Cách đây không lâu, Giáo sư Tommy Koh, nhà ngoại giao Singapore và một chuyên gia luật quốc tế hàng đầu của nước này đã có bài viết với tựa đề “Chiến Tranh Ở Ukraina – Bóc Tách Sự Thật Khỏi Giả Dối” đăng trên Straitstimes. Ông đã từng là Chủ tịch Hội nghị lần thứ ba của Liên hợp quốc về Luật Biển và Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tại Nga, Estonia, Latvia và Litva. Sau đây là nội dung bài viết của ông đã được nhóm Đại sử ký Biển Đông chuyển ngữ.
Cô bé 7 tuổi Amelia Anisovych đã hát quốc ca Ukraina trong một buổi hoà nhạc từ thiện cho Ukraina ở Ba Lan. Anisovych được biết đến trên khắp thế giới sau khi một video cô hát bài ‘Let it go’ của Disney trong một hầm tránh bom ở Ukraina lan truyền trên mạng xã hội.
Có một sự thật rằng Nga đang sử dụng một câu chuyện ngụy tạo để bào chữa cho cuộc xâm lược mà Nga gây ra đối với một quốc gia có chủ quyền.
Vào ngày 24 tháng 2, Nga bắt đầu một “hoạt động quân sự đặc biệt” nhắm vào nước láng giềng Ukraina. Kể từ đó, chúng ta là nhân chứng của hai cuộc chiến: Một cuộc chiến trên chiến trường và một cuộc chiến trên các phương tiện truyền thông.
Nga, dưới sự hỗ trợ của Trung Quốc, đã thực hiện một chiến dịch tuyên truyền hiệu quả để thuyết phục người dân thế giới rằng Nga không phải là kẻ xâm lược và thủ phạm là NATO. Thật tiếc phải nói rằng nhiều người Singapore đã tin vào câu chuyện của Nga.
Tôi tin rằng có sự khác biệt giữa bằng chứng và ngụy tạo, giữa sự thật và giả dối. Tôi nhận thức được rằng mỗi người đều có quyền có quan điểm của mình, và quyền này được bảo vệ, nhưng điều này không áp dụng cho những dữ kiện mà anh ta đưa ra.
Tôi đồng ý rằng có nhiều quan điểm khác nhau về cuộc chiến ở Ukraina nhưng không phải tất cả các quan điểm đều có giá trị như nhau. Có những quan điểm được hỗ trợ bởi bằng chứng và luật pháp, và những quan điểm khác thì không. Không có sự tương đương về đạo đức giữa đúng và sai. Ukraina có phải là một quốc gia độc lập, có chủ quyền không?
Với Nga, Ukraina không phải là một quốc gia có chủ quyền và độc lập. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: “Ukraina chưa bao giờ có tính quốc gia thực sự. Chưa bao giờ có một trạng thái quốc gia bền vững ở Ukraina”.
Thực tế là Ukraina đã trở thành một quốc gia độc lập vào ngày 24 tháng 8 năm 1991. Nga công nhận nền độc lập của Ukraina và ủng hộ việc Ukraina xin gia nhập Liên Hợp Quốc.
Năm 1994, Nga đã ký Bản ghi nhớ Budapest về Đảm bảo An ninh. Nga, cùng với Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, đảm bảo với Ukraina rằng các quốc gia này sẽ bảo vệ Ukraina khỏi bất kỳ mối đe dọa nào đối với sự toàn vẹn lãnh thổ Ukraina.
‘Hoạt động quân sự đặc biệt’ của Nga
Nga đã gọi cuộc xâm lược Ukraina là “một hoạt động quân sự đặc biệt”. Tôi nhận thấy rằng một số quốc gia Châu Á đã phủ nhận gọi đó là một cuộc xâm lược hay chiến tranh.
Sự thật là thuật ngữ “hoạt động quân sự đặc biệt” là một thủ thuật về ngữ nghĩa. Trong thực tế, nó là một cuộc xâm lược và là một cuộc chiến tranh. Cuộc chiến đang diễn ra vô cùng tàn khốc và vi phạm rõ ràng luật nhân đạo quốc tế.
Tòa án Hình sự Quốc tế đã bắt đầu cuộc điều tra để xác định xem Nga có phạm tội ác xâm lược, tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội ác diệt chủng hay không.
Có phải lỗi ở NATO?
Nga và Trung Quốc cho rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương là thủ phạm. Lập luận họ đưa ra là NATO lẽ ra không nên mở rộng thành viên sau Chiến tranh Lạnh. Nga cảm thấy bị đe dọa bởi sự mở rộng này. Nếu Ukraina không nộp đơn gia nhập NATO, Nga đã không thực hiện “hoạt động quân sự đặc biệt” để bảo vệ an ninh quốc gia.
