Một lượng lớn các quốc gia Phi Châu đã không bỏ phiếu cho bên nào trong vấn đề cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Chỉ 28 trong số 54 quốc gia Phi Châu có đại diện tại Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết ngày 02/03/2022 của Liên Hiệp Quốc lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.
Trong số 35 quốc gia bỏ phiếu trắng có 17 quốc gia Phi Châu, trong đó có Algeria, Angola, và Nam Phi, trong khi tám nước khác, trong đó có Cameroon, Ethiopia, và Morocco, đã không bỏ phiếu.
Eritrea là nước Phi Châu duy nhất bỏ phiếu chống lại nghị quyết cùng với Belarus, Bắc Hàn, Nga, và Syria. Hơn 81% các quốc gia không thuộc Phi Châu đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết.
“Các quốc gia Phi Châu không khó nhìn thấy sự thật rằng Ukraine là nạn nhân của một cuộc chiến địa chính trị,” theo ông David Otto, giám đốc về chống chủ nghĩa khủng bố của Trung tâm Geneva về Nghiên cứu An ninh và Chiến lược Phi Châu.
“Một số quốc gia Phi Châu quyết định bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu chống đối với nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đã làm như vậy vì lợi ích quốc gia của họ khi so sánh giữa Nga và các nước đồng minh NATO.”
“Nhưng những lập trường khác biệt này của các quốc gia Phi Châu là một dấu hiệu lớn hơn cho thấy sự chuyển dịch từ một hệ thống địa chính trị đơn cực sang một hệ thống địa chính trị đa cực với Nga-Trung Quốc và phương Tây cạnh tranh về các khu vực lợi ích ở Phi Châu,” ông Otto nói với The Epoch Times trong một văn bản.
“Đây là một tình huống địa chính trị mới mẻ và thách thức chưa từng có ở Phi Châu thời hậu thuộc địa. Đó là cơn gió mới của sự thay đổi dành cho Phi Châu chừng nào phương Tây và phương Đông còn quan tâm — lần này, các nước Phi Châu sẽ chịu trách nhiệm địa chính trị một cách chậm rãi nhưng vững chắc.”
Giáo sư Adebayo Olukoshi của Trường Quản trị Wits ở Johannesburg, Nam Phi, cho rằng sự lựa chọn lý tưởng của các quốc gia Phi Châu lẽ ra phải là toàn bộ không tham gia bỏ phiếu ở Liên Hiệp Quốc.
“Sự chọn lựa thực sự trước mặt Phi Châu không phải là ủng hộ hay phản đối nghị quyết mà là bảo đảm không bị cuốn vào các cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn mà, về mặt lịch sử, chỉ khiến lục địa phải trả giá đắt,” ông Adebayo nói với The Epoch Times.
“Trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, các đối thủ lớn biến Phi Châu thành một sân chơi để chiến đấu những cuộc chiến ủy nhiệm mà hậu quả của chúng về nhân mạng, hòa bình, ổn định, và tiến bộ là bất lợi,” ông nói.
“Khi một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới đang hình thành, Phi Châu phải học bài học lịch sử và từ chối bị các cường quốc đối địch lôi kéo vào việc chọn bên trong các cuộc xung đột mà về căn bản mỗi bên đang tìm cách thúc đẩy những gì họ xem là lợi ích địa-chính trị chiến lược và toàn cầu của họ.”
Từ việc thiết lập một căn cứ hải quân trên bờ Biển Đỏ của Sudan, qua việc vun đắp mối quan hệ thân thiết với các nhà lãnh đạo của Vịnh Guinea giàu khoáng sản và các khu vực Sahel của Phi Châu, cho đến việc thiết lập lực lượng lính đánh thuê Wagner và các khí tài quân sự tại thực địa với sự hỗ trợ của những các quốc gia ủy nhiệm của nước này, các chuyên gia chính sách lo ngại Nga đang biến Phi Châu thành một “chiến khu” cho các lợi ích địa chiến lược của mình.
