Ông Tập và thủ tướng không có tiếng nói chung trong chính sách zero COVID của Trung Quốc

Jessica Mao

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường (bên phải) vỗ tay trong phiên họp toàn thể lần thứ ba của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân hôm 12/03/2019 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã ban lệnh cho cả nước tuân thủ chính sách zero COVID linh hoạt (“dynamic zero COVID”), nhưng các nhà lãnh đạo hàng đầu khác dường như không đồng tình. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gần đây đã tổ chức ba cuộc họp liên tiếp để phân tích tình hình kinh tế hiện tại. Tại đây, ông tiết lộ rằng nền kinh tế Trung Quốc hiện đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng. Các chuyên gia cho rằng điều này cho thấy cuộc tranh đấu trong dàn lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang ngày càng gay gắt.

Trong bối cảnh đợt bùng phát dịch COVID-19 đang tồi tệ hơn ở Thượng Hải, ông Tập đã đến thăm tỉnh Hải Nam từ ngày 10/04 đến ngày 13/04.

Hôm 13/04, Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã đưa tin rằng, trong bài diễn văn tại Hải Nam, ông Tập vẫn tuân thủ chính sách zero COVID linh hoạt để phòng chống dịch.

Hãng thông tấn của đảng ủng hộ chính sách zero COVID linh hoạt

Mới đây, hãng thông tấn chính thức của ĐCSTQ đã đăng các bài báo chuyên sâu ủng hộ chính sách zero COVID linh hoạt; các chuyên gia của ĐCSTQ cũng cho rằng chính sách này phù hợp với thực tế của Trung Quốc.

Hôm 12/04, Tân Hoa Xã đã đăng một bài báo, nhấn mạnh lại rằng phương châm kiểm soát đại dịch của ông Tập là chính sách zero COVID linh hoạt.

Cùng ngày, ông Mễ Phong (Mi Feng), phát ngôn viên của Ủy ban Y tế Quốc gia của ĐCSTQ và là Phó Giám đốc Ban Tuyên truyền, đã tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng các quan chức các cấp phải tuân thủ các nguyên tắc chung của chính sách này.

Tại cuộc họp báo, ông Ngô Tôn Hữu (Wu Zunyou), trưởng nhóm dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), tuyên bố rằng chính sách chung của ĐCSTQ về phòng chống dịch bệnh là zero COVID linh hoạt, và chính sách này phù hợp với thực tế của Trung Quốc và cũng là lựa chọn tốt nhất để Trung Quốc chống lại dịch bệnh.

Một tình nguyện viên trong cộng đồng mặc đồ bảo hộ cá nhân đang khử trùng một khu vực trước khi tiến hành xét nghiệm virus corona COVID-19 tại một khu dân cư trong một đợt phong tỏa chống dịch ở quận Phố Đông, Thượng Hải hôm 17/04/2022. (Ảnh: Liu Jin/AFP qua Getty Images)

Vào tối hôm 12/04, Tân Hoa Xã đã đăng một bài bình luận, cho rằng chính quyền không thể từ bỏ chính sách zero COVID linh hoạt, “thảng bình” (‘nằm thẳng’, ‘tangping’,躺平, phong trào thư giãn bỏ việc nằm yên của giới trẻ Trung Quốc) thì không có lối thoát, và chỉ có sự kiên trì mới có thể chiến thắng.

Điều mà ĐCSTQ gọi là “thảng bình” có nghĩa là nhiều quốc gia trên thế giới không còn yêu cầu các biện pháp phòng chống dịch bệnh khác ngoài việc chích ngừa.

Đồng thời, Tân Hoa Xã một lần nữa lại đưa ra một bài báo, tuyên bố rằng thành phố Thượng Hải, trung tâm tài chính và kinh tế của Trung Quốc, chỉ chịu “‘thương đau’ ngắn hạn” khi đối phó với dịch bệnh; điều này sẽ không làm lung lay các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc. Và bài báo nhắc lại rằng zero COVID linh hoạt là điểm mấu chốt.

