Trên bầu trời, một phi công chiến đấu cơ Trung Quốc đang lướt tay trên màn hình cảm ứng, và chỉ trong vài giây, phần mềm tự động nhận dạng mục tiêu đã phát hiện mục tiêu của anh ta. Ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc, các máy chủ khổng lồ cấp nguồn cho một loạt các công nghệ giám sát hà khắc bắt đầu hoạt động. Tại Thượng Hải, công nghệ thành phố thông minh kết nối cư dân [nhiều] hơn bao giờ hết, thậm chí cả khi chính quyền siết chặt kiểm soát mọi hành động của cư dân thành phố này.
Tất cả những công nghệ này và hơn thế nữa đã trở thành hiện thực thông qua sự tham gia không ngừng của các doanh nghiệp Hoa Kỳ cùng với các tổ chức có liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ — Trung Cộng).
Những công nghệ do các công ty của Hoa Kỳ phát triển đang tiếp thêm sức mạnh cho chính quyền Trung Quốc và việc phát triển quân đội của họ, ngay cả khi ĐCSTQ chỉ thị và tạo điều kiện cho việc đầu tư có hệ thống và mua lại các doanh nghiệp của Hoa Kỳ cùng các tài sản của các doanh nghiệp này để tạo ra một cuộc chuyển giao công nghệ trên quy mô lớn.
Một mối đe dọa cũ, lại thành mới
Ông Michael Sekora am hiểu một vài điều về quá trình này. Ông đứng đầu Dự án Socrates, một chương trình của Cơ quan Tình báo Quốc phòng dưới thời Tổng thống Reagan, được thiết lập ra để dẫn dắt Hoa Kỳ giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh.
Mục tiêu của dự án đó gồm hai phần: để tìm hiểu nguyên do tại sao Hoa Kỳ lại suy giảm khả năng cạnh tranh với Liên Xô và để sử dụng sự hiểu biết đó để tái thiết lại lợi thế cạnh tranh của đất nước.
Hiện ông Sekora tin rằng những bài học kinh nghiệm từ Dự án Socrates có vai trò trọng yếu để hiểu được — và đảo ngược — chiều hướng của một Hoa Kỳ đang xuống dốc.
Ông cho biết: “Trung Quốc hiểu rằng khai thác công nghệ hiệu quả hơn đối thủ là nền tảng của mọi lợi thế cạnh tranh.”
Ông nói vấn đề ở đây là thay vì tận dụng và khai thác các công nghệ quan trọng một cách hữu hiệu, Hoa Kỳ lại phải dùng đến cái mà ông Sekora gọi là “hoạch định tài chính,” và cho phép chính quyền Trung Quốc hợp tác và khai thác công nghệ để có lợi cho họ mọi lúc.
Trong khi Trung Quốc đang tiến tới, thì Hoa Kỳ chỉ đơn thuần là đang nới lỏng sự kiểm soát các doanh nghiệp và tung tiền vào vấn đề này với giả định rằng tăng tài trợ cho nghiên cứu và phát triển bằng cách nào đó sẽ chuyển thành sự sáng tạo và khai triển các công nghệ chính xác mà đất nước này có nhu cầu sử dụng khi họ cần.
Theo ông Sekora, đây là một giả thuyết sai lầm nghiêm trọng.
Ông cho biết: “Cách duy nhất để chống lại một cách hữu hiệu một chiến lược công nghệ là có một chiến lược công nghệ hiệu quả hơn. Thực hiện bất cứ biện pháp nào khác thì chỉ là nỗ lực vô ích.”
Không phải chỉ riêng có ông Sekora. Quan điểm của ông phù hợp với những cảnh báo của các quan chức quân sự hàng đầu của Hoa Kỳ rằng công nghệ quân sự của Trung Quốc sẽ vượt xa Hoa Kỳ nếu không thực hiện những thay đổi nghiêm túc quy trình phát triển và mua lại đó.
“Tốc độ [mà Trung Quốc] đang phát triển và quỹ đạo mà họ đang đi sẽ vượt cả Nga và Hoa Kỳ nếu chúng ta không làm gì để thay đổi điều đó,” ông John Hyten, Phó Chủ tịch đương thời của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, cho biết hồi tháng Mười. “Điều đó sẽ xảy ra.”
Bất chấp những cảnh báo như vậy, chiến lược tổng thể của Hoa Kỳ để cạnh tranh với Trung Quốc vẫn không thay đổi là bao. Mặc dù hơn 400 tổ chức Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách đen thương mại của Hoa Kỳ, nhưng chiến lược cải tổ một cách nhanh chóng, đổi tên, và thay thế các tổ chức này của ĐCSTQ đang làm xáo trộn tính hiệu quả của những biện pháp như thế và làm tăng tính phức tạp của mối quan hệ ràng buộc giữa quân đội Trung Quốc với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Kết quả là, việc chính quyền Trung Quốc đánh cắp và mua bán gần như một cách hợp pháp các công nghệ quan trọng của Hoa Kỳ tiếp tục gia tăng.
