NEW DELHI—Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa đáp xuống Ấn Độ hôm 24/03, chỉ vài ngày sau cuộc khẩu chiến ngoại giao căng thẳng giữa hai quốc gia về Kashmir và sau thất bại của vòng đàm phán quân sự lần thứ 15 hồi đầu tháng.
Chuyến thăm của ông Vương Nghị là chuyến thăm cấp cao nhất giữa hai quốc gia sau cuộc xung đột đẫm máu xảy vào năm 2020. Hôm 25/03, ông đã hội đàm với ông Ajit Doval, cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ và Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar.
Cả hai quốc gia đã khai triển hàng ngàn quân đến vùng biên giới trên cao kể từ cuộc giao tranh tay đôi khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và bốn binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng ở khu vực phía bắc Himalaya thuộc Ladakh hồi tháng 06/2020. Các cuộc đàm phán giữa các sĩ quan quân đội cao cấp đã không đạt được tiến triển nào.
Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp kéo dài ba tiếng đồng hồ với ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã nói: “Tôi đã rất chân thành trong các cuộc thảo luận của mình với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, đặc biệt là trong việc truyền đạt tinh thần quốc gia của chúng tôi về vấn đề này.”
Ông nói: “Những bất hòa và căng thẳng nảy sinh từ các cuộc điều động của Trung Quốc kể từ tháng 04/2020 không thể giải hòa cho một mối bang giao bình thường giữa hai nước láng giềng.”
Ông Jaishankar nói thêm rằng hành động khai triển quy mô lớn binh lính của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) là trái với thỏa thuận 1993-1996 giữa hai quốc gia và yêu cầu phía Trung Quốc rút quân hoàn toàn khỏi khu vực này.
Trong một tuyên bố, ông Vương Nghị nói rằng Trung Quốc và Ấn Độ nên hợp tác cùng nhau để thúc đẩy hòa bình và ổn định trên toàn thế giới.
Ông nói, “Hai bên nên … đặt những bất đồng trong vấn đề biên giới vào một vị trí thích đáng trong các mối quan hệ song phương và bám sát định hướng phát triển đúng đắn cho các mối quan hệ song phương.”
Bà Aparna Pande, giám đốc Sáng kiến về Tương lai của Ấn Độ và Nam Á tại Viện Hudson cho rằng các cuộc gặp cho thấy cả hai bên đều giữ quan điểm riêng về vấn đề biên giới.
Trong một thư điện tử gửi cho The Epoch Times, bà Aparna Pande nói: “Ông Vương Nghị hy vọng chuyến viếng thăm của ông ấy đến Delhi sẽ giúp Ấn Độ tiến tới tương lai và quên đi tất cả những gì đã xảy ra trong những năm vừa qua. Ấn Độ từ chối tiến tới tương lai trừ khi Trung Quốc điều quân về và do đó tình trạng bế tắc vẫn tiếp diễn.”
Bà Pande lưu ý rằng Ấn Độ đã “cứng rắn thảo ra” các điều kiện để bình thường hóa mối bang giao với Trung Quốc và đã nói rõ với phía Trung Quốc rằng họ muốn khôi phục nguyên trạng tại biên giới.
“Việc khôi phục trạng thái bình thường và cách tiếp cận thông thường không thể đi đôi với những căng thẳng [dọc khu vực biên giới Ladakh].” Bà nói thêm rằng sau chuyến viếng thăm của ông Vương Nghị, chúng ta có thể sẽ chứng kiến “một số hoạt động rút quân” từ phía Trung Quốc trong tương lai gần.
“Tuy nhiên kể cả vậy, ít có khả năng Ấn Độ sẽ hạ thấp cảnh giác.”
Một nỗ lực để cải thiện mối bang giao
Bà Pande chỉ ra rằng chuyến viếng thăm của ông Vương Nghị còn đánh dấu một nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm cải thiện hình ảnh toàn cầu của họ, trong bối cảnh quốc tế đang theo dõi sát sao lập trường của họ đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Bà nói: “Vào lúc Nga đang chịu áp lực lớn từ quốc tế và các lệnh trừng phạt, tôi thấy rằng việc Trung Quốc tiếp cận Ấn Độ là một nỗ lực để thể hiện là một quốc gia có mối bang giao tốt đẹp với các nước láng giềng, đồng thời thỏa hiệp và thương lượng các tranh chấp biên giới.”
Chính quyền Trung Quốc đã từ chối lên án hành động xâm lược của Nga và tái khẳng định mối bang giao “vững như bàn thạch” với Nga kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Ấn Độ, vốn vẫn duy trì liên kết an ninh sâu sắc với Nga, cũng kiềm chế chỉ trích Nga, một hành động khiến Hoa Kỳ thất vọng.
Theo ông Pathikrit Payne, một nhà tư vấn nghiên cứu về các vấn đề địa chính trị và chiến lược có trụ sở tại New Delhi, chuyến đi New Delhi này cho thấy Trung Quốc có lẽ đang tìm kiếm “các điểm chung,” cho rằng thái độ của Ấn Độ đối với cuộc chiến tranh này đã tạo ra sự rạn nứt trong mối bang giao giữa New Delhi và Hoa Thịnh Đốn.
