Chuyên gia: Hoa Kỳ nên buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm về thương mại sau 20 năm lạm dụng WTO

Một logo được vẽ trên tòa nhà của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 15/07/2021. (Ảnh: Denis Balibouse/Reuters)

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đang kêu gọi Mỹ suy nghĩ lại cách tiếp cận với Trung Quốc, tập trung vào xây dựng năng lực trong nước hơn là cố gắng thay đổi hành vi của ĐCSTQ.

USTR Katherine Tai cho biết trong lời khai trước Quốc hội hôm 30/03: “Chiến lược của chúng ta phải mở rộng ra ngoài việc chỉ thúc ép Trung Quốc thay đổi và bao gồm việc bảo vệ mạnh mẽ các giá trị và lợi ích kinh tế của chúng ta khỏi những tác động tiêu cực của các chính sách và hành vi kinh tế không công bằng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa).”

Sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, Trung Quốc đã thực hiện một loạt cam kết mở cửa nền kinh tế và xóa bỏ các rào cản đối với thương mại. Nhưng theo một báo cáo khác từ USTR vào tháng Hai, chính phủ này đã không thực hiện đúng các cam kết của mình và tiếp tục tham gia vào các hành vi bóp méo thương mại.

Báo cáo đó được công bố khoảng 20 năm sau khi Trung Quốc gia nhập WTO và 50 năm sau khi cựu Tổng thống Richard Nixon có hành động nổi tiếng là mở cửa đất nước này với Hoa Kỳ. Kể từ đó, Hoa Thịnh Đốn đã theo đuổi chiến lược kết nối với Bắc Kinh với giả định rằng ĐCSTQ sẽ lần lượt mở cửa nền kinh tế và chính trị của mình cho các ảnh hưởng của phương Tây.

Trước khi Trung Quốc lạm dụng WTO, Hoa Thịnh Đốn cũng đã trao cho nước này quy chế “tối huệ quốc”, mang lại những lợi thế nhất định trong thương mại. Ông Chuck Benoit, một luật sư thương mại quốc tế, cho biết việc Bắc Kinh chấp nhận tham gia vào hệ thống thương mại quốc tế phản ánh việc thế giới phương Tây áp dụng lý thuyết lợi thế so sánh, vốn thúc đẩy chuyên môn hóa sản xuất giữa các đối tác thương mại và có phần phản đối với chủ nghĩa bảo hộ. Theo lý thuyết này, [một quốc gia] sẽ tích lũy lợi ích từ việc giao thương với một quốc gia [khác] ngay cả khi họ sản xuất một mặt hàng cụ thể tốt hơn hoặc hiệu quả hơn. Giả định là một nền thương mại tự do hoặc thương mại ít bị hạn chế hơn với Trung Quốc sẽ có lợi cho các quốc gia khác.

Nhưng hai thập niên sau khi gia nhập WTO, hy vọng của thế giới phương Tây đối với Bắc Kinh vẫn chưa mang lại kết quả. Như USTR lưu ý, quốc gia này đã thực hiện một loạt các hoạt động bóp méo thương mại phản bội các cam kết tự do hóa nền kinh tế của mình, trong đó có cả hoạt động đánh cắp tài sản trí tuệ (IP) ngoại quốc do nhà nước hậu thuẫn.

Ông Benoit nói, “Tôi hoàn toàn nghĩ rằng Trung Quốc là nhân tố trung tâm trong việc xem xét và đặt vấn đề lại của 70 năm chính sách thương mại.” Ông cũng tuyên bố việc Trung Quốc gia nhập WTO là một sự kiện mang tính chất “mất nhiều hơn được”.

Không phải ai cũng đồng tình với sự than thở rõ rệt của ông Benoit. Ông Riley Walters, một chuyên gia tại Viện Hudson, bảo vệ sự gia nhập WTO của Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times.

Ông nói khi đề cập đến việc gia nhập WTO, “Tôi không nghĩ rằng chúng ta đã sai khi thực sự theo đuổi điều đó. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã đúng… những gì chúng ta đã nghĩ thời đó là tự do hóa thương mại, điều này đương nhiên là tốt cho các nền kinh tế và tôi nghĩ nó đã có hiệu quả… đối với Hoa Kỳ, đối với Trung Quốc.”

Thay vào đó, ông gợi ý rằng Âu Châu và Hoa Kỳ đang “kém cỏi trong việc thực thi” với những vấn đề như đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Ông nói thêm, tăng cường chủ nghĩa bảo hộ không phải là câu trả lời. Ông Walters không đồng tình với cách tiếp cận của chính phủ ông Trump và thỏa thuận thương mại “giai đoạn một”, vốn đã thất bại khi Trung Quốc không mua nhiều loại sản phẩm mà họ đã hứa.

Ông nói, “Tôi không biết tại sao chúng ta [Hoa Kỳ] lại nghĩ rằng họ sẽ mua tất cả những hàng hóa đó.” Ông lập luận rằng tiếp nối thỏa thuận thương mại của ông Trump là việc cả hai bên áp đặt thuế quan mà không đạt được giải pháp.

