Tin thế giới tối thứ Ba: Chiến lược ZERO COVID: Bắc Kinh sẽ xét nghiệm hơn 20 triệu cư dân

Chiến lược ZERO COVID: Bắc Kinh sẽ xét nghiệm hơn 20 triệu cư dân

Ba phần tư trong số 22 triệu người dân Bắc Kinh đã bắt đầu xếp hàng để xét nghiệm COVID-19 vào thứ Ba (26/4) khi các nhà chức trách ở thủ đô Trung Quốc chạy đua để dập dịch và cố gắng ngăn chặn việc phải phong thành như Thượng Hải.

Rút kinh nghiệm từ Thượng Hải, người dân Bắc Kinh bắt đầu đổ xô đi tích trữ lương thực và các nhu yếu phẩm khác vì lo ngại sẽ diễn ra việc phong tỏa đột ngột tại địa phương.

Cố gắng tránh số phận tương tự bằng cách hành động sớm, Bắc Kinh đã bắt đầu các cuộc xét nghiệm hàng loạt đối với 3,5 triệu người ở quận đông dân nhất Triều Dương vào hôm thứ Hai. Vào cuối ngày, chính quyền đã liệt kê 10 quận khác và một khu kinh tế để xét nghiệm bắt buộc trong tuần này, nâng tổng số ca xét nghiệm lên 20 triệu người.

Bắc Kinh đã ghi nhận 33 trường hợp nhiễm COVID mới trong ngày 25/4, tăng so với 19 ca vào ngày trước đó và không có trường hợp tử vong nào được báo cáo cho đến nay trong đợt bùng phát hiện tại.

Quyết định xét nghiệm 20 triệu cư dân của Bắc Kinh được đưa ra chỉ vài ngày sau khi hàng chục ca nhiễm mới được phát hiện. Ngược lại, Thượng Hải đã đợi khoảng một tháng và số ca nhiễm bệnh lên tới hơn 1.000 thì mới bắt đầu xét nghiệm hàng loạt trên toàn thành phố vào đầu tháng Tư.

Ở thủ đô, các trường học, cửa hàng và văn phòng vẫn mở cửa, nhưng một số địa điểm thăm quan sẽ ngừng đón khách.

Các quan chức đã kêu gọi người dân hạn chế rời thủ đô và tránh tụ tập trong kỳ nghỉ Lễ Lao động từ ngày 30/4 đến ngày 4/5 sắp tới.

Tại Thượng Hải, việc thực thi nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống COVID vẫn tiếp tục, nhưng kế hoạch cho một vòng xét nghiệm PCR trên toàn thành phố đã bị trì hoãn do dự báo thời tiết ​​sẽ có mưa đá.

Trong khi các nhà chức trách cho biết họ đã nới lỏng một số biện pháp, hầu hết cư dân ở Thượng Hải vẫn phải ở trong nhà hoặc không thể rời khỏi các khu dân cư của họ.

Ở một số khu vực được phép rời khỏi nhà, người dân được yêu cầu tự mình làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh, thay vì xếp hàng để làm xét nghiệm PCR dưới trời mưa. Ở phần còn lại của Thượng Hải, xét nghiệm PCR hàng ngày vẫn là bắt buộc.

Trên mạng xã hội, một số video trực tuyến được đăng tải cho thấy mái nhà bị dột tại các trung tâm cách ly. Các quan chức hôm thứ Ba cho biết họ sẽ tiến hành việc bảo trì.

Việc phong tỏa kéo dài đã khiến người dân phẫn nộ, khi gia đình bị chia cắt, điều kiên cách ly tồi tàn, cũng như khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế và thực phẩm bị hạn chế.

Chính quyền Thượng Hải đã không đưa ra bình luận về những dấu hiệu của sự bất bình ngày càng tăng.

