Trung Quốc thu nạp đồng minh của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương: giờ là Solomon, kế tiếp là Micronesia

Antonio Graceffo

Quang cảnh nhìn từ trên không của Kolonia, Liên bang Micronesia, vào ngày 05/08/2019. (Ảnh: Jonathan Ernst/Reuters)

Chính quyền Trung Quốc đã thu nạp Quần đảo Solomon và hiện đang chuẩn bị kéo Liên bang Micronesia ra khỏi Hiệp ước Liên kết Tự do của quốc đảo này với Hoa Kỳ.

Hôm 25/03, Quần đảo Solomon xác nhận rằng họ đang soạn thảo một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc. Vì bản hợp đồng đơn nhất này, mà Hoa Kỳ mất đi một đồng minh có giá trị ở một khu vực quan trọng của thế giới, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) sẽ giành được một căn cứ mới ở ngoại quốc, và Úc đang ở trong tình trạng báo động khi biết rằng địch thủ hiện đang ở sân sau của họ.

Liên kết đối tác chiến lược với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) này cho phép Honiara, thủ phủ của Quần đảo Solomon, kêu gọi viện trợ quân cảnh từ Bắc Kinh. Sự kết giao này cũng đem đến cho Solomon [cơ hội] phát triển kinh tế, mở rộng thương mại, và các dịch vụ hàng không dân dụng.

Thế nhưng công dân [của đảo quốc này] lại cảnh giác với ảnh hưởng của Trung Quốc. Năm 2006, những người nổi loạn đã đốt phá Khu Phố Tàu ở Honiara, cáo buộc các doanh nghiệp có liên hệ với Trung Quốc đã gian lận trong một cuộc tổng tuyển cử.

Năm 2019, Honiara từ bỏ việc công nhận Đài Loan để chuyển sang công nhận Trung Quốc. Năm ngoái (2021), tình trạng bất ổn lại bùng phát, một phần được thúc đẩy bởi sự phẫn nộ của người dân trước việc chính phủ của họ quay lưng với Đài Loan. Người dân cũng bày tỏ sự bất bình trước cách mà chính phủ của họ trở nên thân thiết với Bắc Kinh. Năm 2006 lặp lại, những người biểu tình đã cướp phá và thiêu rụi các cơ sở kinh doanh mà người Trung Quốc sở hữu.

Cuối cùng, lực lượng gìn giữ hòa bình và quân cảnh Úc đã được hiệu triệu để vãn hồi trật tự. Lần tới, người cứu trợ rất có thể là PLA. Dự thảo thỏa thuận giữa Trung Quốc và Solomon rõ ràng cho phép PLA “bảo vệ sự an toàn của nhân viên và các dự án lớn của Trung Quốc … [cũng như] giữ gìn trật tự xã hội.”

Một khu trục hạm mang hỏa tiễn dẫn đường lớp Lữ Dương của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) rời Eo biển Torres và đi vào Biển Coral hôm 18/02/2022. (Ảnh: Được cung cấp/Bộ Quốc phòng Úc).

Việc Quần đảo Solomon rơi vào tay ĐCSTQ thể hiện sự đổ vỡ trong giao kết của Hoa Kỳ với các đảo quốc Thái Bình Dương. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã tập trung nhiều vào Bộ Tứ — một liên kết đối tác an ninh giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, và Hoa Kỳ — chuyên để kiềm chế ĐCSTQ. Tuy nhiên, Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương bao gồm 18 thành viên, tất cả đều được coi là các quốc gia đang phát triển, ngoài Úc và New Zealand.

Trung Quốc đang mời gọi các quốc gia đang phát triển về phía mình bằng cách cung cấp viện trợ, đầu tư, và cho vay. Hoa Kỳ đã nhận ra rằng để chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ trong khu vực này, thì Hoa Thịnh Đốn phải tăng cường tiếp xúc trực tiếp với các quốc đảo Thái Bình Dương. Điều này đặc biệt đúng với những quốc gia mà Hoa Kỳ tin rằng ĐCSTQ muốn dựng lập các căn cứ quân sự của PLA [ở đó].

Trong khuôn khổ viện trợ và đầu tư của mình, ĐCSTQ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ở các quốc gia này. Các quan chức an ninh Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng các đường băng và cơ sở hàng không do Trung Quốc xây dựng hoặc mở rộng trong khu vực này có thể bị PLA chiếm dụng.

Là một phần trong nỗ lực xoay trục của Hoa Kỳ hướng về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đến thăm Fiji hôm 12/02 và tổ chức một hội nghị với 18 nhà lãnh đạo từ các quốc đảo Thái Bình Dương. Ông là ngoại trưởng Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm Fiji trong gần 40 năm.

Tại cuộc họp đó, ông Blinken thông báo rằng Hoa Kỳ có kế hoạch mở lại đại sứ quán của họ ở Quần đảo Solomon, vốn đã bị cho đóng cửa từ năm 1993. Tuy nhiên, cử chỉ này là quá ít, quá muộn để ngăn Quần đảo Solomon sa lưới quỹ đạo của Trung Quốc.

Trong khi đó, Liên bang Micronesia (FSM) — một đồng minh khác của Hoa Kỳ — có nguy cơ rơi vào miệng rồng.

Trận chiến giành Micronesia

Hôm 31/03, ABC Australia đưa tin rằng Liên bang Micronesia đã đề nghị Quần đảo Solomon cân nhắc lại hiệp ước an ninh với Trung Quốc. Tổng thống Micronesia David Panuelo nói rằng mặc dù người dân của Liên bang Micronesia tự coi mình là bằng hữu của Trung Quốc, nhưng họ cũng là đồng minh của Hoa Kỳ.

