Đài Loan, tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc (THDQ), có thủ đô là Đài Bắc và là một đảo quốc có diện tích gần bằng Thụy Sĩ. Trong những năm qua, Đài Loan đã vươn mình trở thành một quốc gia có tốc độ phát triển và nhịp sống sôi động sánh ngang với các nước hàng đầu châu Á như Hàn Quốc – một quốc gia có dân số gấp đôi.
Sự cống hiến và nỗ lực của 24 triệu cư dân, cùng sự trung thành với tổ quốc của các nhà lãnh đạo, đặc biệt là đương kim Tổng thống Thái Anh Văn – người đã lên nắm quyền từ năm 2016 và tái đắc cử năm 2020, đã giúp đảo quốc nhỏ bé này giữ vững chủ quyền trước các nguy cơ xâm lược và sự phô trương vũ lực liên tiếp của ĐCSTQ. Nếu so sánh về dân số, Trung Quốc đại lục có số dân đông gấp 60 lần Đài Loan, còn khoảng cách giữa đại lục và Đài Loan chỉ là 180km.
Đối mặt với thách thức to lớn như vậy, Đài Loan đã khôn ngoan tạo ra một chiến lược răn đe khiến cho mối đe dọa của ĐCSTQ ngày càng trở nên mờ nhạt.
Trang web của chính phủ Đài Loan đã khẳng định, “Chính quyền Bắc Kinh chưa bao giờ có quyền thực thi chủ quyền đối với Đài Loan hay các đảo khác do Trung Hoa Dân Quốc quản lý”.
Các mối đe dọa liên tục
Cuối năm ngoái, Đài Loan đã lên án “các biện pháp quyết liệt” mà chính quyền Trung Quốc đe dọa sẽ đáp trả nếu chính phủ Đài Loan vượt qua “lằn ranh đỏ” liên quan đến vấn đề độc lập.
Theo Taiwan News đưa tin, vào ngày 29 tháng 12 năm 2021, người phát ngôn Văn phòng sự vụ Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc Mã Hiểu Quang đã đưa ra thông điệp đe dọa: “Nếu các lực lượng ly khai ở Đài Loan khiêu khích, thể hiện sức mạnh hoặc phá vỡ bất kỳ lằn ranh đỏ nào, chúng tôi sẽ phải thực hiện các biện pháp quyết liệt”.
Ông Mã cảnh báo: “Năm tới, tình hình eo biển Đài Loan sẽ trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn”.
Để củng cố lời đe dọa, ĐCSTQ đã cử một máy bay trực thăng chống ngầm Ka-28 đến quấy rối Đài Loan vào thứ Tư, ngày 16 tháng 2 năm 2022. Hai nhà phân tích và học giả Đài Loan là Yết Trọng và Lâm Dĩnh Hựu nói rằng giá trị chiến thuật của loại thiết bị này không quá lớn, nhưng Đài Loan vẫn nên cảnh giác.
Chỉ vài tháng trước đó, ngày 13 tháng 12 năm 2021, trong Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ do Hoa Kỳ tổ chức, khi bộ trưởng phụ trách các chương trình kỹ thuật số của Đài Loan, Đường Phượng, đang trình chiếu tấm bản đồ cho thấy Đài Loan có màu khác với Trung Quốc mới chỉ được 1 phút, hình ảnh đột nhiên biến mất. Theo một số nguồn tin của Reuters, đây là mệnh lệnh của Nhà Trắng.
Sau thời điểm đó, chỉ có tiếng nói của bộ trưởng Đường cùng màn hình với câu chú thích “Bộ trưởng Đài Loan Đường Phượng”. Có thể thấy rằng chính quyền Biden đã rất e sợ việc chọc giận Bắc Kinh, mặc dù Hoa Kỳ đã tuyên bố là người bảo vệ trung thành cho độc lập của Đài Loan. Tuy rằng Hoa Kỳ, giống như hầu hết các quốc gia, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng lại là nhà cung cấp vũ khí và hỗ trợ quốc tế quan trọng nhất của hòn đảo.
