Huyền Anh
Quân đội Ukraine đã cảnh báo người dân vào ngày 28/4 rằng, Nga đang gia tăng các cuộc tấn công trên khắp đất nước ở “tứ phía”. Cuộc chiến tại miền Đông Ukraine đang bước vào giai đoạn quan trọng trong bối cảnh Nga đang tăng cường triển khai thêm các đơn vị chiến đấu còn lực lượng Ukraine cố gắng nắm giữ các tuyến phòng thủ.
Trong một tuyên bố, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết Nga đang đẩy mạnh cuộc tấn công quân sự nặng nề nhất ở miền đông nước này.
Chiến thuật thay đổi
“Kẻ thù đang gia tăng nhịp độ của cuộc tấn công. Lực lượng chiếm đóng của Nga đang nã đạn dữ dội ở tất cả các hướng”, quân đội nước này cho biết ngày 28/4.
“Những kẻ chiếm đóng Nga tiếp tục chịu tổn thất trên bộ”, tuyên bố cho biết. “Chỉ riêng tại khu vực Donetsk và Luhansk, 6 cuộc tấn công của kẻ thù đã bị đẩy lùi trong vòng 24 giờ qua, 5 xe tăng, một hệ thống pháo binh, 22 xe bọc thép, một ô tô và một súng phòng không đã bị phá hủy”.
Ở mặt trận phía Đông
Hôm 27/4, quân đội Ukraine thừa nhận mất quyền kiểm soát đối với một số thị trấn và làng mạc ở miền Đông khi Nga tăng cường các mũi tiến công tại khu vực. Theo một người phát ngôn của quân đội Ukraine, các trận đánh quyết liệt đang diễn ra ở 3 phía.
Điện Kremlin tuyên bố mục tiêu là đảm bảo an ninh cho tất cả các khu vực Lugansk và Donetsk. Quân đội Nga cũng đang chú ý đến một hành lang nối lục địa Nga với Bán đảo Crimea dọc theo bờ biển Ukraine.
Tại khu vực Donetsk, trọng tâm của Nga là giành quyền kiếm soát 2 thị trấn quan trọng là Sloviansk và Kramatorsk từ tay các lực lượng Ukraine. Hai khu vực này trước đây từng nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai trong một thời gian ngắn vào năm 2014. Các đơn vị Nga đang cố gắng tiến về Sloviansk và Kramatorsk từ 3 hướng. Trong một số tuyên bố mới nhất, Bộ Quốc phòng Nga cho biết chiến dịch tấn công đang được đẩy mạnh với sự yểm trợ từ trên không.
Một yếu tố khác cần chú ý trong bước tiến của Nga có thể là ở phía Bắc khu vực Donbass. Người Ukraine không có các vị trí phòng thủ cố định ở đó, vì họ đã xây dựng các tuyến phòng thủ ở Donetsk và Lugansk dọc theo giới tuyến kể từ cuộc xung đột năm 2014. Những tuyến phòng thủ này đặt ra nhiều thách thức với các lực lượng Nga, bởi chúng rất kiên cố bất chấp việc hứng chịu các cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo kích trong nhiều tuần.
Mặt trận phía Nam
Không chỉ riêng Donbass, mặt trận phía Nam ở Ukraine cũng rất dữ dội. Bộ tư lệnh miền Nam của quân đội Ukraine ngày 27/4 cho biết, các đơn vị Nga đang tập hợp lại và tiến hành trinh sát đường không khi họ cố gắng cải thiện vị trí chiến thuật của mình. Giao tranh ác liệt đã diễn ra ở phía Bắc khu vực Mykolaiv trong nhiều ngày.
Trong hai ngày qua, một vùng nước ở phía Tây Nam Ukraine cũng bị cuốn vào cuộc xung đột, sau khi xảy ra các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào cây cầu đường sắt và đường bộ nối thành phố cảng Odessa của Ukraine với phía Tây Nam của nước này. Cây cầu bị tấn công khiến đường kết nối duy nhất giữa Odessa và phần còn lại của đất nước bị cắt đứt.
Nhìn chung, sau khi rút khỏi phía Bắc và Kyiv, các lực lượng Nga đang cố gắng đánh bại Ukraine dọc theo chiến tuyến kéo dài hàng trăm dặm: từ miền Đông Ukraine đến sâu vào lãnh thổ phía Nam. Truyền thông nhà nước Nga TASS dẫn lời Tướng Minnekaev – quyền tư lệnh Quân khu Trung ương của quân đội Nga, cho biết: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng của quân đội Nga là thiết lập quyền kiểm soát toàn bộ đối với vùng Donbass và miền Nam Ukraine. Đạt được điều này sẽ cho phép Nga thiết lập một hành lang trên đất liền tới Crimea”.
Một số nhà phân tích cho rằng, trước mắt, nhiều khả năng Nga muốn tăng tốc chiến dịch quân sự tại phía Đông và phía Nam Ukraine để đạt được một số kết quả thực tế trước Lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng (9/5). Nhưng điều này không dễ dàng bởi sự kháng cự mạnh mẽ từ phía Ukraine. Kyiv hiện giờ đang tiếp nhận hàng loạt vũ khí của phương Tây và thay đổi chiến thuật để có thể chống chọi với cuộc tấn công của Nga.
