Cập nhật tình hình chiến sự Nga-Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự một cuộc phỏng vấn với một số phương tiện truyền thông Nga thông qua liên kết video, khi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine tiếp tục, tại Kyiv, Ukraine, hôm 27/03/2022. (Ảnh: Cơ quan Báo chí của Tổng thống Ukraine/Tài liệu phát qua Reuters)

Nga vẫn tiếp tục ném bom các thành phố của Ukraine dù đã hứa giảm hoạt động quân sự

Lực lượng vũ trang Nga hôm thứ Tư (30/3) vẫn ném bom vào vùng ngoại ô của thủ đô Kyiv và thành phố Chernihiv ở miền Bắc Ukraine sau khi đã hứa cắt giảm các hoạt động quân sự ở đó.

Giới chức Ukraine đã lên án Nga vẫn tấn công các thành phố nước này dù hôm thứ Ba (29/3) Moscow đã hứa sẽ cắt giảm các hoạt động quân sự ở gần thủ đô Kyiv và thành phố Chernihiv “nhằm gia tăng niềm tin song phương” cho các cuộc đàm phán hòa bình.

Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko nói trong bài phát biểu qua video với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) rằng: “Đó không phải sự thật. Suốt đêm chúng tôi đã nghe thấy tiếng còi báo động, các cuộc tấn công bằng rocket và chúng tôi đã nghe thấy những tiếng nổ lớn ở phía bắc và phía đông của Kyiv. Vẫn có những trận đánh lớn ở đó, mọi người đã chết, vẫn chết”.

Vào sáng thứ Tư (30/3), phía Nga đã gia tăng ném bom vào các vùng ngoại ô của thủ đô Kyiv, khu vực mà trong những ngày gần đây lực lượng vũ trang Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát.

Thị trưởng Chernihiv cho biết Nga đã tăng cường ném bom vào thành phố này trong suốt 24 giờ qua. Tại đây, hơn 100.000 người đã bị mắc kẹt, không có nguồn cung thiết yếu từ khoảng một tuần nay.

Theo thống đốc khu vực Donetsk, Nga cũng đang pháo kích vào hầu hết các thành phố dọc theo giới tuyến tạm thời chia tách các khu vực do chính phủ Ukraine kiểm soát với khu vực do lực lượng ly khai thân Nga chiếm giữ.

Các nhà lãnh đạo Ukraine và phương Tây đã cảnh báo rằng biểu hiện hướng đến hòa bình của Nga tại các cuộc đàm phán hôm 29/3 ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là vỏ bọc để họ tái tổ chức lực lượng vốn đã không thể chiếm được Kyiv.

Hôm 30/3, Nga nói lực lượng của họ đã đạt được các mục tiêu gần Kyiv cũng như Chernihiv, và đang tái tập hợp để tập trung vào nhiệm vụ “giải phóng” khu vực Donbass ở miền Đông Ukraine.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Nga đã bắt đầu điều chỉnh lại 20% đội ngũ binh sĩ đã đang dàn ra quanh Kyiv. Nhưng Lầu Năm Góc cũng cảnh báo rằng Moscow khả năng sẽ tái trang bị và tái cung ứng cho lực lượng này để tiếp tục tấn công vào thủ đô Ukraine.


Tổng thống Zelensky cho biết các cuộc đàm phán với Nga có thể được gọi là tích cực, nhưng sẽ không nới lỏng nỗ lực phòng thủ

Hôm thứ Ba (29/03), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các tín hiệu từ các cuộc đàm phán hòa bình với Nga có thể được gọi là tích cực, nhưng nói thêm rằng những tiến triển này không át được tiếng nổ từ đạn pháo của Nga.

Trong một bài diễn văn vào đêm muộn, ông Zelensky cũng bày tỏ sự thận trọng về lời hứa của Nga là sẽ cắt giảm mạnh hoạt động quân sự ở một số khu vực, và cho biết Ukraine sẽ không nới lỏng các nỗ lực phòng thủ của mình.

“Chúng tôi có thể nói rằng những tín hiệu mà chúng tôi nhận được từ các cuộc đàm phán là tích cực nhưng điều đó không át được tiếng nổ của đạn pháo Nga,” ông nói và cho biết thêm rằng Ukraine chỉ có thể tin tưởng vào một kết quả cụ thể từ các cuộc đàm phán.

