Thu mình trong mê cung của các hầm trú ẩn được thiết kế từ thời Liên Xô, ngay bên dưới những công trình của nhà máy thép Azovstal rộng lớn, cô Natalia Usmanova cảm thấy tim mình như ngừng đập, vô cùng sợ hãi khi bom đạn Nga dội xuống Mariupol khiến bụi bê tông bám đầy lên người cô.
Sau khi được sơ tán khỏi nhà máy Azovstal, vào ngày 1/5, cô Usmanova, 37 tuổi đã mô tả với phóng viên tờ Reuters về một khu phức hợp rộng lớn được xây dựng từ thời cựu độc tài Joseph Stalin, và được thiết kế theo một mạng lưới các đường hầm trong lòng đất nhằm đối phó với các cuộc tấn công
Cô Usmanova kể lại: “Tôi sợ rằng hầm trú ẩn sẽ không chịu được nó [các cuộc tấn công] – tôi đã có một nỗi sợ hãi khủng khiếp.”
“Khi hầm trú ẩn bắt đầu rung chuyển, tôi đã trở nên loạn trí, chồng tôi có thể xác nhận điều đó: Tôi đã rất lo lắng rằng hầm trú sẽ bị sập.”
“Đã rất lâu rồi chúng tôi đã không nhìn thấy mặt trời”, cô Usmanova phát biểu tại làng Bezimenne, một khu vực thuộc Donetsk dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn, cách Mariupol khoảng 30km về phía đông.
Cô nhớ lại tình trạng thiếu dưỡng khí trong các hầm trú và nỗi sợ hãi đã đeo bám cuộc sống của những người ẩn náu trong đó.
Cô Usmanova nằm trong số hàng chục dân thường được sơ tán khỏi nhà máy ở Mariupol, một thành phố cảng phía nam đã bị quân Nga bao vây trong nhiều tuần và giờ chỉ còn là một bãi đất hoang.
Cô kể lại, khi được đoàn xe của Liên Hợp Quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) đưa ra ngoài, cô đã nói đùa với chồng rằng họ sẽ không còn phải đi vào nhà vệ sinh bằng một ngọn đuốc nữa.
“Các bạn không thể tưởng tượng được những gì chúng tôi đã trải qua – một nỗi kinh hoàng”, cô Usmanova chia sẻ: “Tôi đã sống ở đó, làm việc cả đời ở đó (Mariupol), nhưng những gì chúng tôi chứng kiến thật khủng khiếp.”
Vy An (Theo Reuters)