Cuộc khủng hoảng Ukraine cho phép chính quyền Bắc Kinh gia tăng hoạt động tại Châu Mỹ Latinh, bành trướng quyền lực, cô lập Đài Loan, và đe dọa đến vị thế thống trị của Hoa Kỳ trong khu vực này.
Vài ngày trước khi tiến hành xâm lược Ukraine, Nga đã cử đại diện đến Cuba, Nicaragua, và Venezuela nhằm tìm cách tăng cường quan hệ với Châu Mỹ Latinh. Moscow và Caracas đã thảo luận về việc tăng cường “quan hệ đối tác chiến lược” với Nga, thậm chí còn tuyên bố rằng Nga có thể đóng quân và đặt vũ khí tại Cuba và Venezuela nếu các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ bị thất bại.
Đáng lý việc này sẽ khiến căng thẳng giữa Hoa Kỳ và các nước láng giềng Mỹ Latinh gia tăng đáng kể, đe dọa thương mại của các quốc gia này với Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu. Sự cô lập do sự kiện trên lẽ ra sẽ khiến các quốc gia này trở nên ít giá trị hơn đối với Trung Quốc, nước vốn có thể được hưởng lợi từ vươn tầm ảnh hưởng tới sát biên giới phía nam và bờ biển phía nam của Hoa Kỳ.
Đầu tháng này, Cuba và Nicaragua cùng với Pakistan và Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng tại cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về cuộc lâm lược tại Ukraine. Vốn là đồng minh thân thiết của Nga, các quốc gia này được cho là sẽ bỏ phiếu ủng hộ Nga nhưng họ đã chọn không bỏ phiếu. Venezuela cũng được dự đoán là sẽ ủng hộ Nga nhưng lại bị cấm bỏ phiếu do chưa thanh toán các khoản phí. Sự kiện các quốc gia Châu Mỹ Latinh không ủng hộ Nga cho thấy sự chuyển hướng từ Nga sang Trung Quốc.
Trung Quốc và Cuba đã từng nằm ở hai phía đối lập trong Cuộc chia rẽ Trung-Xô. Tuy nhiên, ngày nay Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ hay Trung Cộng) coi Cuba là “người anh em tốt, đồng chí tốt, người bạn tốt.” Văn phòng thông tin Hội đồng Nhà nước của Trung Cộng đã công khai chỉ trích các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Cuba và Venezuela.
Trong bốn thập niên đầu sau cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, Cuba lệ thuộc vào sự hỗ trợ kinh tế của Liên Xô. Theo hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc CGTN, khi Liên bang Xô Viết (USSR) sụp đổ, Cuba mất 70% thị trường xuất cảng và phần lớn viện trợ tài chính. Có thời điểm Liên Xô cung cấp cho Cuba khoản viện trợ tương đương 11 triệu USD một ngày.
Hồi năm 1999, dưới thời ông Hugo Chávez, Venezuela trở thành quốc gia bảo trợ của đảo quốc xã hội chủ nghĩa này. Kể từ năm 2015, viện trợ từ Venezuela giảm dần khi quốc gia này rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế. Trung Quốc dần dần lấp đầy khoảng trống đó thông qua viện trợ tài chính và công nghệ, kéo Cuba tiến sâu vào quỹ đạo của Trung Cộng.
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Cuba trong khi Cuba lại là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc tại khu vực Caribbean. Các công ty của Trung Quốc đang mở rộng sang nhiều ngành công nghiệp của đảo quốc này. Các công ty dược phẩm sinh học đang hoạt động trong Khu Thương mại Tự do Mariel tại Cuba. Xe tải từ các nhà sản xuất Sinotruk và xe buýt từ Yutong (nhà sản xuất xe thương mại Vũ Thông, tại Trịnh Châu, Hà Nam) của Trung Quốc rải rác trên các tuyến đường của quốc gia này. Công ty thiết bị Haier Group Corporation của Trung Quốc hiện đã có một nhà máy lắp ráp tại hòn đảo này. Học viện Khổng Tử được đặt tại Trường Đại học Havana. Một ngân hàng Trung Quốc cho bến cảng Santiago của Cuba vay 120 triệu USD.
Năm ngoái, hai quốc gia đã ký kết một bản kế hoạch hợp tác thúc đẩy Sáng kiến Một vành đai, Một con đường (BRI, hay còn gọi là “Nhất đới, Nhất lộ”). Sự phát triển trong các mối bang giao này đã diễn ra vài tuần sau khi Nicaragua chuyển sang công nhận ngoại giao đối với Trung Quốc, cắt đứt quan hệ với Đài Loan.
Ông Chu Chí Vĩ (Zhou Zhiwei), một nhà nghiên cứu về Mỹ Latinh thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói rằng mối quan hệ song phương này có lợi bởi vì Cuba giàu khoáng sản, dầu mỏ và quặng nickel. Đồng thời, quốc gia này còn có tiềm năng về nông nghiệp và du lịch.
Theo Thời báo Hoàn cầu do nhà nước điều hành, tư cách thành viên của “Nhất đới, Nhất lộ” phù hợp với kế hoạch phát triển của Cuba, bao gồm cơ sở hạ tầng, công nghệ, văn hóa, giáo dục, du lịch, năng lượng, truyền thông và công nghệ sinh học. Mô hình mà Trung Cộng tiếp cận với Cuba cũng tương tự như đối với các quốc gia khác, đó là cung cấp vốn vay và đầu tư để đổi lấy tài nguyên thiên nhiên và hỗ trợ địa chính trị và chiến lược.
Trong thập niên qua và đặc biệt là thời điểm trước khi Nga xâm lược Ukraine, Trung Cộng đã đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực này. Kể từ năm 2017, bốn quốc gia Mỹ Latinh gồm Panama, El Salvador, Nicaragua và Cộng hòa Dominica đã chuyển hướng công nhận ngoại giao đối với Đài Loan sang Trung Quốc.
Hiện tại, Trung Cộng có nhiều doanh nghiệp khai thác cảng thông qua công ty Hutchison Port Holdings có trụ sở tại Hồng Kông, trong đó có 7 công ty đặt tại Mexico, 3 tại Panama, 3 tại Bahamas, 1 tại Buenos Aires và 1 cơ sở “hậu cần trọng điểm” tại Ushuaia, Argentina.
Các công ty khác của Trung Quốc cũng tham gia vào các dự án khai thác cảng tại Brazil, Ecuador và Jamaica, đồng thời Trung Cộng cũng bàn thảo về các dự án tại El Salvador, Cộng hòa Dominica và Guyana.
Hoạt động của Trung Cộng đe dọa đến lợi ích của Hoa Kỳ
Bộ Chỉ huy miền Nam của Quân đội Hoa Kỳ (SOUTHCOM) chịu trách nhiệm khu vực Châu Mỹ Latinh, Nam Mexico, vùng biển tiếp giáp với Trung và Nam Mỹ, và biển Caribbean với 12 quốc đảo và lãnh thổ Âu Châu.
Trong một báo cáo ngày 24/4, SOUTHCOM bày tỏ lo ngại sâu sắc trước các hoạt động của Trung Cộng trong khu vực trên nhiều lĩnh vực, không gian mạng, không gian vũ trụ, khai thác mỏ và các ngành năng lượng.
21 quốc gia tại Mỹ Latinh và Caribbean đã tham gia vào Sáng kiến Một vành đai, Một con đường của Trung Cộng. Ngoài việc hợp tác kinh tế và địa chính trị với các quốc gia này, Trung Cộng còn tăng cường trao đổi quân sự. Trong hai thập niên qua, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thực hiện hàng trăm chuyến thăm đến khu vực này.
Trung Cộng đã thành lập một diễn đàn phòng thủ cùng với Cộng đồng các Quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean, hỗ trợ giáo dục quân sự cho các quân nhân trong khu vực. Quân đội PLA còn tham gia huấn luyện quân sự trong rừng tại các quốc gia này. Trong khi đó, Trung Cộng lại tăng cường bán các loại vũ khí như phi cơ, thiết giáp và thiết bị quân sự khác.
Ngoài ra, các khoa học gia Trung Quốc cũng đã hỗ trợ cho các quốc gia này phát triển vệ tinh và hệ thống điều khiển mặt đất. Hải quân PLA cũng đã ghé thăm các hải cảng trong khu vực bao gồm cả Cuba chỉ cách Hoa Kỳ gần 150km.