Ngân Hà

Ấn Độ đình chỉ cấp thị thực du lịch cho công dân Trung Quốc

Sảnh khởi hành tại Nhà ga số 3 của phi trường quốc tế Indira Gandhi ở New Delhi, Ấn Độ, vào ngày 05/11/2014. (Ảnh: Prakash Singh/AFP/Getty Images)

Ấn Độ được cho là đã đình chỉ việc cấp thị thực du lịch cho du khách Trung Quốc trong một hành động được xem là trả đũa việc Bắc Kinh từ chối cho phép hàng ngàn sinh viên Ấn Độ bị mắc kẹt ở Ấn Độ kể từ năm 2020 quay lại [Trung Quốc để tiếp tục học tập].

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết trong một bản tin cập nhật hôm 20/04 rằng “thị thực du lịch cấp cho công dân Trung Quốc không còn hiệu lực,” hãng thông tấn địa phương The Times of India đưa tin.

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn đang cung cấp thị thực doanh nghiệp, thị thực việc làm, thị thực ngoại giao và thị thực công vụ cho các công dân Trung Quốc, theo hãng thông tấn này. 

Theo IATA, Ấn Độ chỉ cho phép nhập cảnh đối với các công dân Bhutan, Maldives, và Nepal; những người có giấy phép cư trú Ấn Độ, người có thị thực hoặc thị thực điện tử Ấn Độ, công dân nước ngoài có thẻ người Ấn Độ, người có thẻ Người gốc Ấn Độ, và người có hộ chiếu ngoại giao. 

Hành động này xảy ra sau khi Bắc Kinh từ chối cho phép nhập cảnh đối với hơn 22,000 sinh viên Ấn Độ không thể quay lại Trung Quốc học tập kể từ khi đợt bùng phát dịch COVID-19 bắt đầu vào năm 2020. 

Trung Quốc từ chối cho phép các sinh viên Ấn Độ quay lại vì lý do dịch bệnh, nhưng lại cho phép hai nhóm học sinh Sri Lanka quay lại học tập. 

Theo Hindustan Times, Đại sứ quán Sri Lankan cho biết hôm 20/04, “Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thông báo với Đại sứ quán Trung Quốc ở Colombo hoàn tất cho hai nhóm sinh viên quay lại Trung Quốc. Các sinh viên bổ sung sẽ được giải quyết để quay lại Trung Quốc.”

Đại sứ quán Sri Lanka không nói rõ có bao nhiêu học sinh sẽ được phép quay lại Trung Quốc, nhưng tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục nỗ lực để tất cả các sinh viên có thể tiếp tục học tập ở Trung Quốc. 

Tháng trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi đã nói rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang tìm cách cho phép sinh viên quốc tế quay trở lại Trung Quốc. Nhưng ông đã lưu ý rằng Trung Quốc “không đưa ra bất kỳ phản hồi rõ ràng nào” về việc trở lại học tập của sinh viên Ấn Độ. 

Hồi tháng Ba, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar nói rằng ông đã thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc của mình về vấn đề quay trở lại của các sinh viên Ấn Độ và kêu gọi Bắc Kinh đưa ra một “lập trường thân thiện” tạo điều kiện cho sinh viên trở lại Trung Quốc, theo các bản tin địa phương. 

Ông nói, “Tôi thấy được tình trạng khó khăn của các sinh viên Ấn Độ đang học tập tại Trung Quốc, những người không được phép quay trở lại, với lý do hạn chế COVID-19. Chúng tôi hy vọng rằng Trung Quốc sẽ thực hiện một cách tiếp cận không phân biệt đối xử vì nó liên quan đến tương lai của rất nhiều người trẻ tuổi.”

Ông Jaishankar cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã ghi nhận những lo ngại của Ấn Độ về tình trạng này và hứa sẽ thảo luận vấn đề này với các cơ quan hữu quan. Nhưng Bắc Kinh không đưa ra thời gian cụ thể về việc trở lại Trung Quốc học tập của sinh viên Ấn Độ. 

Thanh Nhã biên dịch

Mỹ có thể thêm lệnh trừng phạt kinh tế với Nga

Trần Phong

Ảnh: Reuters.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki hôm thứ Hai cho biết rằng Mỹ có khả năng sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine và “không ai an toàn trước các lệnh trừng phạt” của Mỹ, theo Reuters.

