19-4-2022
Quan điểm của Việt Nam về cuộc chiến Ukraine từ đầu đến giờ khá thống nhất là luôn trung thành với Nga, không phản đối Nga bằng mọi giá. Ở một số status trước mình đã phân tích, đó là do sự lệ thuộc về quân sự vào Nga (vũ khí, khí tài, đào tạo…) nên Việt Nam không có lựa chọn khác.
Thoạt nhìn chúng ta có thể thấy rằng với cách bộc lộ đó, dường như Việt Nam đã tự mình rời xa phương Tây, từ chối lẽ phải, đi theo kẻ xâm lược. Với vị thế không khác gì Ukraine, nằm trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc, cũng từng là thuộc quốc ngàn năm của Trung Quốc, nên với động thái đó, Việt Nam cũng bộc lộ cho Trung Quốc thấy rằng mình không bênh vực Ukraine tức là tỏ ra rằng đang thần phục Trung Quốc, y như chế độ cũ của Ukraine trong quá khứ thần phục Nga. Đó chính là thông điệp ngầm mà Việt Nam muốn phát sóng cho Trung Quốc.
Những người thân phương Tây thường cho rằng, ủng hộ kẻ xâm lược thì có nghĩa rằng chấp nhận bị xâm lược tương tự. Nhưng quan điểm của Việt Nam lại không như thế. Các nhà lãnh đạo Việt Nam có lẽ cho rằng, mối đe dọa xâm lược Việt Nam duy nhất chỉ là từ Trung Quốc và Trung Quốc sẽ không bao giờ xâm lược một thuộc quốc ngoan ngoãn. Giống như Nga đã không xâm lược nước Ukraine dưới chế độ chư hầu. Vì thế, Việt Nam cứ tỏ ra là thần phục thì sẽ không lo bị tấn công.
Nhưng cách suy nghĩ như vậy chưa chắc đã phù hợp, bởi Nga cũng khác với Trung Quốc. Người Trung Quốc vốn thâm sâu hơn người Nga, cách hành xử của họ cũng lá mặt lá trái hơn Nga. Đúng là Trung Quốc sẽ không tấn công lãnh thổ Việt Nam nếu Việt Nam thần phục, nhưng với biển đảo thì là chuyện khác, do chủ quyền chồng lấn mà hai bên tuyên bố. Nếu tính cả Đài Loan (mà Trung Quốc coi là lãnh thổ chưa thu hồi của mình) thì có ba bên tuyên bố chồng lấn chủ quyền Trường Sa, không tính các nước trong khu vực khác. Họ sẽ luôn tìm cách lấy thêm đảo của Việt Nam bất cứ khi nào có điều kiện và thường là khi những đàn anh của Việt Nam suy yếu hoặc bỏ rơi (sự kiện mất Hoàng Sa và Gạc Ma).
Trong khi đó, dưới chế độ chư hầu cũ ở Ukraine, Nga còn thuê cảng Sevastopol ở Crimea chứ không hề chiếm. Họ chỉ sáp nhập khi Ukraine muốn thoát khỏi phận chư hầu mà thôi. Crimea và hai quần đảo Trường Sa (TS), Hoàng Sa (HS) có vị thế khá tương đồng, là yết hầu ra biển Đông của Trung Quốc. Nên có thể dự báo trước là bất cứ khi nào Việt Nam nhen nhóm ý đồ thoát Trung là Trung Quốc sẽ chiếm các đảo còn lại thuộc TS trước tiên.
Kể từ khi Liên Xô và Trung Quốc bất hòa, Việt Nam luôn hiểu và muốn tận dụng mối bất hòa truyền kiếp giữa hai anh để đu dây. Giải pháp ngoại giao đu dây này đặc biệt hiệu quả vào giai đoạn chiến tranh Việt Nam. Do hai anh đều phải săn đón Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH), với mục đích là để gây sức ép với người Mỹ.
Nhưng khi chiến tranh kết thúc thì sự nghiệp đu dây cũng tiêu tùng theo do hai anh không cho phép thằng em bắt cá hai tay. Và việc lựa chọn Liên Xô đã khiến Việt Nam phải trả giá bằng cuộc chiến tiêu hao ở Campuchia và biên giới phía Bắc cho đến khi Liên Xô sụp đổ.
Kể từ khi nước Nga của Putin trỗi dậy và Trung Quốc trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, Việt Nam lại quay lại với chiến lược ngoại giao đu dây, được đổi tên là ngoại giao cây tre, đa phương hơn trước, bao gồm cả Mỹ và phương Tây.
