Một truyện ngắn các nhà văn viết hơn 20 năm chưa xong

Phạm Đình Trọng

17-4-2022

1. Dù danh nghĩa hội Nhà Văn Việt Nam trả lời thư ngỏ, giải quyết vụ việc của nhà thơ Dạ Thảo Phương (DTP), nhưng tôi không tin đây là cách giải quyết hoàn toàn độc lập, hoàn toàn chủ động của ban chấp hành và của chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều.

Cách giải quyết vẫn lạnh lùng, dửng dưng vô cảm trước tội phạm chà đạp lên phẩm giá con người, nhất là người bị chà đạp phẩm giá lại là một cô gái trẻ, một nhà thơ. Giải quyết rất kém cỏi, mờ ám, khuất tất vể thủ tục phát hành văn bản, rất tàn nhẫn, vô trách nhiệm với nữ nhà thơ nạn nhân nhưng lại tỏ ra có trách nhiệm đến cùng, bảo vệ đến cùng tội phạm gây ra vụ việc. Tôi tin nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tướng tá ngang tàng của con người có cá tính mạnh mẽ, ngay thẳng, râu không quặp, không hèn như vậy.

Tôi nhận ra ở đây cách giải quyết của một quyền lực giấu mặt như quyền lực giấu mặt đã giải quyết vụ việc của DTP cách đây tròn hai mươi hai năm, tháng tư năm 2000, biến một vụ việc động trời, một vụ cưỡng hiếp giữa cơ quan chỉ còn là chuyện xô xát cá nhân rồi cho chìm nghỉm vô tăm tích như không có chuyện gì xảy ra.

Nhân cách thấp hèn, xấu xa, đê tiện đáng phải loại ra khỏi tờ báo văn chương, nơi làm công việc văn hoá, nơi trau chút cái đẹp nhưng vẫn bình chân là phóng viên, là nhà báo, nhà thơ của tờ báo hội Nhà Văn! Tội phạm hình sự nhơ nhuốc không bị loại khỏi cơ quan. Con người tội lỗi, thơ thẩn chỉ loàng xoàng mà thăng tiến kì diệu. Không con ông cháu cha thì phải là đệ tử của một thế lực ngầm.

Vụ việc động trời, một viên chức nhỏ xíu mà thừa tự tin ngang nhiên hành xử tội phạm dâm ô đè đồng nghiệp nữ yếu ớt ra ghế toan cưỡng hiếp ngay trong cơ quan, giữa buổi làm việc. Như cậu Trời Đặng Mậu Lân em trai tuyên phi Đặng Thị Huệ dưới sự dung túng của chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm thời Lê mạt thế kỉ 18 mặc sức ngông cuồng càn rỡ, gặp đàn bà con gái trên phố phường kinh kì Đông Đô liền quây màn cưỡng hiếp tức thì giữa bàn dân thiên hạ.

Phải có thế lực đủ mạnh sau lưng thì một nhân viên quèn mới dám hành xử như ông Cậu Trời Đặng Mậu Lân thời vua Lê chúa Trịnh. Phải có ô dù đủ rợp trên đầu, cái xấu mới được dung túng để cái xấu cứ tồn tại và tiếp diễn hơn hai mươi năm qua.

2. Người có thói bon chen chốn công danh, có tham vọng bám giữ quyền lực đều rất rành hai thủ thuật của quyền lực là ra uy để cấp dưới phải sợ và ra ân để thu phục cấp dưới, để có dàn đệ tử gọi dạ bảo vâng, có đám chân tay sai bảo. Ra ân ban phát chức quyền cho đệ tử, tạo vây cánh củng cố quyền lực. Có đám đàn em chức quyền còn duy trì được quyền lực cả khi đàn anh rời ghế quyền lực. Được vua Lê ra ân, chúa Trịnh mới có quyền lực và mới có những hung thần với đàn bà con gái như Cậu Trời Đặng Mậu Lân.

Giữa năm 1987, nhà văn Nguyên Ngọc về chấn hưng báo Văn Nghệ. Với ý chí dựng tờ Văn Nghệ lên ngang tầm đòi hỏi của cuộc sống, Văn Nghệ của Nguyên Ngọc cần những nhân cách trung thực để làm việc chứ không cần nhân cách hầu hạ, gọi dạ bảo vâng, Nguyên Ngọc liền kiếm ghế ngồi chơi xơi nước ở hội Nhà Văn cho hai nhân cách không phù hợp với tờ báo của ông là Trương Vĩnh Tuấn (TVT) và Lương Ngọc An (LNA).

