Quản Mỹ Lan
Có thể nói hầu như tại khắp nơi trên thế giới mọi nước đều tổ chức những cuộc bầu cử để đưa những người tài giỏi, có khả năng vào vị trí lãnh đạo quốc gia, điều hành đất nước. Và ngày 10 tháng 4 tới đây tại Pháp sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống, một sinh hoạt chinh trị sôi nổi diễn ra sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm của Tổng Thống Emmanuel Macron.
Nhưng không phải bầu cử ở đâu cũng giống nhau ngay trong những nước chọn chế độ tự do, dân chủ.
Cách bầu cử Tổng thống Pháp và những ứng cử viên năm nay:
Tại Pháp bầu Tổng thống được tổ chức làm hai lần, ngày chủ nhật 10 tháng 4 tới đây sẽ bầu vòng 1 và hai tuần lễ sau, ngày 24 sẽ là ngày bầu cử vòng 2 nếu vòng đầu không có ứng cử viên nào đạt được trên 50% số phiếu.
Vòng 2 thì chỉ còn hai ứng cử viên được nhiều phiếu nhất của vòng 1. Hiện nay theo danh sách đã công bố thì vòng 1 có tới 12 ứng cử viên kể cả Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron, người đứng đầu đảng La République En Marche. Các ứng cử viên khác gồm có:
Valérie Pécresse (nữ, đại diện đảng Cộng Hòa Les Républicains),
Anne Hidalgo (nữ, đại diện đảng Xã Hội Parti Socialiste),
Philippe Poutou (đại diện đảng Nouveau Parti Anticapitaliste),
Nicolas Dupont Aignan (đại diện đảng Debout la France),
Nathalie Arthaud (nữ, cực tả, đại diện đảng Lutte Ouvrière),
Fabien Roussel (đại diện đảng Cộng Sản Parti Communiste),
Jean Lassalle (đại diện đảng Résistons),
Marine Le Pen (nữ, cực hữu, đại diện đảng Rassemblement National),
Éric Zemmour (cực hữu, đại diện đảng Reconquête),
Yannick Jadot (đảng Xanh Ecologiste),
Jean Luc Mélenchon (cực tả, đại diện đảng La France Insoumise).
Theo quy địnhthì sau khi có kết quả bầu cử vòng 1, chỉ những ứng cử viên được trên 5% thì chi phí tranh cử mới được nhà nước bồi hoàn còn dưới con số đó thì ứng cử viên phải tự túc, nghĩa là nếu anh ra tranh cử mà số phiếu bầu được dưới 5% thì anh sẽ mất tiền túi, mà con số đó sẽ không phải nhỏ vì tùy theo số tiền ứng cử viên đó đã bỏ ra để chi phí cho những cuộc vận động trên toàn nước Pháp.
Cũng xin nhắc lại là cách thức bầu cử ở Pháp là phổ thông đầu phiếu, mọi công dân đến tuổi quy định và có đầy đủ quyền công dân (nghĩa là không bị tù tội) đều được đi bầu và có quyền tự do ứng cử Tổng thống nếu tự cảm thấy mình có những chương trình kinh bang tế thế tuyệt vời và sẽ được dân chúng hoặc đảng của mình ủng hộ.
Tại Pháp muốn được đi bầu thì người dân phải ghi danh với chính quyền sở tại (ví dụ như tại tòa hành chánh tỉnh, thị xã nơi mình sinh sống) hoặc có thể ủy quyền cho một người khác thay mặt mình đi bầu nếu mình không thể có mặt tại địa điểm mình có quyền bầu trong thời điểm đó. Lý thuyết là thế nhưng thủ tục ủy quyền khá rắc rối nên thường người dân thu xếp để có thể đi bầu. Nhưng có một điều trớ trêu là nếu đó là một ngày ấm áp, đẹp trời thì thiên hạ lại dành ưu tiên cho việc đi chơi xa hơn là thi hành quyền công dân của mình!
Điều kiện ứng cử Tổng Thống Pháp:
Tại Pháp bất cứ ai cũng có quyền ứng cử Tổng thống cũng như những chức vụ dân cử khác. Một người muốn ứng cử chỉ cần những điều kiện sau đây:
* Phải có quốc tịch Pháp;
* Phải đủ 18 tuổi trở lên (tính từ ngày sanh);
* Phải đã ghi danh với cơ quan hành chánh (ví dụ: tòa thị chính – mairie) với tư cách là một người có quyền đi bầu;
* Không bị mất quyền công dân (tù tội) hoặc chịu một án lệnh nào đó;
* Không phải là “người được bảo lãnh”, nghĩa là phải có một người khác chịu trách nhiệm về hành vi của mình:
* Phải hợp lệ tình trạng quân dịch dành cho nam ứng cử viên.
…
Ngoài những điều kiện căn bản trên đây, để trở thành ứng cử viên Tổng thống chính thức, ứng cử viên cần đáp ứng được 2 điều kiện quan trọng sau đây:
1/ Phải có ít nhất là 500 chữ ký của những người có chức vụ dân cử đỡ đầu cho mình ở tối thiểu 30 tỉnh thành trong nước Pháp hoặc những vùng lãnh thổ thuộc Pháp. Danh sách này hiện nay phải được công khai.
2/ Phải khai báo tài sản hiện có, lợi nhuận khi làm ăn, đầu tư. Việc khai báo này phải được công khai khi chính thức ra ứng cử và nếu trúng cử thì phải khai lại trước khi rời chức vụ. Những loại tài sản này phải được chứng minh là hợp lệ, có nguồn gốc rõ ràng.
Nước Pháp theo chế độ Tổng thống chế, người dân trực tiếp bầu Tổng thống. Tổng thống nắm Hành pháp là người có quyền lực cao nhất đồng thời là Tổng tư lệnh quân đội. Tuy nhiên TT không có quyền tuyên bố chiến tranh với một nước khác nếu không có sự đồng thuận của Quốc hội. Về Lập pháp có 2 viện : Hạ Nghị viện (Assemblée Nationale) gồm 577 Dân biểu (Député) do dân bầu lên và Thượng Nghị viện (Sénat) gồm có 348 Thượng Nghị sĩ (Sénateur) không phải do dân trực tiếp bầu lên.
Bầu lãnh đạo tại hai nước láng giềng:
Nhìn ra chung quanh, nước Anh theo chế độ quân chủ lập hiến (constitutional monarchy). Tuy gọi là quân chủ nhưng Nữ hoàng Anh Elizabeth đệ Nhị chỉ là biểu tượng của quốc gia, đất nước được điều hành bởi Thủ tướng. Ngành Lập pháp Anh nằm trong tay Quốc hội gồm hai viện: viện Thứ dân (House of Commons) gồm có 650 Dân biểu do dân bầu ra và viện Quý tộc (House of Lords) gồm 765 Hầu tước do các đảng phái đề cử và do Vua Anh, hiện nay là Nữ hoàng, bổ nhiệm suốt đời. Vì do dân chúng bầu các Dân biểu của viện Thứ dân nên chính viện này làm luật, biểu quyết luật giống như Hạ Nghị viện của VNCH trước đây mà trụ sở Lưỡng viện Quốc hội tại Sài Gòn nay là Nhà hát Lớn.
Viện Quý tộc có nhiệm vụ thông qua những dự luật do viện Thứ dân gửi lên, nếu không đồng ý thì gửi trả lại cho viện Thứ dân sửa đổi. Tuy nhiên sau nhiều lần sửa đổi, viện Thứ dân vẫn có quyền ban hành luật cho dù viện Quý tộc không đồng ý.
Vì Anh theo đa đảng nên đảng nào chiếm phân nửa số ghế tại viện Thứ dân (Hạ viện) có quyền lập chính phủ, Dân biểu lãnh tụ của đảng đa số bầu ra chính là Thủ tướng Anh. Nếu không đảng nào đủ túc số thì phải liên hiệp với các đảng khác, như trường hợp của Thủ tướng Boris Johnson hiện nay. Nước Anh không có chức vụ Tổng thống.
Tại quốc gia gần Pháp nữa là nước Đức lại có cách điều hành khác.