Trong thâm tâm, có lẽ lãnh đạo Việt Nam vẫn hi vọng là cần có đối tác để kiềm chế sự tham lam của Trung Quốc. Trong đó có Ấn Độ và Nhật là những nước có xung đột truyền kiếp với Trung Quốc. Nhưng Ấn Độ thì chưa đủ sức mạnh kinh tế lẫn quân sự. Nhật Bản thì chỉ có tiền mà không có quân đội, vẫn núp dưới cái ô bảo trợ của Mỹ cùng Hàn Quốc. Rốt cuộc, vẫn chỉ còn Nga và Mỹ là đủ sức mạnh quân sự để kiềm chế Trung Quốc mà thôi.
Tuy đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ khá lâu, nhưng Việt Nam vẫn luôn coi Mỹ là một thế lực thù địch đầu sỏ, luôn tìm cách thay đổi chế độ ở Việt Nam. Vì thế tuy Việt Nam gọi là có quan hệ đa phương với Mỹ nhưng sự đề phòng, ngờ vực vẫn nhiều hơn. Mỹ vẫn là đối tượng bị đội ngũ DLV húc mạnh nhất, dưới sự chỉ đạo ngầm của người mà ai cũng biết là ai đó.
Cuối cùng vẫn chỉ còn Nga được Việt Nam coi là cái phao cứu sinh để bảo vệ lãnh thổ trước Trung Quốc. Có lẽ đó là một phần lý do khiến Việt Nam sẽ tập trận với Nga sau việc Trung Quốc tập trận ở Biển Đông và ký một cam kết quân sự BÍ MẬT với Campuchia. Nga và Việt Nam muốn bộc lộ tình đoàn kết trước sau như một.
Nhưng cuộc chiến Ukraine đã khiến cho cục diện ngoại giao quốc tế thay đổi bất ngờ mà có lẽ lãnh đạo Việt Nam chưa chắc đã kịp nhận ra đầy đủ.
Cuộc chiến này khiến Nga bị đẩy xa khỏi phương Tây hơn bao giờ hết. Những năm tháng Nga suy sụp nhất là dưới thời Yeltsin nhưng ông ta lại được lòng phương Tây. Còn hiện tại, Nga coi như bị đa số các nước trên thế giới tẩy chay, ngoại trừ một số thể chế độc tài và nghèo đói Á, Phi, thể hiện qua ba lần bỏ phiếu ở LHQ vừa qua.
Nga càng sa lầy về quân sự ở Ukraine, càng trình diễn sự yếu kém về tác chiến lẫn sức mạnh vũ khí, đỉnh điểm cho tới ngày hôm qua (*) là sự kiện soái hạm Moskva bị Ukraine đánh chìm. Sự suy thoái kinh tế của Nga là nặng nề nhất kể từ năm 1994. Như vậy, về vị thế quốc tế cũng như tiềm lực quân sự, hiện tại Nga chính thức là một con hổ giấy.
Hơn nữa, từ bây giờ, Nga sẽ phải bám víu nhiều nhất vào Trung Quốc. Sẽ bị Trung Quốc ép giá dầu và Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế lớn duy nhất cho Nga, thay thế cho các nước Tây Âu đang dần tránh Nga như hủi. Nói cách khác, Nga đang dần biến thành chư hầu của Trung Quốc và không còn sự lựa chọn khác, do bị phương Tây cấm vận.
Vị vậy, sự trung thành tuyệt đối của Việt Nam với Nga dường như là sự “ngu trung” thiếu lý trí. Người ta phù thịnh chứ ai phù suy? Với vị thế kiệt quệ và chư hầu của Trung Quốc như vậy thì Nga không thể là một đối tác có thể kiềm chế Trung Quốc cho Việt Nam để bảo vệ biển đảo nữa.
Chính vì lẽ đó, cuộc tập trận giữa Nga và Việt Nam sẽ trở nên ngớ ngẩn với Việt Nam. Bởi vì người ta tập trận chủ yếu nhằm mục đích phô trương thanh thế, nhằm răn đe đối phương. Đối với Việt Nam, thì đối phương cần răn đe chỉ là Trung Quốc và mối quan hệ đầy mờ ám của họ với Campuchia. Nhưng với vị thế kể trên thì cuộc tập trận này chỉ là trò hề với Trung Quốc!
_______
(*) Ghi chú của Tiếng Dân: Soái hạm Moskva của Nga bị Ukraine đánh chìm ngày 14/4/2022, tức gần một tuần.