Bản tường thuật của Nga và Trung Quốc đổ lỗi cho NATO về cuộc chiến ở Ukraina không được dữ kiện thực tế ủng hộ.
NATO là một liên minh an ninh tập thể với mục tiêu chính là tự vệ tập thể. Theo Điều 5 của Hiệp ước Đại Tây Dương, một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên là cuộc tấn công vào tất cả các quốc gia thành viên Hiệp ước.
Các quốc gia từng bị Nga cai trị, thuộc Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết, muốn tham gia trật tự NATO để bảo vệ an ninh quốc gia. Các quốc gia này sợ sẽ bị Nga tấn công.
Có luật hay nguyên tắc nào cấm các nước láng giềng của Nga gia nhập NATO không? Câu trả lời là không. Là các quốc gia có chủ quyền và độc lập, các quốc gia được tự do quyết định số phận của mình. Chỉ vì đã từng bị Nga cai trị không có nghĩa là các quốc gia sẽ phải sống mãi dưới ách thống trị của Nga.
Trong trường hợp của Ukraina, Nga thực sự đã ký một văn bản, vào năm 1999, thừa nhận quyền lựa chọn hoặc thay đổi các thỏa thuận an ninh của Ukraina. Điều này đã được nêu trong Tài liệu Istanbul của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu u.
Năm 1993, tôi làm Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc tại Nga, Estonia, Latvia và Litva. Tôi đã khuyên ba quốc gia vùng Baltic nộp đơn gia nhập Liên minh Châu u vì lợi ích kinh tế của và gia nhập NATO vì lợi ích an ninh. Tôi đã sai khi cho các quốc gia này những lời khuyên như vậy chẳng? Tôi có nên hỏi ý kiến Moscow trước không?
Tôi nghĩ điểm mấu chốt là thế này: Các nước láng giềng của Nga, bao gồm Ukraina và Gruzia, là những quốc gia có chủ quyền và độc lập. Họ được tự do quyết định số phận của mình và Nga không có quyền can thiệp vào quyết định đó.
Sự thật thì NATO không có lỗi. Điểm mấu chốt của vấn đề là Nga đã không chấp nhận thực tế rằng họ đã mất đế chế trước đây. Tổng thống Putin muốn những nước láng giềng theo phe Nga mà không phải theo phương Tây. Nếu không thuyết phục được nước láng giềng, Putin sẵn sàng dùng vũ lực để áp đặt ý chí của mình.
Các nước nhỏ có nên trung lập không?
Tôi muốn giải quyết một lập luận khác được người Singapore ủng hộ trên mạng xã hội. Lập luận cho rằng, là một quốc gia nhỏ, Singapore không nên đứng về phía nào và phải là trung lập. Lẽ ra, Singapore không nên áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Có hai điểm trong lập luận này mà tôi muốn phản hồi. Điểm đầu tiên là về vai trò của các nước nhỏ. Các nước nhỏ cần sự bảo vệ của Liên Hợp Quốc, nguyên tắc Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế hơn các nước lớn.
Do đó, các nước nhỏ phải lên tiếng bất kì khi nào các nguyên tắc đó bị vi phạm. Singapore đã khá nhất quán trong việc lên án Liên Xô xâm lược Afghanistan, và Hoa Kỳ xâm lược Greneda.
Điểm thứ hai là về sự trung lập. Ở đây tôi muốn trích dẫn điều mà Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của chúng ta, ông S. Rajaratnam, đã nói trong bài phát biểu của ông trước Liên Hợp Quốc vào ngày 21 tháng 9 năm 1965.
Ông Rajaratnam nói: “Sự không liên kết chỉ được đặt trong mối quan hệ với những lợi ích của khối quyền lực hẹp và không nằm trong mối quan hệ với các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Thực hiện không liên kết với các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương là phá hủy sự toàn vẹn và hiệu quả của Liên Hợp Quốc mà những nước nhỏ như đất nước của chúng tôi đặt hy vọng.”
Tóm lại, các nước nhỏ không thể giữ im lặng khi các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc bị vi phạm. Chúng ta phải bảo vệ những nguyên tắc đó. Chúng ta phải lên tiếng bất cứ khi nào những nguyên tắc này bị xâm phạm.
Chính sách của chúng ta là kết thân với tất cả các cường quốc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta có thể trung lập khi bất kỳ quốc gia nào trong số đó vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Như ông Rajaratnam đã nói, chúng ta không thể trung lập về các vấn đề liên quan đến các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương.