Kha Đạt
Hoa Kỳ tiếp tục có động thái siết chặt gọng kìm đối với Huawei khi lệnh trừng phạt 34 thực thể Trung Quốc gần đây bao gồm cả một công ty công nghệ truyền thông mà Huawei đã tách ra cách đây một năm.
Washington đã gần như chặn tất cả các ngả đường có thể giúp Huawei tiếp cận thị trường hoặc làm tổn hại Mỹ, trong khi đó Huawei đang vùng vẫy tìm mọi cách để thoát khỏi vòng kiểm tỏa của Hoa Kỳ.
Khó khăn
Tại họp báo hôm 24/9, Eric Xu Zhijun, Chủ tịch luân phiên Huawei, cho biết công ty của ông thiệt hại ít nhất 30 tỷ USD doanh thu hàng năm do lệnh cấm của Mỹ.
Trước đó, vào tháng 8 năm 2021, sau khi Huawei công bố kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, một Chủ tịch luân phiên khác của Huawei là Xu Zhijun cho biết mục tiêu chiến lược của Huawei trong 5 năm tới là “tồn tại”.
Trong nửa đầu năm 2021, Huawei đạt doanh thu 320,4 tỷ NDT (49,56 tỷ USD), giảm gần 1/3; mức sụt giảm lớn nhất là ở bộ phận kinh doanh tiêu dùng, bao gồm cả mảng kinh doanh điện thoại di động với doanh thu giảm 47%.
Trước khi bị Mỹ trừng phạt, trong hơn mười năm, doanh thu từ mảng kinh doanh điện thoại di động của Huawei gần như liên tục tăng trưởng ở mức hai con số.
Theo báo cáo thường niên của Huawei, doanh thu từ mảng kinh doanh tiêu dùng, chủ yếu là điện thoại di động, chiếm 48,4% doanh thu của Huawei trong năm 2018, là nguồn doanh thu và lợi nhuận lớn nhất của Huawei trong năm 2018.
Nói cách khác, trước khi Hoa Kỳ trừng phạt Huawei, phần lớn thu nhập mà Huawei kiếm được đều đến từ điện thoại di động.
Trong cả năm 2020, hoạt động kinh doanh tiêu dùng của Huawei chỉ tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, và chưa bằng 1/10 mức tăng trong năm 2019 (34%) và 2018 ( 45%).
Trong nửa đầu năm 2021, doanh thu mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, ngành kinh doanh điện thoại di động tiếp tục lao dốc.
Tìm cách đối phó
Nếu cứ theo đà suy giảm hiện nay, điện thoại di động Huawei sẽ sớm bị đào thải. Tuy nhiên, Huawei không phải là một doanh nghiệp tư nhân bình thường, tập đoàn này nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Dựa vào điều này, Huawei đã thiết lập một con đường kinh doanh khác thường: bán sản phẩm ở nước ngoài với giá thấp và thắng thầu các dự án trong nước với giá cao.
Hơn mười năm trước, Roger Entner, một nhà phân tích nổi tiếng trong ngành viễn thông quốc tế từng ước tính rằng báo giá của Huawei và ZTE rẻ hơn 30% -50% so với các đối thủ của họ.
Caixin.com cũng báo cáo vào tháng 1 năm 2014 rằng Huawei không chỉ dựa vào giá thấp mà còn được hỗ trợ tài chính khổng lồ từ các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc để chiếm thị trường viễn thông châu Phi.
Trong những năm qua, báo giá sản phẩm của Huawei cho các nhà khai thác và khách hàng doanh nghiệp Trung Quốc thường cao hơn so với các đối thủ, thậm chí Huawei còn đẩy giá sản phẩm của họ lên mức giá cao nhất trong giới hạn chịu đựng của khách hàng. Tuy vậy, theo một cách nào đó, Huawei vẫn luôn thắng thầu. Điều này đã bù đắp đáng kể những thiệt hại mà Huawei phải gánh từ tác động của các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Vào ngày 29 tháng 10 năm 2021, Huawei đã giành được gói cung cấp thiết bị 5G trị giá 7,5 tỷ nhân dân tệ (gần 1,2 tỷ USD) cho China Mobile.
China Mobile là một trong ba công ty khai thác viễn thông lớn ở Trung Quốc, bên cạnh China Mobile và China Unicom. Các chuyên gia cho rằng, ĐCSTQ có một quy định ngầm, Huawei và ZTE luôn được ưu tiên cung cấp thiết bị cho các công ty viễn thông nêu trên.
Huawei dường như từ lâu đã tính toán rất kỹ các bước đi để đối phó với Hoa Kỳ. Vào năm 2004 họ đã thành lập công ty HiSilicon với sứ mạng phát triển chip cho Huawei, nhưng công ty này còn có thêm một nhiệm vụ khác.
He Tingbo, nữ chủ tịch của HiSilicon, đã vô tình tiết lộ mục đích sâu xa của việc Huawei thành lập HiSilicon. Bà thừa nhận trong một email nội bộ được phát hành vào ngày 17 tháng 5 năm 2004 rằng HiSilicon là một “lốp dự phòng” do Huawei “chế tạo” để chèo chống cho Huawei trong các trường hợp khắc nghiệt.
He Tingbo cho biết trong email rằng Huawei “đã đặt ra giả định về khả năng tồn tại [trong môi trường] khắc nghiệt từ nhiều năm trước”.
Vào tháng 11 năm 2019, trang web chính thức của Huawei đã công bố “Biên bản hội nghị chuyên đề giữa Chủ tịch Ren và Phòng thí nghiệm năm 2012”, trong đó tiết lộ các mục tiêu chiến lược mà Ren Zhengfei đặt ra cho HiSilicon.
Theo tài liệu, Ren Zhengfei nói với Chủ tịch HiSilicon He Tingbo vào năm 2004, “Tôi sẽ cung cấp cho bạn 400 triệu đô la Mỹ chi phí nghiên cứu và phát triển hàng năm và 20.000 người. Bạn phải đứng lên và giảm bớt sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ một cách thích hợp”.
Tuyên bố của ông Ren đưa ra vào thời điểm quan hệ Trung-Mỹ chưa căng thẳng, đang trong thời kỳ trăng mật, Chính phủ Mỹ vừa ủng hộ việc ĐCSTQ gia nhập Hiệp định chung về thuế quan và thương mại.
Bài phát biểu nội bộ của Chủ tịch luân phiên Guo Ping của Huawei vào tháng 8 năm 2021 cũng đã trở thành một minh chứng khác cho thái độ thù địch của Huawei với Hoa Kỳ. Gue nói với các nhân viên của mình rằng “Hoa Kỳ không thể đánh bại chúng ta đến chết”, và “Bất cứ điều gì không thể đánh bại ta sẽ khiến ta mạnh mẽ hơn”. Bản tóm tắt của bài phát biểu này hiện đã bị xóa khỏi trang web chính thức của Huawei.
Vẫn không để đương đầu với Mỹ
Trên thực tế, con đường phát triển chip của HiSilicon không hề dễ dàng, và các chip điện thoại di động ra mắt trong 10 năm qua đều không thể tái sử dụng. Mãi cho đến khi ra mắt chip Kirin 950 SoC vào năm 2015, HiSilicon mới bắt đầu quay trở lại.
Trong hơn mười năm kể từ khi HiSilicon đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển chip điện thoại di động, Ren Zhengfei khẳng định rằng điện thoại di động của Huawei được trang bị chip HiSilicon, bất kể hiệu năng của chip HiSilicon kém đến đâu và bị chỉ trích dữ dội. Do đó, ngành công nghiệp công nhận rằng thành công của HiSilicon dựa trên hoạt động kinh doanh điện thoại di động quy mô lớn của Huawei.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường IC Insights, HiSilicon đã trở thành công ty Trung Quốc đại lục đầu tiên lọt vào danh sách mười công ty bán dẫn hàng đầu toàn cầu trong quý đầu tiên của năm 2020. Theo báo cáo, sự tăng vọt trong doanh thu của HiSilicon chủ yếu là do Huawei, vì 90% chip của công ty này được sử dụng trong các sản phẩm của Huawei.
Mặc dù vậy, sự trỗi dậy của HiSilicon cũng đã bị chấm dứt bởi lệnh cấm thương mại của Hoa Kỳ.
Dữ liệu của Counterpoint cho thấy, thị phần toàn cầu trong các lô hàng chip điện thoại thông minh của HiSilicon đã tăng lên 12% và 15% trong quý đầu tiên và thứ hai của năm 2020, sau đó giảm nhanh chóng; trong quý thứ hai năm 2021, nó đã giảm xuống còn 3%.
Hơn nữa, do lệnh cấm của Hoa Kỳ và sự cạn kiệt nguồn dự trữ của Huawei trong hai năm qua, các lô hàng chip HiSilicon dự kiến sẽ còn giảm sâu nữa. Bởi vì việc sản xuất chip của HiSilicon bị phụ thuộc vào các nhà sản xuất bên ngoài.