Trung Cộng đang cài đặt công nghệ giám sát và thực thi chủ nghĩa toàn trị trong khi đưa Trung Quốc vào vị thế nhằm đóng cửa vận tải hàng hải Hoa Kỳ.
Ông Benjamin Gedan, Phó Giám đốc Chương trình Mỹ Latinh thuộc Wilson Center nói với đài VOA rằng đầu tư từ Trung Quốc mang lại sự phát triển kinh tế và công nghệ. Tuy nhiên, họ cũng cung cấp cho các quốc gia này biện pháp để hạn chế quyền tự do dân sự.
Venezuela và Cuba vốn đã có chế độ kiểm duyệt hà khắc và chủ nghĩa toàn trị bằng kỹ thuật số. Thông qua liên minh với Trung Cộng, chính sách này càng được tăng cường hơn. Nhu liệu nhận diện công dân trên mạng xã hội của Trung Quốc giờ đây lại được nhà nước Venezuela ứng dụng. Thẻ căn cước mới “carnet de la patria” do công ty công nghệ ZTE của Trung Quốc phát triển, được giới thiệu ra vào năm 2016 và là một yêu cầu để được phép truy cập các dịch vụ và hàng hóa, kể cả để đăng ký lịch hẹn với bác sĩ và nhận trợ cấp từ chính phủ.
Thẻ căn cước này cho phép chính phủ Venezuela xử lý lượng lớn dữ liệu, tăng cường kiểm soát công dân và theo dõi các phe chính trị đối lập. Các biện pháp kiểm soát bao gồm hệ thống camera truyền hình, điểm chỉ, nhận diện và hệ thống thuật toán ngôn ngữ theo dõi các cuộc trò chuyện trên mạng internet và các ứng dụng điện thoại.
Một nhóm nhân viên của ZTE làm việc cho công ty viễn thông nhà nước CANTV để giúp quản lý dữ liệu thẻ căn cước này. Thông qua thẻ này, nhân viên của CANTV có thể truy ra thông tin gia đình và ngày sinh của công dân, “tình trạng việc làm và thu nhập, tài sản họ sở hữu, tiền sử y tế, phúc lợi nhà nước đã hưởng, hiện diện trên mạng xã hội, tình trạng đảng phái chính trị và liệu cá nhân này đã bỏ phiếu bầu cử hay chưa,” theo VOA.
Hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc CGTN cho rằng Cuba rất quan trọng đối với Trung Cộng bởi vị trí chiến lược của quốc gia này. CGTN cũng thừa nhận rằng mối bang giao chặt chẽ hơn với Cuba cho phép Trung Cộng tiếp cận vùng Caribbean, địa thế mà họ có thể “gây ảnh hưởng đến hải trình thuộc miền đông nam Hoa Kỳ.”
Bằng cách cho Hải quân PLA đồn trú tại Cuba, Trung Cộng có thể kiểm soát vùng biển giữa bờ biển nam Hoa Kỳ và Trung Mỹ, hạn chế vận tải hàng hải lưu thông qua các hải cảng Miami, New Orleans, và Houston.
Gần đây nhất, Tổng thống Colombia Iván Duque đã lên án việc Nga xâm lược Ukraine, thúc giục Tổng thống Joe Biden chỉ định Colombia là một đồng minh lớn ngoài liên minh NATO. Do đó, ảnh hưởng của Trung Cộng tại quốc gia này cần phải được giải quyết. Bắc Kinh đã và đang chiêu dụ Colombia bằng viện trợ và đầu tư kinh tế hậu đại dịch, tài trợ cho tuyến đường sắt khu vực Bogota, các dự án 4G và 5G, và một mỏ vàng tại Antioquia.
Cuộc xâm lược Ukraine đã cho thấy một sự chuyển hướng lòng trung thành của các quốc gia Mỹ Latinh từ Nga sang Trung Quốc. Khi Nga mất dần sự ảnh hưởng, các khoản vay và đầu tư của Trung Cộng đang chiếm được tình hữu nghị của các nước Mỹ Latinh. Điều này mở rộng các hoạt động giám sát của Trung Cộng đồng thời tạo bệ phóng hoàn hảo cho PLA nhằm đe dọa đến tự do hàng hải của Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”)
Khánh Ngọc biên dịch