Hôm 6/4, Chánh văn phòng Hong Kong Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) tuyên bố từ chức để tranh cử Đặc khu trưởng. Ông Lý là Chánh văn phòng đầu tiên xuất thân từ lực lượng cảnh sát, và có thể trở thành sĩ quan đầu tiên giữ chức Đặc khu trưởng Hong Kong.
Ông Lý Gia Siêu đã tổ chức một cuộc họp báo vào chiều ngày 6/4 để thông báo rằng ông đã từ chức Chánh văn phòng Hong Kong. Nếu được chính quyền trung ương Bắc Kinh phê chuẩn, ông sẽ chuẩn bị tham gia cuộc bầu cử vị trí đặc khu trưởng nhiệm kỳ tới. Theo luật, các quan chức chịu trách nhiệm giải trình phải từ chức thì mới có đủ điều kiện tham gia tranh cử.
Cuộc họp báo này không có phần hỏi và đáp, bài phát biểu bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh dài khoảng 5 phút. Khi một phóng viên hỏi, ông có phải là ứng viên duy nhất nhận được “lời chúc phúc” của Bắc Kinh hay không, ông Lý Gia Siêu đã bỏ đi mà không đáp lại.
Sau khi chính quyền Trung Quốc thay đổi chế độ bầu cử ở Hong Kong, tình hình bầu cử đặc khu trưởng hiện nay rất phức tạp và mơ hồ. Cuộc bầu cử đặc khu trưởng năm nay vốn được tổ chức vào tháng 3, nhưng đã bị hoãn đến tháng 5 do dịch bệnh.
Các quan chức cấp cao của chính quyền Hong Kong đều giấu kín về việc có tham gia tranh cử hay không, ngoại trừ một số người ngoài giới chính trị đã bày tỏ ý định trước đó. Đặc khu trưởng đương nhiệm Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) thông báo vào tuần này rằng bà sẽ không tái tranh cử vì lý do gia đình.
Còn ông Lý Gia Siêu vẫn từ chối trả lời những tin đồn vào buổi sáng ngày tuyên bố ứng cử. Mãi đến khi Văn phòng Liên lạc của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Hong Kong (LOCPG) họp với Ủy ban Bầu cử vào sáng ngày 6/4, chính quyền Hong Kong mới thông báo về việc từ chức của ông Lý Gia Siêu.
Đặc khu trưởng Hong Kong do Ủy ban Bầu cử bầu ra. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thay đổi chế độ bầu cử của Hong Kong vào năm ngoái, gần 1.500 ủy viên bầu cử đã hoàn toàn bị thao túng, không ai trong số họ là người thuộc phe dân chủ. Các ứng cử viên cần được ít nhất 188 ủy viên đề cử thì mới đủ điều kiện tranh cử.
Vào sáng ngày 6/4, khi LOCPG họp với Ủy ban Bầu cử, có thông tin rằng ông Lý Gia Siêu là ứng cử viên duy nhất được đề cập trong cuộc họp. Ủy ban Bầu cử và các nhân vật thân Bắc Kinh khác đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với ông Lý Gia Siêu.
Phân tích: Đặc khu trưởng tiếp theo sẽ là người ít quyền lực nhất từ trước tới nay
Người làm truyền thông kỳ cựu Victor Ho nói trên chương trình “Trân Ngôn Chân Ngữ” của The Epoch Times rằng, cách đặc khu trưởng đương nhiệm tuyên bố rút lui khiến mọi người cảm thấy “rất miễn cưỡng, như bị buộc phải ra đi”; còn các ứng cử viên bước vào cuộc tranh cử dường như cũng rất thận trọng, không có phong thái quân vương hiệu lệnh quần hùng, mà chỉ là tiếp quản theo hình thức. Ông nói rằng, vị đặc khu trưởng tiếp theo có thể sẽ là người có thế lực yếu nhất trong số các đời đặc khu trưởng.
Ông Ho cho rằng, nếu ông Lý Gia Siêu đắc cử, sẽ có 3 điểm yếu sau:
Thứ nhất là trình độ học vấn thấp, ông Lý chỉ có bằng cấp 3;
Thứ hai là thiếu kinh nghiệm trong các công việc của chính phủ, vì ông Lý xuất thân từ lực lượng cảnh sát. Theo ông Ho, ông Lý “đối với TG (đạn hơi cay), xe phun nước chống bạo loạn thì rất quen thuộc và có chuyên môn”, nhưng không đủ quen thuộc với chốn quan trường cũng như cơ cấu chính phủ của Hong Kong;
Thứ ba, ông Lý có quyền tự trị thấp nhất do nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh, sẽ là người chấp hành chứ không phải là người ra quyết sách, giống như một “Đặc khu trưởng bù nhìn”. Ông Ho dự đoán rằng, quyền lực thực tế sẽ nằm trong tay của LOCPG và Cục An ninh Hong Kong.