Trước đó trong ngày, Nga đã hứa sẽ giảm quy mô các hoạt động quân sự xung quanh thủ đô và ở miền bắc của Ukraine.

Ông Zelensky nói rằng bất chấp lời hứa này, “tình hình vẫn chưa trở nên dễ dàng hơn… quân đội Nga vẫn rất có thể sẽ tiếp tục các cuộc tấn công nhằm vào đất nước của chúng ta.” Ông nói thêm, “Vì vậy, chúng ta sẽ không nới lỏng nỗ lực phòng thủ của mình.”

Ông Zelensky nhắc lại rằng để bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào có hiệu lực, quân đội Nga sẽ phải rời đi và không thể có sự thỏa hiệp về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.


Ngũ Giác Đài phát hiện ‘lượng nhỏ’ quân Nga đang di chuyển khỏi Kyiv

Ngũ Giác Đài cho biết họ đã phát hiện một “lượng nhỏ” lục quân Nga đang di chuyển khỏi khu vực Kyiv.

Hôm thứ Ba (29/03), phát ngôn viên John Kirby cho biết hoạt động chuyển quân này dường như là một sự tái bố trí lực lượng, chứ “không phải là một cuộc rút quân thực thụ.” Ông cho biết vẫn còn quá sớm để nhận định các đợt chuyển quân của Nga có thể rộng đến mức nào hoặc nơi những binh lính này sẽ được bố trí lại.

“Điều đó không có nghĩa là mối đe dọa đối với Kyiv đã kết thúc,” ông cho hay. “Họ vẫn có thể gây ra những hành động tàn bạo trên diện rộng đối với đất nước này, bao gồm cả thủ đô Kyiv.”

Ông cho biết các cuộc không kích của Nga nhằm vào Kyiv vẫn đang tiếp tục.

Khi được hỏi liệu Ngũ Giác Đài có đánh giá rằng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã thất bại hay không, ông Kirby cho biết các lực lượng Nga đã thất bại trong mục tiêu ban đầu là chinh phục Kyiv, nhưng vẫn là một mối đe dọa đối với đất nước này, bao gồm cả khu vực phía đông Donbas nơi các lực lượng Nga hiện đang tập trung toàn diện hơn.


Tổng thống Biden cho biết ‘chúng tôi sẽ xem’ liệu Nga có giảm leo thang ở Ukraine

Hôm thứ Ba (29/03), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết vẫn còn phải xem liệu Nga có tuân theo bất kỳ hành động nào nhằm giảm quy mô hoạt động quân sự của mình ở Ukraine hay không, đồng thời cho biết Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh sẽ tiếp tục các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và viện trợ cho Ukraine.

Ông nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc sau cuộc gặp với Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore, “Chúng tôi sẽ xem liệu họ có tuân theo những gì họ đang đề nghị hay không,” trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kyiv được nối lại. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao những gì đang diễn ra.”


Ukraine yêu cầu các bảo đảm an ninh tương tự như Điều 5 của NATO

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói chuyện trước các nhà đàm phán Nga và Ukraine trước cuộc đàm phán trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 29/03/2022. (Ảnh: Murat Cetinmuhurdar/Văn phòng Báo chí Tổng thống/Tài liệu phát qua Reuters)

Hôm thứ Ba (29/03), các nhà đàm phán Ukraine đã đề nghị một cơ chế tương tự như Điều 5 năm 1949 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, văn kiện thành lập của NATO, để bảo đảm an ninh cho Ukraine.

Đề nghị này sẽ yêu cầu các bên bảo lãnh tổ chức các cuộc tham vấn trong vòng ba ngày kể từ khi bắt đầu bất kỳ cuộc chiến tranh, xâm lược, chiến dịch quân sự nào, và bất kỳ cuộc chiến tranh hỗn hợp, trá hình nào nhằm vào Ukraine.

Chính phủ Ukraine cho biết trong một tuyên bố: “Sau các cuộc tham vấn đó, [các bên bảo lãnh] sẽ có nghĩa vụ pháp lý để cung cấp hỗ trợ quân sự cho đất nước chúng tôi, đặc biệt là dưới hình thức vũ khí và đóng cửa các không phận.”