Và với việc hai quốc gia lớn ngày càng mâu thuẫn với nhau, quyết định đơn phương mà Quần đảo Solomon thực hiện là “chưa từng có tiền lệ”. Ông Panuelo bày tỏ e ngại rằng những thỏa thuận như vậy có thể chia cắt các quốc đảo Thái Bình Dương thành các phe đối nghịch, hành động theo mệnh lệnh của từng đại cường quốc riêng biệt.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, Tổng thống Liên bang Micronesia David Panuelo, và Tổng thống Quần đảo Marshall Hilda Heine tổ chức một cuộc họp báo sau cuộc họp của họ tại Kolonia, Liên bang Micronesia, vào ngày 05/08/2019. (Ảnh: Reuters/Jonathan Ernst)

Mặc dù có dân số chỉ hơn 100,000 người, Liên bang Micronesia là một trong những trụ cột tối trọng yếu của Hoa Kỳ trong việc duy trì quyền bá chủ của mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Liên bang Micronesia gồm hơn 600 hòn đảo trải dài hơn 1 triệu dặm vuông của Thái Bình Dương. Đảo quốc này có vị trí chiến lược nằm trong một khoảng cách cần lưu tâm với Indonesia, Papua New Guinea, Guam, Marianas, Nauru, Quần đảo Marshall, Palau, và Philippines.

Mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Liên bang Micronesia bị chi phối bởi Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA). Theo thỏa thuận này, Hoa Kỳ chịu trách nhiệm cho sự tự vệ của Micronesia, đổi lại, cho phép Hoa Kỳ được độc quyền đồn trú quân nhân và tài sản quân sự trong lãnh thổ nước này. Micronesia nhận được hỗ trợ kinh tế từ Hoa Kỳ, và công dân Micronesia có thể dễ dàng gia nhập quân đội Hoa Kỳ, nhập cư, hoặc làm việc tại Hoa Kỳ.

Trong nhiều năm, ĐCSTQ đã cố gắng gia tăng ảnh hưởng của mình trong khu vực thông qua các sáng kiến ​​đầu tư và quyền lực mềm. Bên cạnh vị trí chiến lược, mỗi quốc gia thuộc Quần đảo Thái Bình Dương đều nhận được một phiếu bầu tại Liên Hiệp Quốc. Với quy mô nhỏ và sự phát triển bị kìm hãm, Bắc Kinh tin rằng họ có thể mua được lòng trung thành và phiếu bầu của những đảo quốc này với giá rẻ.

Các quốc gia Thái Bình Dương đã chuyển công nhận Đài Loan sang công nhận Trung Quốc bao gồm Kiribati, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Tonga, và Vanuatu. Micronesia, vốn công nhận Trung Quốc chứ không phải Đài Loan, là mục tiêu tiếp theo của ĐCSTQ sẽ bị kéo ra khỏi tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ.

Trung Quốc đã cung cấp cho Micronesia 100 triệu USD viện trợ kể từ năm 1990, trong đó ĐCSTQ tài trợ cho các tổ hợp chính phủ, trung tâm hội nghị, và cơ sở hạ tầng giao thông. Năm 2017, Micronesia tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI, còn được gọi là “Một vành đai, Một con đường”).

Hiệp ước COFA, thỏa thuận của Micronesia với Hoa Thịnh Đốn, sẽ được gia hạn vào năm 2023. Điều này đang tạo cho ĐCSTQ một cơ hội để đưa ra một thỏa thuận thay thế với Bắc Kinh. Dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, Hoa Kỳ và Micronesia bắt đầu đàm phán gia hạn thỏa thuận vào năm 2019. Nhưng các cuộc đàm phán này đã bị trì hoãn vì đại dịch COVID-19.

Việc gia hạn hiệp ước COFA có lẽ không hoàn toàn loại ĐCSTQ ra khỏi khu vực này được. Tiểu bang Chuuk, một nhóm đảo của Liên bang Micronesia nằm rất gần lãnh thổ Guam của Hoa Kỳ, đã nhận được nhiều viện trợ kinh tế của Bắc Kinh. Kể từ năm 2015, Tiểu bang Chuuk đã ba lần lên lịch tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập nhưng thực hiện không thành.

Gần đây nhất, hồi tháng Ba, Chuuk có ý định bỏ phiếu về việc có nên tách khỏi Liên bang Micronesia hay không; tuy nhiên, không có cuộc bỏ phiếu nào diễn ra, và không có ngày cụ thể nào được ấn định. Nếu tiểu bang Chuuk độc lập khỏi Liên bang Micronesia, họ này sẽ được tự do bước vào một thỏa thuận với Trung Quốc. Điều này cũng có nghĩa là PLA sẽ có thể thiết lập một căn cứ.

Việc để mất quần đảo Solomon vào tay ĐCSTQ sẽ là một lời cảnh tỉnh cho chính phủ ông Biden. Để mất Liên bang Micronesia sẽ là một thảm họa, và cần phải thực hiện các biện pháp để ngăn chặn điều này. Hoa Kỳ cần tăng cường giao thiệp với tất cả các quốc đảo Thái Bình Dương và cung cấp viện trợ kinh tế đáng kể; nếu không, ĐCSTQ sẽ làm điều đó.

Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”)

Vân Du biên dịch

Related posts