Đức có 16 tiểu bang nhưng không bầu cử giống như Hoa Kỳ. Đức vừa có Thủ tướng, vừa có Tổng thống nhưng quyền lực trong tay Thủ tướng, Tổng thống chỉ có vai trò lễ nghi tượng trưng.
Các đảng trong tiểu bang tranh nhau, đảng nào được nhiều phiếu nhất sẽ đề cử Thủ hiến, là người đứng đầu tiểu bang. 16 vị Thủ hiến họp thành Bundesrat coi như Thượng viện.
Dân trực tiếp bầu các Dân biểu họp thành Bundestag coi như Hạ viện. Đảng nào nhiều phiếu nhất thì lập Chính phủ và đảng trưởng của đảng đó sẽ giữ chức Thủ tướng. Thủ tướng sẽ đứng đầu Hành pháp.
Hai viện Bundestag và Bundesrat sẽ bầu ra các quan tòa của Tối cao Pháp viện làm thành ngành Tư pháp.
Trở lại với nước Pháp – Tiên đoán hai ứng viên vào vòng 2:
Cho đến hôm nay chỉ còn vài ngày nữa là mọi công dân sẽ đi bầu và các cơ quan truyền thanh và truyền hình bắt buộc phải dành cho mỗi ứng cứ viên một số giờ nhất định để họ có thể đưa ra chương trình của mình sẽ cống hiến cho quốc gia nếu thắng cử. Như mọi người đều biết khi ra ứng cử bao giờ người ta cũng nói hay, nói tốt về chương trình của mình nhưng có thể nói 90% những lời lẽ ngon ngọt ấy đều là bánh vẽ vì một khi anh chưa nắm quyền, nhất là những người chưa hề nắm một chức vụ quan trọng nào trong Chính phủ thì khó mà hình dung được việc điều hành quốc gia nhiêu khê đến đâu.
Năm nay dựa trên những cuộc thăm – dò, hai ứng cử viên có thể sẽ gặp nhau ở vòng 2 là Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen. Nếu kết quả vòng 1 đưa đến tình trạng này thì đúng là lịch sử đã lặp lại vì năm 2017, hai người này cũng đã gặp nhau ở vòng 2 và cuối cùng sau một cuộc tranh luận rất buồn cười, Marine Le Pen đã thua Emmanuel Macron để đẩy Marine vào thế đối lập, suốt trong 5 năm chỉ trích Tổng thống.
Mọi người dân Pháp đều biết, bà Marine Le Pen là con gái của Jean Marie Le Pen, đảng trưởng đảng cực hữu FN (Front National) người đã ứng cử chức vụ Tổng thống 6 lần đều thất bại. Marine Le Pen mới ứng cử lần này là lần thứ 3. Jean Marie Le Pen từng nói là không có việc diệt người Do Thái, không có lò thiêu người holocaust, tuyên bố nhiều lần gây tranh cãi, ông ta luôn luôn chứng tỏ mình là người kỳ thị chủng tộc, gây thù hận, cổ võ bạo lực và đưa ra nhiều điều trái sự thật khác, v.v… Chính vì những lời nói gây bất mãn trong đảng viên và dân chúng nên Marine Le Pen sau khi được bố trao quyền chủ tịch đảng FN một thời gian sau đã đuổi Jean Marie Le Pen ra khỏi đảng và mới đây đã đổi tên đảng từ FN ra RN (Rassemblement National, Đoàn Kết Quốc Gia).
Marine Le Pen xuất thân là một luật sư, trước đây Marine Le Pen ăn tiền để cãi cho những di dân nhưng từ khi ra ứng cử, để chiều lòng những người chống di dân, Marine Le Pen liền thay đổi thái độ, đả kích, chỉ trích những di dân. Vì đứng vào hàng ngũ cực hữu nên khi thấy ông Donald Trump được đảng Cộng hòa để cử đại diện đảng tranh cử TT, Marine Le Pen bèn chạy sang Mỹ, đến Trump Tower tìm gặp ông Trump nhưng Trump không tiếp, phải trở về. Marine Le Pen cũng từng sang Moscow gặp Putin, từng vay tiền của ngân hàng Nga nên luôn luôn ủng hộ Putin, ngay cả khi Putin xâm lăng Ukraine, nhưng mới đây khi thấy hầu như cả thế giới lên án Putin Marine Le Pen đã thay đổi thái độ, cũng chống việc Nga xâm lăng Ukraine!
Đó là chưa kể đến việc Marine Le Pen có những hành vi mờ ám trong việc tiền nong đối với Quốc hội Âu Châu (Parlement Européen) mà bà ấy là một thành viên. Marine Le Pen đã dùng tiền của Quốc hội Âu Châu để trả lương cho nhân viên làm việc cho đảng FN của bà ta!
Nước Pháp cũng như mọi nước trên thế giới đang phải chật vật đương đầu với đại dịch COVID-19, chưa có gì chứng tỏ có ”ánh sáng cuối đường hầm” thì lại rơi vào mùa bầu cử, một sinh hoạt vô cùng sôi nổi nhưng cũng vô cùng rắc rối mà hiện nay Tổng thống Emmanuel Macron đang phải đối mặt. Nhưng việc “dầu sôi lửa bỏng” hiện nay mọi người trên thế giới đều ngày đêm theo dõi, đó là cuộc chiến tại Ukraine do Putin, Tổng thống Nga châm ngòi!
Tổng thống Macron gặp lúc tình hình quốc nội cũng như quốc tế rối như tơ vò, nhìn ông ấy, mới hơn 40 tuổi, mà tóc đã bạc sau 5 năm lãnh đạo quốc gia. Việc ông Macron gầy hẳn đi làm cho thân nhân cũng như những người ủng hộ ông lo lắng, đủ thấy cái trọng trách đặt lên hai vai ông quan trọng ra sao. Trong khi đó có những người chỉ ngồi trước bàn phím, viết bài chỉ trích đường lối của ông (như nói việc ông thương lượng với Putin là vô ích…), chỉ trích vật giá leo thang (vì vấn đề xăng dầu…) v.v… càng cho thấy rằng làm Tổng Thống quả là một công việc bạc bẽo.
Những vấn đề chính các ứng cử viên kỳ này quan tâm:
Đề cập đến chương trình của các ứng cử viên Tổng thống năm nay thì vấn để được mọi ứng cử viên quan tâm nhất là về kinh tế. Nói chung thì ở đâu cũng thế, điều người dân quan tâm hàng đầu là đời sống vật chất, “khả năng mua” (pouvoir d’achat) của họ, nghĩa là khả năng giải quyết về vấn đề vật giá, tỷ lệ thất nghiệp là những điều mấu chốt để một ứng cử viên được tín nhiệm hay không.
Với tình hình chiến tranh hiện nay xảy ra ngay tại Âu Châu đó là cuộc chiến bất cân xứng giữa việc nước Ukraine nhỏ bé với TT Volodymyr Zelensky lãnh đạo phải cầm cự với sự xâm lăng đại quy mô của Nga do TT Nga Vladimir Putin cầm đầu. Trong số 12 ứng cử viên thì hầu hết đều chủ trương, để cầm chân Nga, cần bao vây ráo riết nền kinh tế Nga. Ngoài ra ai cũng chủ trương Pháp cần gửi tiền bạc, vũ khí, quân trang, quân dụng sang để trợ giúp Ukraine, nhưng nhiều người ngỏ ý không muốn và thậm chí chống lại việc đưa quân nhân Pháp sang tham chiến tại Ukraine.
Trong việc này không ít ứng cử viên chủ trương không nên đưa Ukraine vào OTAN hay NATO, Liên minh Bắc Đại Tây Dương về quân sự. Từ 12 thành viên ban đầu, hiện nay OTAN có 30 thành viên. Đây là một việc hết sức tế nhị vì qua vụ Nga xâm lăng Ukraine thì không ít nước đã ngỏ ý muốn gia nhập tổ chức này nhưng một số người lại sợ rằng việc đưa Ukraine vào OTAN khiến Nga càng lo sợ hơn và có thể dễ gây hấn với các nước trong khối. Nhưng trên thực tế không một quốc gia nhỏ bé nào lại muốn xâm lăng một nước khổng lồ như Nga!
