Thiên Thanh
Cần giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc
Trong một bài phát biểu tại Hội nghị Mùa xuân của World Bank (Ngân hàng Thế giới) ở Warsaw Ba Lan gần đây, ông David Malpass cho biết thương mại xuyên biên giới vẫn quan trọng đối với nền kinh tế thế giới, các nước đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhưng sẽ tốt hơn cho những nước có thể tự điều chỉnh chuỗi cung ứng của mình để giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Ông Malpass nói rằng với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc có thể đóng một vai trò quan trọng trong cả sản xuất và tiêu thụ hàng hóa toàn cầu. Nhưng đối với câu hỏi về sự cần thiết của Trung Quốc để trở thành một phần của hệ thống giá trị được các nước khác chia sẻ trong hệ thống thương mại toàn cầu, ông Malpass thừa nhận rằng ông không biết liệu điều đó có thực tế hay không.
Trước thực trạng Trung Quốc đang phong tỏa xã hội vì COVID-19 nghiêm trọng và khủng hoảng nợ bất động sản, ông nói: “Họ đang gặp thất bại, thất bại lớn trong mọi lĩnh vực và dự báo tăng trưởng đã bị hạ cấp. Trung Quốc là cổ đông chính của World Bank, cũng là nước đi vay chính, và World Bank sẽ tiếp tục hợp tác tốt với Trung Quốc… Thế giới cần tương tác với Trung Quốc, nhận thấy được vai trò quan trọng của họ trên thế giới cũng ngày càng tăng. World Bank sẽ tiếp tục hợp tác nâng cao tính minh bạch của Trung Quốc khi triển khai các khoản cho vay quốc gia”.
Về đồng đô la Mỹ, ông Malpass không cho rằng thế giới phải đối mặt với vấn đề mới về hệ thống Bretton Woods: “Quan điểm của tôi là, hiện tại cơ bản không đến mức như vậy. Không có cảm giác thế giới đang mất phương hướng, thực sự là có cảm giác nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực đoàn kết để chấm dứt chiến tranh Nga – Ukraine”.
Cơn ác mộng chuỗi cung ứng toàn cầu
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, để hợp tác với cách phòng chống dịch bệnh phong tỏa nghiêm ngặt thành phố Thượng Hải của Trung Quốc, Công ty Công nghệ Pegatron của Đài Loan với tư cách là nhà lắp ráp iPhone của ‘gã khổng lồ’ công nghệ Apple đã thông báo tạm thời đóng cửa 2 nhà máy ở Thượng Hải và Côn Sơn. Điều này có nghĩa là việc phong tỏa Thượng Hải theo chính sách ‘Zero COVID’ đã tác động tiêu cực rất lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Từ lâu, nhiều công ty đa quốc gia trên thế giới chủ yếu dựa vào dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc và Đông Nam Á, dù đã cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau khi COVID-19 bùng phát nhưng vẫn còn quá muộn.
Hãng tin BBC của Anh trích dẫn một báo cáo từ nền tảng trực quan hóa chuỗi cung ứng kỹ thuật số là ‘project44’, cho biết rằng hiện tượng hỗn loạn chuỗi cung ứng toàn cầu và tình trạng thiếu hụt sản phẩm do đại dịch COVID-19 gây ra vào năm 2022 sẽ tiếp tục. Báo cáo cho thấy thời gian chậm trễ trung bình đối với vận chuyển từ Trung Quốc đến châu Âu đến nay đã tăng lên 6 ngày tính từ tháng 12/2021, (kể từ tháng 10/2021 vấn đề chậm trễ vận chuyển từ Trung Quốc đến bờ tây nước Mỹ dần tăng lên).
Với chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu hình thành mạng lưới ngày càng phức tạp, dịch bệnh COVID-19 đã tác động đến các lĩnh vực năng lượng, sản xuất, hậu cần, bán lẻ…, khiến nhiều ngành gọi đây là “cơn ác mộng chuỗi cung ứng”. Ngày nay, các nước Âu – Mỹ đã dần dỡ bỏ những hạn chế nghiêm ngặt đối với Omicron và áp dụng chính sách “chung sống cùng virus”. Duy có nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách nghiêm khắc ‘Zero COVID’. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng với tính chất dễ lây lan của Omicron, Trung Quốc nên đánh giá lại chính sách ‘Zero COVID’ của họ.
Thiên Thanh, Vision Times