Trong số các bên bảo lãnh được đề nghị có các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc, và Liên bang Nga.

Ukraine cũng muốn Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Canada, Ý, Ba Lan, và Israel được đưa vào danh sách các bên bảo lãnh.

Tuy nhiên, một số lãnh thổ đang bị tranh chấp sẽ không có được sự bảo đảm an ninh này.

Tuyên bố nêu rõ: “Đối với các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của các khu vực Donetsk và Luhansk cũng như Cộng hòa Tự trị Crimea, do tình trạng của họ không được quy định, nên tạm thời các bảo đảm an ninh quốc tế sẽ không áp dụng cho các vùng lãnh thổ này.”


Tòa Bạch Ốc điều tra cáo buộc ông Abramovich bị đầu độc

Hôm thứ Ba (29/03), phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Kate Bedingfield cho biết chính phủ Tổng thống Biden đang điều tra các cáo buộc rằng tỷ phú Nga Roman Abramovich bị đầu độc hồi đầu tháng này trong các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột Ukraine.

Một quan chức Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Hai rằng thông tin tình báo cho thấy việc ông Abramovich và các nhà đàm phán hòa bình Ukraine bị ốm là do một yếu tố môi trường, chứ không phải vì bị đầu độc.


Liên minh Âu Châu từ chối thanh toán khí đốt của Moscow bằng đồng rúp 

Hôm thứ Ba (29/03), Ủy ban Âu Châu cho biết, các nước thành viên EU sẽ không thanh toán cho khí đốt của Nga bằng đồng rúp, bác bỏ thời hạn chuyển đổi cơ chế thanh toán vào ngày 31/03 của Moscow. Thông báo này được đưa ra một ngày sau phản ứng tương tự từ các quốc gia G-7.


Tướng Mỹ cho biết có thể cần thêm lực lượng

Hoa Kỳ có thể sẽ cần bổ sung thêm các lực lượng thường trực hoặc luân phiên ở Âu Châu sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Âu Châu (EUCOM) của Hoa Kỳ nói với Quốc hội hôm thứ Ba (29/03), mà không nêu chi tiết về thời gian hoặc số lượng.

Tướng Tod Wolters, người cũng là chỉ huy đồng minh tối cao của NATO, cho biết các quyết định sẽ dựa trên những gì các quốc gia Âu Châu làm, đặc biệt là để đáp ứng nhu cầu xây dựng thêm bốn nhóm chiến đấu NATO, đang được thành lập ở Hungary, Slovakia, Romania, và Bulgaria. Các nhóm này là một nỗ lực để bảo vệ và trấn an các quốc gia ở sườn phía đông của Âu Châu.

Ông Wolters nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện: “Tôi e rằng chúng ta sẽ còn cần nhiều hơn nữa.”


Điện Kremlin bác bỏ mối đe dọa sử dụng lực lượng hạt nhân trong chiến tranh Ukraine

Hôm thứ Hai (28/03), phát ngôn viên trưởng của Tổng thống Nga Vladimir Putin Dmitry Peskov cho biết “không ai nghĩ đến việc sử dụng — kể cả ý tưởng về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.”

Tuy nhiên, ông nói thêm, “Chúng tôi có một khái niệm an ninh rất rõ ràng rằng chỉ khi có mối đe dọa đối với sự tồn tại của nhà nước ở đất nước chúng tôi, chúng tôi có thể sử dụng và chúng tôi sẽ thực sự sử dụng vũ khí hạt nhân để loại bỏ mối đe dọa đó.”


Đại biểu Nga cho biết đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán

Người đứng đầu phái đoàn đàm phán với Ukraine của Nga nói rằng Moscow coi cuộc gặp mới nhất là một bước tiến hướng tới thỏa hiệp.

Ông Vladimir Medinsky cho biết trên kênh truyền hình RT của Nga rằng Nga coi các đề nghị của Ukraine được đưa ra hôm thứ Ba (29/03) trong cuộc đàm phán ở Istanbul là “một bước để đạt được thỏa hiệp với chúng tôi, một thực tế tích cực rõ ràng.”

Ông nói thêm rằng hai bên còn một chặng đường dài để đạt được một thỏa thuận.