Trước đó, Tạp chí Phố Wall đưa tin Hoa Kỳ tạm dừng các biện pháp trừng phạt với “người tình” được đồn đại của Tổng thống Vladimir Putin, cựu vận động viên thể dục Olympic Alina Kabaeva, để tránh làm ông Putin tức giận. Bà Psaki không bình luận về thông tin này.

Trong một diễn biến khác, Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai cho biết, đợt viện trợ mới cho Ukraine do Tổng thống Joe Biden yêu cầu có khả năng là một phần của gói dài hạn hơn cần được Quốc hội phê duyệt.

Tuần trước, TT Biden cho biết ông sẽ sớm tìm kiếm sự chấp thuận của Quốc hội để có thể hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine sau khi tuyên bố gói hỗ trợ quân sự 800 triệu USD vào tuần trước.

Anh sẽ gửi xe bọc thép Stormer tới Ukraina

Xe bọc thép Stormer của Anh viện trợ cho Ukraine

Trong khi đó, theo một nguồn tin khác từ Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cho biết Anh sẽ gửi một số lượng nhỏ xe bọc thép Stormer có gắn bệ phóng tên lửa phòng không tới Ukraine.

Ông Wallace nói thêm rằng các đánh giá của Anh cho thấy khoảng 15.000 quân nhân Nga đã thiệt mạng trong cuộc xung đột trong khi 2.000 xe bọc thép, bao gồm khoảng 530 xe tăng đã bị phá hủy, cùng với 60 máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu.

Ông nói: “Bây giờ tôi có thể thông báo với Hạ viện rằng chúng tôi sẽ tặng một số lượng nhỏ xe bọc thép có trang bị bệ phóng cho các tên lửa phòng không đó”.

Indonesia muốn Trung Quốc giúp đỡ bù đắp cho chi phí vượt mức của dự án đường sắt cao tốc BRI

Thủ tướng Indonesia Joko Widodo (trên màn hình) đọc bài diễn văn khai mạc tại cuộc họp các bộ trưởng G20 ở Jakarta, Indonesia, hôm 17/02/2022. (Ảnh: Bay Ismoyo/AFP/Getty Images)

Indonesia sẽ tìm kiếm thêm sự cung cấp tài chính từ Trung Quốc để bù đắp cho phần lớn trong khoản chi phí 2 tỷ USD vượt mức của dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung, một phần trong kế hoạch cơ sở hạ tầng theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh, truyền thông địa phương đưa tin dẫn lời một quan chức dự án cho biết. 

Dự án đường sắt dài 88 dặm (142 km) kết nối Jakarta và Bandung được dự kiến trị giá khoảng 4.57 tỷ USD khi nó được trao cho một liên doanh gồm các công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc và Indonesia — tên là PT Kereta Cepat Indonesia China (KCIC) — trong năm 2015. Nhưng chi phí từ đó đã tăng vọt lên khoảng 7.9 tỷ USD bởi giá nguyên liệu thô tăng cao và các chi phí không lường trước được khác. 

Theo hãng thông tấn Tempo của Indonesia, ông Dwiyana Slamet Riyadi, chủ tịch của PT KCIC, cho biết hôm 21/04 rằng trong khi các cổ đông của liên doanh có “nghĩa vụ” bù đắp sự bùng nổ chi phí này, nhưng có thể vẫn cần có các bên khác để hỗ trợ bảo đảm nguồn vốn. 

“Nếu PSBI [PT Pilar Sinergi BUMN Indonesia] và Beijing Yawan HSR [ Công ty Đường sắt Nhã Vạn Bắc Kinh] gặp khó khăn trong việc tìm nguồn vốn [để chi tiêu thêm], cả hai công ty này có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các tổ chức tài trợ,” ông Dwiyana cho biết. 

