Sau gần 70 năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dường như đang quay trở lại nền kinh tế kế hoạch và nỗ lực thiết lập một thị trường quốc gia thống nhất. Các chuyên gia về Trung Quốc tin rằng ĐCSTQ hy vọng có thể kích cầu nội địa để đáp ứng với những thay đổi lớn về nhu cầu ngoại thương có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu thế giới bắt đầu tách khỏi Trung Quốc.
Hôm 10/04, Hội đồng Nhà nước của ĐCSTQ đã ban hành một thông báo có tên là “Ý kiến về việc Đẩy nhanh Xây dựng một ‘Thị trường Quốc gia Thống nhất’,” kêu gọi thành lập một “thị trường nội địa siêu lớn” với vị thế chắc chắn về “nhu cầu nội địa”. Thị trường quốc gia thống nhất này liên quan tới khía cạnh như tài nguyên, hàng hóa, dịch vụ và giám sát thị trường, đồng thời thị trường tài nguyên bao gồm đất đai và lao động, vốn, công nghệ và dữ liệu, năng lượng và môi trường sinh thái, v.v.
Ông Albert Song, một nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Thiên Quân (Tianjun), một tổ chức tư vấn kinh tế và chính trị, nói với The Epoch Times rằng thông báo này về căn bản bao hàm tất cả các lĩnh vực kinh tế.
Ông nói, nếu liên kết các manh mối khác nhau xuất hiện gần đây, chúng ta có thể thấy rằng ĐCSTQ đang liên tục điều chỉnh chiến lược của họ theo những thay đổi của tình hình quốc tế. “Từ ‘cải cách cơ cấu bên cung’ đến kinh tế ‘lưu thông nội bộ’, rồi đến ‘thị trường thống nhất quốc gia’ hiện tại, chính sách kinh tế của ĐCSTQ không ngừng hướng vào nội địa – mong muốn phát triển thị trường nội địa một cách toàn diện để ứng phó với nhu cầu ngoại thương đang thay đổi được thúc đẩy bởi sự tách biệt khỏi phần còn lại của thế giới.”
Ông Song có 27 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính của Trung Quốc, tập trung nghiên cứu các lĩnh vực kinh tế và chính trị của Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc có thị trường tiêu thụ lớn nhất trên thế giới, nhưng khi xem xét các yếu tố như sự kiểm soát đại dịch cực đoan và suy thoái kinh tế của Trung Quốc, ông Song tin rằng “sức tiêu thụ của Trung Quốc không lạc quan”.
Ông cũng tin rằng đại dịch COVID-19 và chiến tranh Nga-Ukraine đã giúp thế giới nhận ra rằng toàn cầu hóa nhất định sẽ kết thúc và mỗi quốc gia cần phải tái thiết ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng của họ để họ có thể tránh xa các mối đe dọa từ các chế độ bất hảo.
“ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất trên toàn thế giới. Quốc gia này lợi dụng tư cách là một trong năm thành viên thường trực của Liên Hiệp Quốc và các lợi thế kinh tế của họ để hỗ trợ cuộc xâm lược của Nga, cả công khai và bí mật. Cuộc chiến Nga-Ukraine đã cho ĐCSTQ một cơ hội tốt để quan sát và học hỏi những gì nên làm nếu các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga được áp dụng đối với Trung Quốc.”
Mặc dù các hãng thông tấn chính thức của ĐCSTQ tuyên bố rằng thị trường quốc gia thống nhất này không có nghĩa là quay trở lại nền kinh tế kế hoạch, nhưng một số nhà đầu tư bên ngoài Trung Quốc tin rằng bản chất của nó là nền kinh tế kế hoạch.
Ông Mike Sun, một nhà tư vấn đầu tư tư nhân tại Bắc Mỹ, nói với The Epoch Times rằng một mặt, ĐCSTQ muốn tăng cường quyền kiểm soát của chính quyền trung ương và làm suy yếu hơn nữa “nền kinh tế phong kiến” địa phương. Mặt khác, họ cần phải tăng cường cái gọi là “lưu thông nội bộ” đang thúc đẩy tiêu dùng nội địa, để chuẩn bị cho việc tách rời quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ-Trung, cũng như các lệnh trừng phạt kinh tế có thể xảy ra trong tương lai. Thị trường thống nhất về căn bản là “nền kinh tế kế hoạch 2.0,” ông Sun nói.
Từ năm 1953 trở đi, ĐCSTQ đã thực hiện quyền sở hữu tập thể đối với đất đai bị sung công, chuyển giao quyền sở hữu tài sản từ giai cấp địa chủ cũ cho nhà nước Trung Quốc. Đến năm 1956, Trung Quốc đã hoàn toàn bước vào “nền kinh tế kế hoạch” khi 99% gia đình công nghiệp tư nhân và khoảng 85% doanh nghiệp thương mại tư nhân được coi là “quan hệ đối tác công tư”.
Ông Gia Cát Minh Dương (Zhuge Mingyang), một tác gia và nhà bình luận độc lập, đã chỉ ra rằng nền kinh tế kế hoạch này đã mang lại những khó khăn kinh tế lâu dài cho Trung Quốc, và cái gọi là ‘quan hệ đối tác công tư’ cũng đã đẩy nhiều nhà tư bản – chủ sở hữu công ty tư nhân – đến đường cùng tới mức nhiều người đã tự sát. “Ở một mức độ nhất định, lịch sử cai trị của ĐCSTQ là quá trình không ngừng cướp bóc của cải quốc gia. Như một giáo sư tại Đại học Hạ Môn đã nói cách đây 20 năm, ĐCSTQ chỉ làm hai việc sau khi lên nắm quyền: Mao biến ‘tài sản tư nhân’ thành ‘tài sản nhà nước’ sau năm 1953, và Đặng biến ‘tài sản nhà nước’ thành ‘tài sản của Đảng’ sau năm 1983.
Bà Kathleen Li đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2009 và tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Bà là một kỹ sư, làm việc trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và kết cấu tại Úc.
Khánh Ngọc biên dịch