Ông Medinsky nói rằng Nga đã thực hiện “hai bước lớn hướng tới hòa bình” trong các cuộc đàm phán, đầu tiên bằng cách đồng ý giảm các hoạt động quân sự xung quanh thủ đô Kyiv của Ukraine và thành phố Chernihiv ở phía bắc Ukraine. Ông cho biết Nga đã đồng ý tổ chức một cuộc gặp trong tương lai giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau khi một hiệp ước hòa bình tiềm năng sẵn sàng được ký kết.

Trước đó trong ngày, phái đoàn Ukraine cho biết họ đã đề ra một khuôn khổ khả thi cho một thỏa thuận hòa bình tương lai dựa trên các bảo đảm an ninh có ràng buộc về mặt pháp lý, vốn sẽ cho phép các nước khác can thiệp nếu Ukraine bị tấn công.


Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy ‘tiến triển có ý nghĩa nhất’ trong các cuộc đàm phán

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các nhà đàm phán Nga và Ukraine đã đạt được “sự đồng thuận và nhận thức chung” về một số vấn đề.

Ông Mevlut Cavusoglu cho biết hai bên đã đạt được “tiến triển có ý nghĩa nhất” kể từ khi bắt đầu đàm phán tại một cuộc gặp ở Istanbul hôm thứ Ba (29/03). Ông cho biết cuộc gặp sẽ được tiếp nối bằng một cuộc gặp giữa các ngoại trưởng Nga và Ukraine.

Ông Cavusoglu cho biết một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine cũng nằm trong “nghị trình này”. Nhưng ông không đưa ra khung thời gian cụ thể.

Ông nói rằng các vấn đề khó khăn “sẽ được giải quyết ở một cấp cao hơn.”

Ông Cavusoglu nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ khuyến khích hai bên “đạt được một lệnh ngừng bắn” và một thỏa thuận về vấn đề mở các hành lang nhân đạo.


Lãnh đạo Chechnya kêu gọi tấn công thủ đô Ukraine

Lãnh đạo được Điện Kremlin hậu thuẫn của tỉnh Chechnya thuộc Nga đã kêu gọi tấn công thủ đô Ukraine.

Tuyên bố của ông Ramzan Kadyrov được đưa ra hôm thứ Ba (29/03) khi quân đội Nga thông báo sau một vòng đàm phán với các nhà đàm phán Ukraine ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ sẽ thu hẹp quy mô các hoạt động chiến đấu gần thủ đô Kyiv của Ukraine và thành phố Chernihiv ở phía bắc Ukraine.

Trình bày trước khoảng 10,000 quân tại thủ phủ Grozny của Chechnya, ông Kadyrov nói: “Chúng ta cần hoàn thành những gì chúng ta đã bắt đầu và không nên dừng lại.” Ông nói nếu Moscow cho phép các chiến đấu cơ của ông tấn công, “Tôi sẽ tự tin hơn rằng chúng ta sẽ tiến vào Kyiv và thiết lập trật tự ở đó.”

Ông Kadyrov đã đăng nhiều video trên một ứng dụng nhắn tin được cho là quay cảnh ông và các chiến binh Chechnya ở ngoại ô Kyiv và ở cảng Mariupol bị bao vây trên Biển Azov. Những video đó không thể được xác minh một cách độc lập.


Bỉ trục xuất 21 nhà ngoại giao Nga 

Bỉ đã quyết định trục xuất 21 nhà ngoại giao Nga vì các hoạt động liên quan đến gián điệp hoặc lợi dụng chức vụ gây ảnh hưởng trái pháp luật.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Bỉ Elke Pattyn nói với The Associated Press hôm thứ Ba (29/03) rằng các nhà ngoại giao có hai tuần để rời khỏi nước này.


Thị trưởng thành phố: Mariupol của Ukraine đang ‘nằm trong tay’ quân đội Nga

Các quân nhân của quân đội thân Nga lái một bệ phóng đa hỏa tiễn với các ký hiệu “Z” được sơn trên các mặt bên của phương tiện trong cuộc xung đột Ukraine-Nga tại thành phố cảng phía nam bị bao vây Mariupol, Ukraine, hôm 24/03/2022. (Ảnh: Alexander Ermochenko /File Photo/Reuters)

Các quan chức Ukraine cho biết quân đội Nga đang kiểm soát các khu vực rộng lớn của thành phố Mariupol bị bao vây ở Biển Đen.

