Ukraine ‘đơn côi’ chiến đấu chống lại Nga: Mỹ và châu Âu phải chăng đã hết cách?

Xuân Trường – Đông Bắc

Phải chăng Mỹ và phương Tây chỉ coi Ukraine ở vị trí vai trò “ủy nhiệm” với mục đích kéo Nga vào “vũng lầy chiến tranh”? (Ảnh tổng hợp)

Chiến sự tại Ukraine đã bước sang ngày thứ 56 với diễn biến ngày càng phức tạp. Đã có nhiều lo ngại rằng Ukraine có thể nhanh chóng cạn kiệt vũ khí trong lúc Nga khởi động giai đoạn hai của chiến dịch ở Donbass. Song song với việc gia tăng các lệnh trừng phạt Nga có vẻ như đã “nhờn thuốc”, Mỹ và phương Tây ồ ạt viện trợ vũ khí nhưng vẫn lo ngại lằn ranh đỏ mà Nga đã vạch ra…

Có vẻ như Mỹ và Châu Âu đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan trong cuộc xung đột này. Phải nói rằng sự hỗ trợ quân sự của chính quyền Joe Biden dành cho Ukraine là lớn chưa từng thấy, ước tính lên tới hơn 3 tỷ USD viện trợ chỉ trong vòng 2 tháng qua. Nhưng điều này chưa hẳn là Mỹ đã coi Ukraine như là một đối tác thân cận. Phải chăng Mỹ và phương Tây chỉ coi Ukraine như là một quốc gia “ủy nhiệm”, với mục đích kéo Nga vào “vũng lầy chiến tranh”?

Số phận Mariupol đã ngã ngũ

Cho tới hôm nay (21/4), Mariupol vẫn là tâm điểm của cuộc chiến, mặc dù Nga đã khởi động chiến dịch giai đoạn 2 tại Donbass. Bộ Quốc phòng Nga đã hai lần ra tối hậu thư yêu cầu lực lượng phòng thủ Ukraine bên trong nhà máy thép Azovstal tại Mariupol hạ vũ khí đầu hàng, song đều bị bác bỏ. Hiện nhà máy này hoàn toàn bị cắt đứt với các nguồn cung bên ngoài.

Có quá nhiều lý do để khiến Mariupol trong thế giằng co của cả hai phía Nga và Ukraine. Mà một trong số đó không thể bỏ qua tầm quan trọng chiến lược của Mariupol, khi thành phố này còn là “cây cầu” kết nối với vùng Donbass giàu tài nguyên để ra thị trường thế giới thông qua cảng biển Azov.

Mariupol là một trong những bến cảng tự nhiên lớn nhất thế giới. Đối với Hạm đội Biển Đen của Nga, Biển Azov cung cấp một cơ sở căn cứ nối với bán đảo Crimes. An ninh của bán đảo Crimea sẽ không bao giờ được đảm bảo nếu không có Mariupol đặt dưới  quyền kiểm soát của phe ly khai thân Nga tại Donbass.

Nga tăng cường chiến dịch chiếm đóng thành phố chiến lược Mariupol thuộc vùng Donbass, miền Đông Ukraine, vào ngày 13/4/2022. (Ảnh Getty Images)

Đáng chú ý gần đây tỷ phú giàu nhất Ukraine là Rinat Akhmetov, người sở hữu nhà máy thép Azovstal đã nói với Reuters rằng, ông có ý định tái thiết  Mariupol. Tỷ phú Rinat Akhmetov được cho là một nhân vật gây tranh cãi với các mối quan hệ khá phức tạp. Ông được cho là giàu lên nhờ buôn bán than và thép.

Theo tờ Politico, năm 2021, Tổng thống Zelensky đã từng nghi ngờ tỷ phú Rinat Akhmetov đồng lõa trong một kế hoạch đảo chính được cho là do Nga hậu thuẫn nhằm lật đổ chính phủ của ông.

Ngược lại quá khứ vào năm 2014, khi những người biểu tình trong phong trào Maidan lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych, dẫn đến phong trào ly khai thân Nga nổ ra ở Donetsk và Luhansk, tỷ phú Akhmetov tránh chỉ trích trực tiếp Điện Kremlin, dù lực lượng ly khai đã kiểm soát một số tài sản của ông trong khu vực.