Ông cho rằng chính phủ Indonesia đã đề nghị trong một số cuộc họp về việc sử dụng cơ cấu tài chính tương tự như hiệp định ban đầu, với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CBD) chịu 75% và liên doanh nói trên chịu 25% [chi phí]. 

“Tất nhiên, khoản tiền đầu tiên sẽ do CBD cung cấp, đó là tổ chức cho vay đã và đang tài trợ cho 75% dự án của chúng tôi,” ông Dwiyana nói. 

Liên doanh Indonesia này bao gồm bốn công ty nhà nước — KAI, Wijaya Karya, PTPN VII, và Jasa Marga — nắm giữ 60% cổ phần của KCIC, trong khi 40% còn lại được sở hữu bởi một liên doanh các công ty đường sắt Trung Quốc do Công ty Đường sắt Nhã Vạn Bắc Kinh (Beijing Yawan HSR) đứng đầu. 

Tuyến đường sắt cao tốc này đã đối mặt với các tin tức xấu về lợi nhuận đầu tư hồi tháng Một sau khi Thủ tướng Indonesia Joko Widodo tuyên bố rằng chính phủ sẽ di dời thủ đô nước này từ Jakarta tới Đông Kalimantan năm 2024. 

Trong tháng Hai, ông Dwiyana ước tính rằng giờ đây sẽ mất 40 năm thay vì 20 năm để tuyến đường sắt này hòa vốn, với giá vé đưa ra từ 150,000 rupiah (10 USD) đến 350,000 rupiah (24 USD) — mức giá ngoài khả năng chi trả của nhiều người Indonesia. 

Ông nói rằng nhu cầu dự kiến cho tuyến đường sắt này đã giảm từ số lượng ước tính lúc trước ở mức 61,157 hành khách mỗi ngày xuống còn 31,215 khách do thủ đô di dời khỏi Jakarta. 

“Nhìn vào giá trị đầu tư, số lượng hành khách, và giá vé, rất khó để tuân theo nghiên cứu về tính khả thi trước đó trong đó lợi nhuận đầu tư được giả định sẽ xảy ra trong 20 năm,” ông Dwiyana nói. 

Dự án đã được khai triển năm 2018 sau gần ba năm trì hoãn vì tranh chấp về quyền sở hữu đất và các chất vấn về tác động kinh tế và môi trường của mình. Quá trình xây dựng cũng đã tạm ngưng trong suốt sáu tháng đầu của đại địch COVID-19 khi các hạn chế ảnh hưởng đến sự đi lại của người lao động và các quản lý người Trung Quốc. 

KCIC cho biết tiến độ xây dựng đã đạt tới 80% vào cuối năm 2021, và sẽ hoàn thành theo mục tiêu vào tháng 06/2023. 

Thanh Nhã biên dịch

Twitter chấp nhận thỏa thuận thâu tóm trị giá 44 tỷ USD của ông Elon Musk

Tài khoản Twitter của ông Elon Musk hiển thị trên một chiếc điện thoại thông minh phía trước logo Twitter trong bức ảnh minh họa được chụp hôm 15/04/2022 này. (Ảnh: Dado Ruvic/Minh họa/Reuters)

Công ty đồng ý với lời đề nghị 54.20 USD cho mỗi cổ phiếu của vị tỷ phú

Hôm 25/04, Twitter thông báo rằng hội đồng quản trị của công ty đã chấp thuận lời đề nghị của ông Elon Musk về việc mua lại công ty truyền thông xã hội này và chuyển sang sở hữu tư nhân trong một giao dịch trị giá khoảng 44 tỷ USD.

Công ty đã chấp nhận lời đề nghị mua 54.20 USD một cổ phiếu bằng tiền mặt của vị tỷ phú.

Giám đốc điều hành (CEO) Parag Agrawal cho biết trong một tuyên bố của công ty rằng, “Twitter có một mục đích và độ liên quan tác động đến toàn thế giới. Tự hào sâu sắc về đội ngũ của chúng tôi và được truyền cảm hứng từ công việc vốn chưa bao giờ quan trọng hơn thế.”