Trong những tháng gần đây, hầu như ngày nào ĐCSTQ cũng xâm nhập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) bằng lực lượng máy bay chiến đấu, trong một chiến dịch gây áp lực lên người dân Đài Loan và buộc bộ Quốc phòng nước này phải tăng cường thiết bị quân sự.
Chính quyền Trung Quốc cũng không ngừng đe dọa các nước qua lại và ủng hộ Đài Loan, thậm chí còn trừng phạt và phá hoại hoạt động thương mại của các nước này.
Cách đây vài tháng, Cao Chí Khải, thông dịch viên thân cận của cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, đã tuyên bố rằng chính quyền Trung Quốc sẽ tấn công hạt nhân Mỹ và Úc nếu họ dám “can thiệp” vào việc sáp nhập Đài Loan vào Trung Quốc.
Ông Cao nói thêm: “Những người muốn ngăn cản sự thống nhất sẽ phải hứng chịu thất bại. Nếu Úc tham gia chiến đấu cùng với binh sĩ Hoa Kỳ nhằm cản trở Trung Quốc thống nhất đại lục và Đài Loan, thì các bạn đang nói về điều tồi tệ nhất mà bạn có thể nghĩ tới – một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ”.
Chính quyền Trung Quốc đã đưa ra nhiều mồi nhử hòng thâm nhập vào Đài Loan về mặt chính trị, thậm chí là dụ dỗ về lợi ích kinh tế. Người phát ngôn của một cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ đã nói rằng tất cả người Đài Loan sẽ nhận được 700USD thu nhập hàng năm nếu Trung Quốc và Đài Loan được thống nhất.
Như Taiwan News đưa tin, tuyên bố này không chỉ hứng chịu sự chế giễu của cộng đồng mạng Đài Loan, mà ngay cả cư dân mạng Trung Quốc cũng lên tiếng chỉ trích gay gắt.
Tuyên bố được đăng trong một bài báo có tiêu đề “Tại sao nói tương lai của Đài Loan nằm ở sự thống nhất?”, trên tạp chí định kỳ mới của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) vào ngày 20 tháng 11, trong số thứ 5 của “Tuần báo Hợp tác Kinh tế xuyên eo biển”.
Bảo vệ chủ quyền quốc gia
Bất chấp tất cả những màn đe dọa vũ lực của ĐCSTQ cùng những ràng buộc mà nó áp đặt trên trường quốc tế, Tổng thống Thái Anh Văn đã khẳng định rõ ràng rằng bà sẽ không bị chính quyền cộng sản toàn trị đe dọa và cùng với các đồng minh, bà nhất định sẽ bảo vệ chủ quyền của Đài Loan.
Nhân dịp hòn đảo kỷ niệm Quốc khánh (10/10), vào ngày 9 tháng 10, trước Văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc, bà Thái một lần nữa nhắc lại sẽ không nhượng bộ trước các mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng của ĐCSTQ: “Chúng tôi… sẽ không hành động hấp tấp, nhưng đừng ảo tưởng rằng người dân Đài Loan sẽ nhượng bộ trước áp lực”.
Theo RFI đưa tin, bà Thái giải thích rằng, “Đó là bởi vì con đường mà Trung Quốc đã vạch ra không mang lại lối sống tự do và dân chủ cho Đài Loan, cũng như chủ quyền cho 23 triệu người dân của chúng tôi”.
Tổng thống Thái Anh Văn nói rằng đất nước của bà sẵn sàng làm tốt phần việc của mình để đóng góp vào sự phát triển hòa bình trong khu vực, đồng thời thúc giục Trung Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán giữa 2 chính phủ, điều mà Bắc Kinh luôn một mực phủ định và từ chối.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố quốc phòng và thể hiện quyết tâm tự vệ để đảm bảo rằng không ai có thể buộc Đài Loan đi theo con đường mà Trung Quốc đã vạch ra cho chúng tôi”, vị nữ Tổng thống nhấn mạnh.
Theo Japan Times ngày 17 tháng 8 năm 2021, Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương cũng đáp lại đe dọa từ phía Trung Quốc rằng ông cho là Hoa Kỳ sẽ không bảo vệ quốc đảo – bài học được rút ra từ sự việc của Afghanistan, tuy nhiên, ngay cả khi đó là sự thật, ông Tô vẫn khẳng định đanh thép: “Chúng tôi cũng nói với các lực lượng nước ngoài muốn xâm lược và chiếm cứ Đài Loan rằng – đừng ảo tưởng”.
