Cuộc bầu cử của Pháp có thể làm thay đổi cán cân chính trị ở châu Âu, định hình lại quan hệ với Trung Quốc và Nga, đồng thời ảnh hưởng đến vị thế của Pháp trong các cuộc đàm phán thương mại của châu Âu và thế giới.
Pháp sẽ tổ chức một cuộc tranh cử tổng thống vào Chủ nhật (24/4), Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và ứng viên cựu hữu Marine Le Pen sẽ đối đầu một lần nữa. Một sự thay đổi quyền lực ở Pháp có thể làm thay đổi cán cân chính trị ở châu Âu, định hình lại quan hệ với Trung Quốc và Nga, đồng thời ảnh hưởng đến vị thế của Pháp trong các cuộc đàm phán thương mại của châu Âu và thế giới.
Vào ngày 20/4, ông Macron và bà Le Pen đã có cuộc tranh luận quan trọng nhất trên truyền hình trước cuộc bầu cử. Tờ Nikkei Asian Review cùng ngày đã đăng một bài báo cho rằng cuộc bầu cử này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả ông Tập Cận Bình và ông Putin.
Cả hai ứng cử viên đều mong muốn tăng cường sự hiện diện của Pháp ở châu Á và củng cố lập trường chống lại Trung Quốc, tờ Nikkei cho biết. Nhưng cách tiếp cận của họ khác nhau: ông Macron coi châu Âu nói chung là một kênh để cân nhắc và cân bằng sức mạnh của các cường quốc toàn cầu, trong khi bà Le Pen cho rằng Pháp nên duy trì quan hệ tốt với Nga để ngăn chặn sự hình thành liên minh Trung-Nga.
Mặc dù các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử vào ngày 24/4 cho thấy ông Macron sẽ đánh bại bà Le Pen một lần nữa, nhưng với cuộc chiến khốc liệt, không ai có thể phủ nhận khả năng bà Le Pen sẽ tiếp quản Điện Elysee. Tờ Nikkei cho biết, ông Macron đã đánh mất hình ảnh tân binh của mình trong cuộc bầu cử năm 2017.
Cả hai ứng cử viên đều tập trung chủ yếu vào các vấn đề trong nước và cuộc chiến ở Ukraina. Khi nói đến thương mại, họ có quan điểm rất khác nhau.
Bà Le Pen là một người phản đối mạnh mẽ quá trình toàn cầu hóa, điều mà bà ấy tin là có hại cho nước Pháp. Bà cũng cho biết mối quan hệ của Pháp với Trung Quốc là không cân bằng. Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei năm ngoái, bà cho biết thỏa thuận thương mại giữa Nhật Bản và EU là “khá cân bằng”, nhưng bà phản đối một thỏa thuận như vậy giữa EU và Trung Quốc và nói rằng bà không tin tưởng vào Sáng kiến ’Vành đai và Con đường’ của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông Macron là một người theo chủ nghĩa toàn cầu. Ông đã ủng hộ hiệp ước đầu tư giữa EU và Trung Quốc hiện đang bị đóng băng mặc dù bị tấn công từ cả cánh tả và cánh hữu ở trong nước.
Theo Nikkei, khi đề cập đến những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ ở Tân Cương, ông Antoine Bondaz, nhà phân tích tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, một tổ chức tư vấn của Pháp tập trung vào an ninh và quốc phòng quốc tế, cho biết, “Trong những năm gần đây, Pháp và châu Âu ngày càng tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
Ông nói thêm rằng, ngoài “sự thay đổi trong giọng điệu”, trong vài năm qua “châu Âu đã sẵn sàng thể hiện một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc”.
Về phần mình, bà Le Pen lên án “hành vi phục tùng” của các nhà lãnh đạo phương Tây đối với Bắc Kinh trong những năm gần đây. Bà nói trong một cuộc họp báo về các vấn đề đối ngoại vào ngày 13/4 rằng bà muốn thiết lập quan hệ có đi có lại với Trung Quốc.
Ông Macron dường như cũng đang chơi con bài Trung Quốc, vì gần đây ông đã thúc đẩy lập trường ngoại giao của Pháp đối với Trung Quốc.