“Không phải mọi thứ đều nằm trong khả năng của chúng ta,” Thị trưởng Mariupol Vadym Boichenko nói với CNN hôm thứ Hai. “Thật không may, hôm nay chúng ta đang nằm trong tay của những kẻ chiếm đóng.” Ông cũng cho biết khoảng dưới một nửa số cư dân của thành phố vẫn còn ở lại.

“Theo ước tính của chúng tôi, có khoảng 160,000 người đang ở trong thành phố Mariupol bị bao vây hôm nay, nơi không thể sống được vì không có nước, điện, nhiệt, không có kết nối,” ông tiếp tục. “Và điều đó thực sự đáng sợ.”

Sau khoảng một tháng bị pháo kích nặng nề cũng như nhiều ngày chiến đấu trên đường phố, thành phố này đã rơi vào tay quân Nga. Mariupol có thể được coi là một thành phố chiến lược đối với Nga vì chiếm được nó sẽ cho phép Moscow kết nối lực lượng của họ ở Bán đảo Crimea với khu vực ly khai Donbas.

Hôm thứ Ba (29/03), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một bài diễn văn trước Nghị viện Đan Mạch rằng cuộc bao vây Mariupol là một “tội ác phản nhân loại”. Theo ông, quân đội Nga đang phá hủy các hầm trú ẩn có dân thường bên trong.


Hà Lan trục xuất 17 nhà ngoại giao Nga 

Ngoại trưởng Wopke Hoekstra nói chuyện với giới báo chí ở La Haye, Hà Lan, sau quyết định trục xuất 17 nhà ngoại giao Nga hôm 29/03/2022. (Ảnh: Bart Maat/ANP/AFP qua Getty Images)

Chính phủ Hà Lan cho biết họ đang trục xuất 17 sĩ quan tình báo Nga, gọi sự hiện diện của họ là một “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”.

Bộ Ngoại giao Hà Lan cho biết bộ đã triệu tập Đại sứ Nga hôm thứ Ba (29/03) và thông báo với các sĩ quan này, những người vốn được công nhận là nhà ngoại giao, rằng họ sẽ bị trục xuất khỏi nước này.

Bộ cho biết họ đã ra quyết định trên vì lý do an ninh quốc gia.

Chính phủ Hà Lan cho biết họ đã ra quyết định với sự tham vấn của “một số quốc gia cùng chung chí hướng,” viện dẫn các lệnh trục xuất tương tự từ Hoa Kỳ, Ba Lan, Bulgaria, Slovakia, Estonia, Latvia, Lithuania, và Montenegro.


CEO Google gặp Thủ tướng Ba Lan để cung cấp hỗ trợ cho người Ukraine

Giám đốc điều hành của Alphabet và Google Sundar Pichai đã gặp Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki để đề nghị hỗ trợ và viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine.

Ông Pichai và ông Morawiecki cũng đã tổ chức một cuộc họp từ xa với Thủ tướng Slovenia Janez Jansa và đại diện của Thủ tướng Séc Petr Fiala.

Ngoài ra, ông Pichai cũng gặp gỡ các tổ chức nhân đạo của Ba Lan và các công ty khởi nghiệp của Ukraine. Ba Lan là điểm đến lớn nhất cho những người tị nạn chạy khỏi Ukraine.


Tổng thống Zelensky: 7 người thiệt mạng trong cuộc không kích thành phố miền nam Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết 7 người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào trụ sở chính quyền khu vực ở thành phố Mykolaiv, thuộc miền nam nước này.

Ông Zelensky, người đã nói chuyện với Nghị viện Đan Mạch qua một phiên dịch viên, tuyên bố cuộc không kích hôm thứ Ba (29/03) cũng khiến 22 người bị thương. Kênh Telegram của thống đốc khu vực Vitaliy Kim cho thấy một lỗ hổng lớn ở trung tâm của tòa nhà chín tầng này.

Ông Zelensky đã trình bày trực tuyến trước các nhà lập pháp ở một số quốc gia, bao gồm các nhà lập pháp ở Hoa Kỳ, Anh, Thụy Điển, Đức, Canada, Israel, Nhật Bản, và Liên minh Âu Châu.

