Đồng “Nhân dân tệ dầu mỏ” sẽ không thay thế được đồng dollar dầu mỏ trong giao dịch

Antonio Graceffo

Nhân viên của công ty dầu mỏ Aramco đứng gần một cơ sở lắp đặt bị hư hỏng nặng trong nhà máy chế biến dầu Khurais của Ả Rập Xê Út hôm 20/09/2019. (Ảnh: Fayez Nureldine/AFP/Getty Images)

Bắc Kinh đã và đang thúc đẩy việc thay thế đồng dollar dầu mỏ bằng đồng tiền Nhân dân tệ dầu mỏ (“Petroyuan”) trong thương mại dầu mỏ với Ả Rập Xê Út, nhưng sự thay thế đồng dollar dầu mỏ này khó có thể xảy ra.

Ả Rập Xê Út xuất cảng dầu mỏ trị giá 145 tỷ USD mỗi năm, trở thành nước xuất cảng lớn nhất thế giới. Trung Quốc mua 204 tỷ USD dầu mỏ, trở thành quốc gia nhập cảng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Hiện tại, riêng Ả Rập Xê-út xuất cảng 45.8 tỷ USD dầu mỏ sang Trung Quốc.

Dầu được định giá và giao dịch bằng đồng USD (hay đồng dollar dầu mỏ), và Bắc Kinh hy vọng sẽ thay thế đồng dollar dầu mỏ bằng đồng nhân dân tệ dầu mỏ.

Trên thực tế, đồng tiền dollar dầu mỏ chỉ tồn tại như một khái niệm trong vài thập kỷ. Vào những năm 1970, khi Hoa Kỳ trở thành nước nhập cảng dầu, chính phủ đã in tiền để trả cho việc mua dầu. Các quốc gia khác dự trữ USD để giữ tỷ giá hối đoái ổn định, làm giảm tác động của lạm phát ở Hoa Kỳ.

Sự thống trị của đồng USD đã cho phép Hoa Kỳ tồn tại thâm hụt ngân sách to lớn, chẳng hạn như tài trợ cho tiến bộ công nghệ và quân sự, đồng thời tránh tác động tiêu cực của việc phá giá tiền tệ.

Ngày nay, các quốc gia xuất cảng dầu mỏ yêu cầu được thanh toán bằng USD vì họ thích giữ đồng USD làm dự trữ, và nhiều quốc gia trong số đó sử dụng đồng USD để neo giữ   hay làm chuẩn ổn định cho [giá trị] đồng tiền của họ.

Các thành viên OPEC là Ả Rập Xê Út, Iraq, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) neo [giá trị] đồng tiền của họ theo đồng USD. Algeria và Iran sử dụng USD để neo tỷ giá hối đoái. Venezuela sử dụng đồng USD làm khuôn khổ đặt mục tiêu về lạm phát. Nigeria sử dụng đồng USD làm mục tiêu tổng hợp tiền tệ. Kuwait gắn đồng dinar vào một rổ tiền tệ chi phối bởi đồng USD. Oman, một nhà sản xuất dầu không thuộc OPEC và Qatar có [giá trị] đồng tiền của họ được neo cố định theo đồng USD.

Toàn cảnh nhà máy lọc dầu Ras Tanura của Saudi Aramco và cảng dầu tại Ả Rập Xê Út ngày 21/5/2018 (Ảnh: Ahmed Jadallah/Reuters)

Không một quốc gia sản xuất dầu nào gắn đồng tiền của họ với đồng nhân dân tệ. Họ muốn được thanh toán bằng đồng USD vì đồng USD có thể trao đổi dễ dàng, do những người đóng thuế Mỹ hỗ trợ, và có sự quản lý chính sách kinh tế vĩ mô nhất quán trong hơn một thế kỷ qua.

Trung Quốc đã thành lập một công ty dầu khí vào năm 2018, tung ra hợp đồng dầu tương lai bằng đồng nhân dân tệ. Dẫu vậy, đồng Nhân dân tệ dầu mỏ đã không được phổ biến, ngay cả đối với các công ty dầu mỏ của Trung Quốc, vì đồng nhân dân tệ có khả năng chuyển đổi hạn chế và về căn bản bị Ngân hàng Trung Quốc kiểm soát giá trị. Ngoài ra, các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ của Bắc Kinh khiến đồng nhân dân tệ trở thành một loại tiền tệ không thực tế cho việc thanh toán dầu mỏ quốc tế.

Trung Quốc mua 1/4 lượng dầu của Saudi Arabia và đã cố gắng thuyết phục Vương quốc này kể từ năm 2016 dàn xếp ít nhất một phần trong giao dịch này bằng đồng nhân dân tệ. Cho đến nay, đã không có thỏa thuận nào đạt được. [Giá trị] đồng riyal Ả Rập Xê Út được cố định với đồng USD, có nghĩa là bất kỳ tác động tiêu cực nào mà hoạt động giao dịch bằng đồng nhân dân tệ gây ra đối với đồng USD cũng sẽ gây thiệt hại cho đồng riyal.