Về ông Lý Gia Siêu
Ông Lý Gia Siêu, 64 tuổi, là Chánh văn phòng Hong Kong đầu tiên xuất thân từ lực lượng cảnh sát. Vì không có trình độ đại học và thiếu kinh nghiệm lãnh đạo chính quyền nên ông bị ngoại giới nghi ngờ năng lực. Ông gia nhập cảnh sát sau khi tốt nghiệp cấp 3 vào năm 1977 và được thăng chức Phó Ủy viên Cảnh sát (DCP) năm 2010. Năm 2012, ông trở thành Phó Cục trưởng Cục An ninh Hong Kong và lên chức Cục trưởng năm 2017. Từ giữa năm ngoái, ông Lý giữ chức Chánh văn phòng của đặc khu.
Nhiều chính sách được ông Lý Gia Siêu thúc đẩy trong nhiệm kỳ tại Cục An ninh đã bị chỉ trích vì làm tổn hại nhân quyền, bao gồm:
- Cho phép các nhân viên thực thi pháp luật của Đại lục được thực thi pháp luật tại ga Tây Cửu Long năm 2017;
- Viện dẫn “Điều lệ Đoàn thể” (Societies Ordinance) để xóa bỏ Đảng Dân tộc Hong Kong (Hong Kong National Party) năm 2018;
- Năm 2019 sửa đổi “Luật Dẫn độ” dẫn đến cuộc biểu tình phản đối dẫn độ về Trung Quốc trên quy mô lớn. Ông Lý cũng là một trong những quan chức chính phải chịu trách nhiệm về cuộc trấn áp này.
- Sau khi Bắc Kinh áp đặt “Luật An ninh Quốc gia Hong Kong” vào năm 2020, ông Lý giữ chức ủy viên Ủy ban An ninh Quốc gia; và bị Hoa Kỳ trừng phạt vì thi hành luật này.
- Ông Lý Gia Siêu cũng là người hết sức tuân lệnh chính quyền ĐCSTQ trong chiến dịch đàn áp các kênh truyền thông. Năm ngoái, lực lượng chức năng Hong Kong đã đột kích vào trụ sở của Apple Daily, Stand News, và bắt giữ các quản lý cấp cao. Giới chức viện dẫn Luật An ninh Quốc gia và đóng băng ngân quỹ, buộc hai tổ chức truyền thông này phải đóng cửa. Ông Lý mô tả các nhân viên truyền thông bị bắt là “con sâu làm rầu nồi canh” và kêu gọi giới báo chí “đồng thanh nói không” với họ.
Chuyên gia: Việc ông Lý đắc cử tương đương với việc Bắc Kinh coi trọng “an ninh quốc gia” hơn kinh tế
Phần lớn ngoại giới cho rằng, nếu ông Lý Gia Siêu giữ chức đặc khu trưởng, điều đó có nghĩa là chính sách của Bắc Kinh đối với Hong Kong trong 5 năm tới sẽ tập trung vào “an ninh quốc gia”. Ông Victor Ho nói rằng, để đối phó với các xung đột có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông trong 5 năm tới, chính quyền Trung Quốc sẽ phải dựa vào những người cầm súng để quản lý Hong Kong, biến Hong Kong thành một căn cứ tiếp tế khi xảy ra xung đột quân sự.
Nhà kinh tế học Law Ka-Chung cũng nói trên chương trình của The Epoch Times rằng, nếu ông Lý Gia Siêu là đặc khu trưởng được Bắc Kinh lựa chọn, điều đó cho thấy ĐCSTQ coi trọng “an ninh quốc gia” hơn kinh tế. Ông dự đoán rằng, sau khi đặc khu trưởng mới nhậm chức sẽ từng bước biến Hong Kong thành một thành phố đậm chất Đại lục theo chỉ thị của ĐCSTQ, các ưu thế của Hong Kong sẽ dần biến mất.
Đông Phương