Huyền Anh
Câu chuyện về một phi công được mệnh danh là “Bóng ma của Kyiv” (Ghost of Kyiv) được lan truyền là đã bắn rơi hơn 40 máy bay Nga, đã được quân đội Ukraine xác nhận là một ‘huyền thoại siêu anh hùng’ và không có thật.
Quân đội Ukraine cho biết, người hùng bí ẩn trong chiến tranh của Ukraine được ca ngợi là “Bóng ma của Kyiv” (Ghost of Kyiv) không những không tử trận trong chiến đấu mà còn không có thật.
Câu chuyện về một phi công máy bay chiến đấu của Ukraine, người được cho là đã bắn hạ được 6 máy bay chiến đấu của Nga trong một ngày đã được lan truyền trên mạng xã hội kể từ những ngày đầu của cuộc tấn công quân sự toàn diện của Nga nhằm vào Ukraine. Câu chuyện đã thu hút được sự chú ý của các phương tiện truyền thông đại chúng và các kênh truyền thông chính thống của Ukraine, bao gồm các tài khoản Twitter của chính phủ Ukraine và cựu tổng thống Petro Poroshenko.
“Mọi người gọi ông ta là Bóng ma của Kyiv, và đúng như vậy”, chính phủ Ukraine viết trên Twitter vào ngày 27/2. “Con át chủ bài này thống trị bầu trời thủ đô và đất nước của chúng tôi, và đã trở thành cơn ác mộng đối với máy bay Nga xâm lược”.
Trong hai tháng qua, nhiều người đặt câu hỏi liệu “Bóng ma của Kyiv” có thật hay không. Nhưng phải đến khi cái chết được cho là của ‘Bóng ma’ này xuất hiện trên các mặt báo, quân đội Ukraine mới thừa nhận là chưa bao giờ tồn tại một người như vậy.
Tuần trước, tờ The Times of London xác định ‘Bóng ma’ này là ông Stepan Tarabalka, một người đàn ông 29 tuổi lái máy bay chiến đấu MiG-29. Theo báo cáo, ông Tarabalka đã bắn hạ khoảng 40 máy bay Nga cho đến khi bị quân địch “áp đảo” và thiệt mạng vào ngày 13/3.
Tờ The Times ngày 29/4 dẫn lời người phát ngôn của Không quân Ukraine cho biết phi công chiến đấu có biệt danh là “Bóng ma của Kyiv” – người được cho là đã bắn rơi hơn 40 máy bay Nga – là không có thật.
Nhiều nguồn tin địa phương cho rằng thiếu tá Stephan Tarabalka (29 tuổi) là “Bóng ma của Kyiv”. Ông Tarabalka thiệt mạng ngày 13/3 khi chiếc MiG-29 của ông bị bắn rơi.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Yuriy Ignat của Không quân Ukraine đã bác bỏ thông tin ông Tarabalka là “Bóng ma của Kyiv”.
“Ông Stepan Tarabalka không phải là ‘Bóng ma của Kyiv’ và ông ấy không bắn rơi 40 chiếc máy bay. Ngày 13/3, thiếu tá Stephan Tarabalka đã anh dũng hy sinh trong một trận không chiến với lực lượng Nga vốn áp đảo về mặt số lượng. Ông ấy đã được truy tặng Huân chương Sao vàng Anh Hùng”, ông Ignat cho biết.
“Bóng ma của Kyiv” nổi tiếng khắp thế giới sau khi chính phủ Ukraine đăng video của một nghệ sĩ mô tả hình ảnh phi công chiến đấu này. Ukraine cũng tuyên bố phi công trên đã bắn rơi 6 máy bay Nga trong ngày đầu tiên Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự hôm 24/2.
Báo cáo đã khiến Không quân Ukraine làm rõ rằng ông Tarabilka đã chết trong một trận chiến, nhưng ông ta chắc chắn không phải là “Bóng ma của Kyiv”, mà là một nhân vật hư cấu được tạo ra để nâng cao tinh thần của người Ukraine trong cuộc xung đột chống lại người Nga.
“‘Bóng ma của Kyiv’ là chuyện huyền thoại anh hùng do người Ukraine tạo ra. Đây là hình ảnh đại diện cho các phi công của Lữ đoàn Không quân Chiến thuật số 40 đang bảo vệ bầu trời thủ đô. Họ luôn bất ngờ xuất hiện ở nơi không được ngờ tới”, phát ngôn viên Ignat nói thêm.
Trong một bài đăng khác trên Facebook, Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine một lần nữa xác nhận rằng “Bóng ma Kyiv là một huyền thoại siêu anh hùng”.
“Anh hùng của Ukraine Stepan Tarabalka KHÔNG PHẢI là ‘Bóng ma của Kyiv’ và ông ấy KHÔNG bắn rơi 40 máy bay”, bài đăng viết.
Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh Ukraine tiếp tục yêu cầu Mỹ cung cấp các máy bay chiến đấu của Mỹ, chẳng hạn như F-16, để giúp phủ nhận lợi thế trên không của Nga trên bầu trời Ukraine. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết Ukraine có một lực lượng không quân “chủ yếu dựa vào” máy bay do Nga sản xuất và F-16 vẫn chưa nằm trong kế hoạch viện trợ của Hoa Kỳ.
Một quan chức quốc phòng cấp cao cho biết trong một cuộc họp báo ngày 28/4, đề cập đến các cựu thành viên của sườn phía Đông và các máy bay phản lực thời Liên Xô của họ: “Chúng tôi đã cung cấp và giúp đỡ điều phối từ các quốc gia khác”.
“Tôi sẽ không suy đoán về việc giao máy bay trong tương lai theo cách này hay cách khác. Một lần nữa, đây là lực lượng Không quân chủ yếu dựa vào các máy bay cũ của Liên Xô”, quan chức này cho hay.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times