Phần lớn trang trại quang năng của Úc dính dáng tới lao động nô lệ Trung Quốc

Daniel Khmelev

Một người đeo mặt nạ trắng với những giọt nước mắt màu đỏ máu tham gia cuộc tuần hành phản đối của người dân tộc Duy Ngô Nhĩ yêu cầu Liên minh Âu Châu kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền, trong một cuộc biểu tình bên ngoài các tổ chức của EU ở Brussels vào ngày 27/04/2018. (Ảnh: Emmanuel Dunand/AFP /Getty Images)

Ít nhất 6 trên 10 trang trại quang năng lớn nhất của Úc có nguồn cung cấp các tấm quang năng từ những chuỗi cung ứng dễ bị ảnh hưởng bởi chương trình lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc.

Hoa Kỳ, Úc, và các nước phương Tây khác đã lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về những hành vi vi phạm nhân quyền đối với hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, bao gồm cả việc sử dụng [biện pháp] giam giữ hàng loạt, lao động nô lệ, và cưỡng bức triệt sản.

Ngành công nghiệp mà Úc ngày càng trở nên phụ thuộc lại chính là ngành có dính líu tới chương trình lao động cưỡng bức của nhà cầm quyền cộng sản này — đó là năng lượng mặt trời.

Một báo cáo đột phá từ tháng 05/2021 có tiêu đề “In Broad Daylight” (tạm dịch: Giữa thanh thiên bạch nhật) tiết lộ một số nhà sản xuất tấm quang năng hoạt động bên ngoài Trung Quốc đã trực tiếp tham gia vào [sử dụng] lao động nô lệ người Duy Ngô Nhĩ hoặc polysilicon thu mua — một vật liệu chính được sử dụng trong gần như tất cả các tấm quang năng — từ các nhà cung cấp.

Một cuộc điều tra của The Epoch Times đã phát hiện ra rằng ít nhất 60% các trang trại quang năng đang hoạt động lớn nhất của Úc có các dãy tấm quang năng do một trong những công ty này sản xuất.

Các nhà sản xuất bảng điều khiển bao gồm JinkoSolar, công ty Thái Dương Năng Canada – một công ty của người Hoa ở Canada, Trina Solar, JA Solar, Astronergy/Chint và LONGi, tất cả đều được phát hiện là khách hàng của một hoặc nhiều nhà cung cấp polysilicon tham gia vào các chương trình lao động nô lệ Duy Ngô Nhĩ.

Hơn nữa, như báo cáo này đã cho thấy, JinkoSolar — một trong những thương hiệu bảng điều khiển tấm quang năng phổ biến nhất của Úc — và Trina Solar đều trực tiếp tham gia vào các chương trình lao động cưỡng bức tương tự này.

Các nhà sản xuất tấm quang năng này cũng có thể được tìm thấy trên khắp nước Úc, từ các trang trại quang năng quy mô nhỏ hơn đến các mái nhà của nhiều gia đình và doanh nghiệp Úc.

Để xin ý kiến bình luận về những báo cáo này, The Epoch Times đã liên lạc với Đảng Tự Do Úc, Đảng Lao Động, Đảng Xanh Úc, và hai cơ quan cao cấp [về năng lượng] có thể tái tạo là Hội đồng Năng lượng Sạch và Hội đồng Năng lượng Thông minh. Tuy nhiên, The Epoch Times không nhận được hồi đáp nào về vấn đề nhân quyền này.

Người Duy Ngô Nhĩ: Không thấy bóng dáng của chính phủ Úc

Cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ đã bày tỏ lo ngại sâu sắc rằng chính phủ Úc đã không đạt được tiến bộ trong việc giải quyết các chương trình lao động nô lệ do ĐCSTQ lãnh đạo đối với ngành năng lượng mặt trời cũng như các ngành công nghiệp khác.

Một thành viên của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Úc và nhà vận động nhân quyền Arslan Hidayat nói rằng nhiều công ty đã không xem xét chuỗi cung ứng sản phẩm của họ.

Ông Hidayat nói với The Epoch Times, “Người ta sẽ cho rằng các công ty sẽ xem xét sâu hơn chuỗi cung ứng của họ.” 

“Nhưng nói chung, các công ty này đang [giao] cho các công ty thứ cấp hoặc trung gian khác để chọn lực lượng lao động, và vì vậy họ chỉ đơn giản là không nhận thức được tình hình.”