Để hiểu lý do tại sao, cần giải mã cách thức mà luật pháp Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ, cách mà các luật lệ đó được thiết kế một cách cụ thể để phục vụ cho mục đích này, và các tập đoàn Hoa Kỳ đang tiếp tục nuôi con rồng này như thế nào.
Luật pháp Trung Quốc khuyến khích việc thu mua các công nghệ của Hoa Kỳ
Ngăn chặn luồng công nghệ của Hoa Kỳ rơi vào tay quân đội Trung Quốc không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Nhiều điều luật của Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp [ngoại quốc] đang kinh doanh tại Trung Quốc, cho dù doanh nghiệp đó có phải là bên sẵn sàng chuyển giao hay không.
ĐCSTQ áp đặt các yêu cầu nghiêm ngặt lên các công ty liên doanh và các doanh nghiệp ngoại quốc đặt trụ sở tại đại lục. Chế độ này yêu cầu các doanh nghiệp tuân theo luật an ninh quốc gia, luật tình báo, luật an ninh mạng, và luật truy xuất dữ liệu vốn được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ hoặc để khuyến khích họ với tư cách là nguồn phụ trợ.
Luật bảo vệ dữ liệu năm 2021 của nhà cầm quyền này yêu cầu các quan chức của ĐCSTQ kiểm tra một số dữ liệu được thu thập ở Trung Quốc trước khi dữ liệu đó được gửi ra ngoại quốc. Một công ty Hoa Kỳ kinh doanh tại Trung Quốc mà giải quyết một số loại thông tin cá nhân nhất định vì thế phải được nhà chức trách chấp thuận trước khi chuyển giao đến các chi nhánh hoặc các máy chủ tại Hoa Kỳ của công ty này.
Ông T. Casey Fleming, giám đốc điều hành của BlackOps Partners, một công ty thu thập tin tức và tư vấn rủi ro chiến lược cho biết: “ĐCSTQ kiểm soát 100% việc giám sát cả các doanh nghiệp Trung Quốc lẫn các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc và Hồng Kông.”
“Tất cả các du khách không phải là người Trung Quốc đều bị theo dõi và giám sát, trên cả phương diện thực tế lẫn kỹ thuật số. Điều này được tăng cường bởi các luật của ĐCSTQ từ năm 2017 và 2018 vốn yêu cầu tất cả tài sản trí tuệ và dữ liệu của Mỹ phải được chia sẻ với ĐCSTQ.”
Trong số những luật quan trọng đang áp dụng đó có luật an ninh quốc gia năm 2015 của Bắc Kinh.
Theo luật này, công nghệ thông tin cốt lõi, cơ sở hạ tầng trọng yếu, và các hệ thống cùng dữ liệu quan trọng phải “bảo mật và có thể kiểm soát được.” Vào thời điểm đó, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ – Trung Quốc đã công bố một báo cáo, lưu ý rằng luật này “sẽ yêu cầu bất kỳ công ty nào đang hoạt động tại Trung Quốc phải giao nộp cho chính quyền mã máy điện toán và dãy khóa mã hoá, cũng như phải cung cấp cho chính quyền [Trung Quốc] một cửa hậu để vào mạng máy điện toán thương mại.”
Tương tự, luật an ninh mạng năm 2016 của nhà cầm quyền này yêu cầu các nhà khai thác mạng phải cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức công và an ninh quốc gia. Luật tình báo quốc gia năm 2017 của họ yêu cầu tất cả các tổ chức “hỗ trợ, giúp đỡ, và hợp tác với các nỗ lực tình báo quốc gia.”
Tuy nhiên, những luật lệ như vậy không chỉ được giới hạn ở việc truyền dữ liệu và truy cập vào tài sản trí tuệ (IP). Một số luật yêu cầu các doanh nghiệp phải tích cực quảng bá ĐCSTQ, các giá trị và thế giới quan của ĐCSTQ thông qua việc cần phải có các quan chức của ĐCSTQ làm việc trong các doanh nghiệp đang hoạt động tại Trung Quốc Đại lục.
Luật doanh nghiệp năm 1994 của Trung Quốc, được cập nhật vào năm 2018, yêu cầu tất cả các doanh nghiệp Trung Quốc và các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc phải thành lập các tổ chức của Đảng ở trong công ty của họ.
Thật ra, những hoạt động của các quan chức ĐCSTQ ở trong các doanh nghiệp của Hoa Kỳ đang vận hành tại Trung Quốc có thể không đạt tới được vai trò chính trị thực sự cần có của những quan chức làm việc trong các tổ chức do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, sứ mệnh của những tổ chức này do điều lệ của ĐCSTQ quy định. Tuy nhiên, áp lực chính trị vẫn có và được dùng để buộc các doanh nghiệp ngoại quốc phải trao quyền quyết định cho các Đảng viên.
