Du Uyên
“Chuyện tào lao luôn xảy ra, chuyện tào lao đang xảy ra, và chuyện tào lao sẽ tiếp tục xảy ra.”
Người đời thường tỏ vẻ rất khinh bỉ ba cái chuyện tào lao thiên địa. Nhưng so với chuyện nghiêm chỉnh, các câu chuyện tào lao đều “đông đúc” hơn từ số lượng và số lượt xem. Thứ nhất, vì nó có tánh giải trí và khiến người ta thấy mình đỡ… tào lao hơn đối với nhân vật chính trong câu chuyện tào lao kia. Thứ nhì, vì nó là nửa ổ bánh mì – nửa thật nửa giả, khiến người ngoài cuộc tha hồ mơ mộng, thêm thắt, rắc muối vào câu chuyện. Thứ ba, quan tâm/bàn luận về chuyện tào lao an toàn hơn là quan tâm/bàn luận chính sự, nhất là ở nơi người dân bị kiểm duyệt suy nghĩ/lý tưởng… Thứ tư, nhiều người thấy chuyện tào lao này là chuyện đáng để đám đông quan tâm hơn những chuyện khác, nên họ hướng sự chú ý của dư luận vào câu chuyện tào lao đó. Vì vậy, từ một chuyện tào lao, vô dụng, nó trở nên hữu dụng, là chén cơm, manh áo của vô số người làm truyền thông, làm “công tác tư tưởng”… người ta không để ý thì sẽ có một lực lượng hùng hậu làm mọi cách để người ta chú ý. Bài hát “Tin nóng nhất” của rapper Bwine (sanh năm 1998), miêu tả rất rõ cách truyền thông làm “nóng” một “câu chuyện tào lao”, xin trích vài đoạn tôi thấy đồng cảm:
“Alo em hả, lên bài chưa?
Nhớ là phải giật tit sốc, đây sẽ là một tin nóng
Ðăng lên ba trang chính để chiếm sóng
Hai trang còn lại thì phản đối
Ba trang đó để tạo cuộc tranh luận chính thống
Nhân viên bình luận mỗi người ít nhất chín dòng
Giờ anh phải đi, say quá
Và nhớ thả phẫn nộ thật nhiều, đừng sợ mất lòng”
…
Và nếu có người mua thì còn người bán
Dòng trạng thái 10 ngàn like
Mặc em chưa sẵn sàng cho buổi sáng,
Ðêm không thể cứ dài
…
Người ta sẽ ngừng bàn luận vì ngày nào chẳng có chuyện như vậy trên trang nhất
Cắm đầu xuống.
Bấm rồi vuốt
Tin nóng hổi, chấm rồi mút
Chuyện càng nhiều nó càng nhiễu
Họ yêu bàn tán và đàm tiếu
Cắm đầu xuống, bấm và vuốt
Muốn được thuốc hàng ngày
Không thể chịu được cuộc sống chán ngấy
Họ chỉ muốn cảm xúc luôn luôn được sạc đầy
Cắm đầu xuống, tạo ảnh đại diện và nhân vật
Nếu có thể thêu dệt thì tại sao phải chân thật
Nếu có thể trút hết mọi cơn giận lên người lạ thì tại sao phải thân mật.” – hết trích.
Như mới đây, bên cạnh các tin nóng hổi, thì tin bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Huỳnh Uy Dũng – “Dũng Lò Vôi”) bị bắt tạm giam ba tháng đã khiến xã hội Việt Nam “bùng nổ”, nóng hơn cả nước sôi. Hơn 2/3 người chơi mạng xã hội bàn luận hoặc quan tâm về việc này. Từ lên bài hả hê hoặc bênh vực, từ phân tích dài dòng tới đăng câu gọn lỏn “tôi không quan tâm việc bà Phương Hằng bị bắt”. Từ những người lớn tuổi cho tới giới trẻ, từ ít học tới giới trí thức cao, từ giới tài tử tới giới phản động, từ người trong nước tới người ở hải ngoại… Không chỉ cõi mạng, tôi đi chợ, vào nhà hàng, quán cà phê, đi ăn hủ tiếu gõ, đi tập thể dục, đi thú y… – đều nghe người ta nói về tin này.
Bà Hằng là ai? Tại sao ai cũng biết bả? Ai cũng bàn tán về bả? Bộ bả “cấu kết với gian dương đại đạo, buôn lậu vũ khí, đẩy bà già xuống biển, hiếp dâm con heo”? Hay bả là trùm ma túy khét tiếng, kẻ giết người hàng loạt, là tên ấu dâm nào đó? Hoặc bả là thiên thần giáng thế – kẻ đã cứu một nửa trái đất?
Không hề, bà Hằng chỉ là một phụ nữ 51 tuổi, vợ của một người đàn ông giàu nhờ “cạp đất mà ăn” – ông ta không giàu nhất Việt Nam, vì có những tên “cạp đất mà ăn” tài hơn. Vậy sao bả nổi/tai tiếng dữ vậy? Vì bả đã tạo ra một kho tàng chuyện tào lao giữa lúc thiên hạ mệt mỏi, “đói” tin tức giải trí vì dịch giã. Bả là người duy nhất khiến tôi mâu thuẫn giữa thấy hơi tội, hơi cảm thông và hơi ghét, trong khi tôi thấy mình cũng rất rạch ròi trong việc… ghét người khác. Ghét ai là ghét ơi là ghét, bạn tôi cũng phải ghét người đó giống tôi.