Ông Arslan Hidayat tại một cuộc biểu tình phản đối tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ của ĐCSTQ trong bức ảnh không đề ngày tháng này. (Ảnh: Arslan Hidayat)

Ông Hidayat giải thích rằng nếu luật pháp được cải thiện, thì các công ty sẽ buộc phải xem xét sâu hơn chuỗi cung ứng sản phẩm của họ.

Ông nói, “Nếu chính phủ đặt ra luật, giống như những gì quý vị có ở Hoa Kỳ với Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ, thì các công ty sẽ phải thực hiện một số biện pháp phòng ngừa nhất định; nếu không, họ sẽ bị trừng phạt về mặt tài chính. Và vì vậy đó là những gì chúng tôi đang hy vọng.”

Giải pháp của Úc để giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức đã hình thành dưới hình thức Đạo luật Nô lệ Hiện đại có hiệu lực vào năm 2019, yêu cầu các công ty có doanh thu hàng năm trên 100 triệu đô la Úc (76 triệu USD) phải báo cáo và giải quyết các rủi ro về lao động nô lệ trong chuỗi cung ứng của họ.

Dựa trên việc cứ bốn ngôi nhà ở Úc có một nhà được trang bị tấm quang năng, Ủy ban Nhân quyền Úc đã kêu gọi các công ty tuân thủ quy định báo cáo sau khi không ngừng xuất hiện những tin tức về lao động nô lệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, một báo cáo đáng kinh ngạc của Trung tâm Luật Nhân quyền được công bố hồi tháng Hai cho thấy, trên thực tế phần lớn các công ty Úc đã không đáp ứng được các yêu cầu căn bản theo luật định, làm dấy lên nghi ngờ về mức độ thích đáng của các quy tắc hiện hành.

Lo lắng chi phí điện mặt trời giảm là do lao động cưỡng bức

Các báo cáo về lao động cưỡng bức trong ngành sản xuất quang năng của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại rằng giá điện mặt trời thấp đã phải trả giá bằng nhân quyền.

Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO), cơ quan nghiên cứu khoa học do chính phủ Úc tài trợ, đã ca ngợi điện mặt trời là dạng năng lượng rẻ nhất ở Úc.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Quốc gia Matt Canavan cho biết ông cảm thấy lo lắng khi nhiều tổ chức đã thúc đẩy điện mặt trời mà không xem xét những tác động về đạo đức của chiến dịch lao động cưỡng bức của Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Quốc gia Matt Canavan nói với The Epoch Times: “Có nhiều báo cáo đáng tin cậy về việc Trung Quốc đã sử dụng lao động nô lệ để áp mức giá sản xuất tấm quang năng xuống một cách phi tự nhiên.” 

Một quang cảnh trên không của trang trại quang năng Darling Downs với các tấm pin do công ty JA Solar sản xuất gần Dalby, Queensland, Úc, trong bức ảnh không đề ngày tháng này. (Ảnh: AAP Image/APA)

“Thật là vô nhân đạo khi nhiều người cho rằng điện mặt trời rẻ mà không tiết lộ một khả năng rằng điều này có thể là đến từ sự áp bức dân tộc Duy Ngô Nhĩ đáng tự hào.”

Mặc dù nhu cầu sử dụng năng lượng mặt trời của Úc đang ngày càng tăng lên, nhưng quốc gia này không có khả năng sản xuất các thành phần thiết bị quang năng của riêng mình.

Canavan đã thêm vào điệp khúc ngày càng tăng kêu gọi Úc tách khỏi việc nhập cảng thiết bị quang năng của Trung Quốc, một hành động có khả năng chứng kiến ​​sự ra đời của ngành công nghiệp sản xuất năng lượng mặt trời của riêng nước Úc.

Ông nói: “Chúng ta nên cấm nhập cảng các sản phẩm được làm từ lao động nô lệ. Và điều đó có thể tạo cơ hội cho ngành sản xuất tấm quang năng nội địa nổi bật lên”.

Nhà cầm quyền Trung Quốc lạm dụng lao động cưỡng bức và nhân quyền trong nhiều thập niên

Việc sử dụng biện pháp giam giữ hàng loạt và cưỡng bức lao động của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tồn tại trước hoạt động bóc lột người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương từ rất lâu, xảy ra trên một quy mô lớn cùng với chiến dịch bức hại các học viên của môn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.0000000000000000000

Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện tinh thần đề cao các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, cùng với một bộ các bài tập chuyển động chậm rãi. Pháp môn này đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong những năm 1990, với ước tính tổng số người theo học vào khoảng từ 70 triệu đến 100 triệu vào cuối thập niên đó.

