Thủ tướng Solomon: Phản ứng trước hiệp ước an ninh Bắc Kinh là ‘quá khích’

Daniel Y. Teng

Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare (bên trái) nói chuyện với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi họ chuẩn bị duyệt đội danh dự trong một lễ nghênh đón tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 09/10/2019 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Wang Zhao/AFP qua Getty Images)

Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon đã tìm cách biện minh cho một hiệp ước an ninh gây tranh cãi với Bắc Kinh, nói rằng chính phủ của ông đã không phản ứng “một cách quá khích” trước thỏa thuận AUKUS (Úc-Anh-Mỹ) khi nó được công bố.

Thủ tướng Manasseh Sogavare của Solomon đang phải đối mặt với sự dò xét và áp lực về một hiệp ước an ninh với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn có thể mở cho Bắc Kinh cơ hội đồn trú quân đội và vũ khí trong khu vực này.

Trình bày trước Quốc hội Quần đảo Solomon, ông Sogavare đã có một bài diễn văn đầy nộ khí khác để biện hộ cho hiệp ước này, đồng thời cáo buộc Úc đã không thông báo cho ông về thỏa thuận ba bên AUKUS giữa Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.

Thỏa thuận trên đã được công bố trong một thông báo bất ngờ và Úc sẽ được trang bị tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để đối phó với một Bắc Kinh hung hăng hơn.

Ông Sogavare nói, “Tôi đã biết về hiệp ước AUKUS trên các phương tiện truyền thông. Nước này mong đợi rằng với tư cách là một thành viên của gia đình Thái Bình Dương, Quần đảo Solomon và các thành viên của Thái Bình Dương nên được tham vấn để bảo đảm hiệp ước AUKUS này là minh bạch.”

“Khi Úc tham gia vào AUKUS, chúng tôi đã không cường điệu hay quá khích về những tác động mà điều này sẽ gây ra cho chúng tôi,” ông nói thêm. “Chúng tôi đã tôn trọng quyết định của Úc.”

Thủ tướng Úc Scott Morrison phủ nhận việc ông Sogavare không biết gì về AUKUS đồng thời nói rằng toàn bộ giới lãnh đạo của các đảo quốc Thái Bình Dương đã được thông báo sau khi có thông báo chính thức.

“Tôi đã thực hiện cuộc trò chuyện đó … và tại cuộc thảo luận ngày hôm đó không có vấn đề nào được đưa ra,” ông nói với các phóng viên hôm 29/04. “Khi thời gian trôi qua và các mối liên hệ mới được bắt đầu, rõ ràng là trong quan điểm mà thủ tướng Quần đảo Solomon đưa ra đã phải chịu một số ảnh hưởng khác.”

Ông cũng nói rằng có một “sự tương đồng lớn giữa những tuyên bố đó và những tuyên bố của chính phủ Trung Quốc.”

Ông Morrison đã nhấn mạnh việc Úc sẽ tiếp tục thể hiện vai trò của mình tại tại quốc gia Thái Bình Dương này, ông nói: “Úc là đối tác an ninh chính của họ trong khu vực này. Chúng tôi là đối tác tối quan trọng.”

Thủ tướng Úc đã tuyên bố thẳng thắn rằng “sẽ không có căn cứ quân sự nào” trong khu vực này, đồng thời cảnh báo đây sẽ là một “lằn ranh đỏ” đối với chính phủ của ông.

Tòa Bạch Ốc cũng đã cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ “đáp trả thích đáng” nếu Bắc Kinh thiết lập sự hiện diện quân sự ở Nam Thái Bình Dương sau chuyến thăm của điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ Kurt Campbell, nơi họ cũng gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo và các thành viên chủ chốt của phe đối lập chính trị.

Các chuyên gia đã cảnh báo rằng một hiệp ước an ninh được thực hiện đầy đủ giữa Quần đảo Solomon và Bắc Kinh có thể dẫn đến căng thẳng địa chính trị trong khu vực này tương tự như khu vực Biển Đông. Solomon đã từng là địa điểm diễn ra các cuộc giao tranh khốc liệt trong Đệ nhị Thế chiến — Trận Guadalcanal — vì vị trí quan trọng và ảnh hưởng của nơi này đối với các tuyến đường biển sống còn.

Thủ tướng Morrison cũng ám chỉ rằng các quốc gia Thái Bình Dương khác cũng phải đối mặt với “áp lực” tương tự để thông qua một hiệp ước an ninh với Bắc Kinh.

“Quý vị nghĩ rằng sẽ không có áp lực nào diễn ra ở Papua New Guinea giống như ở Quần đảo Solomon sao? Tất nhiên là có. Điều đó đang xảy ra ở tất cả các quốc gia đó,” ông nói với các phóng viên hôm 20/04.

Bắc Kinh trước đây đã thể hiện sự quan tâm đến khu tự trị Bougainville ở Papua New Guinea, được cho là đã cung cấp 1 tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực này dưới ngọn cờ của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Bougainville cũng đang ly khai khỏi Papua New Guinea, tiến gần hơn đến việc trở thành một quốc gia độc lập vào năm 2027.

Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại daniel.teng@epochtimes.com.au.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts