Tin Việt Nam trưa thứ Ba: Một phụ nữ bị bắt sau 20 năm trốn tội “Mua bán phụ nữ”

Yên Bái: Một phụ nữ bị bắt sau 20 năm trốn tội “Mua bán phụ nữ”

Bị can Hà Thị Thơm tại cơ quan công an. (Ảnh: Công an tỉnh Yên Bái)

Bị khởi tố về tội “Mua bán phụ nữ” từ năm 2002 tới nay, một phụ nữ tại tỉnh Yên Bái vừa ra đầu thú sau thời gian dài trốn sang Trung Quốc.

Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Yên Bái mới đây cho hay bị can Hà Thị Thơm (tên gọi khác là Hà Thị Lệ, SN 1975, trú tại xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) vừa ra đầu thú về tội “Mua bán phụ nữ”.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, năm 2002, Hà Thị Thơm bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Yên Bái khởi tố bị can để điều tra về hành vi “Mua bán phụ nữ”. Do thời điểm phạm tội và bị khởi tố, Thơm đang nuôi con nhỏ nên được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Sau đó, bị can Thơm đã bỏ trốn sang Trung Quốc. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Yên Bái đã ra Quyết định truy nã dối với Hà Thị Thơm (Quyết định truy nã số 06 ngày 16/4/2003).

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, xác minh, truy bắt. Công an tỉnh Lào Cai phát hiện bị can Thơm đang lẩn trốn tại khu vực huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Công an tỉnh Lào Cai tiến hành trao đổi, đề nghị Công an huyện Hà Khẩu (Vân Nam – Trung Quốc) vận động nữ bị can ra đầu thú.

15h20 ngày 2/9/2022, Công an tỉnh Lào Cai phối hợp cùng Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai tiếp nhận bị can Hà Thị Thơm do Cục Công an Hà Khẩu (Vân Nam – Trung Quốc) trao trả.

19h45 cùng ngày, Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận nữ bị can từ Công an tỉnh Lào Cai để xử lý theo quy định.

Theo Bộ Công an Việt Nam, từ năm 2016 đến tháng 6/2019, cả nước phát hiện hơn 1.000 vụ mua bán người, với gần 1.500 đối tượng, lừa bán hơn 2.600 nạn nhân. Trong đó có 892 vụ mua bán người sang Trung Quốc (chiếm 84,2% tổng số vụ), với 1.187 đối tượng (chiếm 82,9% tổng số đối tượng), lừa bán 2.319 nạn nhân (chiếm 86,7% tổng số nạn nhân). Các địa phương phát hiện nhiều vụ mua bán người là các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, gồm: Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Quảng Ninh…

Minh Sơn

Bộ Công thương: Nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc, cần nhập điện từ Lào

EVN cho biết trong các kịch bản đều thiếu công suất đỉnh vào các tháng cuối mùa khô, đầu mùa lũ. (Ảnh minh họa: Thelamephotographer/Shutterstock)

Dẫn báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công thương cho biết vài năm tới miền Bắc sẽ đối mặt nguy cơ thiếu điện. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng thực hiện việc nhập khẩu điện từ Lào để đối phó.

Bộ Công thương vừa có văn bản 5188/BCT-ĐL gửi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về việc nhập khẩu điện và phương án đấu nối các nhà máy thủy điện từ Lào về Việt Nam. Theo đó, Bộ Công Thương cho hay với dự báo nguy cơ thiếu nguồn điện tại miền Bắc, sắp tới cần nhập khẩu điện từ Lào để bổ sung, theo báo Dân Việt.

Cụ thể, với kịch bản bình thường, nhu cầu công suất đỉnh hệ thống điện miền Bắc tăng trưởng bình quân khoảng 9,5%/năm trong giai đoạn 2022-2025. Với kịch bản tiêu thụ cao, nhu cầu công suất đỉnh hệ thống điện miền Bắc có thể tăng trưởng bình quân khoảng 11%/năm trong giai đoạn 2022-2025.

Qua tính toán, EVN khẳng định trong các kịch bản đều thiếu công suất đỉnh trong các tháng cuối mùa khô, đầu mùa lũ (các tháng 5,6,7) và lượng công suất thiếu có xu hướng tăng dần trong các năm sau (thiếu hụt nhiều nhất khoảng hơn 7.600 MW vào năm 2025 ở kịch bản tiêu thụ cao).

Đối với khu vực miền Bắc, do công suất nguồn được bổ sung trong giai đoạn tới luôn thấp hơn so với tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện nên việc đảm bảo cung cấp điện ngày càng khó khăn, có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh vào các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5-7) do thời điểm cuối mùa khô, công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm.

Trường hợp sự cố tổ máy hoặc sự cố đường dây truyền tải 500 kV (đoạn mạch kép từ Hà Tĩnh – Nho Quan) có thể gây nguy hiểm cho việc bảo đảm cung ứng điện của hệ thống điện miền Bắc các năm tới.

Do vậy, Bộ Công thương cho biết việc nhập khẩu điện từ Lào dự kiến qua 5 dự án/cụm nhà máy thủy điện (tổng công suất 705,5 MW) gồm: Nam Ou 5 (240 MW), Nam Ngum 4 (240 MW), Nam Chiane (104 MW), Cụm nhà máy thủy điện khu vực Nam Mo (99 MW) và Hoauy Kaoban (22,5 MW).