Vấn đề khác cũng được các ứng cử viên quan tâm rất nhiều là việc cứu trợ dân tị nạn Ukraine. Nước Pháp sẵn sàng chấp nhận một số dân tị nạn trên lãnh thổ Pháp và vẫn có những tổ chức NGO (Non Governmental Organization), các tổ chức thiện nguyện, đưa người và phẩm vật sang các nước giáp ranh với Ukraine nơi có người tị nan để giúp đỡ họ.
Trong khi hiện đang có nhiều nước muốn đươc gia nhập OTAN thì một số ứng cử viên TT muốn Pháp rút chân ra khỏi OTAN! Ngay như nước Phần Lan, trước đây không muốn vào OTAN nay sau khi thấy Nga xâm lăng Ukraine họ lại rất muốn được có chân trong tổ chức này.
Một vấn đề ít được quan tâm hơn đó là một số không nhỏ ứng cử viên muốn trở lại nhiệm kỳ TT là 7 năm như thời Tổng thống François Mitterrand trở về trước, nhưng chỉ được làm một nhiệm kỳ. Chính Tổng thống Jacques Chirac, trong nhiệm kỳ II của ông là người đã làm thay đổi luật này từ 7 năm xuống còn 5 năm. TT Mitterrand cầm quyền trong 2 nhiêm kỳ 14 năm. TT Chirac cầm quyền 12 năm (nhiêm kỳ đầu 7 năm và nhiệm kỳ sau 5 năm). Trong khi đó nhiệm kỳ TT Mỹ chỉ có 4 năm, có thể được tái cử là 8 năm. Tại Pháp hiện nay TT cũng được cầm quyền tối đa 2 nhiệm kỳ.
Ngoài ra những vấn để về dân sinh thì luôn luôn là đề tài hấp dẫn để tranh cử, ai cũng nói “hãy bầu cho tôi, tôi sẽ ngăn chặn hoặc giảm lạm phát, sẽ nâng cao đời sống dân chúng, sẽ tăng lương và giảm thuế vv…”. Tuy nói thế nhưng không ai cho biết sẽ lấy tiền từ đâu để tăng lương cho công nhân và giảm thuế thì lấy gì bỏ vào công quỹ quốc gia???
Theo dư luận của giới truyền thông và những người Pháp chúng tôi tiếp xúc thì họ đặt tin tưởng vào vị Tổng thống đương nhiệm. Qua 5 năm ở vị trí cao nhất của đất nước, ông Macron đã khéo léo chèo chống con thuyền quốc gia dù gặp rất nhiều đánh phá của các đảng đối lập cực tả và cực hữu và đại dịch COVID-19. Cách hành xử “rất có văn hóa” của Macron khiến những người biết suy nghĩ đều khâm phục. Xuất thân từ một gia đình danh giá, giàu có, ban đầu có người lo ngại rằng Macron sẽ là TT của giới nhà giàu nhưng thực tế cho thấy ông rất hòa đồng và không xa cách với mọi tầng lớp dân chúng.
Trên đây là một vài điểm đáng chú ý trong kỳ bầu cử Tổng thống Pháp năm 2022. Làm lãnh đạo quốc gia không phải là một công việc dễ dàng, êm ả mà trái lại, với tinh thần trách nhiệm đối với những vấn nạn trong nước cũng như trên chính trường quốc tế thì đó là một công việc vô cùng vất vả. Người lãnh đạo giỏi là người có những chương trình canh tân đất nước, bảo đảm cho người dân có được một cuôc sống ấm no, bình yên và giao hảo tốt đẹp với các quốc gia khác. Nhưng thời thế và những biến động trên thế giới đóng một vai trò quan trọng, làm cho vị trí người điều hành quốc gia được thuận lợi hoặc vấp phải nhiều gian nan, điều đó thì nằm ngoài vòng tay của bất cứ một người lãnh đạo nào và ở bất cứ đâu…