Putin và giới “Đại tài phiệt” Nga

Trần Trung Đạo

15-4-2022

Các đại tài phiệt nổi tiếng nhất của Nga (ảnh Reuteurs)

Các bạn đọc chữ oligarch (đại tài phiệt) rất nhiều trong thời gian qua, nhất là trong hai tháng qua khi Nga bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Cộng Hòa Ukraine. Trừng phạt các oligarch là một phần trong Đạo Luật Bảo Vệ Chủ Quyền Ukraine (Defending Ukraine Sovereignty Act) được quốc hội Mỹ thông qua giữa tháng 1-2022 nhằm “chống lại sự xâm lược của Liên bang Nga đối với Ukraine và các đồng minh Đông Âu, để xúc tiến hỗ trợ an ninh cho Ukraine, tăng cường khả năng quốc phòng của Ukraine và áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan đối với các hành động của Liên bang Nga đối với Ukraine, và cho các mục đích khác”.

Theo tinh thần đạo luật này, trừng phạt Nga trở thành một trong những phương tiện chính để bảo vệ Ukraine.

Trừng phạt chính phủ Nga đã đành nhưng tại sao lại phải trừng phạt các nhà tài phiệt Nga vì trong thực tế của nền kinh tế thị trường tự do quốc gia tư bản nào lại chẳng có tài phiệt?

Oligarch là ai và khi nhắc đến Oligarch người ta sẽ nghĩ ngay đến tài phiệt Nga chứ không phải tài phiệt của quốc gia nào khác? Nguồn gốc của giới này tại Nga ra đời và phát triển ra sao? Vai trò của giới tài phiệt Nga trong guồng máy cai trị và mối quan hệ giữa giới tài phiệt và Putin trong suốt 21 năm từ khi ông ta cầm quyền như thế nào?

Thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 đánh dấu sự phục hồi cơ chế dân chủ hay gần với dân chủ tại nhiều quốc gia. Những bác nông phu Sierra Leone đã trở về với ruộng đồng. Những người thợ mỏ Nam Phi đã đi bỏ phiếu. Những anh chăn cừu trên thảo nguyên Mông Cổ đã trở thành công dân của một nước tự do. Những bông hoa lài (Jasmine) thơm ngát, biểu tượng cho Cộng Hòa Tunisia không chỉ nở rộ trên những con đường ở thủ đô Tunis hay dọc theo sông Oued Zouara mà trở thành biểu tượng cho phong trào dân chủ khắp Bắc Phi.

Nhất là sau khi Cộng Sản Liên Xô chính thức sụp đổ (1991), hàng loạt các quốc gia cựu CS vùng Đông Âu và Baltics đã trở thành những quốc gia dân chủ. Những người chết oan ức dưới chế độ CS do bị giam cầm hay bị ám sát đã được điều tra và vinh danh.

Xin lỗi hơi lạc đề nhưng chắc nên cần nhắc lại. Một người bị CS theo giết cho được là đồng tác giả truyện phim Trên Từng Cây Số của Bulgary rất quen thuộc với khán giả truyền hình Việt Nam. Ông ta là nhà thơ và là viết truyện phim Georgi Markov. Năm 1978, trong lúc nhiều thế hệ Việt Nam còn say mê bộ phim thì tác giả của nó xem đó như một sản phẩm tuyên truyền. Georgi Markov hối hận và dành hết thời gian lưu vong tại Anh để tố cáo tội ác của CS. Georgi Markov bị mật vụ KGB và Bulgary ám sát tại London.

Năm 2000, nhà viết truyện phim Georgi Markov được phục hồi danh dự. Ông được trao huân chương Order of Stara Planina đặc quyền và cao quý nhất của Cộng Hòa Bulgary vì đã “đóng góp đáng kể cho văn học, kịch và truyện không hư cấu của Bulgaria và cho vị trí công dân đặc biệt của ông và công cuộc đối đầu với chế độ Cộng sản.”

Giai đoạn chuyển tiếp giữa toàn trị CS sang dân chủ tự do là giai đoạn nhiều bất trắc được gọi là ‘Shock therapy’ tại các xã hội tồn tại lâu năm dưới chế độ độc tài CS. Tại Nga, đó là sự ra đời của một thành phần mới của những kẻ có đặc quyền nắm độc quyền các lãnh vực của đời sống con người. Họ là những đại tài phiệt (oligarch).