Ba cuộc họp của ông Lý Khắc Cường

Trái ngược với luận điệu của hãng thông tấn chính thức nói trên, Quốc Vụ Viện của ĐCSTQ và Thủ tướng Lý Khắc Cường không đồng điệu với ông Tập Cận Bình.

Hôm 11/04, Quốc Vụ Viện đã ban hành một thông báo yêu cầu tất cả các khu vực của quốc gia cần nỗ lực bảo đảm sự thông suốt của hàng hóa và hậu cần, cũng như sự an toàn và ổn định của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng. Thông báo nhấn mạnh rằng các địa phương không được chặn hoặc đóng cửa đường cao tốc, đường thông thường, đường thủy khi chưa được phép và không được lập chốt phòng dịch trên các tuyến chính và các khu dịch vụ của đường cao tốc.

Thông báo nêu rõ, các chính quyền địa phương, các đơn vị, và nhân sự có liên quan phải chịu trách nhiệm về việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự lưu chuyển hàng hóa hoặc gây ra tình trạng thiếu hụt hoặc gián đoạn nguồn cung cấp nguyên vật liệu.

Hôm 11/04, ông Lý đã phân tích tình hình kinh tế khi đi thị sát tỉnh Giang Tây và nói rằng do “một số thay đổi bất ngờ và áp lực tiêu cực ngày càng tăng đối với nền kinh tế,” chúng ta phải chú ý đến tác động của hệ thống hậu cần yếu kém hiện tại đối với chu kỳ kinh tế và duy trì sự ổn định của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng. Ông cũng cho biết một số ngành, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ doanh nghiệp công thương cá thể đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, việc cung cấp các nhu cầu thiết yếu hàng ngày và y tế của người dân cũng bị ảnh hưởng.

Ông Lý đã tổ chức một diễn đàn dành cho các chuyên gia và doanh nhân hôm 07/04. Tại cuộc họp, ông đã thừa nhận rằng nhiều đợt bùng phát dịch COVID-19 thường xuyên xảy ra tại Trung Quốc và “một số yếu tố bất ngờ vượt quá mong đợi khiến cho sự vận hành nhịp nhàng của nền kinh tế không được chắc chắn và gặp thách thức lớn hơn.” Ông cũng cho rằng, các doanh nghiệp tham gia thị trường Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ doanh nghiệp công thương cá thể hiện đang gặp rất nhiều khó khăn và áp lực.

Trước đó, hôm 06/04, ông Lý Khắc Cường đã trình bày tại cuộc họp điều hành của Quốc Vụ Viện ĐCSTQ, rằng do dịch bệnh bùng phát gần đây, khó khăn của các thành phần thị trường Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, tuần hoàn kinh tế không suôn sẻ, và áp lực tiêu cực mới đã tiếp tục gia tăng.

Chuyên gia nhận định, ông Tập và ông Lý không có tiếng nói chung

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 14/04, ông Lý Yến Minh (Li Yanming), nhà bình luận và chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc tại Hoa Kỳ, nói rằng ông Lý Khắc Cường và ông Tập Cận Bình đang lệch điệu. Điều này phản ánh sự phức tạp của tình hình hiện nay tại Trung Quốc và cuộc tranh đấu nội bộ của các lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ.

Ông Lý Yến Minh nói rằng gần đây, phía quân đội đã bày tỏ lòng trung thành với ông Tập Cận Bình. Việc chính quyền đưa quân đến Thượng Hải trước đó cho thấy ông Tập Cận Bình đang chống trả, sử dụng quân đội để kiểm soát tình hình, đồng thời thể hiện sức mạnh quân sự để răn đe kẻ thù chính trị. Điều này cho thấy cuộc tranh đấu cao cấp của ĐCSTQ có thể “khai hỏa” bất cứ lúc nào.

