Huyền Anh
Trung Quốc vừa đưa thêm hai tàu tuần dương hải quân vào biên chế. Hai chiếc Type 055 có kết cấu lớn hơn tàu khu trục và đã tiến hành tập luyện bài tập bắn vào ban đêm. Trong khi đó, Hải quân Hoa Kỳ có kế hoạch cho ‘nghỉ hưu’ tất cả các tàu tuần dương của mình mà không cần thay thế cho đến năm 2028.
Trung Quốc vừa thông báo rằng tàu tuần dương Type 055 Lhasa thứ hai của họ đã sẵn sàng chiến đấu sau một loạt các cuộc thử nghiệm ở Hoàng Hải. Lhasa vừa kết thúc tám ngày mô phỏng huấn luyện, gồm một loạt các hoạt động: bắn súng hải quân, bắn tên lửa, tác chiến chống tàu ngầm, phòng thủ chống lại các mối đe dọa hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân, tìm kiếm, bắt giữ và cứu hộ.
Hơn nữa, Trung Quốc được cho là đang đóng thêm 2 tàu tuần dương Type 055 nữa tại một ụ tàu lớn ở Đại Liên. Nước này còn có kế hoạch đưa tổng cộng 8 chiếc Type 055 vào biên chế trong 4 năm tới. Hiện, Trung Quốc đã có ba tàu tuần dương Type 055 đang hoạt động, với chiếc đầu tiên được đưa vào hoạt động vào năm 2020 và chiếc thứ hai được đưa vào hoạt động vào năm 2021.
Tàu tuần dương Type 055 là tàu chiến mặt nước lớn nhất thế giới hiện nay, lớn hơn 25% so với tàu Ticonderoga cùng loại của Mỹ. Các tàu có cấu tạo tàng hình và kết hợp động cơ tuốc bin khí ga và tuốc bin lực đẩy (COGAG).
Chúng được trang bị hệ thống radar và sonar tiên tiến, cũng như được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng đa năng (VLS), qua đó có thể mang tên lửa chống hạm, đối không hoặc chống ngầm.
Tàu còn có pháo chính 130 mm và hệ thống vũ khí tầm gần (CIWS) Type 730. Các tàu này dự kiến sẽ sớm được trang bị thêm tên lửa đạn đạo chống hạm và trở thành tàu chủ lực trong các nhóm tác chiến tàu sân bay tương lai của Trung Quốc. Type 055 cũng có thể mang theo hai máy bay trực thăng hạng trung.
Type 055 đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm siêu thanh YJ-21 (ASBM) và một tên lửa khác có một phương tiện tái chiến cơ động (MaRV).
Trong khi đó, Hải quân Hoa Kỳ không có khả năng phòng thủ trước tên lửa siêu thanh. Nó cũng không có tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh (ASCM). Việc thiếu các lựa chọn an ninh nhiều lớp khiến các tàu Mỹ có nguy cơ thất bại nhanh chóng trong một cuộc chiến trên biển. Trung Quốc có thể dễ dàng phá hủy mẫu hạm của chúng ta, cùng các tàu tuần dương và khu trục đi kèm bằng các tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Hai tàu tuần dương mới của Trung Quốc, mang tên An Sơn và Vô Tích, đã gia nhập lực lượng hải quân lớn nhất thế giới về số lượng tàu của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN). Nó có 355 tàu chiến và tàu ngầm, theo báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ trước Quốc hội. Hải quân Hoa Kỳ chỉ có 298 chiếc.
Hạm đội của Mỹ sẽ giảm xuống còn 280 vào năm 2027, trong khi hạm đội của Trung Quốc sẽ tăng lên 436.
Ngành công nghiệp đóng tàu hải quân của Mỹ không có đủ cơ sở vật chất để thiết kế, cung cấp, đóng tàu và bảo dưỡng, khiến những con tàu chiến trị giá hàng tỷ USD của chúng ta phải ‘nghỉ hưu’ nhanh hơn so với khả năng đóng mới.
Được trang bị tên lửa YJ-21 và MaRV, Type 055 có thể tiêu diệt các tàu tuần dương và tàu khu trục bị cô lập của Mỹ mà không bị trừng phạt. Máy bay siêu thanh YJ-21 có tầm hoạt động lên tới 930 dặm. Type 055 có 112 ô phóng thẳng đứng.
Bắc Kinh tin rằng, đôi khi cách phòng thủ tốt nhất là tấn công, do đó không ngừng thúc đẩy PLAN trở thành lực lượng hải quân số một toàn cầu. Nó đang nhanh chóng chuyển từ vị thế tập trung vào “vùng biển gần” sang “vùng biển xa” và sẽ có ít nhất năm nhóm tấn công tàu sân bay — mỗi nhóm bao gồm tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu ngầm — vào năm 2035.
