Hoa Kỳ và Ấn Độ bàn cách cùng nhau ‘giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu’

Venus Upadhayaya

(Từ trái qua phải) Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh, và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar lắng nghe khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trên màn hình) diễn thuyết trong một cuộc họp trực tuyến tại Thính phòng Tòa án phía Nam của khu phức hợp Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn hôm 11/04/2022. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

NEW DELHI – Hôm 11/04, Tổng thống (TT) Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã họp trực tuyến trước thềm cuộc đối thoại song phương 2+2 giữa bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của hai nước. Hai nhà lãnh đạo này đã bàn thảo về mối bang giao “sâu sắc hơn và bền chặt hơn” cũng như về việc cùng nhau nỗ lực giải quyết nhiều vấn đề còn dai dẳng trên toàn cầu.

Tổng thống Biden đưa nhận định trước cuộc hội đàm này, “Chúng ta có cùng mối quan tâm về những thách thức toàn cầu mà chúng ta đối mặt — từ dịch bệnh COVID-19, thúc đẩy an ninh y tế, và theo dõi cuộc khủng hoảng khí hậu — và chúng ta cùng chia sẻ một Liên kết Đối tác Quốc phòng Chủ đạo đang phát triển mạnh mẽ.”

“Gốc rễ của liên kết đối tác của chúng ta là một sự kết nối sâu sắc giữa hai dân tộc — mối liên hệ gia đình, bè bạn, và các giá trị chung.”

Ông Biden cho biết cả hai nước sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ lẫn nhau về tình hình Ukraine và cách quản lý tác động từ cuộc xâm lược của Nga.

Ông Biden nói, “Tôi muốn hoan nghênh sự cứu trợ nhân đạo của Ấn Độ dành cho người dân Ukraine, những người đang phải hứng chịu một cuộc tấn công kinh hoàng, bao gồm cả một vụ pháo kích thảm khốc vào một trạm hỏa xa hồi tuần trước khiến hàng chục trẻ em vô tội, phụ nữ và dân thường cố gắng chạy thoát khỏi cuộc đụng độ bạo lực này bị thiệt mạng.”

Ông Modi cho biết tình hình ở Ukraine là “đáng lo ngại” và ông đã nhắc đến hoạt động giải cứu thành công của Ấn Độ đối với hơn 20,000 người Ấn Độ bị mắc kẹt ở Ukraine. Ông đề cập rằng các cuộc thảo luận sâu rộng về Ukraine đã diễn ra tại Quốc hội Ấn Độ và hy vọng rằng các cuộc thảo luận đang diễn ra giữa Nga và Ukraine sẽ dẫn đến hòa bình.

Ông nói, “Trong toàn bộ quá trình này, tôi đã nói chuyện điện thoại nhiều lần với hai vị tổng thống của cả Ukraine và Nga. Tôi không chỉ kêu gọi hòa bình mà còn đề nghị có các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine.”

Ấn Độ là một trong số ít quốc gia không công khai chỉ trích cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Họ đã bỏ phiếu trắng trong 10 lần bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc về vấn đề này, mặc dù họ đã kêu gọi chấm dứt bạo lực và cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine.

Hoa Kỳ đã gây áp lực muốn Ấn Độ lên án Nga nhưng nước này đã từ chối, và khi mà ông Biden nói chuyện với ông Modi và nhà lãnh đạo các nước trong Đối thoại An ninh Tứ giác lần gần đây nhất hồi cuối tháng Ba, Ấn Độ đã ngăn cản các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm đưa vấn đề Nga-Ukraine vào nghị trình. Sau đó, ông Biden đã mô tả quan điểm của Ấn Độ về vấn đề này là “có chút dao động” dẫn đến nhiều đồn đoán rằng vấn đề này sẽ khiến mối bang giao giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ bị sứt mẻ.

Các chuyên gia của Hoa Kỳ và Ấn Độ nói với The Epoch Times rằng cuộc hội đàm trực tuyến của hai ông Biden và ông Modi trước thềm cuộc đối thoại cấp bộ trưởng 2+2 cho thấy rằng vấn đề của Nga sẽ không làm ảnh hưởng đến liên kết đối tác Ấn Độ-Hoa Kỳ trên phạm vi rộng và nhiều mặt.

“Cuộc hội đàm giữa ông Biden và ông Modi trước hội nghị thượng đỉnh ‘2 cộng 2’ đã chứng tỏ tầm quan trọng mà chính phủ ông Biden dành cho mối liên hệ với Ấn Độ. Các tuyên bố được đưa ra cũng chứng minh rằng cả hai bên đã cố gắng đưa ra quan điểm của mình về tất cả các vấn đề, từ Nga cho đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” bà Aparna Pande, giám đốc Sáng kiến về Tương lai của Ấn Độ và Nam Á tại Viện nghiên cứu Hudson có trụ sở ở Hoa Thịnh Đốn, nói với The Epoch Times.