Tuy nhiên, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2 vừa qua, tỷ phú Akhmetov lại tuyên bố ủng hộ Tổng thống Zelensky, và nhấn mạnh không có bất kỳ mâu thuẫn cá nhân nào với ông.

Được biết, giới tinh hoa tại Ukraine luôn có mối quan hệ mật thiết với chính phủ Nga, và hầu như tất cả các nhà tài phiệt Ukraine đều có quan hệ kinh doanh làm ăn với giới tinh hoa ở Moscow. 

Liệu một tỷ phú như Rinat Akhmetov, và là chủ sở hữu nhà máy thép Azovstal – pháo đài trú ẩn cuối cùng của lực lượng Ukraine – lên tiếng xác nhận sẽ tái thiết  Mariupol, có phải là do ông đã biết được kết cục cuối cùng của thành phố này?

Liệu chính quyền Kiev, cùng Mỹ và phương Tây cũng đã biết việc Mariupol thất thủ chỉ là vấn đề thời gian, cũng như đã hoàn toàn bất lực trước việc giải cứu nhóm binh sĩ bị kẹt trong nhà máy Azovstal mà không thể chọc thủng vòng vây nghiêm ngặt của lực lượng Nga?

Chuyển lửa chú ý để che giấu thất bại tại Mariupol?

Giữa thời điểm nước sôi lửa bỏng, ngàn cân treo sợi tóc của lực lượng phòng thủ Ukraine tại Mariupol, Mỹ và đồng minh lại tiếp tục cam kết tăng cường “cô lập quốc tế” với Nga, và viện trợ thêm vũ khí cho Ukraine khi xung đột bước sang giai đoạn 2 tại Donbass.  

Ngày 20/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tweet:

“Chúng tôi sẽ thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt với Nga và tăng cường hỗ trợ tài chính, an ninh cho Ukraine”.

Cảm ơn tổng thống Mỹ triệu tập cuộc gọi quan trọng này.”

Thông báo mới được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến 90 phút giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo phương Tây. Đây được xem là động thái đáp trả sau khi Nga tuyên bố bắt đầu giai đoạn hai chiến dịch ở miền đông Ukraine.

Điều đó có nghĩa Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự thêm cho Ukraine trong vài ngày tới. Anh, Pháp, và Canada cũng tuyên bố sẽ gửi thêm nhiều khẩu pháo hỗ trợ Ukraine.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu việc Mỹ và đồng minh tiếp tục gia tăng các hoạt động viện trợ quân sự cho Ukraine – thay vì thúc giục hai bên ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt xung đột – phải chăng là chuyển hướng chú ý của dư luận quốc tế khỏi thất bại ở Mariupol?

Phải chăng nhà máy thép Azovstal – nơi các lực lượng Nga vẫn tiếp tục vây chặt – để buộc tiểu đoàn tân phát xít Azov cùng lính đánh thuê nước ngoài phải rời boongke lên mặt đất khi thực phẩm, nước uống, đạn dược cạn kiệt đã khiến ai đó lo ngại? Truyền thông Nga đưa tin rằng, có thể trong số các “chiến binh” đánh thuê có cả các cố vấn phương Tây (bao gồm cả người Mỹ và các nước NATO) đang bị kẹt dưới lòng nhà máy thép. 

Theo RT, Nga đã cảnh báo rằng, “lính đánh thuê nước ngoài không có tư cách binh sĩ theo Luật Nhân đạo Quốc tế. Họ đến Ukraine để kiếm tiền bằng cách giết người nên điều chờ đợi họ là trách nhiệm hình sự và án tù dài hạn”. 

Phải chăng NATO đang lo sợ bị lộ nếu trong trường hợp thật sự có các sĩ quan phương Tây bị lực lượng Nga bắt? Hoặc sau nhiều chiến dịch giải cứu không thành, chính quyền Kiev và các quốc gia phương Tây đã buộc phải chọn phương án “bỏ rơi” Mariupol, bằng cách buộc các lực lượng phòng thủ tại nhà máy Azovstal không được đầu hàng?  