Một bước phát triển quan trọng của Type 055 là khả năng phòng thủ tên lửa, bao gồm cả việc chống lại các tên lửa chống hạm cận âm do Hải quân Mỹ triển khai, vốn không có tên lửa chống hạm siêu thanh.
PLAN hiện có 5 chiếc Type 055 và có kế hoạch tăng số lượng đó lên 8 chiếc “trong đợt đầu tiên”, theo tờ South China Morning Post.
PLAN gọi chiếc Type 055 nặng 12.000 tấn là “tàu khu trục”. So sánh nó với tàu khu trục lớp Zumwalt 15.000 tấn của Hải quân Mỹ với nhiệm vụ có phần ‘lạc hậu’ là bắn phá các mục tiêu trên bờ. Chỉ riêng việc trục trặc động cơ và chi phí vượt mức đã khiến 32 tàu dự kiến nay chỉ còn 3 chiếc.
Mỗi tàu Zumwalt mới hiện tiêu tốn 4,5 tỷ USD, so với 1,9 tỷ USD của tàu Arleigh Burke. Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc là, Zumwalt thiếu đạn, ngư lôi chống tàu ngầm và có “ít ô chứa tên lửa tấn công trên bộ hơn các tàu khu trục Arleigh-Burke (96), tàu tuần dương lớp Ticonderoga (122) và tàu ngầm tên lửa hành trình lớp Ohio (144) – tất cả đều rẻ hơn nhiều”.
Trong khi đó, các quan chức quân sự ở Lầu Năm Góc đang cố gắng thuyết phục Quốc hội cho tất cả 22 tàu tuần dương Mỹ ‘nghỉ hưu’ trong 10 năm tới để thay thế bằng Arleigh Burkes. Hiện đại hóa một tàu tuần dương hiện có để duy trì hoạt động trong 10 năm nữa có thể tốn ít nhất 200 triệu USD.
Theo tờ Guardian, ngân sách quốc phòng được cho là 813 tỷ USD của Mỹ, “nhiều hơn ngân sách của 11 quốc gia cộng lại”, sẽ không chuyển thành sức mạnh tương đối khi ngân sách quốc phòng 230 tỷ USD của Trung Quốc đang mở rộng lĩnh vực hải quân, trong khi chúng ta lại thu hẹp về phương diện này.
Chính quyền ông Biden đang thu hẹp kế hoạch của chính quyền tiền nhiệm về việc cắt giảm số lượng tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN) từ 78 xuống còn 66 chiếc. Đây được cho là một phần gây ra vấn đề.
Lầu Năm Góc đã thất bại trong nhiều năm, lặp đi lặp lại lời khuyên từ các chỉ huy hạm đội Hải quân Mỹ trong việc cải thiện việc bảo trì, kéo dài tuổi thọ của các tàu hiện có, phát triển và triển khai tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh để bảo vệ chúng ta trước kẻ thù.
Như Đại úy Hải quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu James Fanell, cựu giám đốc tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, đã nhận định rằng vụ đánh chìm tàu tuần dương hàng đầu của Nga, Moscow, bởi hai tàu ASCM lỗi thời của Ukraine là những bài học đắt giá cho chúng ta.
“Không quá gay gắt khi nói rằng, sự thất bại của các quan chức quốc phòng trong công tác chuẩn bị cho Hải quân Hoa Kỳ để đối phó với mối đe dọa ASCM, tương đương với việc đưa hạm đội đến bờ hủy diệt và chắc chắn thất bại trong các hoạt động tác chiến cường độ cao”, ông cho biết vào ngày 22/4.
Ông Fanell cho biết trong một email: “Chúng ta không có nhà máy đóng tàu để tăng sản lượng, vì vậy chúng ta phải tăng cơ sở hạ tầng đóng tàu của quốc gia, có nghĩa là cần khuyến khích ngành công nghiệp an ninh quốc gia quan trọng này. Điều đó cần có thời gian, ngay cả khi chúng ta bắt đầu một cách nghiêm túc từ hôm nay. Tuyến hàng đầu của USN hướng tới 280 tàu, lệch 180 độ so với những gì mà các nhà lãnh đạo USN và các cựu SECDEF đã kêu gọi là Hải quân 350 tàu có người lái hoặc thậm chí là Hải quân 500 tàu có người lái và không người lái”.