Những thay đổi tích cực, những chuyển biến mạnh mẽ, tốt đẹp ở báo Văn Nghệ thời nhà văn Nguyên Ngọc như một cuộc cách mạng. Hội Nhà Văn vốn chỉ quen hóng lên phủ chúa Tuyên huấn Tố Hữu chờ gọi dạ bảo vâng. Trước chuyển động tích cực của báo Văn Nghệ thu hút đông đảo người đọc, đánh thức nỗi khát khao dân chủ trong dân làm cho cả hội Nhà Văn trì trệ, cả phủ chúa Tuyên huấn Tố Hữu quan liêu đều thấy bất an, cần ra tay can thiệp, dẹp đổi mới, đưa Văn Nghệ về lại thân phận báo nô văn chương làm yên lòng phủ chúa Tuyên huấn.

Cuối năm 1988, nhà văn Nguyên Ngọc phải rời khỏi báo. Về thay Nguyên Ngọc đứng đầu báo Văn Nghệ, Hữu Thỉnh liền ra ơn mưa móc đưa ngay hai nhân sự bị nhà văn Nguyên Ngọc cho ngồi chơi xơi nước ở hội Nhà Văn về lại báo. Hội Nhà Văn như vương quốc Văn Chương thì báo Văn Nghệ là kinh đô của những thần dân say đắm cái đẹp ngôn từ, chữ nghĩa. Để có thêm không gian tập hợp lực lượng, Tổng biên tập Văn Nghệ Hữu Thỉnh liền tạo ra tiểu quốc Văn Nghệ Trẻ trong kinh đô Văn Nghệ. TVT có Văn Nghệ Trẻ và LNA có một khoảnh đất kinh đô văn chương để giăng màn trên phố phường kinh đô văn chương giữa ban ngày từ đó.

Sự việc trưa ngày 14.4.2000 LNA ngang nhiên tay bóp cổ, thân thể đàn ông đè lên thân thể đàn bà, nhà thơ nữ đồng nghiệp trẻ DTP toan cưỡng hiếp tuy không thành ở ngay toà báo là sự việc nghiêm trọng của pháp luật, của hình sự, chà đạp tàn bạo và trắng trợn phẩm giá con người, phẩm giá nhà thơ nữ. Quyền lực báo Văn Nghệ, quyền lực hội Nhà Văn phải xử lí kỉ luật nghiêm khắc theo chuẩn mực pháp luật và đạo đức. Nhưng xử lí kỉ luật theo pháp luật nhà nước và đạo đức xã hội thì phải loại bỏ đệ tử. Để tránh điều này, quyền lực ở báo Văn Nghệ đã đưa hội đoàn quần chúng, tổ chức công đoàn ra chủ trì giải quyết chiếu lệ cho qua. Coi vụ việc chỉ là chuyện nhỏ của đoàn thể quần chúng. Không có án lệ. Không có văn bản hành chính lưu hồ sơ để không để lại dấu vết.

Công đoàn chỉ là tổ chức quần chúng làm chức phận ngoài công việc chính quyền, lo đời sống tinh thần, tình cảm của công chức, thăm người ốm, viếng người chết, không có quyền lực hành chính, không có chức năng giải quyết những vụ việc về nhân cách nhân sự và hoạt động nghiệp vụ của tờ báo.

Vụ việc cưỡng hiếp đồng nghiệp ngay nơi làm việc, ngay trong buổi làm việc là đạo đức công chức, phẩm chất nhân sự, là sự lành mạnh, bình yên không gian làm việc, liên quan đến chất lượng công việc và danh dự cơ quan. Đó là việc của chính quyền chứ không phải việc của đoàn thể quần chúng, không phải việc của công đoàn. Nhưng quyền lực báo Văn Nghệ giấu mặt đã đưa công đoàn ra phân xử vụ việc nghiêm trọng của chính quyền. Không có quyền lực chính quyền, công đoàn đương nhiên chỉ theo lệnh chính quyền làm nhẹ vụ việc nghiêm trọng, đặt vụ việc ngoài vòng pháp luật, bỏ qua, xí xoá tội cho kẻ cưỡng dâm.

Chà đạp lên phẩm giá người phụ nữ trẻ mang khát vọng văn chương, khát vọng cái đẹp, tội phạm cưỡng dâm được bao che, dung túng, chỉ bị tạm dừng làm việc ít ngày lấy lệ rồi bình thản trở về vị trí cũ và thăng tiến vào ban chấp hành hội Nhà Văn, lên phó Tổng biên tập tờ báo văn chương quốc gia là một lần nữa xúc phạm, chà đạp người phụ nữ bị cưỡng hiếp, một lần nữa che giấu, lừa dối những nhà văn chân chính, là sự thách thức đạo đức xã hội và nguy hiểm hơn cả sự đê tiện, nhơ nhuốc vẫn lù lù ở tờ báo văn chương quốc gia, vẫn là nỗi đe doạ, bất an với những phụ nữ làm việc ở đó. Vì vậy dù hơn hai mươi năm đã qua, trái tim phụ nữ, tâm hồn nhà thơ DTP lại phải lên tiếng.