Theo Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – Trung Quốc, một tổ chức bất vụ lợi chuyên về phát triển thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, thì các nhân viên của Trung Cộng làm việc trong các công ty tư nhân hiện diện để bảo đảm rằng công ty đó tuân theo luật pháp của ĐCSTQ. Tuy nhiên, hội đồng này cảnh báo rằng các doanh nghiệp cần “cảnh giác trước những áp lực phải thành lập các tổ chức của đảng trong các chi nhánh của họ ở Trung Quốc.”
Trong gần ba thập kỷ qua, điều đó chỉ được xem là cái giá [phải trả] khi kinh doanh ở Trung Quốc. Nhưng hiện các chuyên gia bảo mật cho biết rằng sự hiện diện của các quan chức ĐCSTQ này đặt ra mối đe dọa an ninh trực tiếp không chỉ đối với các doanh nghiệp tuyển dụng họ mà còn đối với quốc gia quê nhà của các doanh nghiệp đó.
Đây là bởi vì các quan chức của ĐCSTQ hành động để bảo đảm đảng có quyền truy cập vào dữ liệu quan trọng, tuân thủ luật [truy xuất] dữ liệu của Trung Quốc được đề cập bên trên.
“ĐCSTQ duy trì sự hiện diện trong tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hoa Kỳ để bảo đảm rằng việc chuyển giao công nghệ được diễn ra,” ông Fleming cho biết. “Các nhân sự chủ chốt của ĐCSTQ được đưa vào các cấu trúc báo cáo trong các doanh nghiệp có công nghệ, IP, và dữ liệu quan trọng của Hoa Kỳ.”
Theo ông Sam Kessler, một cố vấn địa chính trị tại công ty quản lý rủi ro đa quốc gia North Star Support Group, thì hành vi đánh cắp hoặc cưỡng ép mua lại công nghệ của các quan chức ĐCSTQ được cài cắm vào các doanh nghiệp đang kinh doanh ở Trung Quốc là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của chế độ này để hợp tác nghiên cứu toàn cầu phục vụ cho quyền lực của chính mình.
“Các quan chức của ĐCSTQ đã tuyên thệ phục vụ nhân danh chính quyền Trung Quốc, nghĩa là họ có nghĩa vụ pháp lý, nếu được yêu cầu, phải đánh cắp IP của một tổ chức của Mỹ hoặc phải tác động đến các hoạt động của họ theo hình thức hoặc mô hình nào đó phụng sự cho lợi ích của họ,” ông nói. “Đó là một hình thức chiến tranh bất đối xứng hoặc bất thường đã đang xảy ra trong các lĩnh vực tư nhân, công, học thuật, và nghiên cứu trong vài năm nay.”
Theo ông Kessler, ảnh hưởng tiêu cực từ các nhân viên của Trung Cộng không chỉ giới hạn ở hành vi trộm cắp của các Đảng viên. Các thành viên của ĐCSTQ cũng sẽ phát triển các nguồn lực khác ở trong các doanh nghiệp như một phần trong nỗ lực lớn hơn của ĐCSTQ nhằm thuê các nhà khoa học ngoại quốc và các chuyên gia khác thông qua chương trình tuyển dụng “Ngàn Nhân tài.”
Cố tình ép buộc chuyển giao công nghệ
Cụm các điều luật và thông lệ này dùng để chính trị hóa các doanh nghiệp Hoa Kỳ và các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Trung Quốc và chuyển tài sản trí tuệ quý giá và các công nghệ cao giá nhất của họ cho chính quyền ĐCSTQ.
Điều này không bất ngờ, cũng không phải là một bí mật giữa giới tinh hoa kinh doanh và chính trị Hoa Kỳ. Trên thực tế, phiên bản Báo cáo năm 1999 chưa được phân loại của của Ủy ban Đặc biệt về An ninh Quốc gia và Các mối Quan tâm Quân sự/Thương mại của Hoa Kỳ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thường được gọi là Báo cáo Cox, cho thấy bộ máy chính trị – pháp luật của Trung Quốc rõ ràng được thiết lập cho mục đích này.
“Cách tiếp cận của CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] tới các doanh nghiệp công nghệ Hoa Kỳ xuất phát từ tiền đề là các doanh nghiệp ngoại quốc nên được phép tiếp cận thị trường CHND Trung Hoa chỉ vì cách tiếp cận như vậy sẽ cho phép CHND Trung Hoa đồng hóa công nghệ, và cuối cùng là cạnh tranh với hoặc thậm chí vượt qua công nghệ của Hoa Kỳ,” bản báo cáo nêu rõ. “Do đó, CHND Trung Hoa coi các doanh nghiệp ngoại quốc như một biện pháp ngắn hạn để chiếm đoạt công nghệ.”