Ðầu tiên bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo ông lang băm Võ Hoàng Yên – khi rất nhiều người biết ổng là lang băm mà không dám tố. Chuyện tưởng như rất tốt vì giúp cho cả nước biết được là đừng tin vào lang băm Võ Hoàng Yên nữa. Thì bỗng nhiên, phía ông Yên tung ra những đoạn ghi âm/video, khiến thiên hạ nghi ngờ bà Hằng từng “cuồn cuộn” với ông Yên. Thế là thành chuyện tào lao – tình tiền. Người ta bỏ qua chuyện Võ Hoàng Yên là lang băm mà xoáy vào hai chữ “cuồn cuộn”, đó cũng là biệt danh mà nhiều cư dân mạng dành cho bà Hằng.
Tiếp theo, vì tố ông Yên, bà Hằng lấn sân qua tố những nghệ sĩ đang nổi hiện nay, những kẻ đang có rất nhiều “người hâm mộ” vì xây dựng hình tượng trước công chúng rất đạt. Có người còn đùa rằng, nếu Việt Nam bỏ phiếu để bầu tổng thống, hổng chừng Ðàm Vĩnh Hưng, Hoài Linh… được phiếu cao nhất. Lý do là những nghệ sĩ này từng chụp hình cùng, như một cách quảng cáo cho ông Yên, nay ông Yên bị vạch trần mà họ không chịu lên tiếng. Trong “mặt trận” này, bà Hằng thành công “khui” ra rất nhiều chuyện của nhiều nghệ sĩ bẩn, nhất là chuyện bà Hằng tung được bằng chứng Hoài Linh “ngâm tiền từ thiện” hơn 6 tháng, với thủ đoạn vi phạm pháp luật (mướn một nhân viên trong ngân hàng “sao kê” tài khoản ngân hàng của Hoài Linh). Có lẽ vì “kiêu binh”, bà Hằng thấy vui quá, chĩa mỏ nhọn của mình càn quét khắp showbiz Việt, tất cả những ai tỏ vẻ không ưa bà thì đều bị bà mắng và vạch tội. Nhưng tay bà không đủ dài, cũng không phải ai để lại bằng chứng rõ ràng như Hoài Linh, nên bà thua dần, thua dần…
Sau này, qua tin tức, tôi biết bà Hằng vẫn chửi, đỉnh điểm là bà chửi tới bọn “phản động”, Việt kiều Mỹ, rồi tới nhà báo, luật sư trong nước vì dám chê bà “cuồn cuộn” với ông Yên, nói bà ồn ào, lắm chuyện. Không chỉ chửi, bà còn tìm cách vu khống, đào bới quá khứ của những kẻ ở “phe đối lập”. “Người hâm mộ” của bà cũng hành hung, xúc phạm thân thể/gia cư nhiều người bà ghét. Không may cho bà Hằng, những người bà ghét có kiến thức hơn/truyền thông cũng mạnh hơn.
Sau nhiều tờ đơn kiện, bị cơ quan hữu trách triệu tập, bà chửi luôn những người ở “vùng cấm” thật sự tại Việt Nam, trong đó có chủ tịch các tỉnh/thành phố, người cuối cùng bà nêu đích danh trước khi bị bắt 2-3 bữa là Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM. Ðến tận khi bị khởi tố, bà Hằng cũng gây ồn ào, vì bà bị khởi tố bởi điều… 331, điều tưởng chừng như dành riêng cho “phản động”. Khiến nhiều người trong hàng ngũ “phản động” tức mình vì điều này. Ðiều đặc biệt là, bà bị bắt khi chưa đơn kiện nào dành cho bà được thụ lý, và không ai kiện bà vì điều 331 cả!
“Bạn không đặc biệt. Bạn không phải là một bông tuyết xinh đẹp hay độc đáo. Bạn là chất hữu cơ đang phân hủy giống như mọi thứ khác.” – “Fight Club” là một bộ phim năm 1999 dựa trên tiểu thuyết cùng tên năm 1996 của Chuck Palahniuk.
Cư dân mạng ghét cái ác như thù, ngay cả người ác cũng phê phán cái ác mỗi ngày trên trang cá nhân. Nên việc bà Hằng vào tù có rất nhiều người hả hê, hàng tỷ lời dạy đời được tạo ra, nhiều hơn số người hả hê vì một tên tội phạm nguy hiểm bị bắt. Nhưng cũng có nhiều người tỏ vẻ tiếc cho bà. Cũng có nhiều người đoán, bà Hằng hẳn đã có sẵn tờ “giấy chứng nhận tâm thần” (vì nhìn cũng… giống lắm). Nhiều người lại lo là nếu bà Hằng đi tù, ông Dũng ở nhà lại bị cô gái khác “dòm ngó”… Thôi chờ tiếp diễn biến câu chuyện tào lao này coi sao? Xin kết bài bằng một câu chuyện tào lao khác:
Chánh trở về nhà sau hai năm tù, anh ta thấy vợ bồng một đứa con mới sinh. Giận dữ, anh ta nhất định phải tìm được cha của đứa bé để trả thù.
– Ðó có phải là Tâm không?
– Anh điên à?
– Thế có phải là Toàn?
– Không!
– Thế thì thằng nào trong số những người bạn của tôi?
– Thế anh không nghĩ rằng em cũng có bạn của riêng em à?
Du Uyên