Xã hội tư bản nào cũng có thành phần tài phiệt, nhưng chữ oligarch trong những năm qua được hiểu ngay là tài phiệt Nga. Dưới chế độ CS, giới đại tài phiệt (oligarch) là thành phần tư bản đỏ (red capitalist) được phân tích trong tác phẩm Tư Bản Đỏ Tại Trung Quốc (Red Capitalists in China: The Party, Private Entrepreneurs, and Prospects for Political Change) của giáo sư Bruce J. Dickson. Người viết sẽ bàn đến thành phần tư bản đỏ do Đặng Tiểu Bình nặn ra cũng trong đầu thập niên 1990.

Theo bách khoa tự điển Anh (Encyclopædia Britannica) Oligarchy (danh từ chung) là chính phủ được hành xử bởi một nhóm nhỏ có đặc quyền nhằm phục vụ các mục tiêu tham nhũng hoặc ích kỷ.

Cũng theo Encyclopædia Britannica, triết gia cổ Hy Lạp Aristotle đã từng dùng khái niệm oligarchy để chỉ nhóm đầu sỏ được chọn ra từ giai cấp thống trị theo kiểu cha truyền con nối, tôn giáo, họ hàng, địa vị kinh tế, uy tín hoặc thậm chí là ngôn ngữ. Nhóm người này vì thế chỉ có xu hướng phục vụ cho lợi ích của giai cấp họ.

Tư hữu hóa nền kinh tế tập trung của CS là một chính sách mà một nước sau CS nào cũng phải thực hiện. Trong lúc nhiều quốc gia như Ba Lan là những câu chuyện thành công, Nga là một tai họa.

Công bằng mà nói, Oligarchy Nga không phải chỉ mới có từ khi Vladimir Putin lên nắm quyền tổng thống mà đã thai nghén từ cuối thời Mikhail Gorbachev, sinh sản dưới thời Boris Yeltsin 1991 và lớn lên thành một lực kinh tế chính trị chế ngự đời sống xã hội Nga dưới thời Putin.

Đại tài phiệt Nga xuất thân từ ba hạng người: (1) các giám đốc cơ xưởng và tiếm đoạt cơ xưởng bằng cách qua mặt công nhân, (2) gốc cán bộ đảng và nhà nước CS, (3) không thuộc hệ thống đảng hay nhà nước CS nhưng tận dụng cơ hội để làm giàu.

Năm 1988, Mikhail Gorbachev mở rộng các chính sách kinh tế trong đó có mậu dịch với nước ngoài. Chính sách tạo điều kiện cho một số viên chức và cán bộ nhà nước vốn đã có tiền do tham ô, móc ngoặc thành lập các công ty xuất nhập cảng hàng hóa tiêu dùng và máy móc. Thành phần này làm giàu rất nhanh. Mặc dù nhiều trong số họ chưa phải là triệu phú nhưng là những đại tài phiệt mới được thai nghén tại Nga.

Sang đến thời Boris Yeltsin chính sách tư hữu hóa nền kinh tế được tiến hành một cách cấp bách vì lý do chính trị nhằm giới hạn sự phục hồi của đảng CS.

Hai chính sách kinh tế tư hữu hóa quan trọng dưới thời Boris Yeltsin sản sinh nhanh chóng thành phần đại tài phiệt là (1) hệ thống chứng từ (voucher system) và (2) vay đổi bằng cổ phần (loan for shares).

Chính sách hệ thống chứng từ (voucher system)

Năm 1992, mỗi công dân Nga, trên danh nghĩa là chủ nhân của đất nước, sẽ nhận lại phần của cải xã hội của mình qua hình thức chứng từ (voucher system). Mỗi chứng từ có giá trị 10,000.00 rubles. Người dân có quyền dùng chứng từ đó để (1) mua cổ phần của một hay nhiều công ty hay (2) bán lại cho người khác để lấy tiền mặt.

Trong giai đoạn này, kinh tế Nga suy sụp, giá bán lẻ hàng hóa Nga tăng 2,520%. Với điều kiện kinh tế quá khó khăn và lạm phát phi mã như thế, theo ước lượng chung, tám chục phần trăm dân Nga không dùng chứng từ để đầu tư vào các công ty mà bán lại với giá rất rẻ cho những người có tiền tìm mua chứng từ.