Báo cáo cũng cho thấy việc Hoa Kỳ không có khả năng hoặc không sẵn sàng làm các luật chuyển giao công nghệ chặt chẽ hơn đã khiến vấn đề này phức tạp hơn.
Báo cáo nêu rõ, “các chính sách và thông lệ kiểm soát xuất cảng của Hoa Kỳ và quốc tế đã tạo điều kiện cho các nỗ lực của Trung Quốc nhằm đạt được các công nghệ hữu ích về mặt quân sự” và “làm giảm khả năng kiểm soát việc chuyển giao công nghệ hữu dụng về mặt quân sự” hơn nữa.
Một số nhà phê bình lập luận rằng ngay cả bây giờ thì tình trạng đó vẫn không thay đổi là bao.
Tháng 10/2021, Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia (NCSC) đã khởi động một chiến dịch để cảnh báo và hướng dẫn cho các tổ chức của Hoa Kỳ tham gia vào các công nghệ mới nổi về những mối nguy của các hoạt động phản gián của ngoại quốc.
“Có rất nhiều ví dụ mà trong đó công nghệ, dữ liệu, tài năng, và vốn tri thức từ các lĩnh vực công nghệ mới nổi này của Hoa Kỳ đã bị chính quyền CHND Trung Hoa có được và đưa vào sử dụng để thực hiện các mục tiêu quốc gia và địa chính trị của CHND Trung Hoa,” một viên chức truyền thông của NCSC cho biết tại thời điểm đó.
Trộm cắp tăng vọt
Tốc độ hoạt động của các cơ quan của ĐCSTQ để mang về tài năng và công nghệ của Hoa Kỳ đã tăng nhanh chóng dưới thời lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, người lên nắm quyền vào năm 2012.
Năm 2012, ông Tập đã phát đi tín hiệu rằng ĐCSTQ cần phải “bao phủ toàn diện” khu vực tư nhân. Năm 2015, ông ta đã khởi xướng những cải cách khổng lồ về kinh tế và quân sự. Năm 2017, ông Tập thành lập Ủy ban Phát triển Quân sự và Dân sự Trung ương, củng cố hiệu quả chiến lược hiện được gọi là “Hợp nhất Quân sự – Dân sự” (MCF), được bắt đầu vào năm 2015.
Theo chiến lược MCF, toàn xã hội Trung Quốc được huy động tham gia vào quá trình “phục hưng vĩ đại” của dân tộc Trung Hoa bằng cách hiện đại hóa cánh quân sự của ĐCSTQ, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Trùng hợp với thời gian khai triển MCF, thì ngày càng có nhiều vụ trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ phát xuất từ Trung Quốc được các công ty Hoa Kỳ báo cáo.
Theo Báo cáo năm 2013 của Ủy ban về Trộm cắp Sở hữu Tài sản Trí tuệ Mỹ, hầu hết các nghiên cứu đều thấy rằng Trung Quốc chiếm khoảng 70% các vụ đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, báo cáo này lưu ý rằng “không có quy tắc ngón tay cái đáng tin cậy nào” cho những ước tính như vậy.
Một bản tuyên bố của Bộ Tư pháp được cập nhật hồi tháng 01/2021 cho biết có đến 80% trong tổng số các vụ truy tố gián điệp kinh tế do Bộ Tư pháp tiến hành kể từ năm 2018 có liên quan đến hành vi mang lại lợi ích trực tiếp cho ĐCSTQ. Bản tuyên bố này cho biết thêm rằng 60% trong số tất cả các vụ trộm cắp bí mật thương mại liên quan đến một số tổ chức có quan hệ với Trung Quốc.
Bất chấp điều này, các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc, thuê các quan chức của ĐCSTQ cùng với các nhân viên của Hoa Kỳ và ký kết hợp đồng với các tổ chức của Trung Quốc có liên kết trực tiếp với PLA — trong khi biết rõ ràng là luật của ĐCSTQ đòi hỏi công nghệ của những doanh nghiệp này sẽ được dùng làm đòn bẩy để cải thiện năng lực quân sự của Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục trợ giúp PLA
Nhiều luật lệ của ĐCSTQ kiểm soát việc bố trí các quan chức cộng sản trong các doanh nghiệp Hoa Kỳ và điều khiển việc chia sẻ dữ liệu của các doanh nghiệp này chỉ kiềm chế sự tham gia của các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Trung Quốc, và tầm ảnh hưởng của những hạn chế nghiêm ngặt hơn về thương mại và xuất cảng của Hoa Kỳ thì có vẻ bị giới hạn.