Ông cũng chia sẻ thêm: “Ngày nay, có những quốc gia hùng mạnh muốn nuốt chửng Đài Loan bằng vũ lực, nhưng chúng tôi không sợ bị giết hay bị bỏ tù. Chúng tôi phải bảo vệ đất nước này, bảo vệ vùng đất này, chứ không phải giống như một số người luôn phóng đại uy tín của kẻ địch và hạ thấp quyết tâm của chúng tôi”.
Những tín hiệu ủng hộ từ quốc tế
Bên cạnh sự ủng hộ liên tục của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên, mới đây, vào ngày 4 tháng 11 năm 2021, thêm một tín hiệu ủng hộ mạnh mẽ từ quốc tế dành cho Đài Loan, đó là sự kiện Nghị viện châu Âu lần đầu chính thức cử một phái đoàn đến đảo quốc này. Phái đoàn bao gồm 7 nghị sĩ trong Ủy ban đặc biệt chống sự can thiệp của nước ngoài và thông tin sai lệch của Nghị viện châu Âu.
Người dẫn đầu phái đoàn, ông Raphael Glucksmann, quốc tịch Pháp, đã nhấn mạnh Đài Loan là “trung tâm của cuộc chiến chống lại sự can thiệp của nước ngoài và bảo tồn nền dân chủ”, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng chính quyền cộng sản có thể cai trị Đài Loan trong tương lai.
“Sự phát triển mạnh mẽ của nền dân chủ của các bạn rất đáng nể và đây là lý do tại sao chúng tôi rất vui khi có mặt ở đây”, ông Glucksmann nói, “Các bạn đã chứng minh rằng tại nơi đây, nền dân chủ có thể phát triển và các chế độ độc tài vẫn sẽ không được phép tồn tại trong tương lai. Ở Châu Âu, chúng tôi cũng đang đối mặt với sự can thiệp từ các chính quyền độc tài, và chúng tôi đến đây để học hỏi từ các bạn”.
Vào ngày 31/12/2019, cùng ngày Trung Quốc báo lên Tổ chức Y tế Thế giới WHO về những ca bệnh viêm phổi lạ, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) của Đài Loan đã lập tức yêu cầu kiểm tra các hành khách đáp các chuyến bay từ Vũ Hán. Và mặc dù chính quyền Trung Quốc đã ký thỏa thuận với WHO về việc loại trừ Đài Loan ra khỏi các sự kiện y tế toàn cầu vào năm 2017, song Đài Loan đã trở thành quốc gia đầu tiên kịp thời hành động một cách chủ động và ngăn chặn thành công đại dịch ở giai đoạn khởi phát, trong khi hầu hết các quốc gia khác đều lúng túng và rơi vào thế bị động khi đại dịch bùng phát sau đó.
Báo cáo cho biết từ năm 2020 đến đầu tháng 5/2021, Đài Loan chỉ ghi nhận khoảng 1.200 ca nhiễm Covid-19 và chỉ có 12 trường hợp tử vong. Đời sống của cư dân Đài Loan cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh. Để ghi nhận thành công này, vào giữa năm 2021, các nước công nghiệp lớn, bao gồm cả G7, đã tán thành tư cách quan sát viên của Đài Loan tại Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA).
“Chúng tôi ủng hộ sự tham gia rất có ý nghĩa của Đài Loan vào các diễn đàn của Tổ chức Y tế Thế giới và Đại hội đồng Y tế Thế giới. Cộng đồng quốc tế sẽ được hưởng lợi từ kinh nghiệm của tất cả các đối tác, bao gồm cả sự đóng góp thành tựu của Đài Loan trong vấn đề đối phó với đại dịch COVID-19”, G-7 cho biết trong một tuyên bố chung.
