Ngày 8/4, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước này có thể chấm dứt nhập khẩu dầu của Nga trong năm nay. Điều này cho thấy sự cấp bách của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong việc cắt bỏ nguồn năng lượng từ Nga sau cuộc xâm lược Ukraine.
Ông Scholz trả lời câu hỏi của một nhà báo về việc liệu ông có cảm thấy xấu hổ khi các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang trả cho Nga hàng tỷ euro để mua nhiên liệu hóa thạch hay không.
“Chúng tôi đang tích cực làm việc để không phụ thuộc vào nhập khẩu dầu (của Nga) và chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có thể đạt được điều đó trong năm nay”, Thủ tướng Đức Scholz phát biểu trong một cuộc họp báo ở London với Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Trong tuần này EU đã thông qua các lệnh trừng phạt mới chống lại Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than bắt đầu từ tháng Tám. Đức đã tăng cường nỗ lực để giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu của Nga sau cuộc xâm lược của nước này vào Ukraine từ ngày 24/2.
Moscow gọi cuộc tấn công của mình là một “hoạt động quân sự đặc biệt” nhằm phi quân sự hóa nước láng giềng. Những người ủng hộ Ukraine và phương Tây gọi đó là “cái cớ” cho một cuộc xâm lược “vô cớ”.
Nhập khẩu dầu của Nga vào Đức đã giảm từ 35% xuống còn 25% kể từ sau cuộc xâm lược. Nhập khẩu khí đốt cũng giảm từ 55% xuống 40%; nhập khẩu than cứng giảm từ 50% xuống 25%.
Việc ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga là một khó khăn lớn hơn đối với Đức; quốc gia này trong quý đầu tiên năm nay đã nhận được 40% lượng khí đốt được giao từ Nga. Đức muốn cắt giảm thị phần khí đốt của Nga xuống còn 24% vào mùa hè này. Tuy nhiên có thể phải đến mùa hè năm 2024, nền kinh tế lớn nhất châu Âu mới chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Thủ tướng Scholz cho hay: “Chúng tôi đang tích cực làm việc để thoát khỏi việc bắt buộc nhập khẩu khí đốt từ Nga.”
“Điều này, như bạn có thể tưởng tượng, không dễ dàng đến vậy bởi vì cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng trước. Các đường ống dẫn đến bờ biển phía bắc nước Đức, hay ví dụ các cảng tái thiết có thể cho phép các tàu LNG (tàu chở khí ga tự nhiên) cung cấp cho mạng lưới khí đốt ở Đức.”
Viện kinh tế DIW cho biết trong một nghiên cứu được công bố hôm 8/4 rằng, Đức có thể đảm bảo đủ nguồn cung cấp khí đốt cho mùa đông tới mà không cần nhập khẩu từ Nga thông qua sự kết hợp giữa các nhà cung cấp thay thế và các biện pháp tiết kiệm năng lượng quyết liệt.
Nghiên cứu chỉ ra rằng Na Uy và Hà Lan có thể lấp đầy khoảng trống do lệnh cấm nhập khẩu khí đốt của Nga mang lại, và nhiều nguồn cung cấp hơn có thể được đảm bảo thông qua việc vận chuyển LNG tới các bến cảng ở Bỉ, Hà Lan và Pháp.
Vy An (Theo Reuters)