Theo một cuộc khảo sát với 338 doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Trung Quốc do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải thực hiện, khoảng 72% các doanh nghiệp Hoa Kỳ có mặt tại Trung Quốc không có các kế hoạch thuyên chuyển bất kỳ hoạt động nào của họ. Do đó, trong khi một số nhà sản xuất đến từ Đài Loan, Nhật Bản, và Việt Nam đang rời khỏi quốc gia này, thì một vấn đề quan trọng vẫn còn, theo tạp chí Financial Times.
Những doanh nghiệp tiếp tục làm ăn với các tổ chức có liên kết với ĐCSTQ và PLA ở Trung Quốc này gồm một số công ty công nghệ lớn nhất, mạnh nhất hành tinh. Đứng đầu trong số đó là Apple, doanh nghiệp này đã làm việc không mệt mỏi để tăng cường sự ủng hộ của mình đối với ĐCSTQ ở trong nước Trung Quốc để nỗ lực bảo đảm chuỗi cung ứng của chính mình, có tin là họ đã sử dụng lao động trẻ em Trung Quốc cho đến tận năm 2016.
Giám đốc Điều hành của Apple, ông Tim Cook, được cho là đã đi xa đến mức bí mật ký kết một thỏa thuận trị giá 275 tỷ USD với ĐCSTQ để bảo đảm quyền truy cập vào các chuỗi cung ứng và các dịch vụ khác ở Trung Quốc Đại lục. Thỏa thuận này bao gồm các liên doanh để xử lý dữ liệu và tuân thủ luật an ninh ở Trung Quốc, mặc dù không rõ là Apple hoặc ông Cook duy trì được bao nhiêu phần trăm quyền sở hữu trong các liên doanh này.
Điểm nhanh đến năm 2021, và một cuộc điều tra về các hoạt động của Apple tại Trung Quốc do The New York Times thực hiện phát hiện ra “Apple đã nhượng lại phần lớn quyền kiểm soát cho chính quyền Trung Quốc” ở Đại lục.
Tập đoàn công nghệ Cisco của Hoa Kỳ cũng đã lập một liên doanh trị giá 100 triệu USD với công ty công nghệ thông tin (CNTT) Inspur để phát triển cơ sở hạ tầng CNTT, các trung tâm dữ liệu, và thiết bị mạng vào năm 2016, bất chấp các báo cáo năm 2015 cho thấy Inspur được cho là phục vụ các khách hàng vốn đã cung cấp nghiên cứu hỏa tiễn cho quân đội Trung Quốc.
Năm 2020, công ty Inspur bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen.
Năm 2015, công ty máy tính Dell của Hoa Kỳ đã ký kết quan hệ hợp tác chiến lược với công ty Thanh Hoa Đồng Phương (Tsinghua Tongfang), một công ty phần mềm quốc doanh của Trung Quốc, để phát triển điện toán đám mây tiên tiến, dữ liệu lớn, và thậm chí xây dựng các thành phố thông minh ở Trung Quốc. Thanh Hoa Đồng Phương là một công ty con của Thanh Hoa Holdings, một công ty bán thiết bị truyền thông cho PLA.
Thỏa thuận này là một phần của sự chuyển đổi chiến lược tập trung vào Trung Quốc mà ban lãnh đạo của Dell gọi là “ở Trung Quốc, vì Trung Quốc,” và thỏa thuận này đi kèm với việc thành lập một phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo (AI) tại Học viện Khoa học Trung Quốc, trung tâm nghiên cứu quốc doanh hàng đầu của chế độ này.
Năm 2021, công ty Goldman Sachs và công ty Sequoia Capital có trụ sở tại Hoa Kỳ đã đầu tư một phần đáng kể trong số tiền hơn 700 triệu USD thuộc khoản đầu tư Series D do 4Paradigm huy động được, [4Paradigm] là một công ty công nghệ của Trung Quốc chuyên phát triển AI. Sau đó, một báo cáo của Trung tâm An ninh và Công nghệ Mới nổi của Đại học Georgetown tiết lộ rằng 4Paradigm đã có được một hợp đồng mở để phát triển phần mềm ra quyết định AI cho PLA.
Tương tự, các nhà nghiên cứu từ Intel đã thực hiện nghiên cứu với công ty 4Paradigm, phát triển và trình bày một báo cáo hội nghị về các phát hiện của họ trong việc quản lý các cơ sở dữ liệu với những bộ dữ liệu khổng lồ. Báo cáo đó cung cấp các kết quả thử nghiệm cho thấy một hệ thống cơ sở dữ liệu mới có thể gia tăng tốc độ để nâng cao hiệu quả của các mô hình ra quyết định bằng AI. Intel mô tả sự hợp tác này là “mang tính học thuật”, và không đưa ra bình luận nào về việc liệu họ có biết về hợp đồng AI giữa công ty 4Paradigm với quân đội Trung Quốc hay không.