Một ví dụ: Anh chàng Roman Abramovich ngoài việc là thợ máy trong một cơ xưởng, anh còn bán hàng rong trên đường phố. Năm 1988, trong thời kỳ mở cửa kinh tế của Gorbachev, vợ chồng anh mở tiệm làm búp-bê cho trẻ em và dành dụm được khá tiền. Khi chính sách tư hữu hóa của Boris Yeltsin được ban hành anh hợp tác với một số người khác để mở một ngân hàng nhỏ và dùng tiền mua rất nhiều chứng từ của dân.

Không giống ở Mỹ hay các quốc gia phát triển mở một ngân hàng cần nhiều trăm triệu hay cả tỷ dollar. Theo giáo sư Marshall Goldman trong tác phẩm “The piratization of Russia: Russian reform goes awry”, một ngân hàng ở Nga trong năm 1993 đòi hỏi một vốn đầu tư rất khiêm nhượng chỉ vào khoảng 75,000 dollars. Nhiều ngân hàng nhỏ tới mức tổng số tiền chỉ bằng một máy rút tiền mặt (ATM) cá nhân. Nhưng ngân hàng rất quan trọng vì là phương tiện tài chánh chính thức được chính phủ công nhận để vay, cho vay và mua bán các công ty đang được chính phủ bán đấu giá.

Với tình trạng lạm phát, trị giá của chứng từ 10,000 rubles giảm xuống chỉ còn khoảng 32 dollars. Vợ chồng anh chàng Roman Abramovich đổ đi mua chứng từ và dùng số chứng từ mua được để mua lại cổ phần tại các công ty quốc doanh cũng đang được tư hữu hóa qua hình thức bán đấu giá. Trong thời gian đó, khoảng 15 ngàn công ty quốc doanh Nga được bán lại cho tư nhân với giá rẻ mạt.

Những người như Roman Abramovich chỉ vài năm trước tay chân còn dính đầy dầu mỡ nhà máy và chiều phải đi rao rát cổ trên phố đã trở thành chủ nhân ông của nhiều công ty, nhiều ngân hàng và là những tỷ phú đầu tiên của Nga.

Năm 2003, Roman Abramovich mua đội bóng Chelsea, theo Sporting News, với giá 223 triệu dollars. Roman Abramovich có ba quốc tịch, Nga, Do Thái và Bồ Đào Nha. Năm 2021 tạp chí Forbes ước lượng tài sản của Abramovich trị giá 14.5 tỷ dollars, giàu thứ hai tại Do Thái và thứ mười một tại Nga. Ngày 10-3-2022, Roman Abramovich bị chính phủ Anh trừng phạt, tài sản bị “đóng băng” và cấm đi lại ở Anh. (Greg Rosalsky, How ‘shock therapy’ created Russian Oligarchs and paved the path for Putin, NPR NPR, 3-22-2022)

Chính sách Vay thế bằng cổ phần (Loans for shares)

Tìm hiểu các hành động phi pháp của giới tài phiệt không thể bỏ qua âm mưu theo kiểu mafia được gọi là Vay thế bằng cổ phần (Loans for shares) dưới thời Boris Yeltsin. Sở dĩ nhiều nhà phân tích dùng chữ âm mưu vì ngay trước khi cho chính phủ mượn tiền, các đại tài phiệt đã nghĩ tới chuyện chiếm đoạt tài sản vì họ tin rằng chính phủ sẽ không có khả năng hoàn trả vốn và lời.

Âm mưu này được nhà báo Greg Rosalsky tóm tắt một cách dễ hiểu như sau: Các đại tài phiệt giàu nhất Nga cho chính phủ vay hàng tỷ dollars để đổi lấy cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước có giá trị nhất của Nga. Khi chính phủ vỡ nợ và hết tiền trả lại các khoản vay các đại tài phiệt sẽ bỏ qua số tiền cho vay đó nhưng giữ chìa khóa của các tập đoàn sinh lời cao nhất của Nga.

