NATO sẽ đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Á Châu-Thái Bình Dương để chống lại Trung Quốc

Victoria Kelly-Clark

Úc sẽ làm việc với Trung tâm Chỉ huy Chiến lược NATO về thông tin sai lệch

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thông báo rằng họ sẽ bắt đầu đẩy mạnh hợp tác với các đối tác tại khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cả về măt thực hành lẫn chính trị trước sự ảnh hưởng và sự ép buộc ngày càng gia tăng của Bắc Kinh cũng như việc nước này không sẵn sàng lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Hôm 07/04, trình bày sau cuộc họp của các Ngoại trưởng NATO, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết những tác động toàn cầu của cuộc xung đột Ukraine đã thúc đẩy tổ chức này lần đầu tiên tăng cường mức độ hợp tác với các đối tác Á Châu-Thái Bình Dương.

“Chúng ta đều đã thấy rằng Trung Quốc không sẵn sàng lên án hành động xâm lược của Nga. Và Bắc Kinh đã cùng với Moscow nghi vấn về quyền của các quốc gia được lựa chọn con đường riêng của mình,” ông Stoltenberg nói. “Đây là một thách thức to lớn đối với tất cả chúng ta. Và điều quan trọng hơn là chúng ta phải sát cánh cùng nhau để bảo vệ các giá trị của mình.”

NATO và các đối tác Á Châu-Thái Bình Dương – Úc, Nhật Bản, New Zealand, và Hàn Quốc — đã gặp nhau tại Brussels để thảo luận về sự hỗ trợ quốc tế dành cho Ukraine.

Ông Stoltenberg cho biết, các ngoại trưởng tề tựu về đây đều đã đồng ý rằng cuộc họp tóm tắt Khái niệm Chiến lược tiếp theo của NATO, dự kiến ​​sẽ được hoàn thiện cho Hội nghị thượng đỉnh Madrid vào tháng Sáu tới, phải đưa ra một câu trả lời về cách họ liên hệ với Nga trong tương lai. Ngoài ra đây cũng sẽ là lần đầu tiên họ xem xét sự ảnh hưởng ngày càng tăng và các chính sách cưỡng chế của Trung Quốc đã tác động đến an ninh của họ như thế nào.

“NATO và các đối tác Á Châu-Thái Bình Dương của chúng ta hiện đã đồng ý đẩy mạnh hợp tác về thực hành và chính trị trong một số lĩnh vực, bao gồm cả không gian mạng, công nghệ mới, và chống lại thông tin sai lệch,” ông nói. “Chúng ta cũng sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với nhau trong các lĩnh vực khác như an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu, và khả năng chống chịu. Bởi vì những thách thức toàn cầu đòi hỏi các các giải pháp toàn cầu.”

Úc công bố hợp tác với NATO

Tin tức về sự hợp tác sâu hơn vào khu vực Thái Bình Dương được đưa ra khi Ngoại trưởng Úc Marise Payne thông báo rằng Úc sẽ hợp tác với NATO để giúp tổ chức này chống lại các mối đe dọa tổ hợp và thông tin sai lệch cũng như củng cố sự ủng hộ của Úc đối với NATO.

Hôm 07/04, bà Payne cho biết rằng Úc sẽ hợp tác với Trung tâm Truyền thông Chiến lược Xuất sắc của NATO (SCCE) để hiểu sâu hơn về các thách thức an ninh và truyền thông chiến lược mà NATO, Đồng minh NATO, và các đối tác đang đối mặt.

“Tầm quan trọng của việc cải thiện thông tin liên lạc chiến lược đã được nhấn mạnh bởi việc Nga sử dụng thông tin và tuyên truyền sai lệch trong cuộc chiến bất hợp pháp và vô cớ nhằm vào Ukraine,” bà Payne cho hay. “Chúng tôi sẽ cung cấp cho Trung tâm này một cái nhìn rõ ràng về các động lực địa chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tác động của điều này đối với NATO.”

SCCE, đặt tại Riga, Latvia, là một tổ chức quân sự quốc tế đã được NATO chính thức công nhận nhưng tách biệt với Cơ cấu Chỉ huy của NATO. Trọng tâm của tổ chức này là góp phần nâng cao các khả năng liên lạc chiến lược giữa các quốc gia thành viên của Liên minh NATO và các quốc gia đồng minh khác.

Úc là một Đối tác tiếp cận Cơ hội được Tăng cường của NATO, có nghĩa là họ làm việc để tăng cường khả năng tương tác, tham gia vào các chương trình huấn luyện và tập trận của quân đội NATO, và chia sẻ thông tin về các vấn đề cùng quan tâm.

Theo bà Payne, sự hợp tác này sẽ được bắt đầu bằng việc cử một quan chức Úc tham gia vào SCCE, từ đó Úc sẽ làm việc để chống lại thông tin sai lệch và các mối đe dọa tổ hợp khác.

Cô Victoria Kelly-Clark là một phóng viên tại Úc chuyên về chính trị quốc gia và môi trường địa chính trị ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, Trung Đông và Trung Á.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts