Đông Phương
Vào ngày 24/3, chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Trung Quốc thông qua quy định mới, cho phép các cặp vợ chồng đáp ứng một số điều kiện nhất định được sinh con thứ 4.
Hôm 24/3, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Quảng Tây đã thông qua việc sửa đổi “Quy định về dân số và kế hoạch hóa gia đình” của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Quy định mới viết rằng, các cặp vợ chồng đã sinh 3 con, đủ điều kiện là cả hộ khẩu và nơi cư trú của hai người đều ở các huyện biên giới, thì có thể sinh con thứ tư.
Quảng Tây có 8 huyện biên giới. Ngoài người Hán, những khu vực này còn có các dân tộc thiểu số như Choang, Dao, Mèo và Kinh. Quốc gia duy nhất giáp biên giới với Quảng Tây là Việt Nam.
Dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), công dân Trung Quốc không có quyền tự do sinh sản. Trung ương ĐCSTQ đã công bố “chính sách 3 con” vào cuối tháng 5 năm ngoái, quy định rằng mỗi cặp vợ chồng có thể có tối đa 3 con; từ năm 2015 đến năm 2021, Trung Quốc thực hiện “chính sách hai con”; trước năm 2015, chính quyền này đã thi hành “chính sách một con” bắt buộc trong 36 năm.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc thường xuyên điều chỉnh chính sách sinh sản, chủ yếu là do nước này hiện đang phải đối mặt với áp lực dân số “tăng trưởng bằng không”, thậm chí là “tăng trưởng âm”. Năm 2021, dân số Trung Quốc tăng 480.000 người, theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố. So với dân số 1,4 tỷ người, con số này chỉ tương đương với ba phần vạn.
Ông Nguyên Tân (Yuan Xin), Phó chủ tịch Hiệp hội Dân số Trung Quốc, Giáo sư tại Viện Dân số và Phát triển của Học viện Kinh tế thuộc Đại học Nam Khai, nói với Red Star News rằng, có thể phán đoán rằng trên thực tế dân số Trung Quốc đã thuộc loại “tốc độ tăng trưởng bằng không”. Theo số liệu dân số năm 2021 vừa được công bố gần đây của 15 tỉnh Trung Quốc, có 13 tỉnh đã bước vào giai đoạn “tăng trưởng âm”.
Vậy tại sao vùng biên giới Quảng Tây lại đi đầu cho phép sinh 4 con?
Ông Nguyên Tân nói rằng đó là do tính đến vấn đề an ninh nhân khẩu biên giới. Ông cho rằng, vùng biên giới, hay còn gọi là vùng sâu, vùng xa, nơi đó hầu hết là nông thôn hoặc các thị trấn nhỏ nằm cách xa các thành phố trung tâm và thành phố lớn của cả nước; hơn nữa lượng người di cư từ nông thôn ra thành thị cũng nhiều, vậy nên việc duy trì một lượng nhân khẩu nhất định ở khu vực biên giới sẽ có lợi cho an ninh biên giới quốc gia.
Nhưng ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), nguyên Giáo sư Đại học Sư phạm Thủ đô Bắc Kinh, không đồng tình với cách nói này. Ông nói với phóng viên The Epoch Times rằng: “An ninh biên giới không phải là điều mà những người dân bình thường có thể quyết định. Việc bảo vệ đất nước là nhiệm vụ của bộ đội biên phòng. Bên cạnh đó, vốn dĩ họ nên sống hòa thuận với nước láng giềng. Không thể nói dân số đông thì sẽ đảm bảo được an ninh”.
Giáo sư Lý nói rằng, các quy định thay đổi ở Quảng Tây trước tiên chắc chắn phải được sự chấp thuận của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. “Dưới sự chuyên chế của ĐCSTQ, một tỉnh hoàn toàn không có quyền đưa ra các quy định về số lượng sinh đẻ, quan chức địa phương cũng không có gan dám phá hoại chính sách do lãnh đạo cấp cao đề ra. Vì vậy việc này chắc chắn là được chính quyền trung ương cho phép”.
Về lý do tại sao lại là Quảng Tây, ông Lý Nguyên Hoa cho rằng các khu vực biên giới của Quảng Tây dân cư thưa thớt và nền kinh tế không phát triển cho lắm, nên nếu chọn khu vực này làm thí điểm sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, bước tiếp theo họ sẽ quyết định xem có nên phổ biến ra toàn quốc hay không. “Tôi nghĩ giải thích theo cách này sẽ hợp lý hơn”, ông nói.
Ông Lý kết luận rằng, mỗi khi ĐCSTQ điều chỉnh chính sách sinh đẻ đều là do bất đắc dĩ. Bất kể là chính sách mấy con, nó cũng không được cân nhắc từ góc độ và quyền lợi của người dân, mà là tùy theo nhu cầu kéo dài chế độ chuyên quyền của ĐCSTQ.
Đông Phương