Ukraine mong manh trước cuộc chiến tại Donbass

Những ngày tới có lẽ là thời điểm để quyết định “số phận” của cả hai phía trong cuộc chiến giành Donbass. Và kết quả Thắng-Bại sẽ xác định lợi thế và hướng đi trên bàn đàm phán của cả Nga lẫn Ukraine. 

Tuy nhiên tại mặt trận Donbass, các lực lượng Nga có lợi thế vượt trội về sức mạnh quân số và hỏa lực hơn nhiều so với Ukraine. Nga cũng giành được lợi thế về địa hình – phần lớn là không gian bằng phẳng, nơi có thể triển khai xe tăng và thiết giáp hạng nặng. 

Về mặt tiếp tế hậu cần so với giai đoạn 1 của chiến dịch, Nga cũng có lợi thế hơn về đường tiếp tế gần với lãnh thổ Nga, và khả năng ngăn chặn quân tiếp viện của các lực lượng Ukraine. 

Một số phương tiện chiến đấu của Nga đã bị quân đội Ukraine phá hủy hoặc thu giữ. (Ảnh: Facebook của Bộ Quốc phòng Ukraine/ Vision Times)

Đối mặt với những bất lợi trong trận chiến mới có phần khốc liệt này, Tổng thống Ukraine đã bày tỏ nỗi thất vọng với Mỹ và đồng minh vì không đáp ứng yêu cầu cung cấp những loại vũ khí hiện đại hơn, uy lực hơn, như tiêm kích hay xe tăng. Ông cho rằng những lời hứa của phương Tây là “rỗng tuếch” vì không nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Trả lời CNN, Tổng thống Zelensky nói: “Tôi không tin thế giới này. Chúng tôi không tin những lời nói. Sau sự leo thang của Nga, chúng tôi không tin các nước láng giềng của mình. Chúng tôi không tin tất cả những điều này.”

“Niềm tin duy nhất ở đó là niềm tin vào chính chúng ta, …. và niềm tin rằng các quốc gia sẽ hỗ trợ chúng ta không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động của họ. Thực sự, mọi người đều đang nói về điều này, nhưng quý vị có thể thấy, không phải ai cũng có gan”. 

Những tuyên bố của Tổng thống Zelensky đã gây ra sức ép đẩy Mỹ và đồng minh vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan mới, khi phải tìm cách xác định “lằn ranh đỏ” của Tổng thống Putin, và phương thức họ có thể tăng cường viện trợ khí tài hạng nặng cho Ukraine mà không châm ngòi đụng độ quân sự trực tiếp với Nga.

Nga đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao Mỹ để cảnh báo về “những hậu quả khó lường” nếu Washington và đồng minh tiếp tục gửi vũ khí hạng nặng cho chính quyền Kiev.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy Nga có thể nhắm mục tiêu không chỉ vào các vũ khí đã được chuyển tới Ukraine, mà còn cả các đoàn xe tiếp tế của NATO đến biên giới nước này.

Các thành viên của Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine kiểm tra vũ khí mới, bao gồm cả các hệ thống chống tăng NLAW và các súng phóng lựu chống tăng cầm tay khác, ở Kyiv, hôm 09/03/2022. (Ảnh Getty Images)

Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Không chỉ đối mặt với việc Nga đánh chặn hoặc phá hủy các lô hàng tiếp tế, mà ngay cả khi viện trợ vũ khí của phương Tây đang dồn dập đổ vào Ukraine, Mỹ cũng không rõ số khí tài này sẽ đi đâu về đâu và có được sử dụng trên chiến trường hay không? 

Mỹ bất lực nhìn vũ khí viện trợ “mất dấu” tại Ukraine

Theo CNN, Mỹ không có cách nào để theo dõi các lô vũ khí viện trợ cho Ukraine, và lo ngại số khí tài này sẽ rơi vào tay các nhóm vũ trang khác. Với hàng tỷ đô la vũ khí và thiết bị đổ vào Ukraine, chính quyền Biden đã tính đến nguy cơ “một số vũ khí trong số đó có thể rơi vào tay các quân đội và dân quân khác mà Mỹ không có ý định trang bị” .

Một quan chức Mỹ nói:” Chúng tôi nắm được tình hình chính xác trong thời gian ngắn, nhưng khi chúng được chuyển vào vùng “sương mù” chiến tranh thì gần như không còn thông tin gì. Nó giống như một cái hố đen”. 

Bất chấp người dân Mỹ đang phải vật lộn với lạm phát cao kỷ lục, chính quyền Joe Biden vẫn tiếp tục đổ tiền vào “lỗ đen” này, dù biết “rủi ro nhưng vẫn chấp nhận”.

Một quan chức quốc phòng Mỹ thừa nhận: “Tôi không thể cho bạn biết chúng (vũ khí) đang ở đâu ở Ukraine và liệu người Ukraine có đang sử dụng chúng vào thời điểm này hay không”. “Họ không cho chúng tôi biết số đạn họ bắn ra và vào lúc nào. Chúng tôi có thể không bao giờ biết chính xác họ đã sử dụng chúng ở mức độ nào”. 

Các lô vũ khí Mỹ đã chuyển cho Ukrainr bao gồm tên lửa chống tăng Javelin. Ảnh: Lục quân Mỹ

Không những vậy, các quan chức Mỹ và NATO thừa nhận đã phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn tin do Ukraine cung cấp. Họ cho biết chính quyền Kiev chỉ cung cấp những thông tin để giúp nhận được thêm nhiều viện trợ hơn và nhận được sự hỗ trợ ngoại giao nhiều hơn.

Một nguồn tin tình báo Mỹ cho biết: “Trong xung đột, mọi thứ họ (Ukraine) nói và làm công khai đều được thiết kế để giành lợi thế. Mọi thông cáo, mọi cuộc phỏng vấn, mọi lần xuất hiện của Tổng thống Volodymyr Zelensky đều là chiến dịch thông tin”. 

Suốt nhiều tháng qua, các quan chức Mỹ và phương Tây đã đưa ra hàng loạt thông tin chi tiết về tình trạng của quân đội Nga tại Ukraine như thương vong, sức chiến đấu, vũ khí, đạn dược… Nhưng khi đề cập đến lực lượng chiến đấu Ukraine, các quan chức này thừa nhận phương Tây và Mỹ đều có một số lỗ hổng thông tin, rằng, “thương vong của Ukraine rất khó ước tính, bởi không có ai ở thực địa”. 

Điều này đã xác nhận một thực tế: Các nguồn tin mà truyền thông dòng chính phương Tây tuyên truyền về cuộc chiến dựa vào nguồn cung cấp từ phía Ukraine liệu có hoàn toàn chính xác?

Thêm nữa, ngoài việc Tổng thống Biden dự kiến công bố một gói viện trợ quân sự mới có quy mô tương đương gói 800 triệu USD cho Ukraine trong vài ngày tới, thì châu Âu cũng đang ráo riết xem xét đề xuất áp đặt gói trừng phạt thứ 6 đối với một số thực thể của Nga.

Có vẻ như châu Âu càng tăng thêm nhiều vòng trừng phạt, và Mỹ càng tăng viện trợ vũ khí cho Ukraine, càng cho thấy các đòn trừng phạt trước đó chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Phải chăng phải Mỹ và châu Âu đang “bất lực” trước Nga?

Nga “nhờn” đòn?

Ngày 18/4, Tổng thống Putin đã nói một cách thách thức rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã tỏ ra “không hiệu quả” trong việc “thỏa mãn” các mục tiêu mà họ đề ra. 

Theo cách nói của Putin, “Họ (Mỹ và EU) kỳ vọng những lệnh trừng phạt này sẽ nhanh chóng tạo ra tác động tàn phá đối với nền kinh tế và tài chính của Nga, gây hoảng loạn trên thị trường, dẫn đến sự sụp đổ trong hệ thống ngân hàng và tạo ra sự thiếu hụt lớn hàng hóa trong các cửa hàng”.

“Tuy nhiên, chúng ta có thể nói một cách tự tin rằng chính sách này đã thất bại ở Nga. Chiến lược giải phóng một cơn bão kinh tế đã không hiệu quả. Hơn nữa, các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng đến chính những người khởi xướng chúng. Tôi đang đề cập đến lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và triển vọng kinh tế ngày càng xấu đi của Mỹ và các nước châu Âu, cũng như mức sống của người dân châu Âu giảm sút và tiền tiết kiệm của họ bị mất giá”.  (Theo en.kremlin)

Tất cả các điều trên cho thấy, Nga đã có kế hoạch chuẩn bị để đối phó với các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của phương Tây, và hiện đang chống đỡ hiệu quả. Sự phục hồi của đồng rúp là đáng kinh ngạc. Vào cuối tháng 3, Tổng thống Biden từng tuyên bố rằng, ông sẽ biến đồng rúp thành “đống đổ nát”. Nhưng chưa đầy 1 tháng sau, điều hoàn toàn ngược lại đã xảy ra. 