Những can dự của Nga ở Phi Châu thường được một số nhà phê bình bỏ qua như một dạng chủ nghĩa cơ hội, nhưng ông Joseph Siegle — giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Phi Châu về Nghiên cứu Chiến lược ở Hoa Thịnh Đốn — cho hay các khía cạnh của mối quan tâm ngày càng tăng của Nga ở Phi Châu là không được xem nhẹ.
“Ba ưu tiên nổi bật: Thứ nhất là tập trung vào Bắc Phi. Bằng cách thiết lập Bắc Phi như một nhân tố gây ảnh hưởng quan trọng ở Libya — sườn phía nam của NATO, Nga sẽ thu được quyền tiếp cận hải quân đến các cảng quan trọng và các khu dự trữ hydrocarbon ở phía đông Địa Trung Hải,” ông Siegle nói với The Epoch Times.
“Các nỗ lực song song để đàm phán quyền tiếp cận cảng biển ở Biển Đỏ sẽ mang đến cho Nga đòn bẩy đối với các ách tắc hàng hải ở Kênh đào Suez và eo biển Bab al-Mandab, nơi 30% lưu lượng container toàn cầu đi qua.”
“Thứ hai là mục tiêu để được coi là một Cường Quốc mà lợi ích của họ phải được xem xét ở mọi khu vực, bao gồm cả ở Phi Châu. Bằng cách nhanh chóng leo thang ảnh hưởng của mình ở Phi Châu trong những năm gần đây, Nga đã đạt được vai trò vượt trội ở châu lục này nhờ các khoản đầu tư kinh tế ít ỏi (chỉ dưới 1% đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Phi Châu),” ông Siegle cho biết.
“Điều này đặc biệt đúng ở Cộng Hòa Trung Phi, Mali, Sudan, Madagascar, và đông Libya. Nga cũng có mối bang giao ngày càng tăng với Nam Sudan, Cộng hòa Congo, Eritrea, Mozambique, Angola, Guinea, Zimbabwe, và Uganda.”
Theo ông Siegle, ưu tiên thứ ba là mong muốn của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm mang lại một “trật tự quốc tế hậu tự do công nhận các mô hình quản trị khác với nền dân chủ.”
“Các chính phủ quân sự và các lãnh đạo độc tài của Phi Châu đã cung cấp một điểm xâm nhập dễ dàng cho Moscow trên lục địa này,” ông nói với The Epoch Times, đồng thời nói thêm rằng, “Những chính phủ Phi Châu này, ngược lại, được dựng nên bởi sự ủng hộ chính trị của Nga,” ông Siegle nói.
“Với 54 đại diện ở Liên Hiệp Quốc, Phi Châu là một khu vực quan trọng để định hình các câu chuyện về các quy tắc toàn cầu và để Nga tránh sự cô lập. Việc rời bỏ một trật tự dựa trên luật lệ nơi tính hợp pháp bắt nguồn từ các công dân và các quyền con người được tuân thủ có lợi cho Nga một cách tự nhiên.”
“Để đạt được điều này, Nga đã rất tích cực trong việc truyền bá thông tin sai lệch ở Phi Châu để bôi nhọ các giá trị dân chủ.”
Nghị trình để sống sót
Với việc cuộc chiến ở Ukraine dường như không có hồi kết, có những lo ngại rằng Phi Châu có thể có khả năng trở thành nguồn bổ sung thường xuyên về kinh tế và quân sự cho Điện Kremlin, khi các nguồn lực này trở nên căng thẳng chừng nào cuộc chiến còn kéo dài.
Nhiều người cũng suy đoán rằng một số quốc gia Phi Châu đang ở một vị thế chiến lược để tận dụng những thách thức mà phương Đông và phương Tây phải đối mặt về vấn đề Ukraine — để tận dụng lợi ích về kinh tế và ngoại giao.
Ông Otto của Trung tâm Geneva về Nghiên cứu An ninh và Chiến lược Phi Châu tin rằng: “Nga không thể sống sót trong một khoảng chân không chính trị mà không có các nước đồng minh quan trọng để tìm kiếm sự ủng hộ về chính trị, tài chính, ngoại giao, và kinh tế — Phi Châu là ưu tiên hàng đầu trong nghị trình của họ để tồn tại.”
