Tin Việt Nam sáng 27/4: CSGT đạp vào mặt người vi phạm giao thông giữa trung tâm

Hội An

Ảnh tổng hợp.

CSGT đạp vào mặt người vi phạm giao thông giữa trung tâm TP.HCM

Dantri – Ngày 26/4, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một cảnh sát giao thông (CSGT) vật nam thanh niên đi xe máy bị cho là vi phạm giao thông, gây xôn xao dư luận.

Theo đó, sau khi giằng co một lúc, nam thanh niên dựng xe máy, định rời đi thì CSGT ôm cổ, ghì xuống khiến cả người lẫn xe ngã xuống đường. 

Nội dung đoạn clip cũng thể hiện, sau khi ngã, CSGT dùng chân đạp một cái vào mặt nam thanh niên. 

Anh M.H. (32 tuổi, ngụ quận 1) cho biết, anh là người quay đoạn clip và sự việc xảy ra sáng 26/4, tại giao lộ Võ Văn Kiệt – Ký Con, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM.

Công nhân đình công tăng đột biến

Thanhnien – Từ năm 2018 đến nay, cả nước xảy ra 591 cuộc đình công. Riêng quý 1/2022, đình công tự phát đột biến tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Đây là thông tin được ông Lê Đình Quảng, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết ngày 26/4.

Theo ông Quảng, đặc biệt trong quý 1/2022, cả nước đã xảy ra 64 cuộc, tăng cao đột biến so với cùng kỳ năm ngoái là 44 cuộc (tăng 40%).

Đáng chú ý, theo báo cáo của liên đoàn lao động các địa phương, thời điểm xảy ra các cuộc đình công chủ yếu trước và sau tết Nguyên đán (chiếm 30% tổng số cuộc trong cả năm).

Thời gian ngừng việc, đình công phổ biến từ 1 – 2 ngày, có cuộc kéo dài đến 5 ngày.

Trình độ xâm phạm bản quyền ở Việt Nam ‘thuộc top đầu’

Thanh Niên – Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT), nhắc lại câu chuyện bài Quốc ca Việt Nam đã bị tắt đi trong chương trình truyền hình trực tiếp trận đấu bóng đá giữa hai đội Việt Nam – Lào hồi cuối năm 2021. Trong buổi tọa đàm Thế hệ trẻ với bản quyền trên không gian mạng, do Bộ VH-TT-DL tổ chức chiều qua 26.4 tại Hà Nội, ông Do nhớ lại: “Mới đầu tôi giật mình, tôi gọi ngay cho bà Giám đốc Google Đông Nam Á để hỏi tại sao lại tắt tiếng Quốc ca. Bà ấy nói không, chúng tôi không tắt, các anh kiểm tra đơn vị tường thuật. Đấy là đơn vị từng bị đánh bản quyền, chuyện vì sao đánh thì không chia sẻ ở đây. Sau khi bị đánh thì họ có ý thức về việc bản quyền đó cao đến nỗi thà tắt luôn tiếng Quốc ca còn hơn bị đánh bản quyền tiếp”.

Trong khi đó, luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng văn phòng luật sư Phan Law Việt Nam, lại nhắc tới việc bộ phim Cô ba Sài Gòn của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân bị live stream trên mạng. Vụ việc nổi tiếng này khiến ông suy nghĩ rất nhiều. Thủ phạm là một người trẻ tuổi, bị đơn vị sở hữu bắt tại rạp khi đã live stream bộ phim này 30 phút. “Lúc đó bạn ấy nói mình làm vậy chưa ổn, vì bạn của bạn ấy quay trộm Siêu nhân X rồi từ từ mới up lên và chả ai làm gì được. Rồi bạn ấy nói về cái giá dùng để quay trộm sao cho không rung… Khi live stream có 3.000 view, không có quảng cáo. Nhà sản xuất ít nhất mất 3.000 vé đó”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, thiệt hại của 30 phút đó rất lớn, lớn hơn 3.000 vé nhiều. Trong thời gian đó có những người tải về. “Một phim làm 20 – 100 tỉ, các bạn live cái mất luôn. Chúng tôi đề nghị xử lý hình sự, rồi báo chí nói cậu đó mới 19 tuổi. Các bạn có chấp nhận chuyện đó không, một người trẻ và gây thiệt hại kiểu như vậy”, ông Tuấn đặt vấn đề.

Trong khi đó, ông Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), cho biết nhiều đơn vị vẫn nghĩ đến việc chi trả không cần phải cụ thể. Trước đây, trung tâm của ông chờ các đơn vị phát thanh truyền hình báo về lượt sử dụng tác phẩm vào cuối năm, rồi sau đó thu tiền. Tuy nhiên, giờ đây, công nghệ đã giúp chủ động đo đếm lượt sử dụng, chỉ trong vòng 24 giờ có thể có số liệu về việc đơn vị đó sử dụng thế nào. “Có người nói năm nay họ chỉ dùng có 500 bài, mà khi tôi yêu cầu kỹ thuật chuyển lại thống kê, con số thật là 5.800 bài kèm theo đầy đủ ngày giờ phát”, ông Cẩn nói.

Ông Phan Vũ Tuấn nói: “Nếu nói trình độ xâm phạm bản quyền trên mạng Việt Nam đứng thứ nhì thì không ai dám đứng lên thứ nhất cả. Chúng tôi xử lý xâm phạm ở Lào, Myanmar… chỉ cắt dịch vụ mạng 1 lần là họ thôi. Chúng tôi không thể trông vào việc báo lên cho anh Lê Quang Tự Do được vì nước xa không cứu được lửa gần. Một trận đấu bóng đá chúng tôi báo họ nói 90 phút sau sẽ gỡ, thì lúc đó đã thiệt hại rồi. Trong khi YouTube chỉ 3 phút là gỡ”.

Related posts