Ví dụ rõ nhất là âm mưu của hai anh chàng Boris Berezovsky và Roman Abramovich. Họ đã không vất vả buôn bán đồ chơi trẻ em nữa mà đã có cổ phần lớn trong công ty dầu khí Sibneft với giá khoảng 200 triệu USD từ số tiền cho chính phủ vay. Năm 2009, khi Putin tái quốc hữu hóa công ty, Abramovich đã bán lại cổ phần của mình cho chính phủ với giá 11.900 triệu dollars.

Mới nghe qua, vay thế bằng cổ phần là một chương trình có lợi tức khắc cho chính phủ đang thiếu hụt ngân sách trầm trọng. Bảy ngân hàng lớn của Nga đồng ý cho chính phủ Nga vay ngắn hạn để trang trải chi phí quốc gia, nhất là trả tiền lương cho quân đội. Chính phủ hy vọng đến mùa thu thuế, số tiền vay sẽ được hoàn trả lại cho ngân hàng. Khi cho chính phủ vay, các ngân hàng chỉ yêu cầu chính phủ Nga một điều kiện là nếu không trả nổi số tiền vay thì số cổ phần tương ứng với số tiền vay sẽ thuộc về các ngân hàng.

Nói tóm lại, các đại tài phiệt hành xử giống hệt như các tiệm cầm đồ lớn mà người mang đồ đến cầm là chính phủ.

Những công ty nhà nước này cũng nằm trong danh sách sắp được bán đấu giá và những ngân hàng cho chính phủ vay tiền cũng là những người làm trung gian đứng ra bán đấu giá giúp cho chính phủ. Vì số tiền vay lớn nhưng giá công ty lại rẻ nên trong nhiều trường hợp các ngân hàng coi như lấy không nhiều công ty của chính phủ.

Với âm mưu chiếm đoạt toàn bộ công ty, các đại tài phiệt Nga đặt ra những điều kiện quá khó khăn để các tổ hợp quốc tế đến đấu giá. Chẳng hạn như trường hợp công ty thiết bị thông tin Svyazinvest, các đại tài phiệt cho là quan trọng đối với an ninh của Nga do đó đề nghị chính phủ không nên bán cho công ty ngoại quốc. Chính phủ Boris Yeltsin vì thiếu nợ quá lớn nên phải chiều theo ý muốn của các đại tài phiệt và tuyên bố chỉ có công ty Nga mới được phép mua Svyazinvest.

Các đại tài phiệt toa rập với nhau để mua các công ty Nga bằng cách đưa ra nhiều điều kiện phi lý. Họ thậm chí đưa địa điểm đấu giá đến những nơi xa xôi hay ngay cả bày ra những trò trẻ con như đóng cửa các phi trường địa phương không cho phép các máy bay nhỏ đưa đại diện các tổ chức đấu giá hạ cánh. Đến kỳ hạn, chính phủ không hoàn trả được vốn và lời nên các công ty nhà nước được bán đấu giá và người mua với giá rẻ cũng chính là người cho chính phủ vay tiền. (Goldman, Marshall I, The piratization of Russia: Russian reform goes awry, London 2003).

Khác với thành phần tinh hoa được chọn từ giai cấp thống trị trong các xã hội cổ Hy Lạp như Aristotle định nghĩa, đại tài phiệt Nga thuộc đủ thành phần từ buôn bán chợ trời cho tới lái taxi, bán vé nhà hát, lau cửa kính, ở tù vì tội ăn cắp vặt v.v.. nhưng có một điểm giống nhau là lợi dụng cơ hội để làm giàu bất chính qua trốn thuế, rửa tiền, cho vay với mục đích chiếm đoạt tài sản nhà nước, giấu của cải tại các ngân hàng quốc tế, hoạt động dưới hình thức các công ty ma (shell company).

Các ngân hàng Thụy Sỹ là nơi giấu tiền truyền thống của các tài phiệt khắp thế giới và cũng là nơi giấu tiền của các đại tài phiệt Nga với ước lượng khoảng 150 tỷ dollars.

Một trong nhiều cách rửa tiền quen thuộc của các đại tài phiệt là mua những căn nhà đắt tiền ở New York, London và các thủ đô châu Âu. Chẳng hạn, Oleg Deripaska sở hữu căn nhà ở số 11 E. 64th St New York trị giá 42.5 triệu dollars hay Roman Abramovich là chủ của căn nhà ở số East 75th St trị giá tới 75 triệu dollars. Alexei Kuzmichev trả 42 triệu dollars cho 4 tầng dưới của căn nhà bảy tầng ở 33 E. 74 St. New York.