Đài Loan giờ đây không chỉ được công nhận phổ biến là một xã hội tự do bởi các chính phủ và tổ chức, mà ngay cả các cá nhân từ mọi tầng lớp cũng ủng hộ đảo quốc nhỏ bé này. Những gương mặt nổi tiếng trong các lĩnh vực khác nhau đã thể hiện sự đồng lòng thách thức những tuyên bố của Bắc Kinh trong các phát biểu của họ.
Một trong số đó là ngôi sao bóng rổ chuyên nghiệp Enes Freedom Kanter. Kanter đã bày tỏ sự ủng hộ Đài Loan mạnh mẽ trong một video, nhấn mạnh: “Đài Loan không phải là một phần của Trung Quốc. Đài Loan là một quốc gia dân chủ và tự do”.
Bên cạnh việc đứng về phía Đài Loan, Kanter còn rất nỗ lực kêu gọi tự do cho người Tây Tạng, người Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ và các học viên Pháp Luân Đại Pháp – những nạn nhân đang phải chịu đựng sự bức hại bất công của ĐCSTQ. Hoạt động ủng hộ nhân quyền của Kanter đã thu hút được vô số bình luận và lời khen ngợi từ cư dân mạng.
“Enes Kanter thực sự được sinh ra với một tâm hồn yêu chuộng công lý phản kháng sự bất công, một trái tim nhân hậu phản kháng cái ác, một tấm lòng can đảm dám lên cất tiếng nói và dám hành động, không hề hèn nhát. Anh ấy quả là một quý ông thuần thiện, là hình mẫu cho mọi người”, người dùng Twitter @Yoshimu51295524 bình luận.
Một tài khoản Twitter khác là @James54008 gửi lời cảm ơn đến Kanter: “Cảm ơn Enes đã có lập trường ủng hộ Đài Loan mạnh mẽ như vậy. Bạn thật dũng cảm! Bạn thật tuyệt vời! Chúng tôi ở Đài Loan rất mong bạn có dịp ghé thăm. Tất cả người Đài Loan chúng tôi đều sẽ rất vui khi được gặp bạn”.
Bối cảnh lịch sử
ĐCSTQ luôn lớn tiếng rằng Đài Loan là lãnh thổ của nó, bất chấp thực tế là Đài Loan đã tổ chức bầu cử chính phủ của mình một cách dân chủ. Trong những năm gần đây, ĐCSTQ lại càng tăng cường áp lực quân sự và ngoại giao nhằm “thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc đại lục”, làm dấy lên sự phẫn nộ của người dân đảo quốc cũng như những lo ngại của Hoa Kỳ và các nước khác.
Từ hàng nghìn năm trước, hòn đảo này là nơi cư trú của người Mã Lai – Đa Đảo. Trong thời đại thám hiểm, công ty Đông Ấn Hà Lan đã thiết lập sự hiện diện của mình tại Đài Loan để giao thương với Trung Hoa và Nhật Bản, và cũng để ngăn cản các hoạt động thương mại và thuộc địa hóa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tại Đông Á. Giai đoạn 1624-1662, Đài Loan được gọi là Formosa thuộc Hà Lan, còn giai đoạn 1626-1642 được gọi là Formosa thuộc Tây Ban Nha, cái tên Formosa mang ý nghĩa là hòn đảo xinh đẹp.
Vào năm 1662, đội quân phản Thanh phục Minh dưới sự chỉ huy của Trịnh Thành Công đã xuất quân sang Đài Loan và chiếm được Pháo đài Zeelandia, trục xuất chính phủ và quân đội Hà Lan ra khỏi đảo.
Năm 1683, quân họ Trịnh bại trận trong hải chiến Bành Hồ trước quân Thanh. Vua Khang Hy cho nhập miền tây đảo vào bản đồ Đại Thanh, giao tỉnh Phúc Kiến quản lý, gọi là “phủ Đài Loan”, đến năm 1885 thì tách Đài Loan khỏi tỉnh Phúc Kiến để lập tỉnh Đài Loan.
Nhà Thanh sau đó bị đánh bại trong Chiến tranh Nhật – Thanh (1894-1895) nên phải ký Hiệp ước Shimonoseki, cắt nhượng chủ quyền Bành Hồ và Đài Loan cho Nhật Bản, bắt đầu thời kỳ Nhật trị cho tới năm 1945, khi Thế chiến thứ II kết thúc. Trong năm 1911-1912, các nhà cách mạng Trung Quốc đã lật đổ chính quyền nhà Thanh và thành lập Trung Hoa Dân Quốc.