Ông sẽ trình bày trước Nghị viện Na Uy vào thứ Tư (30/03).


Nga trục xuất 10 nhà ngoại giao đến từ ba quốc gia Baltic

Nga đã trục xuất tổng cộng 10 nhà ngoại giao từ ba quốc gia Baltic là Estonia, Latvia, và Lithuania để trả đũa việc các nước này trục xuất các nhà ngoại giao Nga hồi đầu tháng này.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đang hủy bỏ việc công nhận bốn nhà ngoại giao của Lithuania, ba nhà ngoại giao của Latvia và ba nhà ngoại giao của Estonia và họ sẽ được yêu cầu rời khỏi nước này. Số người bị yêu cầu rời đi tương ứng với số nhà ngoại giao Nga mà mỗi nước đã trục xuất trước đó.

Hôm 18/03, ba quốc gia Baltic này đã ra lệnh trục xuất 10 nhân viên đại sứ quán Nga trong một hành động phối hợp được thực hiện để thể hiện tình đoàn kết với Ukraine.

Hôm thứ Ba (29/03), Nga cho biết hành động này “mang tính khiêu khích và hoàn toàn vô căn cứ” và họ đã triệu tập các đại sứ Estonia, Latvia, và Lithuania tại Moscow để chính thức phản đối.


Nga sẽ ‘giảm mạnh’ hoạt động quân sự gần Kyiv để các cuộc đàm phán được thành công

Hôm thứ Ba (29/03), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Alexander Fomin thông báo Nga đã “giảm mạnh” hoạt động quân sự của mình gần Kyiv và Chernihiv (tiếng Nga gọi là Chernigov) khi các cuộc đàm phán với Ukraine bước vào giai đoạn “thực tế”.

Nói chuyện với giới báo chí sau các cuộc hội đàm với phái đoàn Ukraine, ông Fomin cho biết, “Nhằm mục đích tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và tạo điều kiện cần thiết cho các cuộc đàm phán tiếp theo, đồng thời đạt được mục tiêu cuối cùng là đồng ý và ký kết hiệp định nói trên, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã ra một quyết định để giảm mạnh hoạt động quân sự trên các hướng tiếp cận Kyiv và Chernigov theo nhiều đợt.”

Chernihiv, ở miền bắc Ukraine, cách Kyiv khoảng 150 km (93 dặm).

Các quan chức Nga sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết về việc cắt giảm đó sau khi phái đoàn trở lại Moscow, ông Fomin cho biết.


Vòng đàm phán Nga-Ukraine bắt đầu tại Thổ Nhĩ Kỳ, có sự tham dự của ông Abramovich

Hôm thứ Ba (29/03), Nga và Ukraine đã bắt đầu cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp đầu tiên trong hơn hai tuần tại Istanbul, với sự tham dự bất ngờ của tỷ phú người Nga Roman Abramovich, người bị phương Tây trừng phạt vì cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine.

Video feed của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy hai bên ngồi đối diện nhau tại một chiếc bàn dài trong văn phòng tổng thống, với nhà tài phiệt Nga ngồi ở hàng ghế đầu dành cho người xem, mặc bộ đồ màu xanh lam.

Trong một bài diễn văn về eo biển Bosphorus diễn ra trước cuộc hội đàm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói với các phái đoàn rằng đã đến lúc cần có kết quả cụ thể và tiến trình đó sẽ mở đường cho một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia.

Ông nói: “Việc ngăn chặn thảm kịch này tùy thuộc vào các bên. Vì lợi ích của tất cả mọi người, cần đạt được một lệnh ngừng bắn và hòa bình càng sớm càng tốt. Chúng tôi nghĩ rằng hiện chúng ta đã bước vào một giai đoạn mà cần có những kết quả cụ thể từ các cuộc đàm phán.”

“Quá trình đàm phán mà các vị đang thực hiện theo lệnh của lãnh đạo của các vị đã làm dấy lên hy vọng về hòa bình.”

Truyền hình Ukraine cho biết cuộc họp bắt đầu với một “sự đón tiếp lạnh lùng” và không có cái bắt tay nào giữa các phái đoàn.

Hôm thứ Hai (28/03), Ukraine cho biết mục tiêu tham vọng nhất của họ tại cuộc gặp này là đạt được thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn.

Related posts