Hôm 30/03, Bộ Tư pháp (DOJ) đã buộc tội một công dân Trung Quốc bị cáo buộc đang làm việc như một gián điệp bí mật cho chế độ cộng sản Trung Quốc.
Ông Tôn Hải Anh (Sun Hoi Ying), 53 tuổi, bị cáo buộc đã theo dõi ít nhất 35 cá nhân tại Hoa Kỳ và cung cấp thông tin từ những nỗ lực của ông cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) từ năm 2017 đến năm 2022.
Theo các công tố viên, các hoạt động của ông Tôn là một phần của “Chiến dịch Săn Cáo,” một sáng kiến của ĐCSTQ bắt đầu từ năm 2014 nhằm cưỡng ép những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc và những người đào tẩu bị cáo buộc khác trở về Trung Quốc đại lục, hoặc buộc họ nộp các khoản thanh toán tài chính cho nhà cầm quyền này.
Theo lệnh bắt giữ ông này, ông ta dựa vào các công ty điều tra tư nhân và một nhân viên thực thi pháp luật New York để tiến hành các hoạt động bí mật của mình. Ít nhất một trong những nạn nhân của ông này, một người phụ nữ mang thai, đã bị bắt ép giam giữ trong tám tháng khi đến thăm Trung Quốc.
“Vụ việc này một lần nữa chứng tỏ sự coi thường của CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] đối với pháp quyền và những nỗ lực của họ nhằm ép buộc và đe dọa những người mà họ nhắm đến ở đất nước chúng ta, như một phần của Chiến dịch Săn Cáo,” Trợ lý Tổng chưởng lý Matthew Olsen nói trong một tuyên bố.
“Bị cáo này bị cáo buộc đã đến Hoa Kỳ và chiêu dụ những người khác, bao gồm cả một nhân viên thực thi pháp luật đã tuyên thệ, để theo dõi và tống tiền các nạn nhân của mình. Hành vi như vậy vừa phạm tội vừa đáng hổ thẹn.”
Tuyển mộ người dân địa phương
Theo tài liệu của tòa án, nhiều nạn nhân của ông Tôn là các công dân người Mỹ gốc Hoa đã ở Hoa Kỳ trong nhiều năm.
Trong một nỗ lực, ông Tôn bị cáo buộc đã theo dõi một nạn nhân đang sống ở Hoa Kỳ từ năm 2002, bằng cách tranh thủ sự giúp đỡ từ phía lãnh đạo của một tổ chức cộng đồng giấu tên ở thành phố New York, cũng như của một nhân viên thực thi pháp luật giấu tên ở New York.
Các tài liệu của tòa án đã chỉ ra cách thức mà kể từ năm 2003, ĐCSTQ đã giam giữ và khởi kiện hai người chồng cũ và các thành viên khác trong gia đình của nạn nhân sống ở Trung Quốc, nhằm ép buộc bà này trở về nước hoặc nếu không thì phải trả tiền.
Một người chồng cũ được phát hiện là vô tội đối với các cáo buộc về việc biển thủ tiền của ĐCSTQ để mua nhà, mặc dù nhà của ông đã bị Trung Cộng tịch thu, tài liệu này cho biết. ĐCSTQ cũng bắt đầu nỗ lực cưỡng đoạt nhà ở của một người chồng cũ thứ hai.
Còn nhân viên thực thi pháp luật New York được cho là đã tự nhận mình là nhân viên thực thi pháp luật trong nhiều cuộc gặp với nạn nhân và ông Tôn, và được cho là tự mô tả bản thân là một người trung gian.
Theo hồ sơ tòa án, viên chức này cũng đã gặp riêng nạn nhân và chuyển tất cả thông tin về cuộc gặp đó lại cho ông Tôn để ông ta có thể chuyển nó cho các điều phối viên ĐCSTQ của ông ta ở Trung Quốc.
Viên chức này và lãnh đạo cộng đồng không bị nêu tên với tư cách là bị cáo trong vụ án này nhưng được mô tả là đồng phạm.
Nhắm vào một phụ nữ mang thai
Trong một trường hợp khác, ông Tôn đã nhắm vào một phụ nữ đang mang thai để có được đòn bẩy đối với cha của cô. Hai cha con đều là công dân Hoa Kỳ.
