Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cập nhật các dự báo về thương mại toàn cầu trong những năm tới, phản ánh sự phục hồi từ virus ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) chậm hơn so với dự kiến do Nga tiến hành xâm lược Ukraine.
Hôm 12/04, WTO đã ban hành một thông cáo báo chí sửa đổi các dự đoán về thương mại toàn cầu vào năm 2022. Trong khi trước đó tổ chức này dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu là 4.7%, các số liệu mới cho thấy mức tăng trưởng chỉ là 3%. Tổ chức này cũng dự đoán tăng trưởng thương mại 3.4% cho năm 2023.
WTO cũng dự đoán rằng GDP thế giới sẽ tăng 2.8% trong năm nay, giảm so với dự báo trước đó là tăng 4.1%. Vào năm 2023, tăng trưởng GDP toàn cầu dự kiến đạt 3.2%, tương đương với mức trung bình hàng năm của thập kỷ trước.
WTO lưu ý rằng những số liệu này rất dễ thay đổi và có xu hướng thay đổi, do tình hình vẫn tiếp tục biến động.
Nga duy trì là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, với GDP quốc gia chưa bằng một phần mười của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng xuất cảng của Nga có bao gồm các nguồn tài nguyên thiết yếu: các loại nhiên liệu như khí đốt tự nhiên và dầu mỏ, phân bón như kali, và lương thực chính như lúa mì và ngô.
Báo cáo của WTO cho biết: “Mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong thương mại và sản lượng thế giới, nhưng Nga và Ukraine là những nhà cung cấp chính các mặt hàng thiết yếu bao gồm thực phẩm, năng lượng, và phân bón, những nguồn cung cấp này hiện đang bị đe dọa bởi chiến tranh”, lưu ý rằng việc đình trệ các chuyến hàng qua các cảng Biển Đen có thể gây ra “hậu quả nghiêm trọng” đối với an ninh lương thực ở các nước đang phát triển.
Phân tích của WTO được ông Sankar Sharma, một kỹ thuật viên thị trường và là người sáng lập RiskRewardReturn.com nhắc lại.
Ông Sharma nói với The Epoch Times: “Để hiểu được tác động, chúng ta cần phân loại thế giới thành hai bên. Các quốc gia cung cấp hàng hóa và các quốc gia tiêu dùng hàng hóa. Từ góc độ thương mại, các quốc gia tiêu dùng sẽ phải trả tiền theo giá và các nhà cung cấp hàng hóa được lợi về giá.”
Ông Sharma tiếp tục, “Rõ ràng là có thể kết luận rằng xung đột Nga-Ukraine đã tạo ra sự mất cân bằng cung cầu trên toàn cầu và điều này đang kích hoạt các kế hoạch dự phòng, giảm thiểu rủi ro trên toàn cầu. Điều quan trọng cần lưu ý là tác động của dầu lửa đã có đối với Sri Lanka. Sự mất cân bằng này đã cho thấy tác động đến tiền tệ của Sri Lanka và Ai Cập. Các quốc gia sản xuất hàng hóa sẽ có ưu thế hơn khi chúng ta so sánh với các quốc gia tiêu thụ.”
Trong khi phần lớn trách nhiệm được gán cho cuộc xung đột quân sự Đông Âu đang diễn ra này, báo cáo cũng lưu ý các yếu tố bổ sung góp phần làm giảm những số liệu dự đoán này. Đặc biệt, WTO chỉ ra lệnh phong tỏa của ĐCSTQ áp đặt để đối phó với làn sóng virus ĐCSTQ mới ở Thượng Hải và các thành phố khác của Trung Quốc.
WTO cho biết: “Các cuộc phong tỏa ở Trung Quốc để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 đang làm gián đoạn hoạt động thương mại đường biển vào thời điểm mà các áp lực của chuỗi cung ứng dường như đang giảm bớt. Hành động này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào sản xuất mới và lạm phát cao hơn.”
Trong khi đầu những năm 2020 đã chứng kiến sự sụt giảm kinh tế nói chung so với số liệu tăng trưởng GDP và thương mại trung bình từ những năm 2010, các số liệu từ thập kỷ này vẫn cao hơn đáng kể so với dự đoán thảm khốc nhất của WTO về hậu quả kinh tế do virus ĐCSTQ gây ra. Năm 2020, thương mại hàng hóa toàn cầu đã giảm 5% – ít hơn nhiều so với dự báo trong trường hợp xấu nhất của WTO là giảm 32%.
Ông Nicholas Dolinger là một ký giả về kinh doanh của The Epoch Times và là người tạo ra podcast “The Beautiful Toilet”.
Vân Du biên dịch