Ngay sau khi bị trừng phạt, đồng rúp của Nga đã giảm xuống mức thấp kỷ lục: 139 rúp “ăn” 1 đô la vào ngày 7/3, và mọi thứ có vẻ khá nghiêm trọng. Nhưng kể từ đó,  đồng rúp đã tăng ngoạn mục, với 83 ruble/USD vào giữa tháng Tư, gần bằng thời điểm trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine ở mức khoảng 76 ruble/USD.

Trớ trêu thay, giờ đây đồng rúp lại là đồng tiền hoạt động hiệu quả nhất trong tháng 3! 

Theo Business-standard, đồng rúp đã bù đắp được hầu hết các khoản lỗ và trở thành đồng tiền hoạt động hiệu quả nhất trên toàn cầu, và tăng tới 60% so với đô la Mỹ từ mức thấp nhất vào ngày 7/3.

Trong bài phát biểu, ông Putin cũng lưu ý rằng giá tiêu dùng đã “tăng đáng kể ở Nga trong 6 tuần qua, lên 9,4%” và người dân Nga đã “cảm thấy tác động đến thu nhập gia đình của họ”.  Putin đã công bố một quyết định “điều chỉnh tất cả các phúc lợi xã hội, lương hưu và tiền lương trong khu vực công, phù hợp với lạm phát”. Nga có thể chi trả được vì trong quý đầu tiên của năm nay, quốc gia này “đang chứng kiến ​​mức thặng dư ngân sách kỷ lục”. 

Sau 5 vòng trừng phạt của châu Âu, và chịu áp lực lớn chưa từng thấy, Nga không những vượt qua được mà còn đạt mức thặng dư ngân sách là bao nhiêu? 

Theo Bloomberg, bất chấp những khó khăn mà người tiêu dùng Nga phải đối mặt và sự ngăn chặn tài chính từ nhiều quốc gia, Nga vẫn kiếm được gần 321 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng trong năm nay, tăng hơn 1/3 so với năm 2021. Trong khi ấy Mỹ và châu Âu như thế nào?

Mỹ và phương Tây liêu xiêu trước đòn trừng phạt của chính mình

Trong khi đó, Mỹ đang phải trải qua những ngày ảm đạm với lạm phát chạm mức cao nhất trong vòng 40 năm qua:  8,54% và sẽ càng trở nên tồi tệ hơn nếu xung đột ở Ukraine tiếp tục kéo dài. Tệ hơn nữa, kịch bản này có thể làm đảo lộn kế hoạch Năng lượng Xanh theo phái cánh tả của chính quyền Joe Biden. (theo Theguardian).

Ở bờ bên kia, châu Âu cũng bắt đầu ngấm đòn trừng phạt của chính mình, cũng như đòn trả đũa của Nga. Giá tiêu dùng châu Âu đã tăng cao chưa từng thấy. 

Theo Cơ quan thống kê Eurostat, lạm phát giá tiêu dùng tháng 2 ở châu Âu đã tăng 5,9% so với 0,9% cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng kỷ lục: Giá cả tăng mạnh nhất ở Lithuania (14%), Estonia (11,6%) và Cộng hòa Czech (10%). Tỷ lệ tăng thấp nhất ở Malta và Pháp (4,2%), Bồ Đào Nha, Phần Lan và Thụy Điển (4,4%).