Ông Musk cho biết trong một tuyên bố: “Tự do ngôn luận là nền tảng của một nền dân chủ đang hoạt động và Twitter là quảng trường thành phố kỹ thuật số, nơi các vấn đề quan trọng đối với tương lai của nhân loại được tranh luận. Tôi cũng muốn làm cho Twitter trở nên tốt hơn bao giờ hết bằng cách nâng cao sản phẩm với các tính năng mới, biến các thuật toán thành mã nguồn mở để tăng độ tin cậy, đánh bại các chương trình thư rác, và xác thực tất cả con người. Twitter có tiềm năng to lớn — tôi mong muốn được hợp tác với công ty và cộng đồng người dùng để khai mở nền tảng này.”

Một chuỗi các sự kiện đầy biến động đã xảy ra kể từ lần đầu tiên ông Musk mua lại 9.2% cổ phần của công ty công nghệ này hồi đầu tháng. Từ việc từ chối một ghế trong hội đồng quản trị của công ty đến nhiều cuộc thăm dò trên Twitter do vị CEO tỷ phú này tài trợ, đã có rất nhiều tình huống bất ngờ trong những tuần gần đây.

Cổ phiếu Twitter tăng hơn 5% khi biết tin này, vượt ngưỡng 51 USD một cổ phiếu. Cổ phiếu đã tăng gần 30% kể từ hôm 04/04 khi Twitter xác nhận rằng ông Musk đã mua lại một lượng cổ phần đáng kể trong công ty.

Ban đầu, các thành viên hội đồng quản trị phản đối lời đề nghị của ông Musk bằng cách áp dụng phương pháp phòng hộ “viên thuốc độc” để ngăn chặn một vụ thâu tóm ngoài ý muốn.

Thỏa thuận này được đưa ra sau khi ông Musk xác nhận hồi tuần trước rằng ông có đủ 46.5 tỷ USD cam kết tài trợ để tài trợ cho việc mua lại công ty. Con số này bao gồm 25.5 tỷ USD tiền vay nợ thông qua Morgan Stanley và các công ty tài chính khác.

Ông Musk có kế hoạch đưa công ty trở thành tư nhân khi giao dịch hoàn tất. Thỏa thuận dự kiến ​​sẽ hoàn tất trong năm nay. Goldman Sachs, JPMorgan, và Allen & Co. đang làm cố vấn tài chính cho Twitter, trong khi Morgan Stanley là cố vấn tài chính chính cho ông Musk.

Andrew Moran

Mỹ gửi pháo tới Ukraine để tiêu diệt hỏa lực của Nga

Hỏa tiễn Howitzers của Mỹ gởi cho Ukraine

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và các chuyên gia quân sự, việc Mỹ tăng cường gửi pháo binh tới Ukraine để làm suy giảm lực lượng Nga không chỉ cho chiến trường trước mắt mà còn sẽ là chuyện lâu dài.

Hoa Kỳ, Pháp, Cộng hòa Séc và các đồng minh khác đang gửi nhiều loại pháo tầm xa để giúp Ukraine ngăn chặn cuộc tấn công của Nga ở khu vực phía đông Donbass.

Được hỗ trợ bởi hệ thống phòng không tốt hơn, máy bay không người lái tấn công và tình báo phương Tây, các đồng minh hy vọng rằng Kyiv sẽ có thể tiêu diệt một lượng lớn hỏa lực của Nga trong cuộc đọ sức đang và sẽ diễn ra.

Sau khi trở về từ Kyiv, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với các nhà báo ở Ba Lan vào đầu ngày thứ Hai rằng Washington hy vọng Ukraine còn làm được nhiều hơn thế.

Ông Austin nói: “Nga đã bị suy giảm rất nhiều khả năng quân sự và bị mất rất nhiều binh sĩ của mình. Và chúng tôi muốn trông thấy họ không có khả năng tái tạo nhanh những khả năng đó”.

“Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu đến mức họ sẽ không thể làm được những điều mà họ đã làm khi xâm lược Ukraine.”

