Cuộc chiến giữa Nga và Ukraina đang châm ngòi cho cuộc chiến tranh ngoài không gian của con người.
Chiến tranh Nga-Ukraina đã diễn ra được gần hai tháng và vẫn chưa biết khi nào cuộc chiến mới kết thúc. Nhưng điều mà người ta có thể thấy là sự nỗ lực của nhiều lực lượng, thay vì thúc đẩy một giải pháp thương lượng cho cuộc chiến, lại tiếp tục gia tăng cường độ của cuộc chiến, do đó, kết thúc hoàn toàn của cuộc chiến vẫn còn rất xa. Trong mọi trường hợp, một trong những tác động trực tiếp của cuộc chiến Nga-Ukraina là nó đã mở ra kỷ nguyên không gian giữa các cường quốc.
Chính phủ Hoa Kỳ hiện đã thông báo rằng họ sẽ không tiến hành các cuộc thử nghiệm ‘vũ khí chống vệ tinh bay thẳng’ (direct ascent anti-satellite), để tránh tạo ra một lượng lớn các mảnh vỡ không gian. Mặc dù, quyết định này dường như ngăn cản các nước thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh bay thẳng mới, nhưng thực chất nó đang thúc đẩy tiến độ của một cuộc thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh khác, điều này sẽ làm tăng khả năng xảy ra chiến tranh không gian trong trường hợp xảy ra xung đột giữa các cường quốc.
Phó tổng thống Mỹ, Kamala Harris mới đây đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ không tiến hành thử nghiệm ‘vũ khí chống vệ tinh bay thẳng’, để không gây ra một lượng lớn mảnh vỡ vũ trụ. Chính phủ Mỹ tin rằng việc cấm các vụ thử tên lửa chống vệ tinh “liều lĩnh và vô trách nhiệm” nên trở thành một ‘chuẩn mực quốc tế mới’. Thế giới cho rằng, động thái này được cho là nhằm gây sức ép lên các đối thủ như Trung Quốc và Nga. Và chỉ một năm trước đó, vào ngày 16/11/2020, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John Finn (DDG 113) cũng đã phóng tên lửa Standard Missile 3 (SM-3) Block IIA như một phần của cuộc thử nghiệm phát triển vũ khí chống vệ tinh.
Bà Harris, chủ tịch Hội đồng Không gian Quốc gia, đã tuyên bố trong chuyến thăm đến Căn cứ Không quân Vandenberg ở California rằng Hoa Kỳ sẽ từ bỏ việc thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh bay thẳng vì lệnh cấm sẽ ngăn các mảnh vỡ thử nghiệm làm hỏng các vệ tinh khác và giảm nguy cơ xung đột giữa các quốc gia trong không gian.
Bà Harris nhắc mọi người rằng tháng 11 năm ngoái, Matxcơva đã cho nổ một vệ tinh do thám thời Liên Xô bị bỏ rơi trong một vụ thử tên lửa chống vệ tinh. Theo Cơ sở dữ liệu vật thể quỹ đạo của Không quân Mỹ, tên lửa chống vệ tinh của Nga đã gây ra ít nhất 1.632 mảnh vỡ trong không gian. Cuộc thử nghiệm năm 2007 của ĐCSTQ đã tạo ra cụm mảnh vỡ lớn nhất cho đến nay, với hơn 2.800 mảnh vỡ vẫn nằm rải rác trong không gian ngày nay. Mối nguy hiểm của các mảnh vỡ không gian là điều hiển nhiên, bao gồm gây nguy hiểm cho nhân viên của Trạm vũ trụ quốc tế, phá hủy các thiết bị vệ tinh quan trọng của các quốc gia khác nhau và đe dọa đến an ninh, lợi ích kinh tế và khoa học của tất cả các quốc gia.
Một bài bình luận của Reuters cho rằng việc công bố lệnh cấm này có thể liên quan đến cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraina. Các chuyên gia lo ngại rằng các vệ tinh tình báo không gian của Mỹ có thể bị Nga nhắm tới trong cuộc xung đột khi Mỹ tăng cường hợp tác tình báo với Ukraina. Thực sự là như vậy. Lý do tại sao cuộc chiến Nga-Ukraina có thể tiếp tục cho đến ngày nay là do quân đội Mỹ đã có những đóng góp to lớn trong việc cung cấp và chia sẻ thông tin tình báo giúp quân đội Ukraina nắm bắt được các hoạt động, cũng như các nguồn cung cấp hậu cần của quân đội Nga. Ngay cả hệ thống vệ tinh Starlink của ông Elon Musk, một mạng lưới cải thiện dịch vụ Internet và nhắn tin tức thời, đã cung cấp cho Ukraina các dịch vụ liên lạc kịp thời và duy trì liên lạc với thế giới bên ngoài khi mạng lưới liên lạc ban đầu của họ bị quân đội Nga phá hủy. Có tin đồn rằng việc soái hạm Nga bị tên lửa Ukraina phá hủy và đánh chìm cũng liên quan đến các thông điệp do Starlink cung cấp. Bản thân ông Elon Musk cũng từng bày tỏ lo ngại rằng vì có sự tham gia của Starlink, các vệ tinh này trên lãnh thổ Ukraina có thể bị quân đội Nga tấn công.
