Hoa Kỳ cần học bài học từ Ukraine và trang bị vũ khí cho Đài Loan ngay bây giờ

Huyền Anh

Hoa Kỳ cần học bài học từ Ukraine và trang bị vũ khí cho Đài Loan ngay bây giờ
Dân biểu Elise Stefanik (Cộng Hòa–New York) trình bày trong một sự kiện tại tòa thị chính do các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện tổ chức tại Hoa Kỳ hôm 01/03/2022. (Ảnh Getty Images)

Theo dân biểu Elise Stefanik (Cộng Hòa–New York), cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine cho thấy tầm quan trọng của việc Hoa Kỳ phải cung cấp vũ khí cho Đài Loan trước mối đe dọa của Bắc Kinh.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, bà Stefanik đã nói với chương trình “Capitol Report” của NTD: “Trung Quốc đang quan sát. Họ đang quan sát chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ khi chiến tranh xảy ra tại Ukraine. Tôi nghĩ chúng ta cần phải suy xét thật cẩn thận xem điều đó có ý nghĩa gì đối với tương lai của Đài Loan”.

Bà nói sai lầm mà Tổng thống Joe Biden mắc phải liên quan đến Ukraine không nên được lặp lại.

“Thành thật mà nói, một trong những bài học là – Đảng Cộng Hòa sẽ không bao giờ để cho điều này xảy ra nhưng Tổng thống Joe Biden đã để xảy ra – chính là họ đã không cung cấp vũ khí, đạn dược đủ sớm cho Ukraine”, bà nói thêm.

“Chúng ta cần trang bị vũ khí cho Đài Loan ngay bây giờ. Chúng ta cần trợ giúp Đài Loan ngay bây giờ, vừa để răn đe vừa bảo đảm rằng họ được trang bị vũ khí để phòng vệ”.

Kể từ khi Nga tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine hôm 24/02, Đài Loan đã ở trong tư thế cảnh giác cao, đề phòng rằng Trung Quốc có thể thực hiện hành động quân sự tương tự để chiếm lấy chủ quyền của đảo quốc tự trị này.

ĐCS Trung Quốc tuyên bố rằng Đài Loan là một phần thuộc Trung Quốc đại lục và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để chiếm lấy đảo quốc này. Trên bình diện quốc tế, Đài Loan đã được công nhận rộng rãi là một quốc gia độc lập trên thực tế có quân đội, hiến pháp riêng và quan chức chính phủ được bầu cử dân chủ.

Bắc Kinh có thể bị xúi giục tấn công Đài Loan ngay lúc này, tin rằng Moscow sẽ hỗ trợ họ theo liên kết đối tác “không giới hạn”, một liên minh Trung-Nga mới vừa được công bố ba tuần trước khi Nga xâm lược Ukraine. Mặc dù chính thức bị mắc kẹt với một lập trường “trung lập” giữa Nga và Ukraine, nhưng Bắc Kinh đã đứng về phía Nga tại cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và khuếch đại biện minh của Nga cho cuộc chiến tranh này.

Theo liên minh này, Nga đã công khai ủng hộ yêu sách của Trung Quốc đối với Đài Loan. Một thông cáo chung vào ngày 04/02 về mối quan hệ đối tác này cho biết Moscow “phản đối bất kỳ hình thức độc lập nào của Đài Loan”.

Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Bộ Chỉ huy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, có chung mối lo ngại với bà Stefanik về vấn đề Đài Loan. Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times hôm 25/03, ông Aquilino nói rằng bài học từ cuộc xâm lược của Nga sẽ là Trung Quốc “có thể thật sự tấn công Đài Loan”.

Ông cho biết Trung Quốc đã “tăng cường các hoạt động hàng hải và hàng không” theo những gì mà ông gọi là một “chiến dịch gây áp lực” nhằm vào Đài Loan. Ông nói thêm: “Chúng ta phải bảo đảm rằng chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng nếu có bất kỳ hành động nào được tiến hành”.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần điều chiến đấu cơ vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Hôm 24/02, khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine, Trung Quốc đã điều 9 chiến đấu cơ vào vùng ADIZ của đảo quốc này.

Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, kể từ ngày đó, các cuộc điều động tương tự đã xảy ra vào 18 ngày khác nhau. Vụ xâm nhập mới nhất diễn ra hôm 27/03 khi ba chiến đấu cơ của Trung Quốc trong đó có hai chiếc oanh tạc cơ, tiến vào vùng ADIZ phía đông nam của Đài Loan, khiến đảo quốc này phải khai triển chiến đấu cơ và hệ thống hỏa tiễn phòng không để đáp trả.

Phần lớn người dân Đài Loan không tin rằng đảo quốc này có thể tự đẩy lùi một cuộc xâm lược của Trung Quốc. Theo một cuộc khảo sát của Tổ chức Ý kiến Công chúng Đài Loan hôm 22/03, 78% trên 1,077 người được thăm dò ý kiến có cùng suy nghĩ đó.

Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có tham chiến chống Trung Quốc để bảo vệ Đài Loan hay không, chỉ 34.5% số người được khảo sát nói rằng họ tin Hoa Thịnh Đốn sẽ tham chiến, trong khi 55.9% số người cho rằng Hoa Kỳ sẽ không tham chiến.

Hoa Kỳ và Đài Bắc hiện không phải là các liên minh chính thức và Hoa Kỳ vẫn duy trì chính sách “mơ hồ chiến lược”, tức là Hoa Kỳ đang cố tình lập lờ trước câu hỏi liệu họ có bảo vệ Đài Loan hay không.

Bà Stefanik cũng chỉ trích Tổng thống Biden vì đã không sử dụng “mọi công cụ theo ý mình” để đối đầu với Trung Cộng, ngoại trừ lời bình luận “không đưa ra lời đe dọa” của Tổng thống hôm 24/03 để mô tả cuộc điện đàm của ông ấy với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hôm thứ Sáu (25/03), tại trụ sở NATO ở Brussels, Tổng thống Biden cho biết ông đã có một “cuộc trò chuyện thẳng thắn” với ông Tập. Tổng thống nói thêm rằng ông không đe dọa người đồng cấp Trung Quốc nhưng “[bảo đảm] rằng ông ấy hiểu hậu quả của việc ông ấy trợ giúp Nga”.

“Quý vị đang đối phó với một Trung Quốc đang tăng cường mối bang giao của họ với [Tổng thống Nga Vladimir] Putin trước cuộc xâm lược,” bà Stefanik nói, trước khi gọi ông Tập và ông Putin là “những kẻ độc đoán, bạo chúa khát máu” vốn đã “nhìn thấy điểm yếu của Hoa Kỳ”.

Hồi giữa tháng Ba, một số hãng thông tấn, dẫn lời các quan chức Hoa Kỳ ẩn danh, cho biết Nga đã yêu cầu hỗ trợ quân sự và viện trợ tài chính cho cuộc chiến của họ tại Ukraine, và Bắc Kinh đã ra hiệu sẵn sàng đồng ý làm theo yêu cầu đó. Hai quốc gia đã phủ nhận các cáo buộc này.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Related posts