Năm 2014, Intel đã đồng ý đầu tư 1.5 tỷ USD vào một công ty cổ phần thuộc sở hữu của nhà sản xuất chất bán dẫn Trung Quốc Tsinghua Unigroup (Tập đoàn Tử Quang), một công ty mà sau đó đã bị cấm thu mua lại các công ty Hoa Kỳ do có những liên kết với PLA.
Năm 2015, Hoa Kỳ đã cấm Intel bán một số bộ vi xử lý nhất định để giúp nâng cấp một siêu máy điện toán của Trung Quốc, nói là họ lo ngại rằng việc nghiên cứu vũ khí hạt nhân đang được thực hiện trên cỗ máy này.
Năm 2016, một công ty con khác của công ty mẹ Tsinghua Unigroup là Unisplendour đã liên doanh với tập đoàn Hewlett Packard (HPE) có trụ sở tại Hoa Kỳ để thành lập công ty H3C.
Tháng 11/2021, công ty H3C đã bị chính phủ TT Biden đưa vào danh sách đen do “hỗ trợ hiện đại hóa quân sự của Quân đội Giải phóng Nhân dân”. Tập đoàn HPE đã phản đối tuyên bố này, nói rằng họ đã “không thấy có dấu hiệu” nào cho thấy các sản phẩm của họ đang được bán cho PLA.
Cũng như rất nhiều tập đoàn khác, IBM vẫn duy trì việc xem Inspur như một đối tác trong chương trình OpenPOWER của mình, một nhóm hội viên bất vụ lợi chuyên thúc đẩy sự phát triển và chia sẻ kiến thức chuyên môn giữa những người sử dụng Kiến trúc [của bộ xử lý] Power của IBM, do đó sẽ cấp quyền truy cập vào một số công nghệ máy chủ tiên tiến nhất của IBM và những chuyên môn liên quan.
IBM cũng đầu tư vào một mối quan hệ đối tác chiến lược với Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC) thuộc sở hữu nhà nước, một trong 10 cơ quan hành chính – tập đoàn công nghiệp quốc phòng được chỉ định, để tạo ra một liên doanh cho chính quyền thành phố Thượng Hải. Tháng 09/2021, đối tác cũ của IBM là Beijing Teamsun đã cáo buộc IBM đánh cắp dữ liệu của khách hàng và phớt lờ các thỏa thuận về bảo mật để cung cấp nhân tài cho Inspur.
Tháng 05/2015, Hải quân Hoa Kỳ buộc phải tìm kiếm các máy chủ mới cho một số trong số Hệ thống chiến đấu Aegis của họ, được sử dụng để theo dõi và phòng thủ trước hỏa tiễn và phi cơ của đối phương, đó là khi họ phát hiện ra IBM đã bán công nghệ tương tự cho Lenovo có trụ sở tại Trung Quốc, bảo đảm một cách chắc chắn rằng PLA có thể tiếp cận công nghệ này ở Trung Quốc.
Microsoft cũng đã hợp tác với CETC để phát triển các máy chủ cho các tổ chức của chính quyền và cơ sở hạ tầng quan trọng ở Trung Quốc, cuối cùng đã hoàn thiện một phiên bản tùy chỉnh và “an toàn” của Hệ điều hành Windows 10 cho chính quyền Trung Quốc vào năm 2017.
Microsoft và CETC đã thành lập một liên doanh mang tên C&M Information Technologies để cấp phép hệ điều hành này cho các cơ quan thuộc chính quyền và một số doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc. CETC sở hữu 51% liên doanh trong khi Microsoft nắm giữ 49% còn lại, nghĩa là liên doanh này hoàn toàn chịu sự kiểm soát của luật công ty và an ninh nói trên của ĐCSTQ.
Trước khi chính phủ cựu Tổng thống Trump đưa Huawei vào danh sách đen, thì Google đã cung cấp phần cứng, phần mềm, và dịch vụ kỹ thuật cho công ty này. Một nhà khoa học hàng đầu của Google cũng đã tiến hành nghiên cứu với các đối tác Trung Quốc mà quân đội Hoa Kỳ cáo buộc đã được sử dụng để cải thiện hệ thống nhắm mục tiêu trên các chiến đấu cơ của Trung Quốc.
“Công việc mà Google đang tiến hành ở Trung Quốc đang gián tiếp mang lại lợi ích cho quân đội Trung Quốc”, Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch đương thời của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân cho biết trong một phiên điều trần hồi năm 2019.
“Chúng tôi thấy hết sức lo ngại khi các đối tác trong ngành [CNTT] kinh doanh tại Trung Quốc biết là có loại lợi ích gián tiếp đó. Thành thật mà nói, ‘gián tiếp’ có thể không phải là sự mô tả đầy đủ về bản chất thật sự của vấn đề. Nó mang tính lợi ích trực tiếp hơn cho quân đội Trung Quốc.”