Cuộc đối thoại Ấn Độ-Hoa Kỳ này cũng cần được xem xét trong bối cảnh các nghị trình về chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, theo ông Madhav Nalapat, phó chủ tịch Nhóm Nghiên cứu Nâng cao Manipal.

Ông Nalapat nói: “Cuộc hội đàm trực tuyến giữa ông Biden và ông Modi chứng tỏ rằng quan hệ an ninh giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ đang trở thành liên kết quan trọng nhất trong nỗ lực giành quyền bá chủ của CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] trong kỷ nguyên này.”

Đối thoại cấp Bộ trưởng 2+2

Sau cuộc họp giữa ông Biden và ông Modi, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Tony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh tại Hoa Thịnh Đốn hôm thứ Hai (11/04) cho cuộc đối thoại cấp bộ trưởng 2+2 lần thứ tư giữa hai nước — cuộc đối thoại đầu tiên dưới thời chính phủ ông Biden.

Trước cuộc hội đàm này, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, đối thoại 2+2 sẽ mở ra cơ hội cho hai nước thảo luận về những diễn biến quan trọng trong khu vực và trên toàn cầu, đồng thời nỗ lực hướng tới các lợi ích chung.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết: “Cuộc đối thoại này sẽ cho phép cả hai bên tiến hành rà soát toàn diện các vấn đề liên ngành trong nghị trình song phương giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ liên quan đến chính sách ngoại giao, quốc phòng, và an ninh với mục tiêu đưa ra định hướng và tầm nhìn chiến lược để củng cố hơn nữa mối bang giao này.”

Năm nay đánh dấu 75 năm thiết lập mối bang giao giữa hai nước và sau Đối thoại cấp Bộ trưởng 2+2, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết cả hai nước đều có chung một cam kết đối với nền dân chủ và chủ nghĩa đa nguyên.

Vị phát ngôn viên này cho biết: “Cả hai quốc gia đều tìm cách tiếp tục thúc đẩy một trật tự quốc tế kiên cường, dựa trên luật lệ [để] bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, duy trì các giá trị dân chủ, đồng thời thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng cho mọi dân tộc.”

Ông Nalapat nói rằng hai cuộc hội đàm này cho thấy “sự cải thiện tiến bộ” trong mối bang giao Ấn Độ – Hoa Kỳ là không phân biệt đảng nào cầm quyền ở Hoa Kỳ.

Ông nói: “Ông Modi đã biến mối bang giao này trở thành trọng tâm trong chính sách ngoại giao có tính cải biến của mình và động lực này vẫn được giữ trong các chính phủ của ông Obama, ông Trump, và ông Biden.”

Phụ tá thân cận của ông Modi, Bộ trưởng Quốc phòng Singh, cho biết trong một thông báo trên Twitter rằng sự hợp tác Quốc phòng giữa Ấn Độ-Hoa Kỳ ngày càng được mở rộng và tăng cường.

Ông Austin nói rằng hai quốc gia đang phối hợp chặt chẽ với nhau để làm cho “các hệ thống có giá cả phải chăng.” Ông Singh sau đó đã nói trong một cuộc phỏng vấn ở Hoa Thịnh Đốn rằng khả năng chi trả là vấn đề quan trọng khi Ấn Độ cần xuất cảng thứ gì đó mà nước này cần nhưng không thể sản xuất.

Ông Austin nói trong một cuộc họp báo hôm 11/04 rằng, “Về vấn đề các hệ thống trong tương lai, chúng tôi đang tham gia vào các cuộc thảo luận tích cực với Ấn Độ về cách hỗ trợ tốt nhất nhu cầu hiện đại hóa của họ. Khi chúng tôi nhìn về tương lai, chúng tôi muốn bảo đảm rằng chúng tôi có thể duy trì khả năng hoạt động cùng nhau, và vì vậy chúng tôi mong đợi các cuộc thảo luận tiếp nối đó, và nó cũng bao gồm một loạt các phương án giúp cho hệ thống của chúng ta có giá cả phải chăng hơn.”

Ông Abhishek Srivastava, trợ lý giáo sư về ngoại giao tại Đại học Jawaharlal Nehru của New Delhi, nói với The Epoch Times rằng Ấn Độ đang tìm kiếm nguồn đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng vì họ muốn giảm sự phụ thuộc vào xuất cảng đồng thời đẩy mạnh chương trình “Sản xuất tại Ấn Độ” (“Make in India”).

Ông Blinken cũng đã thông báo về việc khởi động lại cuộc đối thoại thương mại song phương Ấn Độ-Hoa Kỳ và diễn đàn của CEO vào cuối năm nay để khuyến khích đầu tư và giao thương song phương nhiều hơn.

Cô Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều chủ đề. Lĩnh vực chuyên môn của cô là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã viết bài đóng góp cho các phương tiện truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập niên. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững và giới lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts