Cái giá phải trả cho việc đóng cửa kinh tế Thượng Hải là bao nhiêu?

Thuý Anh

Thành phố Thượng Hải (Ảnh: Pixabay)

Thành phố Thượng Hải đột ngột tuyên bố đóng cửa phòng dịch, khiến nhiều chuyên gia không khỏi lo ngại về những tác động của nó đến nền kinh tế Trung Quốc và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thượng Hải là trung tâm kinh tế, tài chính, hàng không, cảng và hậu cần của Trung Quốc, cũng như trung tâm tài chính và thương mại toàn cầu. Việc đóng cửa Thượng Hải sẽ có tác động gì đến nền kinh tế Trung Quốc và thậm chí cả chuỗi cung ứng toàn cầu? Dưới tác động của đại dịch, ông Tập Cận Bình phải đối phó với áp lực suy thoái kinh tế như thế nào?

Thiệt hại bao nhiêu khi kinh tế đình trệ

Một ngày trước khi Thượng Hải tuyên bố đóng cửa thành phố, tức là vào sáng ngày 26/3, bà Ngô Phàm (Wu Fan), phó trưởng khoa Y Thượng Hải thuộc Đại học Phúc Đán, cho biết trong một cuộc họp báo về công tác phòng chống dịch bệnh rằng Thượng Hải không thể đóng cửa, bởi vì Thượng Hải không chỉ là thành phố của người Thượng Hải, mà nó còn mang những chức năng quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội quốc gia, thậm chí có tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Lời vừa dứt, thì thành phố Thượng Hải đã bất ngờ thông báo vào tối ngày 27 rằng sẽ đóng cửa vào ngày 28/3.

GS. Tạ Điền (Xie Tian), ​​chủ nhiệm tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, nói rằng tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của Thượng Hải chiếm khoảng 4% tổng sản phẩm của cả nước, và việc Thượng Hải đóng cửa có thể mang lại thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc.

Ông nói: “Thượng Hải là thành phố đứng đầu Trung Quốc, chúng ta biết rằng trong năm qua chỉ có thu và chi của Thượng Hải là không có thâm hụt, có thể nói thu chi đáp ứng được nhu cầu chi tiêu. Trong khi toàn bộ 30 tỉnh, thành phố và khu tự trị khác ở Trung Quốc đều bị thâm hụt, và dường như họ không thể đủ sống, thu nhập tài chính của họ không đủ. Nói cách khác, Thượng Hải đóng vai trò giúp đỡ hoặc hỗ trợ các tỉnh, thành phố và khu tự trị khác”.

GS. Tạ Điền cho biết, sản lượng thông cảng của Thượng Hải đứng đầu thế giới và chiếm vị trí rất quan trọng trong chuỗi cung ứng quốc tế, việc thành phố đóng cửa sẽ khiến chuỗi cung ứng bị phá vỡ.

Tờ Wall Street Journal đưa tin, kể từ ngày 24/3, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán cổ phiếu của các công ty nội địa Trung Quốc trị giá 9,5 tỷ USD, đây có thể là dòng vốn nước ngoài chảy ra hàng tháng lớn nhất kể từ đợt đầu tiên bùng phát dịch vào tháng 3/2020. Ông Trịnh Húc Quang (Zheng Xuguang) cho rằng, việc Thượng Hải đóng cửa xác nhận rằng dịch bệnh ở Trung Quốc đang nằm ngoài tầm kiểm soát mà nguyên nhân chính là do chiến tranh Nga-Ukraina, và thế giới lo ngại Trung Quốc sẽ bị trừng phạt kinh tế.

Ông nói: “Giám đốc Hội đồng Đối ngoại và Quốc phòng Nga Karaganov nói với Nikkei Asia rằng trong bất kỳ tình huống khó khăn nào, chúng tôi có thể dựa vào Trung Quốc để được hỗ trợ về quân sự, chính trị và kinh tế. Đây là ấn tượng mà cái gọi là hợp tác không có giới hạn và không có vùng cấm đã tạo ra đối với người Nga vào thời điểm diễn ra tuyên bố chung mà ông Tập Cận Bình và ông Putin đã ký trong Thế vận hội”.

Ông Tập Cận Bình đối mặt với vấn đề suy thoái kinh tế

Nomura Holdings, ngân hàng đầu tư lớn nhất Nhật Bản, cho biết họ đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc từ tháng 4 đến tháng 12 do đợt bùng phát dịch Covid-19 ngày càng trầm trọng. Trong khi Nomura nâng dự báo tăng trưởng trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay lên 4,2%, họ tin rằng dự báo hiện tại là 2,9% có thể phản ánh “bức tranh chính xác hơn về tình hình kinh tế thực.

GS. Tạ Điền, chủ nhiệm tại Trường Kinh doanh Aiken của Đại học Nam Carolina, cho biết mức giảm xuống còn 2,9% có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc đang thực sự suy thoái. Ông Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt với vấn đề nan giải là kinh tế suy thoái và chính sách ‘Zero Covid’.

Ông nói: “Chúng tôi biết rằng chính sách ‘Zero Covid’ cho thấy rằng ĐCSTQ đã đổ lỗi cho thế giới, chối bỏ và trốn tránh trách nhiệm của chính mình, trong khi duy trì những gì chế độ đã làm. Vì vậy, bây giờ ông Tập Cận Bình khó có thể nới lỏng các hạn chế, đồng thời cũng khó giải quyết được áp lực đi xuống đối với nền kinh tế và cần phải thông thoáng chính trị. Chính sách ‘Zero Covid’ thực sự là một đòn tự sát chính trị đối với ông Tập Cận Bình. Vì nếu ông ấy muốn duy trì tăng trưởng kinh tế và mở nền kinh tế, đồng nghĩa với thất bại của chính sách ‘Zero Covid’. Nếu ông ấy từ bỏ tăng trưởng kinh tế và tiếp tục chính sách đóng cửa thành phố, chúng ta thấy rằng nó có thể gây ra phản ứng dữ dội về kinh tế và cũng có thể gây ra phản ứng chính trị và dân sự”.

Vào ngày 29/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã chủ trì một cuộc họp điều hành của Quốc vụ viện. Ông nói rằng mục tiêu không nên được nới lỏng và tăng trưởng ổn định nên được đặt ở vị trí cao hơn, thực hiện sớm và nhanh các chính sách ổn định kinh tế, xây dựng phương án đối phó với những bất trắc có thể gặp phải. GS. Tạ Điền nói rằng điều này phản ánh rằng cũng có nhiều ý kiến ​​khác nhau trong nội bộ ĐCSTQ.

Related posts