Tương tự, vào năm 2019, người ta phát hiện ra một nhà khoa học hàng đầu của Google đã đóng góp vào một nghiên cứu mà có thể được sử dụng để cải thiện độ chính xác của các chiến đấu cơ tàng hình của Trung Quốc, mặc dù Google cho biết đó không phải là mục đích của những đóng góp của họ.
Đại công ty chất bán dẫn Qualcomm của Hoa Kỳ cũng đã ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược với chính quyền tỉnh Quý Châu ở khu vực tây nam Trung Quốc và đã công bố một liên doanh tại đó trị giá lên đến 280 triệu USD, trong đó có một cam kết từ phía Qualcomm về việc thành lập một công ty đầu tư để bảo đảm các khoản đầu tư vào Trung Quốc trong tương lai.
Liên doanh này là công ty Công nghệ Chất bán dẫn Hoa Tâm Thông Quý Châu (Guizhou Huaxintong Semiconductor Technology Co.), trong đó chính quyền tỉnh Quý Châu sở hữu 55% và 45% thuộc sở hữu của một công ty con của Qualcomm.
Bất chấp sự phân biệt mong manh giữa dân sự và quân sự hay giữa các vấn đề về học thuật và chính quyền tại Trung Quốc, các công ty Hoa Kỳ vẫn tiếp tục làm việc với ĐCSTQ và các chi nhánh của họ theo cách thức cho phép chế độ này sao chép các công nghệ do Hoa Kỳ sản xuất nhằm mục đích tăng cường cho quân đội của họ.
Quân đội Trung Quốc được trang bị vũ khí mô phỏng được tạo ra từ các công nghệ thiết kế đảo nghịch của Hoa Kỳ và Nga. Rất nhiều các bệ phóng hỏa tiễn, súng trường, xe tăng, xe Humvee, pháo tầm ngắn, chiến đấu cơ, và thiết bị bay không người lái do Trung Quốc sở hữu có nguồn gốc từ các công nghệ của Hoa Kỳ hoặc Nga.
Cần thực hiện những gì?
Từ lâu, các chuyên gia bảo mật đã kêu gọi cấm chuyển giao công nghệ liên quan đến các công nghệ quan trọng và mới nổi. Lời khuyên của họ hiếm khi được để tâm, và thậm chí sau đó, cũng chỉ ở lại bên lề.
Gần đây nhất thì Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, là đạo luật đặt ra ngân sách và chi tiêu cho Ngũ Giác Đài, có một điều khoản cấm quân đội Hoa Kỳ tài trợ cho nghiên cứu ở Trung Quốc Đại lục.
Điều khoản đó đã bị loại khỏi phiên bản cuối cùng của đạo luật này. Thay vào đó, một phiên bản nhẹ nhàng đã được bao gồm trong phiên bản ký thành luật cấm đầu tư vào chỉ một tổ chức, Liên minh Sức khỏe Sinh thái (EcoHealth Alliance), một tổ chức bất vụ lợi về y tế có trụ sở tại New York vốn đã đang bị giám sát vì có các mối liên kết với Viện Virus học Vũ Hán.
Phần lớn khả năng phòng thủ hữu hạn của Hoa Kỳ trước những hoạt động chuyển giao công nghệ được gói gọn trong “danh sách tổ chức,” một danh sách đen thương mại cấm các công ty Hoa Kỳ làm ăn với các tổ chức bị trừng phạt, điều mà các công ty vỏ bọc Trung Quốc dễ dàng tránh né, chỉ bằng việc thay đổi tên, ngay lập tức họ có thể tiếp tục kinh doanh như bình thường.
Cũng còn có các điều luật kiểm soát xuất cảng sẵn có để ngăn không cho các công nghệ liên quan đến an ninh quốc gia được bán trực tiếp cho Trung Quốc và quân đội nước này. Tuy nhiên, các công nghệ mới nổi như AI và học máy không có luật cấm xuất cảng hoàn toàn, vì chúng được sử dụng hợp pháp trong lĩnh vực dân sự cũng như quân sự.
Ông Kessler cho biết: “Các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn như Micron và Intel đã tìm được các cách để tiếp tục làm ăn với Huawei sau khi chính phủ Tổng thống Trump đưa tập đoàn này vào danh sách đen hồi năm 2019. Các doanh nghiệp này có thể có trụ sở chính ở Hoa Kỳ, nhưng họ có thể sử dụng các công ty con và các hoạt động ở hải ngoại để phân loại công nghệ của họ là ‘ngoại quốc.’”
“Việc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ đã gây thiệt hại rất lớn trong những năm qua và đã làm suy yếu khả năng duy trì lợi thế trong tương lai của Hoa Kỳ. Vào một thời điểm nào đó, các chính sách này cần đáp ứng mức độ nghiêm trọng của các kết quả hiện tại và tương lai phát sinh từ tình trạng này.”