Các tin tức lan truyền trên Internet, chẳng hạn như quân đội Nga đã quyết định “tịch thu” các vệ tinh của Starlink, mặc dù không có xác nhận từ quân đội Nga, nhưng nó chỉ ra những gì quân đội Mỹ, Starlink và quân đội Nga đang lo lắng: Đó là, quân đội Nga sẽ tấn công Starlink? Mỹ sẽ đáp trả như thế nào nếu Nga tấn công? Tấn công hệ thống vệ tinh dân sự của Starlink, khi chúng được phân bổ trên lãnh thổ Ukraina, liệu đó có phải là một cuộc tấn công vào Hoa Kỳ? Nếu tính là tấn công Hoa Kỳ, thì Hoa Kỳ và NATO có phải tham chiến, từ đó có thể gây ra một cuộc chiến tranh thế giới thực sự hay không? Loạt vấn đề này, ngoài phạm vi quân sự, còn liên quan đến các vấn đề luật pháp quốc tế, quyền không gian, trưng thu tài sản tư nhân trong thời chiến, v.v.
Liệu lệnh cấm này, lệnh cấm đầu tiên trên thế giới, có thể thúc đẩy việc sử dụng không gian có trách nhiệm hơn và duy trì an ninh không gian hay không? Liệu bà Harris có thúc giục các quốc gia khác làm theo? Theo tôi, không gian sẽ thực sự trở nên nguy hiểm hơn; hai quốc gia khác được nhắc đến trong lệnh cấm của Hoa Kỳ là Nga và Trung Quốc, sẽ không làm chậm quá trình thử nghiệm và vận hành vũ khí không gian của họ, ngược lại, họ sẽ thấy được những khuyết điểm của chính mình, và thấy được khoảng cách giữa Trung Quốc với Nga và Mỹ, và sẽ có nhiều khả năng bắt kịp.
Sau khi Hoa Kỳ ban hành lệnh cấm, nhiều người chỉ nhìn thấy những tiêu đề đơn giản hóa trên các phương tiện truyền thông, chẳng hạn như “Hoa Kỳ ngừng thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh, thúc đẩy các tiêu chuẩn mới trong không gian quốc tế”, v.v. mà không chú ý đến những phần quan trọng nhất của nó. Phần quan trọng nhất trong lệnh cấm của Mỹ là Mỹ sẽ cấm thử nghiệm “vũ khí chống vệ tinh bay thẳng”. Còn vũ khí chống vệ tinh “không bay thẳng” thì sao? Mỹ đã không cấm chúng. Ngoài ra, quân đội Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng tốc các loại vũ khí chống vệ tinh “không bay thẳng”, bởi vì những vũ khí này sẽ không phóng từ mặt đất như các loại vũ khí chống vệ tinh thô sơ của Trung Quốc và Nga, tấn công các vệ tinh của Hoa Kỳ và tạo ra một lượng lớn số lượng mảnh vỡ rải khắp quỹ đạo Trái đất.
Vũ khí chống vệ tinh “không bay thẳng” của Mỹ sẽ như thế nào? Mỹ có khả năng như vậy không? Tất nhiên là có, nhưng dường như Trung Quốc và Nga vẫn chưa có, và vẫn đang cố gắng bắt kịp.
X-37 của Boeing là tàu vũ trụ có khả năng này. Nó hiện được biết đến với tên gọi là Phương tiện thử nghiệm quỹ đạo (OTV), một tàu vũ trụ không người lái có thể đi vào không gian và quay trở lại đất liền để tái sử dụng. Đơn vị vận hành X-37 là Lực lượng Không gian Hoa Kỳ. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của X-37 là vào năm 2006; lần đầu tiên nó đi vào không gian quỹ đạo là vào tháng 4 năm 2010, sử dụng tên lửa Hercules V và quay trở lại trái đất sáu tháng sau đó. Chuyến bay thứ năm của X-37, kỷ lục 780 ngày trong không gian. Chuyến bay thứ sáu là vào tháng 5 năm 2020, và nó vẫn đang bay trong không gian ngày nay.