Bộ này cũng đề nghị bổ sung xây dựng mới đường dây 220 kV mạch kép Điện Biên – Nam Ou 5 (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam), chiều dài khoảng 20 km phục vụ đấu nối để tiếp nhận công suất từ các nhà máy thủy điện bán điện về Việt Nam. Các công trình đấu nối nhà máy phía Lào do các chủ đầu tư Lào chịu trách nhiệm đầu tư.
Theo EVN, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 7 đạt 24,5 tỷ kWh. Lũy kế 7 tháng/2022 đạt 158 tỷ kWh, trong đó sản lượng thủy điện chiếm 33,3%, nhiệt điện than chiếm 40,5%, tua bin khí 11%, năng lượng tái tạo 14% và điện nhập khẩu 1%.

Thiên Tùng

Saigon Petro phản ứng ra sao trước việc bị tước giấy phép kinh doanh?

Bộ Công thương Việt Nam vừa quyết định đình chỉ giấy phép hoạt động kinh doanh thêm 5 doanh nghiệp đầu mối xuất – nhập khẩu xăng dầu. Trong đó, Công ty Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) cho rằng doanh nghiệp không vi phạm và phản hồi văn bản nêu ra một số hệ lụy nếu bị dừng hoạt động như: doanh nghiệp phải bồi thường hợp đồng, mất an ninh nguồn cung xăng dầu tại hơn 1.000 cửa hàng bán lẻ, v.v…

Saigon Petro cho rằng doanh nghiệp không vi phạm và kiến nghị dừng quyết định tước giấy phép hoạt động kinh doanh. (Ảnh: dẫn qua Thanh Tấm/Facebook)

Tính từ tháng 7/2022 đến nay, Bộ Công thương quyết định tạm đình chỉ giấy phép hoạt động kinh doanh của 12 doanh nghiệp đầu mối xuất – nhập khẩu xăng dầu. Trong đó, có 7 doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động từ 1-2 tháng (5 doanh nghiệp đã được trả giấy phép, 2 doanh nghiệp còn lại sẽ được trả vào ngày 14/9).

Ngày 5/9 vừa qua, Saigon Petro cùng 4 doanh nghiệp khác tiếp tục bị xử phạt hành chính và áp dụng hình phạt bổ sung là tước giấy phép hoạt động kinh doanh có thời hạn, gồm: Công ty Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty Xăng dầu Hùng Hậu và Công ty Dầu khí Đông Phương.

Trong công văn, Thanh tra Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp phải ban hành văn bản gửi thông báo đến các đơn vị liên quan để giám sát, xử lý việc thực hiện quyết định xử phạt.

Đồng thời, yêu cầu 5 doanh nghiệp vi phạm thực hiện việc bàn giao giấy phép kinh doanh xuất – nhập khẩu xăng dầu cho thanh tra Bộ Công Thương tại trụ sở các cơ quan đại diện của Bộ Công Thương tại TP.HCM.

Theo báo Tuổi Trẻ, Công ty Saigon Petro đã có văn bản phản hồi, nêu ra một số hệ lụy mà doanh nghiệp này đối mặt trong trường hợp bị tước giấy phép hoạt động.

Cụ thể, hệ thống phân phối của Saigon Petro bị mất nguồn cung trên 50.000m³/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể sẽ phải đóng cửa.

Theo Saigon Petro, việc này sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung thị trường, gây hậu quả không tốt tới hoạt động kinh tế xã hội khu vực mà hệ thống này cung cấp.

Bên cạnh đó, công ty sẽ bị phạt hợp đồng với Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn trong tháng 9 với số lượng hợp đồng 40.000m³ xăng dầu.

Hơn nữa, công ty cũng sẽ bị phạt hợp đồng nhập khẩu đối với khách hàng nước ngoài đã ký hợp đồng giao hàng trong tháng 9 và đồng thời hàng đã và đang trên đường về cảng Cát Lái.

Do vậy, Saigon Petro kiến nghị Thủ tướng Việt Nam, Bộ Công Thương xem xét “dừng quyết định tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu”.

Về phía Bộ Công thương, tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định việc rút giấy phép kinh doanh có thời hạn không ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu, nguồn cung của cả nước, theo Zing.

“Trong khi, trên thực tế, số lượng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam không lớn chỉ 20-28% nhu cầu trong nước, trong khi Việt Nam có tới 36 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu. Vì vậy, 7 hay 10 doanh nghiệp vi phạm bị rút giấy phép trong thời hạn nhất định thì cũng không ảnh hưởng”, ông Diên nói và khẳng định việc thiếu nguồn cung do một số doanh nghiệp bị rút giấy phép là sai sự thật.

Nguyên nhân Saigon Petro trình văn bản kiến nghị trên:

Tại khoản 5 điều 7 Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có hệ thống phân phối xăng dầu: “Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu của doanh nghiệp, tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân”.

Saigon Petro cho biết năm 2021, công ty không có tổng đại lý và đại lý bán lẻ mà có 73 thương nhân nhượng quyền bán lẻ nên đoàn thanh tra Bộ Công Thương đã kết luận Công ty có hành vi vi phạm hành chính do không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định.

Tuy vậy, doanh nghiệp này lý giải hai hình thức đại lý bán lẻ và nhượng quyền bán lẻ là tương đương nhau, đều nằm trong hệ thống phân phối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đầu mối…

Thiên Vũ

Related posts