Huyền Anh
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng, các lệnh trừng phạt Nga chưa đạt hiệu quả như mong muốn và Châu Âu cần phải ‘mạnh tay hơn’.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm thứ Bảy (02/04) đã gặp Chủ tịch Nghị viện EU Roberta Metsola tại một trung tâm tiếp nhận gần Warsaw dành cho những người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Ukraine.
Theo hãng thông tấn TASS (Nga), trong phát ngôn ngày 2/4, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki: “Tới hiện tại, các lệnh trừng phạt chúng ta áp đặt với Nga chưa có hiệu quả. Thực tế này thể hiện qua tỷ giá hối đoái của đồng rúp đã quay về ngang thời điểm Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự tại Ukraine”.
“Điều này có nghĩa là tất cả các biện pháp kinh tế – kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân sách và tiền tệ – đã không hiệu quả như một số chính trị gia mong muốn”, ông Morawiecki nói.
Ông Morawiecki sau đó kêu gọi áp đặt “các biện pháp trừng phạt mạnh hơn nữa” đối với Nga, đồng thời kêu gọi các quốc gia châu Âu thúc đẩy việc “cắt đứt triệt để nhiên liệu hóa thạch của Nga” và tịch thu tài sản của các nhà tài phiệt Nga .
Thủ tướng Ba Lan nhấn mạnh, điều ông muốn nói không chỉ là đóng băng, mà là phải tịch thu “hàng trăm tỷ USD trong các ngân hàng châu Âu, ngân hàng trung ương của giới tài phiệt”.
Châu Âu đã cam kết loại bỏ dần nhập khẩu năng lượng của Nga trong vòng 5 năm, tuy nhiên một số nước thành viên Châu Âu không muốn tiến nhanh hơn do phụ thuộc vào dầu, khí đốt và nhập khẩu than của Nga.
Ba Lan, quốc gia coi các hành động của Nga ở nước láng giềng Ukraine là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của nước này, đang thúc giục trước kế hoạch cấm vận hoàn toàn đối với than, khí đốt và dầu nhập khẩu của Nga vào cuối năm 2022.
Trong phát biểu của mình hôm thứ Bảy, ông Morawiecki cũng đưa ra quan điểm chỉ trích về việc các quan chức ở một số nước EU đã nói về việc bình thường hóa quan hệ với Nga như trước khi xâm lược.
Ông nói “sẽ không có chuyện bình thường hoá” chừng nào chủ quyền của Ukraine còn bị đe dọa, trong khi trong một dòng tweet hôm thứ Sáu, ông chỉ trích một số nhà lãnh đạo EU là quá ‘mềm mỏng’.
“Một số nhà lãnh đạo EU đang coi nhẹ các lệnh trừng phạt. Các biện pháp trừng phạt nhằm mang lại hòa bình cho Ukraine chứ không phải để xoa dịu lương tâm cắn rứt của Châu Âu. Các biện pháp trừng phạt sẽ ngăn cản ông Putin”, ông Morawiecki cho hay.
Ba Lan là đồng minh trung thành của Ukraine trong cuộc xung đột, đã tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn bất kỳ quốc gia nào khác và tuyên bố sẵn sàng cung cấp các đảm bảo an ninh theo thỏa thuận hòa bình Nga-Ukraine.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, các nước phương Tây áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt với các lĩnh vực kinh tế, công ty, giới chức và cá nhân Nga, cấm vận các ngân hàng lớn của Nga, nhiều công ty tư nhân phương Tây quyết định ngừng hoạt động tại Nga hoặc rút khỏi các dự án đầu tư tại Nga.
Hồi tháng 3, sau khi phương Tây bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga, đồng rúp đã sụt giá kỷ lục, có thời điểm 132 rúp đổi 1 USD và 147 rúp đổi 1 Euro.
Cuối tháng 3, giá trị đồng rúp trở về mức 85 đồng rúp đổi 1 USD và 93 đồng rúp đổi 1 Euro, tương đương mức ghi nhận vào thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Đồng rúp đã phục hồi “ngoạn mục” sau khi Ngân hàng Trung ương Nga công bố một số biện pháp và sau sắc lệnh yêu cầu các “quốc gia không thân thiện” thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.
Ba Lan từ lâu cũng đã cảnh báo về điều mà họ mô tả là chương trình nghị sự bành trướng của ông Putin trong khu vực, vì lo ngại rằng nước này cùng với các nước Baltic khác có thể trở thành mục tiêu của một cuộc xâm lược trong tương lai.
Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các nước khác không nên can thiệp vào cuộc xung đột và nói rằng các quốc gia hỗ trợ quân sự cho Ukraine có thể được coi là các bên trong cuộc xung đột, Ba Lan là nước đầu tiên gửi các chuyến hàng vũ khí qua biên giới tới Kyiv.
Ông Tomasz Smura, giám đốc văn phòng nghiên cứu tại Casimir Pulaski Foundation, một tổ chức tư vấn về chính sách đối ngoại và an ninh ở Warsaw, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng, ông tin rằng nguy cơ Nga tấn công các nước châu Âu khác đã bị loại trừ trước sự kháng cự kiên cường của người Ukraine và thế trận của các đồng minh NATO.
“Nếu Nga nhanh chóng chinh phục được Ukraine và giành được chiến thắng nhanh chóng, tôi khá chắc chắn rằng trong vòng 5 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc chiến ở Baltics”, ông nói khi đề cập đến Latvia, Lithuania và Estonia.
Được thúc đẩy bởi chiến thắng ở Ukraine, “Nga chắc chắn sẽ tiếp tục chính sách bành trướng của mình”, ông nói thêm, đồng thời lưu ý rằng lợi ích địa chính trị của Nga là tái thiết các ranh giới của Liên Xô cũ.
Ông nói: “Nếu NATO không thể hiện sự can dự và đoàn kết của mình” khi đối mặt với các hành động của Nga ở Ukraine, thì “đây sẽ là động thái ‘bật đèn xanh’ cho ông Putin để tiến xa hơn nữa”.
Ông nói thêm: “Điều khiến các chủ nghĩa đế quốc của Nga luôn bành trướng chính là vị thế của liên minh xuyên Đại Tây Dương”.Huyền AnhTheo The Epoch Times