“Mối quan hệ giữa Nga và Phi Châu đã được thắt chặt trong suốt Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Phi Châu. Đối mặt với các lệnh trừng phạt khắt khe về kinh tế và ngoại giao về vấn đề Ukraine và áp lực từ phương Tây, Moscow sẽ trông mong các quốc gia Phi Châu thân thiện đáp trả bằng cách cung cấp cho Nga ít nhất một kênh sống sót khỏi các quốc gia không thân thiện — kể cả khi điều đó có nghĩa là vẫn giữ trung lập,” ông nói với The Epoch Times.
Gần đây Hoa Kỳ dự định giảm các nhiệm vụ chiến đấu với các nhóm khủng bố xa xôi ở Phi Châu và thay vào đó tập trung vào chiến đấu với những nước được gọi là Cường Quốc như Nga và Trung Quốc để thúc đẩy các mục tiêu kinh tế và an ninh của Hoa Kỳ ở lục địa này.
Cải tổ quyền lực
Ông Olukoshi nghi ngờ việc Hoa Kỳ rút quân để dừng quá trình cải tổ quyền lực toàn cầu.
“Ví dụ, với tư cách là một tác nhân kinh tế lớn, Trung Quốc đang bị khóa trong một cuộc cạnh tranh lớn giành địa vị thống trị tổng thể với Hoa Kỳ và các nước đồng minh,” ông nói với The Epoch Times.
“Về mặt quân sự, Trung Quốc và Nga đã tham gia vào các đợt nâng cấp lớn về năng lực để có thể thể hiện sức mạnh trên quy mô toàn cầu.”
“Hoa Kỳ có thể cố gắng làm chậm quá trình cải tổ quyền lực toàn cầu này và thậm chí cố gắng khuyên can các quốc gia Phi Châu không theo quỹ đạo của các cường quốc đang nổi dậy một lần nữa ở phương Đông (Global South), nhưng các lực lượng đằng sau sự chuyển dịch toàn cầu mà chúng ta đang chứng kiến có tính cấu trúc về mặt bản chất,” ông Olukoshi nói.
Vì thế Nga vẫn coi Phi Châu là khu vực lục địa còn sót lại duy nhất chịu ảnh hưởng để tranh chấp và thách thức sự hiện diện của phương Tây bằng cách lợi dụng lịch sử của lục địa và tính chất dễ bị tổn thương của các chính sách lãnh đạo đa dạng.
“Chiến lược của Nga là mang đến cho Phi Châu một sự lựa chọn tốt hơn — tập trung vào thương mại công bằng, tôn trọng lẫn nhau, đối tác an ninh, và một chính sách không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia Phi Châu,” ông Otto nói.
“Lợi ích của Điện Kremlin ở Phi Châu hoàn toàn là về địa chính trị — khi NATO và các nước đồng minh của Hoa Kỳ nuốt chửng các nước thuộc Liên Xô cũ vào NATO và Liên minh Âu Châu, thì Nga đang mở hầu bao của họ ở Phi Châu — đặc biệt ở Sahel và miền trung Phi Châu — giành được các quốc gia trước đây từng đi theo phương Tây bằng cách sử dụng quyền lực mềm.”
“Nga đã bước vào cuộc đua giành Phi Châu và nước này đang dần thu được tốc độ về địa chính trị,” ông Otto nói.
Anh Nalova Akua là một ký giả tự do đa phương tiện người Cameroon.
- Chú thích của dịch giả: Sự phân chia Bắc-Nam (Global North and Global South) là thuật ngữ chỉ sự phân chia giữa các nước công nghiệp phát triển, giàu có tập trung ở Bắc Bán Cầu với các nước nghèo, đang phát triển chủ yếu ở Nam Bán Cầu. Global East là khái niệm mới chỉ các nước xen kẽ giữa Bắc và Nam ở phương Đông.
Thanh Nhã biên dịch