Lấy con chip Kirin 9000 cao cấp nhất của Huawei làm ví dụ. Để con chip này ra đời, nó cần phải trải qua quá trình thiết kế, sản xuất, đóng gói và thử nghiệm. Các mắt xích thiết kế và chế tạo quan trọng nhất đều phải dựa vào công nghệ của Mỹ. Đặc biệt đối với việc sản xuất các chip cao cấp như Kirin, chỉ có máy in thạch bản của công ty ASML Hà Lan mới có thể đáp ứng được các yêu cầu. Trong khi công nghệ của ASML phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ của Mỹ; do đó ASML buộc phải phải tuân theo lệnh cấm Huawei của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ ‘ra đòn’, Huawei chống đỡ và nuôi âm mưu
Việc ĐCSTQ trả đũa ngoại giao con tin sau khi Meng Wanzhou, con gái của Ren Zhengfei, bị Canada bắt theo đề nghị của Hoa Kỳ đã khiến cộng đồng quốc tế nhận thức rõ hơn về mối quan hệ giữa Huawei và ĐCSTQ cũng như tác hại của tập đoàn này và thế lực. Đây có thể là lý do thúc đẩy Hoa Kỳ liên tiếp gây sức ép lên Huawei.
Cho tới nay, tổng cộng chính phủ Hoa Kỳ đã có 3 đợt trừng phạt lớn nhắm vào Huawei:
Cú đánh đầu tiên của Hoa Kỳ được thực hiện vào ngày 15 tháng 5 năm 2019. Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa Huawei vào danh sách các thực thể kiểm soát xuất khẩu.
Cú đánh thứ hai, vào ngày 15 tháng 5 năm 2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ nâng cấp lệnh cấm, yêu cầu các công ty sản xuất chất bán dẫn nước ngoài sử dụng thiết bị và công nghệ của Hoa Kỳ cũng phải tuân thủ lệnh cấm xuất khẩu chống lại Huawei.
Đồng thời, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã sửa đổi Quy định của Cơ quan Quản lý Xuất khẩu Hoa Kỳ (EAR), bao gồm các sửa đổi đối với “Quy tắc về Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài” và “Quy tắc tối thiểu” nhằm không cho Huawei sử dụng các chi nhánh hoặc chuỗi cung ứng để lấy chip của Hoa Kỳ.
Cú đánh thứ ba, vào ngày 17 tháng 8 năm 2020, càng khiến lệnh cấm trước đó của Mỹ leo thang. Chính phủ Hoa Kỳ không chỉ mở rộng phạm vi trừng phạt để đưa tổng số 152 chi nhánh của Huawei vào danh sách đen thương mại; họ còn tăng các biện pháp trừng phạt để hạn chế Huawei mua chip của các nhà sản xuất nước ngoài sử dụng công nghệ của Mỹ.
Về vấn đề này, các chính trị gia Mỹ đã đưa ra lời cảnh báo. Ví dụ, vào tháng 10 năm 2021, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Hoa Kỳ Marco Rubio đã kêu gọi chính quyền Biden đưa vào danh sách đen công ty “Glory” được tách ra từ Huawei.
Rubio nói rằng Honor, một công ty khác được sinh ra từ Huawei, thực chất là một “vũ khí” của chính quyền Cộng sản Trung Quốc.
Hồ sơ hoạt động của Huawei và HiSilicon, cũng như các cáo buộc công khai chống lại Huawei của nhiều chính phủ cho thấy, Huawei không chỉ kiếm được nhiều tiền từ các sản phẩm điện thoại di động, mà còn thông qua các sản phẩm này đánh cắp dữ liệu cá nhân.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Huawei đang tìm cách thoát khỏi gọng kìm của Mỹ. Trong những năm gần đây, Huawei đã nhiều lần tuyên bố muốn đột phá những vấn đề về chip và hệ điều hành. Các báo cáo công khai cho thấy Huawei và HiSilicon đang thúc đẩy các sáng kiến trong sản xuất chip và thậm chí đang chuẩn bị xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên của họ ở Vũ Hán mà không phụ thuộc vào nước ngoài.
Peter Wennink, Giám đốc điều hành ASML tại Hà Lan, tháng 4 năm 2021, bày tỏ tin tưởng rằng trong vòng 15 năm nữa Trung Quốc sẽ có loại sản phẩm dùng để sản xuất chip mà họ đã buộc phải mua từ ASML trong nhiều năm qua.
Yu Chengdong, một lãnh đạo của Huawei, gần đây đã tuyên bố tại một buổi thuyết trình nội bộ về kinh doanh tiêu dùng rằng, điện thoại di động Huawei sẽ tiếp tục được sản xuất và ngôi vương sẽ trở lại vào năm 2023.