Hầu hết đại tài phiệt Nga đều sở hữu du thuyền, chẳng hạn du thuyền của Alisher Usmanov nặng 15,917 tấn và trị giá tới 600 triệu dollars hay du thuyền của Sechin trị giá 120 triệu dollars.

Putin và Đại tài phiệt Nga

Vladimir Vladimirovich Putin đến Moscow vào tháng 6-1996 để chen chân vào chính trường sau khi thất bại tại Saint Petersburg.

Như một cách tự giới thiệu mình với giới khoa bảng, năm 1997 Putin trở lại Saint Petersburg để trình luận án tiến sĩ tương đương tại học viện Saint Petersburg Mining Institute với tựa đề “Tài Nguyên Khoáng Sản và Nguyên Liệu và Chiến Lược Phát Triển Cho Nền Kinh Tế Nga” (Mineral and Raw Materials Resources and the Development Strategy for the Russian Economy). Tuy nhiên, luận án này bị Brookings Institution, một trung tâm nghiên cứu uy tín của Mỹ khám phá và tố cáo 16 trang trong luận án này là đạo văn của một luận án đã được trình tại Mỹ.

Mười hai năm sau, Olga Litvinenko, cựu đại biểu quốc hội Nga, tố cáo luận án đó được viết bởi ba người trong đó có cha của bà, cố vấn của Putin và viện trưởng Saint Petersburg Mining University. Putin im lặng, không thừa nhận nhưng cũng không phản đối. Thật oan cho Putin. Putin không thể bị kết án đạo văn vì ông ta không viết chữ nào trong luận án. Nếu quả thật ông ta là tác giả của luận án, những người tố cáo hẳn đã rục xương trong tù lâu rồi.

Dù sao học vị và kinh nghiệm KGB cũng giúp cho Putin được đề cử vào chức vụ phụ tá trong ban tham mưu của Boris Yeltsin và sau đó là giám đốc của Sở An Ninh Liên Bang (PSB).

Với các chức vụ mới này, Putin áp dụng sách vở đã học trong những năm được KGB huấn luyện để vừa xây dựng vây cánh riêng của mình song song với việc thỏa hiệp với giới đại tài phiệt lúc đó đã rất giàu để làm giàu. Putin trở thành tổng thống Nga một phần không nhỏ là do sự ủng hộ của giới đại tài phiệt Nga.

Nhiều đại tài phiệt mới trong giai đoạn này là bạn thân của Putin từ nhỏ ở Saint Petersburg như Igor Sechin được ông ta đưa lên tới chức phó thủ tướng và điều hành tổng công ty dầu khí Rosneft hay Alexey Miller, cùng làm trong văn phòng thị trưởng Saint Petersburg và hiện nay là một trong những tài phiệt trung thành nhất của Putin.

Qua các công ty PR (công ty quan hệ công chúng do Putin mướn), Vladimir Putin là một tổng thống của nhân dân, khiêm nhượng và khá khắc khổ. Putin sống nhờ vào đồng lương tổng thống vào khoảng 115 ngàn tới 225 ngàn dollars trong một căn nhà nhỏ và hai chiếc xe cũ từ thời Liên Xô còn lại.

Nhưng phía bên trong là một Putin độc tài và đầy thủ đoạn với tài sản được nhiều nguồn ước tính từ 70 tỷ lên tới 200 tỷ dollars. Cách ước tính khác nhau tùy thuộc vào nguồn điều tra nhưng đều là con số nhiều tỷ.

Trên internet đầy những hình ảnh Putin lực sĩ khỏe mạnh và đầy nam tính như Putin đánh nhu đạo, Putin cưỡi ngựa, Putin bắn súng, Putin săn bắn, Putin bơi trên sông v.v… mà thành phần mê muội do bị tẩy não ở Việt Nam hay dùng làm hình đại diện.