Chiến dịch chống lại gia đình này của ông Tôn đã bắt đầu với những bức ảnh và địa chỉ của các nạn nhân được các công ty điều tra tư nhân thu thập. Hồ sơ tòa án cho biết thông tin này sau đó đã được gửi đến ĐCSTQ, vốn đã phân phát thông tin về danh sách những người đào tẩu và gia đình của họ.
Cô con gái, khi đó đang mang thai, đã đi du lịch Trung Quốc cùng chồng và con vào năm 2016.
Khi gia đình này cố gắng trở về Hoa Kỳ, cô được chính quyền ĐCSTQ cho biết rằng cô đã bị đưa vào danh sách “cấm xuất cảnh” như một hình phạt cho tội của cha cô. Họ nói rằng con và chồng của cô có thể rời khỏi Trung Quốc, nhưng cô sẽ không được phép rời đi cho đến khi cha cô trở lại Trung Quốc để đối mặt với các cáo buộc, tài liệu của tòa án cho biết.
Các quan chức ĐCSTQ được cho là đã nói với cô rằng cô không được thông báo cho chính phủ Hoa Kỳ về lệnh cấm xuất cảnh, và rằng Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc không thể giúp bất cứ điều gì cho tình trạng của cô.
Khi cô nói với các quan chức ĐCSTQ rằng cô đang mang thai, thì họ nói với cô rằng đứa trẻ sẽ được sinh ra ở Trung Quốc trừ khi cha cô về nước đối mặt với các cáo buộc, theo tài liệu này.
Cô được cho là đã bị giam giữ trong tám tháng trước khi ĐCSTQ thỏa thuận với Hoa Kỳ để trả tự do cho cô, miễn là cô chuyển các tài liệu chính thức của Trung Quốc cho cha mình.
Mở rộng phạm vi đàn áp
Vụ kiện chống lại ông Tôn chỉ là vụ việc mới nhất trong nhiều vụ truy tố gián điệp của ĐCSTQ.
Tháng 03/2022, DOJ đã công khai các cáo buộc chống lại năm người đàn ông khác trong ba vụ án riêng biệt, tất cả đều bị cáo buộc mở rộng phạm vi đàn áp của ĐCSTQ sang đất Mỹ.
Một trong những vụ án có liên quan đến một âm mưu đe dọa và tấn công một cựu binh Quân đội Hoa Kỳ đang tranh cử Quốc hội. Một vụ án khác liên quan đến việc theo dõi và đe dọa một vận động viên Olympic người Mỹ và cha của cô. Một vụ khác nữa liên quan đến việc quấy rối một nghệ sĩ vì tác phẩm điêu khắc của ông mô tả lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình như một phân tử virus corona khổng lồ. Tất cả các nạn nhân đều là người gốc Hoa có quan điểm chỉ trích sự lạm dụng của ĐCSTQ.
DOJ đã thông báo về các vụ án này ngay sau quyết định gây tranh cãi của chính phủ Tổng thống Biden về việc chấm dứt Sáng kiến Trung Quốc, một chiến dịch chống gián điệp dưới thời cựu Tổng thống Trump được thiết kế để ngăn cản hoạt động gián điệp của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ.
Chương trình này đã bị các nhóm hoạt động cáo buộc là phân biệt chủng tộc, nhưng một cuộc đánh giá nội bộ của DOJ đã không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh cho tuyên bố đó. Tuy nhiên, quyết định loại bỏ chương trình này vẫn được đưa ra để tránh cái mà ông Olsen gọi là “nhận thức có hại” về thành kiến. Những người có quan điểm chỉ trích cho rằng việc chấm dứt chương trình sẽ khiến Hoa Kỳ trông có vẻ yếu đuối.
DOJ đã tán tụng ba trong số các vụ án được đưa ra như một bằng chứng cho thấy khuôn khổ hậu Sáng kiến Trung Quốc này đang khởi tác dụng. Mỗi một vụ án được đưa ra trong tháng trước đều bắt đầu dưới thời chính phủ tiền nhiệm.
“Hoạt động này trái ngược với các giá trị căn bản của Mỹ,” ông Olsen nói về cuộc đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ. “Chúng tôi sẽ không chấp nhận sự đàn áp như vậy ở đây khi làm như vậy là vi phạm pháp luật của chúng ta. Chúng tôi sẽ bảo vệ quyền lợi của người Mỹ và những người đến sinh sống, làm việc và học tập tại Mỹ.”
Ông Tôn hiện đang ngoài vòng pháp luật ở Trung Quốc đại lục, theo Văn phòng Biện lý Hoa Kỳ.
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Thanh Tâm biên dịch