Năm 1999, ĐCSTQ coi môn tập này là một mối đe dọa đối với chế độ và bắt đầu một chiến dịch đàn áp trên toàn quốc nhằm xóa sổ môn tập. Kể từ đó, hàng triệu học viên đã bị tống vào các nhà tù, trại lao động, trung tâm giam giữ, và các cơ sở khác, nơi họ phải chịu tra tấn, tẩy não, và thu hoạch nội tạng cưỡng bức.

Vào tháng 01/2002, Bà Điền Phương Anh (Tian Feng Ying), một học viên Pháp Luân Đại Pháp và là cựu giáo viên trung học, bị bắt và bị đưa vào trại “cải tạo” lao động trong ba năm.

Bà kể lại việc bà bị giam giữ trong điều kiện ghê rợn và bị cai ngục lạm dụng trong khi bị ép buộc phải làm nhiều sản phẩm, bao gồm cả chăn thêu và hoa trang trí Giáng Sinh — tất cả đều được xuất cảng ra hải ngoại.

Bà Điền Phương Anh (bên trái) tại một hội đồng về lao động cưỡng bức ở Trung Quốc sau buổi chiếu “Thư cầu cứu từ Mã Tam Gia” ở Perth, Úc, hôm 09/12/2019. Bà Điền đang cầm những bông hoa trang trí tương tự như những thứ mà bà đã bị ép buộc phải làm khi ở Trại Lao động Nữ số 1 Sơn Đông từ năm 2002 đến 2005 tại thành phố Tế Nam, Trung Quốc. (Ảnh: The Epoch Times)

Bà Điền nói với The Epoch Times: “Nếu mấy viên cảnh sát thấy quý vị thao tác hơi chậm hơn bình thường, quý vị sẽ bị khiển trách và chửi bới thậm tệ. Vì môi trường làm việc quá căng thẳng mà cai ngục dồn ép, tôi đã bị chóng mặt buồn nôn ba lần — chẩn đoán của bác sĩ là huyết áp cao.”

Bà Điền nói rằng mặc dù bà ấy bị buộc phải làm việc từ 12 đến 13 tiếng một ngày — trong đó có nhiều ngày bà phải làm việc suốt đêm — nhưng sự quan tâm chính của các cai ngục vẫn là buộc bà phải từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Đại Pháp bằng mọi cách có thể.

Bà Điền nhớ lại: “Tôi bị giam trong xà lim, không thể bước chân ra khỏi căn phòng đó, cũng như không nhìn thấy ánh mặt trời trong suốt một năm. Họ không cho phép tôi gọi điện thoại hay gặp mặt thân nhân. Trong xà lim biệt lập ấy, họ bắt tôi ngồi tôi phải ngồi, bắt tôi đứng tôi phải đứng. Tôi chẳng còn chút tự do cá nhân nào cả.”

“Tôi bị bắt phải ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ cao 10cm và rộng 10cm nhưng không được phép nhúc nhích, dù chỉ một chút. Chỉ cần chuyển động là sẽ bị đấm đá hoặc lôi giật tóc. Việc ngồi nhiều giờ liền khiến da vùng mông của tôi hình thành nên các nốt mụn nhọt lở loét chảy máu và đầy mủ. Nhiều khi tôi bị bắt đứng liên tục trong nhiều ngày mà không được nhúc nhích đến mức bàn chân và cẳng chân của tôi sưng phù lên. Có những lúc tôi không được phép uống nước và đi vệ sinh. Cai ngục thường xuyên chửi bới tôi mà không có lý do rõ ràng. Ở đó, tôi không có nhân phẩm, cũng không có bất kỳ quyền căn bản nào của con người.”

Bà Điền chuyển đến Perth, Úc, vào năm 2015, nhưng những câu chuyện tương tự như của bà vẫn tiếp tục xuất hiện trong bối cảnh những hành vi lạm dụng nhân quyền nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ, học viên Pháp Luân Đại Pháp, và các tù nhân lương tâm khác của ĐCSTQ vẫn đang tiếp diễn.

Ông Daniel Khmelev là một phóng viên người Úc có trụ sở tại Perth về năng lượng, công nghệ và chính trị. Ông có bằng cử nhân toán, vật lý và khoa học máy tính. Liên hệ với ông ấy tại daniel.khmelev@epochtimes.com.au.

Nhật Thăng biên dịch

Related posts