Ông nói thêm: “Trong thập kỷ qua, Hải quân Hoa Kỳ đã đầu tư và trang bị các hệ thống phòng thủ được thiết kế để đánh lừa và đánh bại các tên lửa ASCM (siêu âm hoặc cận âm) và ASBM của đối phương”.
“Nhưng điều khiến chúng ta đã thất bại trong lĩnh vực này là dòng ASCM siêu thanh, có thể được phóng từ tàu, tàu ngầm và máy bay. Vấn đề cơ bản là ban lãnh đạo USN trong hai thập kỷ qua đã kiên quyết từ chối đầu tư vào các ASCM tầm xa, siêu thanh như một hệ thống vũ khí tấn công chính. Thay vào đó, họ chỉ dựa vào các tàu sân bay và tàu ngầm tấn công nhanh tiến hành các cuộc tấn công ‘tiến từ biển’ trên đất liền, thay vì xây dựng một hạm đội có thể chiến đấu và giành chiến thắng trong một cuộc chiến trên biển”, ông Fanell viết.
Trung Quốc và Nga đã khiến Mỹ hết lần này đến lần khác kinh ngạc vì hành động gây hấn của họ ở Ukraine và Biển Đông. Sự răn đe đã thất bại, bất chấp vũ khí hạt nhân và niềm tự hào về hệ thống phòng thủ công nghệ cao của chúng ta.
Những gì Nga đang làm với Ukraine thì Trung Quốc cũng có thể làm với Hoa Kỳ. Ngay cả khi Trung Quốc có thua đi chăng nữa, thì chúng ta có thể mất nhiều thành phố hơn trong quá trình này. Một cuộc tấn công bất ngờ lớn nhằm vào quân đội Mỹ nói chung và Hải quân nói riêng, phải được lên kế hoạch và răn đe ở mức độ chi tiết hơn là chỉ đơn giản nhận định về khả năng răn đe hạt nhân.
Chúng ta cần phải có khả năng chiến đấu và giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thông thường chống lại Nga và Trung Quốc, điều này sẽ ngăn chặn họ và cuối cùng là giữ cho họ không leo thang thành chiến tranh hạt nhân.
Nếu không có việc răn đe mạnh mẽ hơn thì Mỹ sẽ phải chuẩn bị cho chủ nghĩa ‘bành trướng’ của Bắc Kinh, có thể dẫn đến các tàu hải quân có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở ngoài khơi các bờ biển của Mỹ, Alaska và Hawaii chỉ trong vài năm tới. Họ có thể cập cảng Cuba, Venezuela, Tây Phi, Azores, Pakistan và Sri Lanka, cùng những nơi khác. Họ đã có quyền ‘truy cập’ tạm thời vào Quần đảo Solomon và quyền ‘truy cập’ vĩnh viễn vào Djibouti.
Vào thời điểm ĐCS Trung Quốc có được từ năm nhóm tấn công tàu sân bay trở lên, đó cũn là lúc nó có thể bảo vệ đế chế thương mại toàn cầu của mình. Rất ít nền dân chủ có thể chống lại sự thống trị toàn cầu và tuyệt đối của ĐCS Trung Quốc vào thời điểm đó.
Để khắc phục vấn đề này, trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang suy giảm, gấp khoảng 10 lần so với nền kinh tế của Nga, chúng ta phải tiếp tục ngăn chặn khả năng tích lũy vũ khí của nước này. Và chúng ta cần tăng cường khả năng phòng thủ của mình bằng cách tăng gấp đôi hoặc gấp ba nỗ lực về phương diện này. Đương nhiên, đi kèm với nó là ngân sách quốc phòng cũng cần phải tăng gấp đôi hoặc gấp ba. Sau đó, chúng ta cần sử dụng quân đội của mình để bảo vệ không gian thay vì liên tiếp lùi lằn ranh đỏ về các thành phố thủ đô của chúng ta.
Đó là những chi phí và rủi ro đáng tiếc để có thể bảo vệ nền dân chủ một cách hiệu quả và ngăn chặn một cuộc chiến tranh đang diễn ra. Nó đòi hỏi sự đoàn kết và kiên trì, nhưng cần phải được thực hiện ngay, vì nền kinh tế của chúng ta không phải lúc nào cũng có thể duy trì – với tình hình ngân sách quốc phòng như hiện tại.
Bây giờ là lúc để ngăn chặn ĐCS Trung Quốc. Hoặc bây giờ, hoặc không bao giờ. Thời gian là hữu hạn.
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics – nhà xuất bản của The Journal of Political Risk(Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power (Tập trung quyền lực) – xuất bản năm 2021, và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Quyền lực lớn, chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông) – xuất bản năm 2018.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times