Một số nhà phân tích cho rằng Mỹ và Philippines đang tiến hành các cuộc tập trận chung quy mô lớn bất thường để đáp trả những lo ngại ngày càng tăng của Philippines về mối đe dọa từ Trung Quốc.
Quân đội Hoa Kỳ tham gia cùng quân đội Philippines hôm thứ Hai (28/3) khi họ chuẩn bị tham gia cuộc tập trận “Kề vai sát cánh”. Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết đây là cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của 3.800 người Philippines và 5.100 nhân viên Hoa Kỳ.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã quay sang Mỹ trong hai năm qua, sau khi cố gắng thân thiện với Trung Quốc trước đó. Trung Quốc đã đề xuất viện trợ phát triển hàng tỷ USD cho Philippines, nhưng lại sử dụng quân đội của mình để gây áp lực lên các đảo và vùng biển mà hai nước đang tranh chấp. Trung Quốc có quân đội lớn thứ ba trên thế giới.
Các cuộc tập trận năm nay củng cố liên minh quân sự giữa Hoa Kỳ và Philippines, hai bên đã ký Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau vào năm 1951 và Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) vào năm 1999. Ông Duterte từng đe dọa hủy bỏ hiệp ước năm 1999 nhưng năm ngoái đã đồng ý duy trì nó.
Ông Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Daniel Inouye về Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương ở Hawaii cho biết: “Hoa Kỳ luôn trân trọng và đón nhận mối quan hệ này, vì vậy tôi nghĩ rằng nó cũng có ảnh hưởng nhất định đến suy nghĩ của ông Duterte”.
Ông cho biết Philippines là một “quốc gia dễ giao động ở Ấn Độ – Thái Bình Dương” và đang xoay trục về phía Hoa Kỳ để đảm bảo quyền tiếp cận Biển Đông, nơi giàu tài nguyên thủy sản và năng lượng.
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc
Vào tháng 3 và tháng 4 năm 2021, hơn 220 tàu Trung Quốc đã thả neo tại một bãi đá ngầm đang tranh chấp ở Biển Đông, khiến Philippines tức giận. Philippines cũng phản đối việc một tàu nghiên cứu của Trung Quốc đã dành ba ngày ở biển Sulu ngoài khơi Philippines vào đầu năm nay.
Tuần này, các quan chức Trung Quốc và Philippines đều khẳng định yêu sách của họ đối với bãi cạn Scarborough giàu thủy sản ở Biển Đông (được Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham), sau khi Philippines cho rằng một tàu hải cảnh của Trung Quốc “vi phạm” chủ quyền của nước này.
Kế hoạch hành động ứng phó với khủng hoảng
Lực lượng vũ trang Philippines cho biết cuộc tập trận, dự kiến bao gồm các hoạt động đổ bộ, không kích và hoạt động trên tàu ở hai địa điểm, sẽ kết thúc vào ngày 8/4. Công tác nhân đạo cũng nằm trong chương trình.
Các quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng cuộc tập trận “Kề vai sát cánh” giúp “tăng cường khả năng lập kế hoạch hoạt động và ứng phó với khủng hoảng”.
Ông Ramon Casiple, một nhà phân tích chính trị độc lập tại Manila, cho biết cuộc tập trận đặc biệt quan trọng nếu Trung Quốc có kế hoạch đẩy Philippines khỏi bãi cạn Scarborough. Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn vào năm 2012 sau hai tháng bế tắc.
Ông Casiple nói: “Nếu Mỹ quay trở lại khu vực và coi đây là một điều quan trọng, thì Philippines sẽ có chỗ đứng vững chắc trong khu vực tranh chấp này”. “Philippines chưa bao giờ nhượng lại bãi cạn Scarborough cho Trung Quốc”.
Chính phủ Mỹ coi Philippines là một trong những đồng minh châu Á – Thái Bình Dương và đã yêu cầu Bắc Kinh, duy trì quyền tự do hàng hải quốc tế ở Biển Đông.
Ông Aaron Rabena, một nhà nghiên cứu tại Tổ chức Con đường Tiến bộ Châu Á – Thái Bình Dương (Asia-Pacific Pathways to Progress Foundation) ở Manila, cho biết các cuộc tập trận đã diễn ra đúng kế hoạch, nhưng nó cũng diễn ra vào thời điểm mà cả Philippines và Mỹ đều muốn chứng tỏ điều gì đó. Ông nói: “Những điều này, tôi nghĩ là vì tình hình lãnh thổ và để bắt kịp cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina”.
Tờ ‘Thời báo Hoàn cầu’ của nhà nước ĐCSTQ cho biết trong một bài xã luận hôm thứ Hai rằng cuộc tập trận “Kề vai sát cánh” “có động lực chính trị lớn hơn nhiều so với bản thân quân sự”. Bài xã luận cáo buộc Hoa Kỳ “đổ thêm dầu vào lửa”. Bài bình luận có đoạn: “Bất chấp cuộc khủng hoảng Ukraina, Mỹ sẽ duy trì sự tập trung vào ‘khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương’. Khi tình hình Ukraina tiếp tục bế tắc và năng lượng của Hoa Kỳ chắc chắn bị kìm hãm, Washington muốn hiện thực hóa cái gọi là ‘mối quan tâm’ vào ‘khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương’ và khuấy động các chủ đề gây tranh cãi, các hoạt động quân sự, bao gồm cả các cuộc tập trận chung”.
Ông Casiple nói rằng, người Philippines đang theo dõi mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/5. Ông Duterte phải rời nhiệm sở vì các giới hạn nhiệm kỳ.
Các cuộc thăm dò hồi tháng 2 cho thấy ông Marcos Jr., con trai của cựu Tổng thống Marcos, đang dẫn trước các ứng cử viên khác. Ông gọi Trung Quốc là “bạn” và truyền thông trong nước đưa tin rằng ông đề nghị hoãn phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016. Một tòa án quốc tế đã ra phán quyết rằng các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.
Người Philippines thường không chọn các ứng cử viên tổng thống dựa trên các tuyên bố về chính sách đối ngoại và Marcos đã không nói rằng ông sẽ từ bỏ Hoa Kỳ ngay cả khi ông tìm cách xích lại gần Bắc Kinh.
Cuộc tập trận quân sự hàng năm của Mỹ-Philippines đã bị hủy bỏ vào năm 2020 do đại dịch và đã được thu nhỏ vào năm ngoái.