Mặc dù, quân đội Mỹ chưa bao giờ nói rõ mục đích thực sự của X-37, nhưng mọi người ở mọi tầng lớp cũng đang suy đoán về vai trò thực sự của nó, từ mục đích gián điệp cho đến vũ khí quỹ đạo không gian. Nhưng điều không thể chối cãi là X-37 có không gian chứa hàng khổng lồ và một cánh tay robot có thể có khả năng chống vệ tinh rất mạnh. Thời gian dài trên quỹ đạo và khả năng tái chế và tái sử dụng mang lại cho nó khả năng vô song để bắt, lấy, phá hủy và điều khiển các vệ tinh quân sự của đối phương. Quan trọng hơn, nó không “bay thẳng” phá hủy vệ tinh từ mặt đất, cũng không tạo ra bất kỳ mảnh vỡ va chạm nào, nhưng có thể loại bỏ sạch sẽ và âm thầm mối đe dọa không gian của kẻ thù. Máy bay không gian vũ trụ có cánh có thể tái sử dụng của ĐCSTQ được phóng vào ngày 6/9/2020 được Trung Quốc mô phỏng theo phiên bản của chiếc X-37 của Hoa Kỳ.
Cuộc chiến Nga-Ukraina cho đến nay liên quan đến việc sử dụng nhiều công nghệ vũ trụ, và chiến tranh vũ trụ đã bắt đầu hình thành. Cuộc chiến không gian vẫn chưa chính thức bắt đầu vì Ukraina không có khả năng làm như vậy, còn Mỹ và Nga thì không thể vội vàng ra tay vì sợ cả hai bên đều thua. Cũng giống như các đường ống dẫn dầu và đường ống dẫn khí đốt của Nga vận chuyển khí đốt tự nhiên đến châu Âu thông qua Ukraina, Ukraina nhận được 2 tỷ USD “phí cầu đường” từ Nga mỗi năm. Nhưng đã hai tháng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, cả lực lượng chiếm đóng của Nga và chính phủ Ukraina đều không quan tâm đến đường ống dẫn khí đốt và thậm chí không nghĩ đến nó. Tại sao? Vì sẽ xảy ra một tình huống được-mất. Trên thực tế, cuộc chiến Nga-Ukraina chẳng phải là được-mất hay sao? Hai quốc gia, cùng nguồn gốc, giống nhau về ngôn ngữ và văn hóa, người nước ngoài hầu như không thể phân biệt được, đang chiến đấu trong một cuộc chiến do các thế lực bên ngoài thúc đẩy, hỗ trợ và nắm giữ, và do thế lực bên ngoài phân định thắng bại, thật khổ không thể tả.
Mọi người nói rằng chiến tranh thế giới tiếp theo, nếu nó xảy ra, chắc chắn sẽ là một cuộc chiến tranh hạt nhân. Điều này là rất có thể, mặc dù rất không tưởng. Nhưng trước khi một cuộc chiến tranh hạt nhân xảy ra, cần phải có một cuộc chiến trong không gian. Chiến tranh không gian và chiến tranh hạt nhân cũng có thể xảy ra đồng thời: chiến tranh không gian có thể phá hủy vũ khí hạt nhân, và vũ khí hạt nhân có thể xâm nhập vào không gian. Nếu Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Châu Âu, và thậm chí cả Ấn Độ và Israel, những quốc gia có khả năng vũ trụ này, tham gia vào cuộc chiến tiếp theo, chắc chắn rằng cuộc đối đầu giữa các cường quốc này phải bắt đầu bằng vệ tinh và có thể leo thang thành một trận chiến trong không gian. Trong trận chiến Nga-Ukraina, trinh sát vệ tinh, liên lạc vệ tinh, định vị vệ tinh và dẫn đường vệ tinh là chìa khóa quyết định kết quả, đồng thời là vũ khí chính xác hóa giải sức mạnh của thiết giáp.
Chiến tranh Nga-Ukraina đã mở ra kỷ nguyên chiến tranh ngoài không gian của con người. Các cuộc chiến trước Chiến tranh Nga-Ukraina đều bắt đầu bằng việc giành “quyền thống trị trên không”; các cuộc chiến sau Chiến tranh Nga-Ukraina có thể bắt đầu bằng việc giành “quyền thống trị không gian”. Hoa Kỳ ngừng thử nghiệm ‘vũ khí chống vệ tinh bay thẳng’, nhưng không ngừng nghiên cứu và phát triển vũ khí chống vệ tinh. Tuy ngừng phát triển vũ khí chống vệ tinh bay thẳng, nhưng các dạng hệ thống chống vệ tinh tiên tiến hơn, chẳng hạn như X-37 và các hệ thống tương tự của Trung Quốc và Nga, sẽ được phát triển và khai triển với tốc độ nhanh hơn. Các cuộc chiến của con người đã chuyển từ hai chiều sang ba chiều, từ cuộc đối đầu giữa lục quân và hải quân đến máy bay tham chiến. Trong không gian ba chiều và không gian cao hơn, các phương tiện sát thương giữa các quốc gia, dân tộc và loài người trên trái đất đã được nâng cấp hơn nữa.
Theo The Epoch Times