Những cảnh thường được dàn dựng trên sông nước đó không chỉ khoe khoang cá nhân Putin mà còn chứng tỏ một nước Nga tươi đẹp, bền vững và đầy ắp tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên các công ty PR của Putin thiếu nợ bộ máy tuyên truyền Bắc Hàn tiền tác quyền vì đã ăn cắp các cảnh Kim Jong-un bắn súng, Kim Jong-un cưỡi ngựa để áp dụng vào môi trường tin học khá phổ biến ở Nga. Hình ảnh một Putin khỏe mạnh cũng là cách nhắn gởi cho các đại tài phiệt Nga thấy ông ta là chỗ dựa vững chắc và lâu dài của họ, đồng thời cũng cảnh cáo cho các đại tài phiệt biết họ có thể bị hạ gục bất cứ lúc nào.

Nhà đầu tư tài chánh Mỹ, Bill Browder cho The Washington Post biết Putin có tới 200 tỷ dollars. Nhiều giả thuyết được đưa ra để chứng minh cho tài sản 200 tỷ dollars của Putin. Theo Bill Browder, người làm việc nhiều năm tại Nga, Putin dùng việc bỏ tù tỷ phú Khodorkovsky như là một cách cảnh cáo các đại tài phiệt khác để buộc họ phải ăn chia với ông ta.

Browder cho tạp chí Forbes biết cách làm ăn của Putin là “Nếu bạn nộp cho tôi 50 phần trăm tài sản, bạn có thể giữ lại 50 phần trăm của bạn. Nếu không sẽ [giống như Khodorkovsky] mất hết mà còn bị tù”. Hầu hết nếu không muốn nói tất cả đại tài phiệt đều làm giàu bất chính nên việc giao một nửa cho Putin cũng chẳng qua là một hình thức chia phần với Putin để yên thân.

Theo Browder: “Tôi ước tính Putin đã tích lũy được 200 tỷ đô la thu nhập bất chính từ các loại hình hoạt động này trong 17 năm nắm quyền của mình”. (Ally Foster, Theories emerge on how Russian President Vladimir Putin amassed $200 billion fortune, News.com.au, February 22, 2022)

Bill Browder không chỉ ước tính với báo chí mà còn trả lời trong một điều trần trước Thượng Viện Hoa Kỳ vì ông ta am tường tình hình Nga.

Trước đó, Năm 2012, Stanislav Belkovsky, cựu cố vấn Điện Kremlin, tuyên bố Putin có khối tài sản trị giá ít nhất 70 tỷ USD. Cách tính của Belkovsky dựa trên những cổ phần được cho là của Putin trong một số công ty của Nga, chủ yếu trong lĩnh vực dầu mỏ. Anders Aslund, một nhà kinh tế học và tác giả người Thụy Điển, ước tính năm nay Putin có tài sản từ 100 tỷ đến 130 tỷ USD. (Time, U.S. and E.U. Are Going After Putin’s Wealth. First They Need To Find It, February 25, 2022).

Các chính phủ Mỹ và châu Âu tin rằng tài sản của Putin và thân cận chắc chắn do các thành viên trong gia đình nắm giữ một phần. Đó là lý do Mỹ trừng phạt hai người con gái của Putin cũng như con gái và vợ của Bộ trưởng Ngoại Giao Nga Sergei Lavrov.

Danh sách tài phiệt bị trừng phạt khá dài và gia tăng theo cường độ cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine nhưng dưới đây là vài ví dụ.

Tài phiệt đứng hàng đầu trong danh sách bị Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu (EU) trừng phạt là Igor Ivanovich Sechin. Theo bản công bố của EU, lý do trừng phạt vì: “là giám đốc điều hành của Rosneft, công ty dầu khí quốc doanh Nga và là một trong những nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới. Ông là một trong những cố vấn đáng tin cậy nhất và thân cận nhất của Vladimir Putin, cũng như là bạn thân của ông. Ông liên lạc với Tổng thống Nga hàng ngày. Ông được coi là một trong những thành viên quyền lực nhất của giới chính trị đầu sỏ Nga. Mối quan hệ của ông với Vladimir Putin rất lâu dài và sâu đậm. Ông đã làm việc với Putin tại văn phòng thị trưởng St Petersburg vào những năm 1990 và đã chứng tỏ lòng trung thành của mình kể từ đó”. (Council Implementing Regulation (EU) 2022/336 of 28 February 2022)

Một tài phiệt khác là Nikolay Petrovich Tokarev: “Nikolay Tokarev là Giám đốc điều hành của Transneft, công ty dầu khí lớn của Nga. Ông là người quen lâu năm và là cộng sự thân thiết của Vladimir Putin. Ông đã phục vụ cùng với Putin trong KGB vào những năm 1980. Ông Tokarev là một trong những nhà tài phiệt nhà nước Nga đã nắm quyền kiểm soát các tài sản lớn của nhà nước vào những năm 2000 khi Tổng thống Putin củng cố quyền lực, và là người hoạt động trong quan hệ đối tác chặt chẽ với nhà nước Nga”. (Council Implementing Regulation (EU) 2022/336 of 28 February 2022).