Ông Payne cho rằng trong khi Bắc Kinh nghĩ họ có thể lợi dụng sự bất đồng giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ thì New Delhi tỏ ra không dễ phục tùng.
“Ấn Độ thực hiện một cách tiếp cận rất khéo léo. Họ xem toàn bộ chuyến viếng thăm của quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc là một sự kiện thông thường. Trong khi Ấn Độ cởi mở để cải thiện các mối bang giao bằng những điều kiện cứng rắn phù hợp, thì Trung Quốc dường như tỏ ra khẩn trương hơn.”
Bình luận về Kashmir
Chuyến thăm của ông Vương Nghị đến Ấn Độ diễn ra ngay sau chuyến thăm bất ngờ của ông đến Thủ đô Kabul của Afghanistan hôm 24/03 và chuyến thăm kéo dài ba ngày đến Pakistan để tham dự cuộc họp của Hội đồng các Bộ trưởng Ngoại giao thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) hôm 22/03, nơi Trung Quốc giữ vai trò quan sát viên.
Trong cuộc họp OIC đầu tiên của mình tại Islamabad, ông Vương Nghị đã đã nói: “Về vấn đề Kashmir, hôm nay chúng ta lại nghe được những lời kêu gọi từ nhiều người bạn Hồi giáo của chúng ta. Và Trung Quốc cũng có chung niềm hy vọng này.”
Kashmir là khu vực mà cả Ấn Độ và Pakistan đều kiểm soát một phần nhưng đều tuyên bố toàn bộ chủ quyền và là một trong những điểm nóng về địa chính trị nguy hiểm nhất trên thế giới.
Các chuyên gia cho rằng bình luận của ông Vương về vấn đề Kashmir cho thấy sự gần gũi của Bắc Kinh với Pakistan.
Theo bà Pande, thông điệp mà Trung Quốc gửi đến Ấn Độ là bất kể Ấn Độ làm gì tại biên giới của họ hay bất kể Ấn Độ làm được gì cho Trung Quốc thì Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục tham gia và việc giải quyết vấn đề Kashmir trên các diễn đàn quốc tế và đứng về phía Pakistan.
Tuyên bố của ông Vương Nghị đã hứng chịu sự chỉ trích gay gắt từ Bộ ngoại giao Ấn Độ. Ông Arindam Bagchi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cho biết: “Chúng tôi bác bỏ lời đề cập không phù hợp đến Ấn Độ của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong bài diễn văn của ông ấy tại Lễ khai mạc [cuộc họp OIC].”
Các chuyên gia cho rằng Ấn Độ hiếm khi công khai chỉ trích Bắc Kinh trong khi nêu đích danh một quan chức cao cấp như thế này.
Bà Pande nhận định: “Phản ứng chính thức của Ấn Độ cho thấy Delhi đã hiểu được rằng đối với Trung Quốc, quý vị cần phải thẳng thắn, cởi mở và rõ ràng, nếu không, Trung Quốc sẽ khinh nhờn quý vị.”
Nhưng lập trường của Trung Quốc tại cuộc họp OIC nhất quán với quan điểm lâu nay của họ.
Theo bà, “Không có gì mới mẻ trong tuyên bố của ông Vương Nghị. Từ nhiều thập niên, Trung Quốc vẫn luôn công khai đứng về phía Pakistan trong xung đột Kashmir. Đó là một trong những lý do mà Pakistan xem Trung Quốc là một đối tác và đồng minh chiến lược gần gũi.”
Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ Mỹ kim vào dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan nối vùng Tân Cương xa xôi phía tây Trung Quốc với bờ biển phía nam Pakistan thông qua một mạng lưới đường bộ và đường sắt. Việc mở rộng này cũng liên quan đến việc xây dựng các con đập và thành lập các khu kinh tế. Dự án này đi qua Gilgit-Baltistan, một vùng lãnh thổ đang có tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan.
Song song với cuộc họp của OIC, ông Vương đã gặp Tổng thư ký OIC Hissein Brahim Taha và hai nhà lãnh đạo đã nói về mối quan hệ lịch sử của Trung Quốc với thế giới Hồi giáo.
Bà Panda nói: “Bất chấp tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc muốn giữ mối bang giao tốt đẹp với thế giới Hồi giáo rộng lớn hơn và tại vấn đề này cũng vậy, sự ủng hộ của Pakistan như nước này đã thể hiện là rất quan trọng.”
Ông Payne cho rằng tuyên bố của ông Vương về vấn đề Kashmir tại cuộc họp OIC đã chứng minh lập trường cứng rắn của Ấn Độ đối với Bắc Kinh trong chuyến viếng thăm của ngoại trưởng Trung Quốc là đúng đắn.
Ông nói: “Phát ngôn của ông Vương Nghị gây phản cảm và vô nghĩa. Đó cũng là lý do tại sao Ấn Độ không thể hạ thấp cảnh giác bất chấp thái độ hòa hoãn của Trung Quốc.”
Cô Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều chủ đề. Lĩnh vực chuyên môn của cô là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã viết bài đóng góp cho các phương tiện truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập niên. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững và giới lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Khánh Ngọc biên dịch