Cả ông và học giả Dean Cheng của Quỹ Di Sản (Heritage Foundation) đều chỉ ra rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đã thay đổi theo hướng khiến các cuộc đàm phán hiện tại trở nên khó khăn hơn so với khi việc gia nhập WTO đang được xem xét.

Đề cập đến cuộc chiến thương mại của ông Trump, ông Walters nói rằng ông cho là thật “ngây thơ khi nghĩ rằng mọi chuyện sẽ thành công… Tôi nghĩ tính cách của giới lãnh đạo mà chúng ta đang đối phó ở Trung Quốc bây giờ khác nhiều so với tính cách mà chúng ta đã từng phải đối phó với trong quá khứ. Bây giờ, Trung Quốc là một tay chơi toàn cầu. Tôi nghĩ rằng có một chút cố chấp từ Bắc Kinh về vấn đề này.”

Mối quan hệ thương mại được quản lý

Các chuyên gia chỉ ra rằng việc chuyển đổi sang một mối quan hệ thương mại được quản lý nhiều hơn có thể giúp cân bằng nhu cầu thương mại mở với trách nhiệm pháp lý về những lạm dụng của ĐCSTQ.

Ông Walters bày tỏ không rõ là chính phủ của ông Biden sẽ tiến hành như thế nào và các dấu hiệu hiện tại không chỉ ra một cuộc chiến thương mại kiểu ông Trump khác với nhà cầm quyền Trung Quốc. Trong báo cáo của mình, USTR cho biết họ sẽ theo đuổi “cách tiếp cận nhiều mặt” bao gồm cả “cam kết song phương với Trung Quốc và sử dụng các công cụ thương mại để bảo vệ người lao động và doanh nghiệp Mỹ.”

Họ cảnh báo thêm rằng “các quy định của WTO không, và không thể, áp đặt kỷ luật hiệu quả với nhiều chính sách và hành vi có hại nhất của Trung Quốc.”

Theo quan điểm của ông Benoit, việc Trung Quốc là thành viên của WTO là một điều mất nhiều hơn được. Sau khi nước này lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ vào đầu những năm 2000, rõ ràng là Hoa Kỳ nên hướng tới mô hình thương mại có quản lý hơn là áp dụng lợi thế so sánh trên diện rộng.

Ông nói với The Epoch Times rằng Hoa Kỳ nên theo đuổi các biện pháp khác như áp đặt các mức thuế Danh sách 2, áp dụng cho 16 tỷ USD theo kế hoạch của chính phủ ông Trump vào năm 2018. Ông cũng đề nghị sử dụng các mức thuế Danh sách 4, áp dụng cho 300 tỷ USD hàng nhập cảng. Cả hai danh sách đều đề cập đến nhiều loại sản phẩm. Ví dụ: Danh sách 2 bao gồm những thứ như dầu nhờn, nhựa polycarbonate và nhựa melamine.

Một trong những cố vấn cũ của ông Trump, ông Steve Milloy, nói rằng Hoa Kỳ cần phải tiếp tục con đường gia tăng áp lực của ông Trump đối với chính quyền Trung Quốc. Giống như bà Tai, ông nói Hoa Thịnh Đốn sẽ cần phải xây dựng năng lực đòn bẩy hiện có của mình để hỗ trợ một cách tiếp cận cứng rắn hơn cho các cuộc đàm phán.

Ông nói, “Chúng ta cần bắt đầu đưa các ngành công nghiệp trọng yếu trở lại Hoa Kỳ,” chỉ rõ những thứ như thuốc kháng sinh và vi mạch máy điện toán. Ông nói thêm rằng “những ý tưởng rằng Trung Quốc có thể Tây phương hóa hoặc tự do hóa — tất cả đều vô nghĩa.”

Ông gợi ý, một chiến lược khả thi hơn là loại bỏ thương mại với Trung Quốc. Ông Milloy nói, “Quý vị vẫn có thể làm ăn với họ nhưng quý vị không thể phụ thuộc vào họ và chúng ta đã để mình phụ thuộc vào họ.”

Ông Cheng cũng nhấn mạnh vai trò của ngành công nghiệp Hoa Kỳ và tán dương các hiệp định thương mại song phương như một cách để củng cố vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới.

Ông nói: “Chúng ta cần có thành phần kinh tế trong chính sách ngoại giao của mình… đó không phải hoàn toàn là về chỉ thị của chính phủ mà còn là về thúc đẩy doanh nghiệp tự do. Bởi vì cuối cùng, các công ty tự do của Mỹ nhanh nhẹn hơn, linh hoạt hơn, đổi mới hơn so với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.”

Để đối trọng lại Trung Quốc, ông đề nghị Hoa Kỳ làm việc để bảo đảm có được các thẩm phán bổ sung trong WTO và tận dụng các liên minh để gây áp lực đối với Trung Quốc về các hành vi vi phạm.

Đề cập đến các công cụ như thuế quan, ông nói thêm rằng “cần phải có hiệu quả thực tế, cần phải có sự trừng phạt thực chất.”

Ông Sam Dorman là một phóng viên tự do về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Trước đây ông từng làm phóng viên cho Fox News Digital. Quý vị có thể theo dõi ông trên Twitter tại @DormaninDc.

Nhật Thăng biên dịch

Related posts