Hồi tháng 12 năm ngoái (2021), Bắc Kinh đã sẵn sàng để gửi vũ khí hạng nặng và nhân viên an ninh tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Quần đảo Solomon để tăng cường “an toàn và an ninh” sau bạo loạn ở thủ đô Honiara, nơi có khu phố Tàu bị san bằng.
Bức thư từ trạm tiền tiêu ngoại giao Trung Quốc gửi Bộ Ngoại giao Quần đảo Solomon tiết lộ rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã chuẩn bị gửi một loạt “vũ khí và thiết bị hạng nhẹ”, bao gồm hai súng máy, một súng bắn tỉa, 10 súng lục, 10 súng trường, và “thiết bị cảnh sát”, trong đó có 10 dùi cui điện.
Theo tài liệu đề ngày 03/12/2021 do đài truyền hình ABC (pdf) thu thập được, Trung Quốc cũng sẽ điều 10 sĩ quan an ninh mặc thường phục trong thời gian từ 6-12 tháng.
Tài liệu nêu: “[Chúng tôi] rất cảm kích nếu chính phủ Quần đảo Solomon có thể tạo điều kiện cho phép đội sĩ quan nói trên nhập cảnh cùng với vũ khí và thiết bị hạng nhẹ cần thiết.”
Chính quyền Trung Quốc cũng cho biết việc khai triển đội sĩ quan này sẽ “không được công khai.”
Ông Collin Beck, Thứ trưởng Ngoại giao Quần đảo Solomon đã gửi một bức thư tiếp theo cho người đồng cấp của ông tại Bộ Cảnh sát, bà Karen Galokale, nói rằng bộ của ông không thể “bảo đảm sự an toàn của Đại sứ quán và nhân viên” sau các cuộc bạo động khiến ba người tử vong.
Trong thư, ông Beck viết: “Với tư cách là nước chủ nhà, chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ tất cả các đại sứ quán, bao gồm cả Đại sứ quán Trung Quốc. Về vấn đề này, chúng tôi không phản đối yêu cầu.”
“Đáng buồn thay, điều này đã đặt ra một tiền lệ, nhưng Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt khi dư luận từ một bộ phận dân chúng đã và vẫn trực tiếp chống lại các lợi ích của Trung Quốc tại quốc gia chúng ta.”
Cuối cùng, chính phủ Quần đảo Solomon đã từ chối lời kêu gọi của Đại sứ quán Trung Quốc.
Việc chính phủ của quốc gia này quyết định chuyển bang giao từ Đài Loan sang Bắc Kinh hồi năm 2019 là một vấn đề gây tranh cãi, trong khi Thủ hiến Daniel Suidani của tỉnh Malaita đông dân nhất vẫn giữ vững bang giao với Đài Loan.
Sự chia rẽ càng làm tăng thêm sự bất mãn hiện hữu đối với Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon về các vấn đề như đưa thân bằng hảo hữu lên nắm quyền, cung cấp dịch vụ và cơ hội việc làm kém, cũng như việc hối lộ trắng trợn của các nghị sĩ thân Bắc Kinh.
Hồi tháng 11 năm ngoái, sự việc đi đến khủng hoảng khi các cuộc biểu tình nổ ra ở thủ đô khiến ba người thiệt mạng. Úc, New Zealand, Fiji, và Papua New Guinea đã phản ứng bằng cách cử cảnh sát và quân đội đến giúp khôi phục trật tự — những nhân viên này thuộc quyền chỉ huy của Lực lượng Cảnh sát Quần đảo Hoàng gia Solomon.
Trong những tuần lễ gần đây, một thỏa thuận an ninh cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) điều động lực lượng để “bảo vệ sự an toàn của nhân viên Trung Quốc và các dự án lớn ở quần đảo Solomon” đã bị rò rỉ, làm dấy lên nhiều lo ngại.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Quần đảo Solomon đã phủ nhận rằng thỏa thuận có thể mở ra cánh cửa cho việc quân sự hóa tại khu vực này. Thủ tướng Sogavare cho rằng, “sẽ không có lợi cho Quần đảo Solomon khi có bất kỳ căn cứ hải quân hoặc quân sự của bất kỳ quốc gia nào.”
Tuy nhiên, các tài liệu đề ngày 07/04 cho thấy Bắc Kinh đã dành nhiều năm để do thám khu vực này cho các dự án quân sự.
Bức thư bày tỏ ý định bị rò rỉ là từ Avic International Project Engineering Co. – một công ty hàng không nhà nước có trụ sở tại Bắc Kinh [là công ty con của Tập đoàn Công nghệ Hàng không Trung Quốc AVIC] – gửi tới Thủ hiến Leslie Kikolo của tỉnh Isabel thuộc Quần đảo Solomon vào ngày 29/09/2020.
Do news.com.au thu thập được, bức thư này đã được chủ tịch công ty Tiền Vinh (Rong Qian) ký và mở đầu bằng đoạn sau:
“Chúng tôi, Công ty Kỹ thuật Dự án AVIC-INTL … gửi thư này để thể hiện ý định của chúng tôi trong việc nghiên cứu cơ hội phát triển các dự án cơ sở hạ tầng và hải quân trên đất thuê cho Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân ở Tỉnh Isabel với thời gian độc quyền 75 năm.”
Nếu dự án này được hoàn thiện, nó sẽ bảo đảm cho Quân đội Giải phóng Nhân dân mở rộng phạm vi của họ ra ngoài Biển Đông và sang khu vực Nam Thái Bình Dương, nơi từng xảy ra giao tranh gay gắt giữa quân đội Nhật Bản và Hoa Kỳ trong trận Guadalcanal hồi Đệ nhị Thế chiến vì sự ảnh hưởng của khu vực này đối với các tuyến đường biển trọng yếu.
Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, ứng phó với COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại daniel.teng@epochtimes.com.au.
Khánh ngọc biên dịch