Putin và giới đại tài phiệt đã cấu kết thành một nhóm chuyên quyền chi phối mọi lãnh vực của xã hội Nga nên việc trừng phạt đại tài phiệt là một cách gián tiếp trừng phạt Putin và áp lực trực tiếp vào chủ trương xâm lược Ukraine của Nga.

Chính phủ Mỹ công bố lý do trừng phạt các đại tài phiệt Nga: “Giới đầu sỏ thân cận với Putin tiếp tục lợi dụng sự gần gũi của họ với Tổng thống Nga để chiếm đoạt nhà nước Nga, làm giàu cho bản thân và đưa các thành viên gia đình của họ lên một số vị trí quyền lực cao nhất trong nước bằng cái giá phải trả của người dân Nga. Các nhà tài phiệt bị trừng phạt và giới đầu sỏ quyền lực của Nga đã sử dụng các thành viên trong gia đình để di chuyển tài sản và che giấu khối tài sản kếch xù của họ”. (Press Release of U.S. Treasury Announces Unprecedented & Expansive Sanctions Against Russia, Imposing Swift and Severe Economic Costs).

Các đại tài phiệt Nga biết, khác với thời Yeltsin, ngày nay họ chỉ có một chọn lựa giữa phục vụ Putin hay chống lại Putin, không có chuyện làm ăn riêng lẻ hay độc lập. Bài học Khodorkovsky từng là một tài phiệt giàu nhất Nga có gia sản 15 tỷ dollars chỉ còn khoảng vài trăm triệu, cho họ thấy trời đất có bốn mùa và đời họ rồi cũng thế. Nhiều người trong số họ tìm mọi cách tẩu tán tài sản sang nước ngoài. Nhưng cũng nhờ đó mà các chính phủ Mỹ, Liên hiệp châu Âu, và các ngân hàng Thụy Sĩ đồng loạt “đóng băng” gia sản của họ ở nước ngoài khá dễ dàng và hiệu quả.

Xâm lăng Ukraine là hành động tự kết kiễu sự nghiệp chính trị của Vladimir Putin. Nhà độc tài Nga đang thua đậm trong mọi mặt trận nhưng ông ta vì sĩ diện không thể tự tuyên bố rút quân.

Trong thời buổi tin học phát triển đến tận từng con hẻm nhỏ mà cho rằng Putin bị đám cận thần che giấu sự thật ngoài mặt trận là không thuyết phục. Putin biết rõ mình thua và đang suy nghĩ nát óc về một lối thoát an toàn.

Ngưng chiến có thể sẽ xảy ra qua đàm phán giữa Ukraine và Nga nhưng Mỹ và đồng minh châu Âu chắc chắn sẽ không chấm dứt các biện pháp trừng phạt một cách nhanh chóng và dễ dàng bởi vì mục đích của Mỹ và đồng minh không chỉ cứu Ukraine mà còn nhằm giới hạn tham vọng bành trướng của Putin sang quốc gia nhỏ hẹp, ít dân chung quanh như Nauy, Phần Lan, Ba Lan, Georgia v.v… hay nói rõ hơn là giới hạn chế độ độc tài Vladimir Putin.

Putin quên rằng, ngay cả thời cực thịnh của đầu thế kỷ 18, Nga vẫn là một nước lạc hậu so với các cường quốc châu Âu và từng bị Nhật Bản đánh bại cả trên bộ lẫn trên biển. Năm 1905, Nga còn có Mỹ làm trung gian đình chiến qua hiệp ước Portsmouth, thuộc tiểu bang Maine, nhưng lần này Nga xâm lược Ukraine thì chắc là không có Mỹ làm trung gian. Nga sẽ bị cô lập và đương đầu với nhiều khó khăn kinh tế lâu dài.

Trần Trung Đạo

Related posts