Theo dữ liệu của Eurostat, lạm phát chỉ giảm ở 2 quốc gia thành viên EU, trong khi tăng đột biến ở 25 nước, phản ánh rõ nét ở các nước “đầu tàu” tại châu Âu như:

  1. Đối với Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, lạm phát dự kiến ​​sẽ chạm tăng gấp đôi. Theo Financial Times, lạm phát ở Đức lên mức cao nhất hơn 40 năm, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là do giá dầu thô và khí đốt tăng khoảng 39,5% trong vòng một năm. Nếu nguồn cung khí đốt Nga gián đoạn, lạm phát của Đức gần như chắc chắn sẽ lập đỉnh mới. 
  2. Tại Anh, lạm phát đã tăng cao nhất trong vòng 30 năm qua, đạt mức 6,2% vào tháng 2, do chi phí thực phẩm, nhiên liệu và năng lượng tăng cao theo sau ảnh hưởng từ xung đột ở Ukraine. (cnbc). Thực tế, Anh là quốc gia áp dụng lệnh trừng phạt Nga chỉ ngay sau Mỹ, và đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất. Người dân Anh đang phải chi trả hóa đơn năng lượng tăng hơn 50%. 
  3. Pháp cũng không ngoại lệ. Tính đến cuối tháng 3, chỉ số lạm phát đã tăng 4,5% và đây là con số nằm ngoài sự tiên liệu của nước này. Không chỉ năng lượng, lương thực, thực phẩm tăng, mà thậm chí các mặt hàng tiêu dùng khác của Pháp còn tăng cao hơn nhiều do bị chi phối bởi giá vận tải. (insee.fr)

Điều ngạc nhiên là trong bối cảnh bị châu Âu trừng phạt, Nga lại có “thặng dư thương mại lớn” trong quý đầu tiên của năm, vượt 58 tỷ USD, lập mức cao lịch sử. 

Có vẻ như EU đang cay đắng nhận ra rằng, Nga đã gắn kết những mảnh ghép nội lực lại với nhau một cách đáng kinh ngạc trong môi trường bị phương Tây cô lập chưa từng có. Giám đốc Chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell đã công khai thừa nhận rằng, châu Âu hiện đã sử dụng tất cả mọi biện pháp để trừng phạt Nga.

Thật vậy, đã có sự chuyển hướng từ các biện pháp trừng phạt ở cả Brussels và Washington. Trong khi Brussels hiện đang tập trung nhiều hơn vào các khía cạnh nhân đạo của cuộc khủng hoảng Ukraine (dựa vào nguồn tin cung cấp của Ukraine cùng truyền thông dòng chính) để làm hoen ố hình ảnh của Nga, thì Washington đang tập trung vào việc viện trợ khí tài nhằm đánh bại Nga về mặt quân sự, hoặc ít nhất là kéo dài xung đột càng lâu càng tốt để Nga sa lầy. 

Theo tờ DW, trước Hạ viện Đức hồi đầu tháng 4, Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng phát biểu rằng: “Mục tiêu của chúng ta là Nga không được thắng trong cuộc chiến này”.  

Phát biểu trước Hạ viện Đức hồi đầu tháng 4, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: “Mục tiêu của chúng ta là Nga không được thắng trong cuộc chiến này”. (Ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên nói khác với làm, cả Mỹ và NATO đều tránh đối đầu quân sự với Nga, mà chủ yếu dựa vào các biện pháp trừng phạt kinh tế bằng cách cắt đứt nguồn dầu và khí đốt của Nga tới châu Âu. Nhưng chiến thuật này cũng không khởi tác dụng răn đe Nga, bởi chỉ mang tính ngắn hạn vì châu Âu quá phụ thuộc vào khí đốt của Nga, cũng như Nga còn có nhiều thị trường tiềm năng khác bên ngoài châu Âu như Trung Quốc và Ấn Độ. 

Ngược lại, bằng cách hạn chế các nguồn năng lượng giá rẻ của Nga, các chính phủ  châu Âu lại đang đẩy chi phí sinh hoạt của chính người dân nước mình lên cao, trong khi không làm được gì nhiều để cắt đứt nền kinh tế Nga khỏi thị trường toàn cầu.

Hiện Nghị viện châu Âu  đã bắt đầu soạn thảo kế hoạch  cấm vận hoàn toàn dầu khí của Nga. Nhưng ngay cả khi liên minh châu Âu làm nhiều hơn nữa để cản trở Nga, thì nước Đức – đầu tàu của EU – lại vẫn muốn cắt nguồn cung khí đốt của Nga một cách từ từ. Rõ ràng là EU đã không có sự đồng thuận để áp đặt lệnh cấm vận khí đốt của Nga, với việc Hungary đã công khai cảnh báo rằng họ sẽ phản đối bất kỳ lệnh trừng phạt nào của EU đối với dầu và khí đốt của Nga. 

