãnh đạo NATO đang gia hạn nhiệm kỳ của Tổng thư ký Jens Stoltenberg thêm một năm để giúp lãnh đạo tổ chức quân sự 30 quốc gia này vượt qua cuộc khủng hoảng an ninh do chiến tranh gây ra ở Ukraine.
Ông Stoltenberg đã đăng trên Twitter hôm thứ Năm (24/03) rằng ông “rất vinh dự” trước quyết định gia hạn nhiệm kỳ của các nhà lãnh đạo NATO cho đến ngày 30/09/2023.
Cựu thủ tướng Na Uy được bổ nhiệm vào chức vụ dân sự hàng đầu này của NATO vào tháng 10/2014. Đây là lần thứ hai nhiệm kỳ của ông được gia hạn. Nhiệm kỳ của ông sẽ hết hạn vào tháng 09/2023.
Tổng thống Zelensky kêu gọi thêm viện trợ
Tổng thống Ukraine đã kêu gọi NATO hỗ trợ quân sự cho quốc gia đang gặp khó khăn của ông.
Trong một video trình bày trước hội nghị thượng đỉnh NATO hôm thứ Năm (24/03), ông Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine cần “hỗ trợ quân sự không giới hạn”, vì Nga đang “sử dụng toàn bộ kho vũ khí của mình” để tấn công Ukraine.
Ông Zelensky kêu gọi NATO cung cấp cho Ukraine “1% tổng số phi cơ của các vị, 1% tổng số xe tăng của các vị.” “Chúng tôi không thể cứ thế mà mua những thứ đó,” ông Zelensky nói. “Khi chúng tôi có tất cả những thứ này, chúng sẽ cung cấp cho chúng tôi, giống như các vị, 100% an ninh.”
Ukraine cũng đang rất cần các hệ thống phóng hỏa tiễn đa nòng, vũ khí chống hạm, và hệ thống phòng không, ông Zelensky nói. Ông đặt nghi vấn, “Liệu có thể tồn tại trong một cuộc chiến như vậy mà không có những vũ khí này?”
“Có cảm giác như chúng tôi đang trong một vùng xám, giữa phương Tây và Nga, bảo vệ các giá trị chung của chúng ta,” ông Zelensky xúc động nói. “Đây là điều đáng sợ nhất trong một cuộc chiến — không có câu trả lời rõ ràng cho các yêu cầu giúp đỡ.”
Điện Kremlin cho biết hành động trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ mới nhất của Nga là biện pháp bất đắc dĩ
Hôm thứ Năm (24/03), Điện Kremlin cho biết việc trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ mới nhất của Moscow là một biện pháp bất đắc dĩ, sau khi Hoa Thịnh Đốn hồi tháng trước cho biết họ sẽ trục xuất 12 nhà ngoại giao Nga tại phái bộ Liên Hiệp Quốc của nước này ở New York vì những lo ngại về an ninh quốc gia.
Hôm thứ Tư (23/03), Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Moscow đã nhận được danh sách các nhà ngoại giao bị tuyên bố là “nhân vật không được chào đón”, theo những gì truyền thông Nga cho là phản ứng trước hành động của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc.
Đại sứ Iran: Moscow, Tehran đang phát triển mạng lưới thay thế SWIFT
Hôm thứ Năm (24/03), Kazem Jalali, đại sứ Iran tại Nga, cho biết Tehran và Moscow đã hợp tác để kết nối các hệ thống gửi thông tin liên ngân hàng của họ nhằm bỏ qua mạng lưới giao dịch tài chính SWIFT.
‘Chúng tôi sẽ xem ai là bằng hữu,’ Tổng thống Zelensky nói khi các nhà lãnh đạo phương Tây gặp gỡ
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các quốc gia phương Tây đang tập trung tại Brussels hôm thứ Năm (24/03) thực hiện “các bước nghiêm túc” để giúp Kyiv chống lại cuộc xâm lược của Nga, khi lần đầu tiên trong lịch sử ba hội nghị thượng đỉnh của NATO, G-7, và EU diễn ra trong cùng một ngày.
Với mục đích duy trì sự đoàn kết của phương Tây, ngày hội nghị thượng đỉnh sôi nổi này đã khai mạc tại trụ sở NATO ở Brussels.
Trong khi các nhà lãnh đạo hứa sẽ tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, các nhà ngoại giao EU đã hạ thấp kỳ vọng về các lệnh trừng phạt lớn mới đối với Nga và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhắc lại rằng liên minh sẽ không gửi quân hoặc phi cơ đến Ukraine.
“Tại ba hội nghị thượng đỉnh này, chúng tôi sẽ xem ai là bằng hữu, ai là đối tác, và ai là người đã bán đứng và phản bội chúng tôi,” ông Zelensky nói trong một video được đăng vào sáng sớm ngày thứ Năm (24/03).
Ông cho biết ông mong đợi “các bước đi nghiêm túc” từ các đồng minh phương Tây, lặp lại lời kêu gọi lập vùng cấm bay đối với Ukraine và phàn nàn rằng phương Tây đã không cung cấp cho Ukraine phi cơ, hệ thống chống hỏa tiễn hiện đại, xe tăng hoặc vũ khí chống hạm.
Tổng thống Biden, lãnh đạo các nước đồng minh phương Tây khai mạc hội nghị thượng đỉnh thứ nhất trong số ba hội nghị cao cấp về khủng hoảng Ukraine
Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo thế giới đã khai mạc cuộc họp đầu tiên trong bộ ba hội nghị thượng đỉnh tại Brussels tập trung vào việc gây sức ép buộc Nga chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Thủ đô ngoại giao của Âu Châu này đang tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của NATO, cũng như một cuộc họp của Nhóm Bảy (G-7) quốc gia có nền kinh tế công nghiệp phát triển nhất, và một hội nghị thượng đỉnh của 27 thành viên Liên minh Âu Châu.
Tổng thống Biden sẽ tham dự cả ba cuộc họp, bắt đầu với cuộc họp của NATO.
Tổng thống và các nhà lãnh đạo của các nước NATO khác đã gặp nhau để chụp một bức ảnh kỷ niệm cuộc họp khẩn cấp của họ trước khi bắt đầu cuộc họp, dự kiến sẽ kéo dài trong vài giờ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã khai mạc cuộc họp hôm thứ Năm (24/03) bằng cách tuyên bố liên minh quyết tâm tiếp tục áp thêm nhiều phí tổn hơn nữa lên Nga.
Điện Kremlin: Bulgaria sẽ phải trả tiền cho khí đốt của Nga bằng đồng rúp, ‘dù họ có muốn hay không’
Hôm thứ Năm (24/03), Moscow đã bàn về những lo ngại của các quốc gia Âu Châu về kế hoạch chuyển các thỏa thuận giao khí đốt từ đồng euro sang đồng rúp.
Đáp lại Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, người nói rằng quyết định của Moscow sẽ gây ra nhiều vấn đề vì Bulgaria, quốc gia mà qua đó khí đốt được cung cấp cho Serbia và Hungary, không sẵn sàng chuyển sang đồng rúp trong các khoản thanh toán khí đốt, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vấn đề này đã được thông báo và Bulgaria sẽ phải trả bằng rúp “dù họ có muốn hay không.”