Ông Lý tin rằng sự bùng phát dịch COVID-19 ở Thượng Hải, vốn là trung tâm kinh tế và tài chính của Trung Quốc, trực tiếp gây nguy hiểm cho sự ổn định xã hội của Thượng Hải và sự ổn định tài chính của Trung Quốc. Nếu nhà cầm quyền ĐCSTQ tiếp tục thực hiện chính sách zero COVID linh hoạt thì khủng hoảng kinh tế sẽ tiếp tục gia tăng, sự bất bình của công chúng có thể khiến tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát, và các đối thủ chính trị của ông Tập sẽ thao túng và thậm chí gia tăng khủng hoảng kinh tế và xã hội để đạt được mục tiêu hạ bệ ông Tập Cận Bình.

Ông Hajime Takamine, một nhà phân tích chính trị Nhật Bản, cũng nói với The Epoch Times rằng ông Lý Khắc Cường có thể muốn làm một điều gì đó cụ thể ở vị trí thủ tướng, nhưng điều đó không thể đạt được dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình. Những hành động của ông ấy phản ánh sự bất mãn của ông đối với ông Tập và các chính sách hiện tại.

Chính sách zero COVID kéo nền kinh tế Trung Quốc đi xuống

Mặc dù đại đa số các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt và học cách sống chung với virus, nhưng tại Trung Quốc, một khi một ca bệnh mới xuất hiện, toàn bộ người dân trong khu vực đều bị buộc phải xét nghiệm và cách ly, đồng thời toàn bộ thành phố sẽ bị phong tỏa và lâm vào trạng thái bế tắc.

Nhiều dấu hiệu ngày càng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại rõ rệt khi tình trạng phong tỏa ở các thành phố và sự gia tăng số ca nhiễm đã hạn chế khả năng di chuyển và làm giảm nhu cầu hàng hóa.

Gần đây, Nomura Holdings Inc., công ty môi giới lớn nhất Nhật Bản, cho biết nguy cơ suy thoái kinh tế tại Trung Quốc trong quý II sẽ tăng lên nếu tình trạng phong tỏa bị kéo dài quá tháng Tư.

Các nhân viên làm việc trong một bệnh viện dã chiến dành cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Thượng Hải hôm 07/04/022.(Ảnh: CNS/AFP qua Getty Images)

Các nhà kinh tế của công ty Nomura ước tính rằng khoảng 373 triệu người tại 45 thành phố của Trung Quốc hiện đang bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần và sản lượng kinh tế của các thành phố bị phong tỏa này thường chiếm 40% tổng sản lượng của Trung Quốc.

Viễn cảnh kinh tế yếu kém và sự kiên quyết của ĐCSTQ đối với chính sách zero COVID đã đè nặng lên mọi thứ, từ sản xuất đến thương mại, lạm phát và giá cả lương thực, khiến một số nhà kinh tế hạ mức dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay xuống thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 5.5% của chính quyền.

Đợt phong tỏa ở Thượng Hải một lần nữa đặt ra câu hỏi về chính sách zero COVID của ĐCSTQ trong bối cảnh đại dịch đã khiến nhiều quốc gia và công ty lo ngại vì họ quá phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc.

Thượng Hải và các khu vực lân cận là một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất ở Trung Quốc và Cảng Thượng Hải là cảng chính chuyên chở 20% hàng hóa của Trung Quốc.

Việc đóng cửa Thượng Hải đã gây ra tắc nghẽn tại Cảng Thượng Hải, cảng lớn nhất thế giới. Các chủ hãng tàu đã hết sức cố gắng chuyển hướng tàu của họ đến các cảng khác của Trung Quốc để tránh tình trạng thiếu xe tải và đóng cửa kho hàng ở Thượng Hải.

Theo dữ liệu vận chuyển của Bloomberg, tính đến hôm 11/04, số lượng tàu container chờ đợi gần Thượng Hải đã tăng 15% so với một tháng trước đó.

Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng vai trò của Thượng Hải trong thương mại toàn cầu là độc nhất vô nhị và tình trạng phong tỏa đại dịch kéo dài có thể gây ra thảm họa nghiêm trọng cho phần còn lại của thế giới.

Ký giả Ellen Wan của Epoch Times đã đóng góp cho bài báo này.

Khánh Ngọc biên dịch

Related posts