Theo khối thương mại Cơ quan Liên chính phủ về Phát triển (IGAD) của Phi Châu, hơn 29 triệu người đang phải chịu cảnh khan hiếm nguồn cung cấp lương thực sau thời gian hạn hán kéo dài ở phía đông lục địa. Tình trạng này càng thêm bế tắc do cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
IGAD, có trụ sở chính tại Djibouti, đã viết trên Twitter gần đây: “Trên toàn khu vực IGAD, 29 triệu người đang phải đối mặt với mức độ mất an ninh lương thực cao.” Các thành viên của IGAD bao gồm Djibouti, Somalia, Eritrea, và Ethiopia từ vùng Sừng Phi Châu; Sudan và Nam Sudan từ Thung lũng sông Nile; và Kenya cùng Uganda từ khu vực Hồ Lớn Phi Châu.
IGAD viết, khoảng 15.5 triệu đến 16 triệu người đang cần “hỗ trợ lương thực ngay lập tức,” với 6 triệu đến 6.5 triệu người ở Ethiopia; 3.5 triệu ở Kenya; và 6 triệu ở Somalia. Ở miền trung nam của Somalia, “tình hình thật thảm khốc, với 81,000 người có nguy cơ đói kém.”
Bên cạnh đó, Nam Sudan phải đối mặt với “lũ lụt kéo dài”, khiến “8 triệu người khác” rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. IGAD đã kêu gọi các đối tác nhân đạo và các nhà tài trợ quốc tế ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng trong khu vực và phối hợp hỗ trợ cứu người ngay lập tức.
Việc Nga xâm lược Ukraine đã khiến tình trạng thiếu lương thực gia tăng và làm tăng giá trên toàn cầu, đặc biệt là ở các khu vực dễ bị tổn thương nhất là Phi Châu và Trung Đông. Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết giá lương thực toàn cầu tăng với tốc độ nhanh nhất kỷ lục trong tháng Ba, tăng 13% so với tháng trước lên 159.3 điểm.
Nga và Ukraine là những nước sản xuất và xuất cảng lương thực lớn hàng đầu của các loại ngũ cốc như lúa mì, ngô, và lúa mạch. Cuộc chiến đã dẫn đến việc các cảng ở Biển Đen bị phong tỏa, khiến Ukraine phải vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, vốn gặp khó khăn đáng kể về mặt hậu cần.
Ở Nam Sudan, lũ lụt và hạn hán, xung đột, di dời, và suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng tiêu cực đến 7.74 triệu người (62.7% dân số), theo phân tích mới nhất của Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC). Họ đang phải đối mặt với mối đe dọa mức Giai đoạn 3 của IPC.
Phân loại Giai đoạn 3 “KHỦNG HOẢNG” của IPC trong một khu vực cụ thể chỉ ra rằng ít nhất 20% số gia đình đang trải qua các điều kiện của giai đoạn này. Các tình trạng bao gồm tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính từ 10 đến 15%.
Phân loại Giai đoạn 4 “KHẨN CẤP” của IPC cho biết tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính tăng lên từ 15 đến 30%, trong khi phân loại Giai đoạn 5 “NẠN ĐÓI” của IPC chỉ ra mức suy dinh dưỡng cấp tính vượt quá 30%, với hơn hai trên 1,000 người tử vong mỗi ngày.
Tháng Tư đến tháng Bảy năm 2022 được coi là mùa giáp hạt, trong đó 87,000 người ở Nam Sudan có thể sẽ được phân loại theo IPC Giai đoạn 5, trong khi ước tính khoảng 2.90 triệu người có thể phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cấp độ 4 của IPC.
Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.
Nhật Thăng biên dịch