Trang web của chính phủ Đài Loan đưa tin, ngay từ năm 1943, Trung Hoa Dân Quốc đã giành được chủ quyền quốc tế đối với Đài Loan: “Trong Thế chiến thứ hai, nhà lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc, Tưởng Giới Thạch, đã có cuộc gặp mặt với Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill tại Cairo. Sau khi kết thúc hội nghị, Tuyên bố Cairo được công bố rộng rãi, nêu rõ rằng ‘…Formosa [Đài Loan], và quần đảo Pescadores [quần đảo Bành Hồ], sẽ được trao trả lại cho Trung Hoa Dân Quốc…’”.
Cũng theo thông tin được nêu trên trang web, vào năm 1945,“Trung Hoa Dân Quốc, Anh Quốc và Hoa Kỳ cùng ra Tuyên bố Potsdam, kêu gọi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện và thực hiện Tuyên bố Cairo”, tức là chuyển giao lãnh thổ Đài Loan cho Trung Hoa Dân Quốc. Năm 1949, “chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã chuyển đến khu vực Đài Loan, đi cùng là 1,2 triệu dân Trung Quốc”.
“Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc chuyển đến Đài Loan vào năm 1949 trong khi đang diễn ra nội chiến với ĐCSTQ. Kể từ đó, Trung Hoa Dân Quốc tiếp tục thực thi quyền tài phán hiệu quả đối với đảo chính là Đài Loan và một số đảo xa, Đài Loan và Trung Quốc nằm dưới sự cai trị của hai chính quyền riêng biệt. Chính quyền Bắc Kinh chưa bao giờ có quyền thực thi chủ quyền đối với Đài Loan hay các đảo khác do Trung Hoa Dân Quốc quản lý”.
Cần nhắc lại hai sự kiện, một là Trung Hoa Dân Quốc gia nhập Liên Hợp Quốc (LHQ) từ năm 1945, khi tổ chức này mới thành lập, sự kiện thứ hai là 49 quốc gia cùng ký kết Hiệp ước hòa bình San Francisco giữa các lực lượng Đồng Minh và Nhật Bản vào năm 1951 mà theo đó, Trung Hoa Dân Quốc và Nhật Bản đồng ý giữ gìn hòa bình. Cũng trong hiệp ước này, Nhật Bản tuyên bố từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với Đài Loan và Bành Hồ, cũng như các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Bất chấp lịch sử như vừa trình bày, năm 1971, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2758 công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) – quốc gia chỉ mới gia nhập vào LHQ, là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc.
Nghị quyết này được đưa ra có lẽ bởi phần lớn người Trung Quốc sống ở đại lục, và rằng chính quyền Trung Hoa Dân Quốc khó lòng giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa. Tình hình có thể thay đổi mạnh mẽ nếu ĐCSTQ biến mất.
Nghị quyết 2758 đã tước bỏ quyền đại diện cho Trung Quốc mà Trung Hoa Dân Quốc đã nắm giữ trong 26 năm, đồng thời tước đi vị trí của quốc gia này tại LHQ – trong khi Trung Hoa Dân Quốc là một trong những thành viên sáng lập của tổ chức này. Mặc dù vậy, 14 quốc gia vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với đảo quốc và một số tổ chức quốc tế cũng đưa Đài Loan vào các hiệp ước đa phương của họ, bất chấp sự phản đối của ĐCSTQ.
Khoảng 59 quốc gia (cùng với Liên minh châu Âu, Hồng Kông và Ma Cao) đã thiết lập quan hệ ngoại giao không chính thức với Đài Loan, bao gồm Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Nga và Vương quốc Anh.
Vai trò quốc tế quan trọng của Đài Loan
Chỉ trong vòng 50-60 năm, Đài Loan đã trở thành một quốc gia phát triển sánh ngang với các quốc gia tiên tiến nhất ở châu Á như Hàn Quốc, được quốc tế công nhận vì những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa của các quốc gia khác.
Ngày 14/2/2022, tổ chức Quỹ Di sản của Mỹ và Nhật báo phố Wall đã công bố báo cáo “Chỉ số tự do kinh tế năm 2022”, theo đó Đài Loan xếp thứ 6 trong số 184 nền kinh tế trên thế giới [chỉ sau Singapore, Thuỵ Sĩ, Ireland, Luxembourg và New Zealand. Trong khi đó, Trung Quốc đại lục xếp thứ 158].
Ngày nay, Đài Loan có thể sản xuất hầu hết các chip bán dẫn tiên tiến nhất thế giới. Các chip bán dẫn này được sử dụng để chế tạo các thiết bị và máy móc thông minh, từ điện thoại di động, ô tô cho đến máy bay chiến đấu.
Đài Loan và Hoa Kỳ cùng hưởng lợi ích chung trong việc sản xuất chip. Hoa Kỳ chuyên về thiết kế chip, còn Đài Loan thì có Taiwan Semiconductor – tập đoàn chuyên về chế tạo chất bán dẫn lớn nhất thế giới.
Thị trường Hoa Kỳ phụ thuộc rất nhiều vào sản lượng chip được nhập từ Đài Loan để đảm bảo cho chuỗi cung ứng mặt hàng khan hiếm này được thông suốt. Bởi vì ĐCSTQ đã thâm nhập và đánh cắp bí mật công nghiệp, nên cần phải phòng bị nghiêm ngặt và thắt chặt luật pháp để hạn chế loại tội phạm này.
Khi đề cập đến các nhà cung cấp công nghệ Trung Quốc, Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương nhận định: “Sự xâm nhập của chuỗi cung ứng đỏ vào các ngành công nghiệp của Đài Loan đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây”.
Ông cũng nói thêm: “Họ đã săn trộm các tài năng công nghệ cao của đất nước chúng tôi và đánh cắp các công nghệ cốt lõi và quan trọng”.
Thêm một bằng chứng về sự phát triển công nghiệp và công nghệ của Đài Loan, đó là sự kiện phóng Formosat-5 vào năm 2017. Đây là vệ tinh viễn thám có độ phân giải cao đầu tiên của Đài Loan được các nhà khoa học Đài Loan phát triển độc lập từ khâu thiết kế, lắp ráp cho đến thử nghiệm.
Điều đặc biệt được ngưỡng mộ tại đảo quốc bé nhỏ này, là song song với việc phát triển công nghiệp vượt trội, Đài Loan cũng bảo tồn rất tốt các giá trị văn hóa và các quyền tự do cá nhân, chẳng hạn như dân chủ và tự do tín ngưỡng.
Theo đánh giá chung trên thế giới, tình trạng dân chủ đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2006. Theo báo cáo Chỉ số Dân chủ năm 2021, có chưa đến một nửa các quốc gia và vùng lãnh thổ được công nhận là dân chủ.
Về tín ngưỡng, tôn giáo, một thống kê năm 2005 cho biết 82% người Đài Loan đã tuyên bố rằng mình có tín ngưỡng hoặc theo tôn giáo, bao gồm: “Phật giáo chiếm 35,3%; Đạo giáo chiếm 33,2%; Thiên chúa giáo là 3,9%; tín ngưỡng dân gian (bao gồm cả Nho giáo) khoảng 10%; tỷ lệ không có tôn giáo hoặc không xác định được là 18,2% (ước tính năm 2005)”.
Nhờ một chiến lược rõ ràng, công minh và sự nỗ lực, Đài Loan đã đạt được những thành tựu đáng kể. Đảo quốc xứng đáng giữ một vai trò quan trọng trên trường quốc tế, đồng thời xứng đáng nhận được sự ủng hộ và bảo vệ đặc biệt từ các quốc gia trên thế giới để phát triển trường tồn. Thậm chí, nếu thiên tượng biến đổi, biết đâu Đài Loan lại có thể phục hồi vị trí của mình trong LHQ và trở thành chính quyền dân chủ duy nhất quyết định vận mệnh của đất nước Trung Hoa?
Tác giả: Jose Hermosa – The BL
Thanh Tâm biên dịch