Tuyên bố mới nhất của ông Austin cho thấy sự thay đổi so với cách tiếp cận ban đầu của Washington, khi Mỹ vào thời điểm đó chỉ đơn giản hy vọng sẽ giúp ngăn chặn việc Moscow chiếm giữ thủ đô Ukraine và lật đổ chính phủ Zelensky.

Trên thực tế, với sự hỗ trợ của tên lửa phòng không và chống thiết giáp do Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu, quân đội Ukraine đã buộc quân đội Nga phải rút khỏi miền bắc Ukraine trong vòng sáu tuần.

Tuy nhiên, Moscow hiện đang kiểm soát một số vùng quan trọng ở miền đông và miền nam Ukraine, và muốn mở rộng hơn nữa đến trung tâm đất nước bằng cách gửi thêm quân và thiết bị.

Các chuyên gia tin rằng kế hoạch của Nga là sử dụng các cuộc pháo kích tầm xa để đánh lui phần lớn lực lượng của Ukraine và sau đó điều động binh lính mặt đất và xe tăng tới để giữ đất.

Theo Mike Jacobson, một chuyên gia dân sự Mỹ về pháo binh, lựa chọn tốt nhất của Ukraine là đánh trả bằng lực lượng pháo binh vượt trội để tiêu diệt hỏa lực của Nga.

Ông Jacobson dự đoán rằng điều này sẽ dẫn đến một “cuộc chiến tiêu hao”, trong đó Ukraine với các thiết bị do đồng minh cung cấp với tầm bắn xa hơn và nhắm mục tiêu chính xác hơn, có thể khiến người Nga “cảm thấy lạnh sống lưng.”

Phillips O’Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược của Đại học St Andrews, đã viết rằng cuộc chiến pháo binh sắp tới sẽ giống như Thế chiến thứ nhất, mỗi bên cố gắng hạ gục bên kia bằng các cuộc pháo kích ác liệt.

Ông cho biết quân đội Nga hiện tại đã bị suy giảm lực lượng đáng kể và chịu tổn thất lớn về trang thiết bị. Trong khi đó, quân đội Ukraine tuy nhỏ hơn, nhưng sắp được trang bị tốt hơn.

Mỹ và các đồng minh đang đẩy nhanh tốc độ cung cấp pháo cho Ukraine trong bối cảnh Nga củng cố lại lực lượng.

Ít nhất 18 trong số 90 quả pháo kéo mà Washington hứa trong hai tuần qua đã được chuyển giao cho các lực lượng Ukraine, và nhiều hơn nữa đang được gấp rút chuyển tới vào đầu tuần này, theo một quan chức Lầu Năm Góc.

Washington cũng đang cung cấp gần 200.000 viên đạn lựu pháo, và đang thu xếp tiếp tế đạn dược cho các loại pháo do Nga sản xuất mà lực lượng Ukraine hiện đang vận hành.

Khoảng 50 binh sĩ Ukraine đã được huấn luyện để sử dụng pháo của Mỹ, và nhiều hơn nữa đang được huấn luyện trong tuần này.

Trong khi đó, Pháp đang gửi lựu pháo di động Caesar cực kỳ tiên tiến và Cộng hòa Séc đang cung cấp các loại pháo tự hành cũ hơn của mình.

Canada cũng đang gửi pháo và đạn pháo “Excalibur” có khả năng dẫn đường tiên tiến. Nó có thể đi xa hơn 40 km và bắn đạn chính xác vào mục tiêu.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết cuộc chiến của Ukraine ở Donbass sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hỏa lực tầm xa, đặc biệt là pháo binh.

“Đó là lý do tại sao chúng tôi đang tập trung vào việc trang bị pháo cũng như các UAV chiến thuật”, quan chức này cho biết, ám chỉ đến việc các đồng minh cung cấp “máy bay không người lái cảm tử” trang bị bom có ​​thể được điều hướng hàng giờ để tìm kiếm và sau đó tự phát nổ vào các mục tiêu của Nga.

Xuân Lan (theo AFP)

Related posts