Thậm chí, Hungary và Armenia  còn tuyên bố có kế hoạch  thanh toán bằng đồng rúp để mua khí đốt của Nga. 

Hệ lụy cho toàn thế giới

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ và các nước phương Tây áp đặt là cực kỳ linh hoạt. Đầu tiên, Nga đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT. Sau đó, các nước EU tuyên bố cấm nhập khẩu than từ Nga. Tiếp đến, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga. 

Mặc dù lệnh cấm nhập khẩu than của Nga đã có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga, nhưng cũng gây ra tác động tới toàn thế giới. Ngay sau khi EU công bố lệnh cấm nhập khẩu than của Nga, giá than ở châu Âu đã tăng lên gấp đôi, trong khi giá than tại Mỹ đã tăng trên 100 USD/tấn – mức cao nhất trong hơn một thập kỷ. (Bloomberg)

Nói một cách đơn giản, phương Tây đang cạn kiệt các lựa chọn để trừng phạt Nga. Trong khi ấy, các biện pháp trừng phạt và cấm vận mà Mỹ và phương Tây đang theo đuổi có thể khiến chính quyền của Putin phải nhức nhối, nhưng ngược lại cũng gây “đau đớn” không ít cho người dân châu Âu và Mỹ khi chi phí sinh hoạt đang gia tăng chóng mặt. 

Tệ hơn nữa, những tác động trực tiếp và gián tiếp của các biện pháp trừng phạt Nga  thậm chí đang khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Sự tăng giá của các mặt hàng lương thực ảnh hưởng nhiều nhất, nghiêm trọng nhất đến các quốc gia đang phát triển cần ngũ cốc, dầu khí, và phân bón của Nga. Lạm phát và giá cả gia tăng đã ảnh hưởng nặng nề đến tầng lớp người nghèo và trung lưu trên toàn thế giới, mà hậu quả rõ rệt có thể thấy ở Sri Lanka, Pakistan, một số vùng của Ấn Độ và châu Phi… 

Trong khi ấy, có một quốc gia đang hưởng lợi mọi thứ từ cuộc xung đột này: Đó chính là Trung Quốc.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Ntdvn.net

Xuân Trường – Đông Bắc

Tham khảo:

1.https://www.reuters.com/world/europe/ukraines-richest-man-vows-rebuild-besieged-mariupol-2022-04-16/
2.https://www.politico.eu/article/ukraine-zelenskiy-coup-akhmetov-russia/
3.https://www.rt.com/russia/554029-foreign-mercenaries-ukraine-mariupol/
4.https://edition.cnn.com/2022/04/17/politics/zelensky-russia-war-tapper-interview-cnntv/index.html
5.https://www.business-standard.com/article/international/ruble-becomes-best-performing-currency-in-march-soars-to-83-to-the-dollar-122032901631_1.html#:~:text=The%20ruble%20has%20recouped%20most,of%20139%20on%20March%207
6.https://english.almayadeen.net/news/economics/eu-reached-limit-of-capabilities-to-impose-sanctions-on-russ
7.https://www.dw.com/en/russia-must-not-win-the-war-german-chancellor-olaf-scholz-tells-bundestag/a-61375818
8.https://www.investmentmonitor.ai/special-focus/ukraine-crisis/do-sanctions-work-russia-ukraine
9.https://ec.europa.eu/eurostat/documents/2995521/14358239/2-17032022-AP-EN.pdf/7bd82074-c752-a9bf-dfce-8e9b4eaf666e
10.https://www.euronews.com/my-europe/2022/04/06/watch-live-hungary-s-viktor-orban-speaks-to-the-press-after-election-victory
11.https://www.ft.com/content/2f2fb7cc-3039-416b-ad22-f42315d0b1d0
12.https://www.cnbc.com/2022/03/23/uk-inflation-hits-fresh-multi-decade-high-of-6point2percent-on-surging-energy-prices.html
13.https://www.insee.fr/en/statistiques/6325577
14.https://www.bloomberg.com/news/articles/2022-04-05/european-coal-jumps-as-eu-eyes-sanctions-on-russian-coal

Related posts