Quyền lực xử lí vụ việc DTP hơn hai mươi năm trước đã rời vương quốc văn chương về nghỉ hưu. Lãnh đạo hội Nhà Văn đã thuộc về thế hệ mới. Nhưng thư ngỏ của DTP ngày 6.4.2022 đòi công lí, đòi lẽ phải, đòi sự thật gửi hội Nhà Văn quốc gia cũng vẫn nhận được cách giải quyết như hơn hai mươi năm trước! Hơn hai mươi năm trước lãnh đạo báo Văn Nghệ giấu mặt, đưa công đoàn ra giải quyết chiếu lệ, thực ra là không giải quyết gì. Nay hội Nhà Văn phải trả lời thư ngỏ ngày 6.4.2022 của DTP cũng giấu mặt. Văn bản trả lời không có người kí tên, không có dấu đỏ hội Nhà Văn thì cũng không hơn gì văn bản nặc danh. Nội dung trả lời vẫn phủi tay, né tránh, vẫn không giải quyết gì!

3. Trí tuệ và tâm hồn Việt Nam không thiếu những nhà văn mang vẻ đẹp tài năng và vẻ đạp tâm hồn nhân văn. Ban lãnh đạo hội Nhà Văn quốc gia phải là nơi hội tụ, nơi góp mặt của những nhà văn tiêu biểu cho tài năng sáng và tâm hồn đẹp Việt Nam. Nhưng ban lãnh đạo hội Nhà Văn Việt Nam khoá mười 2020 – 2025 lại có mặt một tội phạm. Cưỡng hiếp đồng nghiệp, cưỡng hiếp nhà thơ nữ nhưng nhờ ân sủng bao che của người đứng đầu kinh đô văn chương, đồng thời đứng đầu vương quốc văn chương, tội phạm vẫn nghênh ngang trong lãnh địa văn chương. Nay tôi phạm đó lại sỗ sàng tót lên ghế trên, ban lãnh đạo hội Nhà Văn quốc gia!

Ban lãnh đạo hội Nhà Văn Việt Nam khoá 10 không có mặt nhà thơ ham quyền lực đã nắm giữ chiếc ghế quyền lực đứng đầu ban lãnh đạo hội Nhà Văn Việt Nam suốt bốn khoá liên tiếp, từ 2000. Người ham quyền lực nào cũng biết để lại hình bóng, quyền uy và ý chí của mình ở cơ quan quyền lực sau khi phải rời bỏ chức vụ bằng việc đưa bằng được đàn em chịu ân sủng vào nhóm quyền lực mà mình vừa rời bỏ. Tội phạm cưỡng hiếp đồng nghiệp, cưỡng hiếp nhà thơ nữ được quyền lực ra ơn bao che nay có mặt trong ban lãnh đạo hội Nhà Văn chính là hình bóng, quyền uy, ý chí của người ham quyền lực vừa rời bỏ quyền lực.

Cách giải quyết của hội Nhà Văn Việt Nam hôm nay vẫn lạnh lùng, dửng dưng, vô cảm trước tội phạm chà đạp lên phẩm giá con người, chà đạp lên phẩm giá nhà thơ nữ như hơn hai mươi năm trước cho thấy ban lãnh đạo hội Nhà Văn hôm nay không những có mặt tội phạm của vụ việc cưỡng hiếp hơn hai mươi năm trước mà còn có cả quyền uy và ý chí của quyền lực đã đánh chìm vụ việc hơn hai mươi năm trước.

Cưỡng hiếp đồng nghiệp, cưỡng hiếp một nhà thơ, phụ nữ trẻ tuy là sự việc nghiêm trọng của đạo đức con người, của kỉ cương công sở và là tội hình sự được ghi trong luật pháp nhưng cũng chỉ là chuyện thường ngày của đời sống xã hội như một chi tiết, một truyện ngắn của văn chương. Vì danh dự hội Nhà Văn, vì danh dự nhà văn, vì phẩm giá con người, vì lẽ phải và sự thật thì giải quyết thật đơn giản, vụ việc đã kết thúc êm thấm từ hơn hai mươi năm trước. Không vì sự thật và lẽ phải, không vì phẩm giá con người, hơn hai mươi năm, các nhà văn trong ban lãnh đạo hội Nhà Văn vẫn chưa viết xong một truyện ngắn.

Related posts