Tương tự, ông Fleming cho biết sẽ cần tạo ra các điều luật mới để đương đầu với một chiến lược của ĐCSTQ vốn được thiết kế để khai thác các biện pháp kiểm soát xuất cảng hiện tại của Hoa Kỳ.
Ông nói: “Các đòn bẩy sức mạnh kinh tế truyền thống của chúng ta, những thứ như kiểm soát xuất khẩu, thuế quan, và trừng phạt, chỉ có tác động rất nhẹ để chống lại một chế độ toàn trị đang sử dụng mọi cách có thể để làm suy yếu Hoa Kỳ và các đồng minh. Các luật mới phải được thiết lập để đương đầu với chiến lược chiến tranh hỗn hợp không hạn chế của đối thủ của chúng ta.”
Theo ông Fleming, các phương tiện truyền thống của nghệ thuật quản lý kinh tế Hoa Kỳ chỉ định trực tiếp các tổ chức cụ thể: các tập đoàn tư nhân, các đơn vị quân đội, hoặc các cơ quan chính phủ. Ông cho biết điều này đã dẫn đến việc ĐCSTQ phát triển một chiến lược để lợi dụng Hoa Kỳ và thu thập công nghệ của quốc gia chúng ta.
“Cách tiếp cận hiện tại của Hoa Kỳ để lại các lỗ hổng trong chiến lược của chính mình cho phép ĐCSTQ có được hoặc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ,” ông nói. “ĐCSTQ chỉ cần tạo ra các doanh nghiệp vỏ bọc mới hoặc thông qua các công ty không nằm trong danh sách đen hoặc các công ty ở các quốc gia được chấp thuận khác.”
Đối với ông Sekora, tình huống này gợi lại cho ông những ký ức sống động về Chiến tranh Lạnh.
Ông nhớ lại cách thức mà Liên Xô đã phát triển và liên tục mở rộng một chuỗi lớn gồm hàng trăm nếu không muốn nói là hàng ngàn tổ chức bình phong trên toàn thế giới. Khi một tổ chức bị Hoa Kỳ và các đồng minh loại bỏ, thì hai tổ chức khác sẽ mọc lên để thế chỗ tổ chức kia.
Ông Sekora nói rằng ĐCSTQ có một lợi thế lớn so với Liên Xô, đó là: Chỉ có một số ít người có quyền lực cho đến rất gần đây mới thực sự coi Trung Quốc là kẻ thù.
Vì thế, trong khi tiến hành chiến lược công nghệ quốc gia của mình, những người cộng sản Trung Quốc đã không phải mang gánh nặng đối đầu và cạnh tranh liên tục như những người tiền bối Xô Viết của họ, ông cho biết.
Ông Sekora nói rằng Hoa Kỳ chắc chắn sẽ thua trong cuộc cạnh tranh đó trừ khi họ thay đổi quyết liệt cách tiếp cận hiện tại đối với chiến lược công nghệ và cho ngừng lại chiến lược hoạch định dựa trên tài chính của mình một lần và mãi mãi.
“Chiến lược công nghệ của Trung Quốc, tương tự tất cả các chiến lược công nghệ hiệu quả, dựa vào khả năng định vị và điều động khéo léo việc khai thác công nghệ để tạo ra và duy trì lợi thế cạnh tranh cần thiết trên thị trường, trên chiến trường, và trên trường chính trị thế giới,” ông cho biết.
Do đó, ngay cả khi Hoa Kỳ cản trở các tham vọng của ĐCSTQ trong việc thu mua hoặc đánh cắp các công nghệ quân sự của Hoa Kỳ trong ngắn hạn, thì chiến lược dựa trên chi tiêu hiện tại của Hoa Kỳ cũng sẽ cho thấy không đủ khả năng ngăn cản ĐCSTQ nắm được lợi thế về công nghệ, kinh tế, và chính trị trong dài hạn, theo ông Sekora.
Nếu không có sự chuyển đổi toàn chính phủ sang hướng điều động và khai thác các công nghệ quan trọng, thay vì chỉ tài trợ cho nghiên cứu, thì ông Sekora tin rằng sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi ĐCSTQ hoàn toàn thay thế Hoa Kỳ để trở thành siêu cường hàng đầu thế giới.
Ông Sekora nói: “Cách duy nhất để kiềm chế dòng chảy Sở hữu trí tuệ và R&D [Nghiên cứu và Phát triển] của Hoa Kỳ sang các công ty và các tổ chức quân đội Trung Quốc là hết sức chống lại các chiến lược công nghệ quốc gia và tổ chức của Trung Quốc.”
“Bất cứ điều gì khác bảo đảm chỉ là hành động vô ích.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là các vấn đề quốc phòng, quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Doanh Doanh biên dịch