Hoa Kỳ tăng cường viện trợ 33 tỷ USD cho Ukraine
Ngày 28/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Quốc hội thông qua gói viện trợ trị giá 33 tỷ USD cho Ukraine. Ông nói rằng cần phải có kinh phí để người dân Ukraine có thể tiếp tục ngăn chặn các lực lượng của Nga trong cuộc xâm lược kéo dài hai tháng.
Trong bài phát biểu của mình, ông Biden nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không tấn công Nga. Thay vào đó, Hoa Kỳ đang “giúp Ukraine tự vệ trước sự xâm lược của Nga”, ông nói. Trước đó, ông Biden tuyên bố sẽ không triển khai quân đội Mỹ ở Ukraine để chống lại lực lượng Nga, tránh làm leo thang cuộc xung đột.
“Cái giá phải trả của cuộc chiến này không hề rẻ, nhưng việc khuất phục trước sự xâm lược sẽ tốn kém hơn nếu chúng ta cho phép điều đó xảy ra”, ông Biden nói trong một bài phát biểu trực tiếp vào ngày 28/4. “Chúng tôi hoặc sẽ ủng hộ người dân Ukraine bảo vệ đất nước của mình, hoặc đứng nhìn khi người Nga tiếp tục hành động tàn bạo và gây hấn ở Ukraine”.
Trước bài phát biểu của ông Biden, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với truyền thông Nga rằng Nga sẽ trả đũa bất kỳ quốc gia nào thay mặt Ukraine can thiệp trong cuộc xung đột này. Bà không nói rõ về những hành động mà Moscow có thể thực hiện.
Phương Tây đã tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine trong những ngày gần đây khi các cuộc giao tranh ở miền đông nước này ngày càng gia tăng. Hơn 40 quốc gia đã gặp nhau trong tuần này tại một căn cứ không quân của Mỹ ở Đức và cam kết gửi vũ khí hạng nặng như pháo binh tới cuộc chiến rộng lớn của các đội quân đối lập dọc theo một chiến tuyến được củng cố vững chắc trên địa hình bằng phẳng.
Hiện Washington cho biết, họ hy vọng các lực lượng Ukraine không chỉ có thể đẩy lùi cuộc tấn công của Nga ở phía đông mà còn làm suy yếu quân đội của họ. Nga nói rằng điều đó tương đương với việc NATO tiến hành “chiến tranh ủy nhiệm” chống lại nó và đã đưa ra một số lời đe dọa trả đũa không xác định trong tuần này.
Chiến tranh ủy nhiệm là một cuộc xung đột vũ trang giữa hai quốc gia hoặc các chủ thể phi quốc gia hoạt động vì sự xúi giục hoặc nhân danh trung lập các bên khác không liên quan trực tiếp đến chiến sự. Để một cuộc xung đột được coi là một cuộc chiến ủy nhiệm, phải có mối quan hệ trực tiếp, lâu dài giữa các tác nhân bên ngoài và những người hiếu chiến có liên quan. Mối quan hệ đã nói ở trên thường có các hình thức tài trợ, huấn luyện quân sự, vũ khí hoặc các hình thức hỗ trợ vật chất khác giúp các bên duy trì nỗ lực cho cuộc chiến tranh của mình.
Nga tuyên bố sẽ phản ứng ‘nhanh như chớp’ trước các mối đe doạ
Đầu tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng nếu các nước phương Tây can thiệp vào cuộc xung đột, Moscow sẽ đưa ra phản ứng “nhanh như chớp”.
Tổng thống Putin vừa cảnh báo các lực lượng bên ngoài không được can thiệp vào cuộc xung đột Ukraine và sẽ có hậu quả nếu đe dọa chiến lược với Nga.
Ông Putin cũng tuyên bố sẽ có phản ứng “nhanh như chớp” đối với những hành động như vậy bằng việc sử dụng các vũ khí tiên tiến nhất của Nga.
“Nếu ai đó từ bên ngoài quyết định can thiệp vào các sự kiện đang diễn ra tại Ukraine, tạo ra những mối đe dọa chiến lược không thể chấp nhận được với chúng tôi, họ nên biết rằng những đòn tấn công sắp diễn ra sẽ nhanh chóng và chớp nhoáng”, ông Putin nêu rõ trong bài phát biểu trước các nhà lập pháp Nga ngày 27/4.
Lãnh đạo Nga nói thêm: “Chúng tôi có tất cả các công cụ để làm điều này. Những công cụ mà không ai khác, ngoài trừ chúng tôi có được. Nhưng chúng tôi sẽ không khoe khoang. Chúng tôi sẽ chỉ sử dụng chúng nếu cần”.
Một số báo phương Tây cho rằng ông Putin đang ám chỉ đến tên lửa xuyên lục địa ICBM mới được thử thành công trong vài ngày trước.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times