Năm 1974, ba năm sau khi Tổng thống khi đó là ông Richard Nixon đưa Hoa Kỳ ra khỏi chế độ bản vị vàng, ông đã thỏa thuận với Ả Rập Xê Út  rằng nếu Riyadh định giá dầu bằng USD, Ả Rập Xê Út có thể mua trái phiếu Kho bạc Mỹ trước khi bán đấu giá. Đổi lại, Ả Rập Xê-út thuyết phục các quốc gia sản xuất dầu khác định giá dầu bằng USD hơn là một rổ tiền tệ quốc tế. Do đó, Ả Rập Xê Út nắm giữ một phần lớn trong số 429.7 tỷ USD dự trữ ngoại tệ bằng USD và chứng khoán của chính phủ Mỹ.

Nếu Ả-rập Xê-út phản đối sự kiểm soát của Hoa Kỳ đối với nền kinh tế hoặc nếu Vương quốc này đang cố gắng đạt được quyền tự chủ lớn hơn bằng cách đa dạng hóa tiền tệ mà họ giao dịch, thì đây là một sai lầm vì đồng nhân dân tệ là một phần của hệ thống tài chính khép kín do ĐCSTQ kiểm soát. Ả Rập Xê Út sẽ phải nhượng bộ, thay vì giành được độc lập tiền tệ.

Trong khi đó, Bắc Kinh và Riyadh sẽ vẫn bị buộc phải sử dụng đồng USD để hoàn tất các giao dịch của họ. Trung Quốc cho phép giao dịch dầu kỳ hạn bằng đồng nhân dân tệ, nhưng các hợp đồng tương lai này chỉ là hợp đồng bảo đảm giao hàng cuối cùng để đổi lấy đồng nhân dân tệ. Mỗi bước của quy trình giao hàng đều có sự tham gia của các bên trung gian, hầu hết trong số các bên trung gian này sẽ muốn được thanh toán bằng đồng USD.

Khi Ả Rập Xê Út nhận được đồng USD để mua dầu, cho dù từ Hoa Kỳ hay Trung Quốc, họ sẽ sử dụng chúng để mua trái phiếu bằng đồng USD. Ả Rập Xê Út không dự trữ một lượng nhân dân tệ đáng kể; do đó, việc chấp nhận đồng nhân dân tệ cho dầu lửa sẽ liên quan đến việc chuyển đổi đồng nhân dân tệ sang đồng USD để mua trái phiếu bằng đồng USD. Lựa chọn này sẽ tăng thêm các bước và các chi phí không cần thiết vào chế độ ngoại tệ của Ả Rập Xê Út.

Một tàu chở dầu đang được chất hàng tại nhà máy lọc dầu Ras Tanura của Saudi Aramco ở Ả Rập Saudi hôm 21/05/2018. (Ảnh: Ahmed Jadallah/Reuters)

Một lý do khác tại sao Vương quốc này không thể định giá dầu bằng đồng nhân dân tệ là vì họ thực hiện tất cả các việc kế toán của mình theo đồng USD. Khả năng tốt nhất mà Bắc Kinh có thể hy vọng là Ả Rập Xê-út đồng ý chấp nhận đồng nhân dân tệ để giải quyết một phần thương mại dầu mỏ song phương với dầu mỏ vẫn được định giá bằng USD.

Ngay cả khi Ả Rập Xê Út đồng ý tiến hành tất cả các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ, thì việc này vẫn sẽ không đạt được mục tiêu của ĐCSTQ là quốc tế hóa đồng nhân dân tệ hoặc đe dọa thay thế đồng USD. Ả Rập Xê Út và Trung Quốc sẽ giao dịch trị giá 320 triệu dollar dầu và nhân dân tệ mỗi ngày làm việc, trong khi 6.6 ngàn tỷ USD được giao dịch trên thị trường ngoại hối toàn cầu mỗi ngày. Sự khác biệt này có nghĩa là giao dịch hàng ngày giữa hai quốc gia này chỉ chiếm một phần nhỏ của tổng số USD được sử dụng để thanh toán thương mại trên toàn cầu.

Bất chấp đại dịch và giá dầu sụt giảm trong hai năm qua, dự trữ ngoại tệ của Saudi Arabia, bao gồm cả vàng, vẫn ở mức 429.7 tỷ USD. Quốc gia này thâm hụt 4.8% vào năm 2021 nhưng dự kiến ​​sẽ thặng dư vào năm 2022. Và tỷ lệ nợ công trên GDP của Vương quốc này là một trong những mức thấp nhất trên thế giới, ở mức 30.8%.

Nói tóm lại, nền kinh tế Ả Rập Xê Út rất mạnh. Không giống như các quốc gia khác mà ĐCSTQ có thể hợp tác, Ả Rập Xê Út không tuyệt vọng tới mức phải cần sự giúp đỡ của Bắc Kinh. Ngoài ra, Trung Quốc đã không đe dọa sẽ ngừng mua dầu nếu Ả Rập Xê Út từ chối giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.

Ả Rập Xê Út không có lợi gì khi chuyển sang đồng nhân dân tệ. Trong khi đó, đồng bạc xanh giảm giá sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Ả Rập Xê Út. Do đó, mặc dù các cuộc đàm phán giữa Ả Rập Xê Út và Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục, nhưng không có khả năng Ả Rập Xê Út đồng ý sử dụng đồng nhân dân tệ cho một tỷ lệ đáng kể trong giao dịch dầu với Trung Quốc.

Sự thống trị của Hoa Kỳ đối với hệ thống tài chính toàn cầu sẽ vẫn còn nguyên vẹn, và đồng nhân dân tệ sẽ là tiền tệ toàn cầu trong một tương lai luôn luôn xa xôi không xác định nào đó.

Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”)

Nhật Thăng biên dịch

Related posts