Ông Bondaz nói: “Khi Tổng thống Pháp tổ chức cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đối với Litva đã được đề cập rõ ràng”.
Khi đề cập đến hoạt động của hải quân Pháp trong tháng 2 và tháng 10 năm 2021, ông nói, “Không nhiều nước cử tàu ngầm tấn công hạt nhân tới Biển Đông. Không có nhiều quốc gia cử tàu tình báo qua eo biển Đài Loan để thể hiện quyền tự do hàng hải”.
Sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2017, bà Le Pen đã từ bỏ luận điệu Brexit của mình. Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei vào tháng 5 năm 2021, bà nói, “Chúng ta phải thay đổi EU từ bên trong”. Đây là một sự thay đổi trong quan điểm của bà khi tìm cách rời khỏi EU.
Bà Le Pen cho biết nếu đắc cử, bà sẽ đề xuất Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Mối quan tâm của bà về ĐCSTQ cũng liên quan đến mối quan tâm của bà về Nga. Bà Le Pen cho rằng một liên minh Trung-Nga có thể được hình thành nếu Pháp không duy trì mối quan hệ đối thoại với Matxcơva.
Bà nói với Nikkei vào tháng 5/2021: “Mặc dù chúng ta có những khác biệt rất sâu sắc về Nga, nhưng chúng ta phải cố gắng ngăn chặn Nga rơi vào vòng tay của Bắc Kinh”.
Bà cho rằng nếu các nước châu Âu có thể nói chuyện với Nga thông qua các kênh ngoại giao, châu Âu sẽ giữ được Nga trong vòng tay của mình.
Ở cấp độ chiến lược, bà tuyên bố sẽ phát triển quan hệ đối tác quân sự ở châu Á, đề cập đến Nhật Bản và Hàn Quốc. Bà bày tỏ muốn tăng cường sự hiện diện quân sự của Pháp trên các vùng lãnh thổ Thái Bình Dương của nước này.
Ông Macron, cũng giống như bà Le Pen, không tin tưởng Bắc Kinh, nhưng muốn khai thác tiềm năng của châu Âu, nhấn mạnh sự cần thiết để châu Âu tự đứng vững và không trở thành chư hầu của Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Nhưng ông Bondaz nói rằng không ai tin rằng “châu Âu có thể tự dệt nên con đường riêng của mình giữa Mỹ và Trung Quốc ở cấp độ địa chính trị”.
“Không có con đường thứ ba cho châu Âu”, ông nói, “bởi vì EU chỉ là một tác nhân kinh tế; nó không phải là một tác nhân địa chính trị thực sự, ngay cả khi nó ngày càng như vậy”.
Mặt khác, lập trường của ông Macron về Bắc Kinh cho thấy mối quan hệ phức tạp giữa Pháp và Trung Quốc.
Vào tháng 2 năm 2021, ông Macron cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tổ chức tư vấn Hoa Kỳ “Hội đồng Đại Tây Dương” rằng Trung Quốc là “một đối tác, một đối thủ cạnh tranh và một kẻ thù có tính hệ thống”. Ông cố gắng duy trì lập trường cứng rắn về kinh tế và chính trị, nhưng muốn làm việc với Bắc Kinh về các vấn đề như biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6 năm 2021, ông Macron nói rằng G7 không phải là một câu lạc bộ đối địch với Bắc Kinh và G7 hy vọng sẽ hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, “Chúng tôi dự định hợp tác với Trung Quốc trong bất kỳ vấn đề quốc tế nào mà nước này sẵn sàng, bao gồm vấn đề khí hậu, bao gồm cả việc thực sự sẵn sàng tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế, chính sách phát triển, quản lý nợ của châu Phi, v.v.”
Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei vào tháng 5 năm 2021, bà Le Pen nói rằng nếu được bầu làm tổng thống, nước Pháp của cô sẽ tiếp tục đứng lên chống lại thái độ cứng rắn ngày càng tăng của ĐCSTQ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Bà cũng cho rằng cơ hội của Pháp là để chứng minh rằng Pháp có khả năng trở thành một nhân tố mang lại hòa bình cho khu vực.