Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cáo buộc Hoa Kỳ đang cố gắng phá vỡ trật tự thế giới hiện có thông qua việc thao túng các tổ chức và liên minh quốc tế.
Trình bày trên Kênh 1 của truyền hình nhà nước Nga, hôm 26/04, Ngoại trưởng Lavrov cáo buộc chính phủ Tổng thống Biden và phương Tây không còn công nhận luật pháp quốc tế hoặc điều khoản quan trọng về bình đẳng chủ quyền giữa tất cả các quốc gia, bất chấp việc Nga gần đây xâm lược lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine.
“Họ đang cố gắng phân chia toàn bộ cấu trúc đã hình thành trong nhiều thập niên và dựa trên sự đồng thuận, sự tham gia của tất cả các bên tham gia chính, bao gồm Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc,” ông nói.
“Họ công khai tuyên bố rằng họ sẽ lãnh đạo, rằng NATO có mọi quyền để làm bất cứ điều gì họ muốn,” Ngoại trưởng Nga nói. “Tổng thư ký Jens Stoltenberg có thể tuyên bố rằng NATO chịu trách nhiệm toàn cầu về an ninh trên toàn thế giới, bao gồm cả ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Nhận xét của Ngoại trưởng Lavrov được đưa ra sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố hồi đầu tháng Tư rằng họ sẽ bắt đầu tham gia vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cả về thực tế lẫn chính trị trước ảnh hưởng và sự cưỡng ép ngày càng tăng của Bắc Kinh, cũng như việc Bắc Kinh không sẵn sàng lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Trình bày sau cuộc họp của các Ngoại trưởng NATO hôm 07/04, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết những tác động toàn cầu của cuộc xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy tổ chức này lần đầu tiên đẩy mạnh can dự với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Chúng tôi đã thấy rằng Trung Quốc không sẵn sàng lên án sự xâm lược của Nga. Và Bắc Kinh đã cùng Moscow đặt ra nghi vấn về quyền lựa chọn con đường riêng của các quốc gia,” ông Stoltenberg nói. “Đây là một thách thức nghiêm trọng đối với tất cả chúng ta. Và điều quan trọng hơn là chúng ta phải sát cánh bên nhau để bảo vệ các giá trị của chúng ta.”
Các đối tác Á Châu-Thái Bình Dương của NATO bao gồm Úc, Nhật Bản, New Zealand, và Nam Hàn.
Những ý tưởng nào sẽ thống trị thế giới?
Sự thay đổi trong lập trường của NATO đối với Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền đang thúc đẩy tham vọng 100 năm của mình là cai trị một quốc gia bá chủ toàn cầu với hệ thống xã hội chủ nghĩa mà họ kế thừa từ Liên Xô cũ, và kể từ đó đã cạnh tranh với trật tự thế giới dân chủ theo mô hình của Hoa Kỳ.
Tham vọng của Trung Quốc cũng là lý do tại sao các cường quốc tầm trung như Úc và Nhật Bản đang trở thành cường quốc khu vực ở Á Châu-Thái Bình Dương, chuyên gia an ninh quốc tế, Giáo sư John Blaxland, giáo sư nghiên cứu an ninh và tình báo quốc tế và là cựu Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng tại Đại học Quốc gia Úc cho biết.
Ông Blaxland nói với The Epoch Times rằng khi thế giới đã chuyển sang một cấu trúc đa cường quốc hơn, Hoa Kỳ trong vài năm qua đã né tránh dẫn đầu trong các diễn đàn quốc tế, điều mà ông cho rằng đã khiến các cường quốc khác cố gắng lấp đầy khoảng trống này.
“Tôi lo ngại về điều mà tôi gọi là sự rút lui trong giao tiếp của Mỹ khỏi việc hình thành ý tưởng hoặc sự lãnh đạo,” ông Blaxland nói. “Đặc biệt, đó là kiểu né tránh lãnh đạo trong các diễn đàn quốc tế và né tránh lãnh đạo trong các vấn đề kinh tế và thương mại quốc tế.”
Sự rút lui này, ông tin rằng, đã dẫn đến việc Hoa Kỳ nhượng bộ ở các khu vực như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho các quốc gia hiếu chiến như Trung Quốc. “Và điều đó rất đáng lo ngại đối với các quốc gia như Nam Hàn, Nhật Bản, Úc, Philippines và các nước khác, bao gồm cả Thái Lan.”
Nhưng mặt khác, ông Blaxland nói, việc Hoa Kỳ rút khỏi vai trò lãnh đạo ý tưởng đã chứng kiến các quốc gia khác tiến lên để lãnh đạo khu vực của họ trước các mối đe dọa ngày càng tăng từ các quốc gia như Trung Quốc.
“Bộ Tứ ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt là vai trò của Nhật Bản và Úc, góp phần giữ cho Hoa Kỳ duy trì quyết tâm của mình và bảo đảm Hoa Kỳ là một đối tác an ninh được hoan nghênh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông nói.
Tương tự như vậy, ông lưu ý rằng Úc đã trở nên vô cùng quan trọng đối với phản ứng quân sự và chính trị của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
“Về mặt địa chiến lược, và như một phương án dự phòng cho Hoa Kỳ, Úc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với các kế hoạch và dự phòng của Mỹ,” ông Blaxland nói.
Một liên minh của sự tiện lợi
Thể hiện sự tăng cường liên minh giữa chính phủ Nga và chế độ cộng sản Trung Quốc, ông Lavrov cũng cáo buộc Hoa Kỳ và các đồng minh dân chủ đang cố gắng làm suy yếu Bắc Kinh và không tôn trọng chủ quyền và quyền của Trung Quốc và Nga.
“Họ yêu cầu từ toàn thế giới, từng bước, đi một cách mù quáng theo họ và các đồng minh đã được ‘xây dựng’. Họ không thực hiện nghĩa vụ tôn trọng bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia. Trên thực tế, sự bình đẳng này bị vi phạm một cách trắng trợn, buộc mọi người phải tuân theo ‘quy tắc’ của riêng họ,” ông nói.
Bình luận của Ngoại trưởng Lavrov lặp lại quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mà từ ngày 28-29/04 đã cáo buộc NATO là một tổ chức liên tục tạo ra các cuộc đối đầu và tìm cách “làm xáo trộn” khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, theo quan điểm của ĐCSTQ về diện mạo của khu vực.
“Tác động của việc mở rộng về phía đông của NATO đối với hòa bình và ổn định lâu dài của Âu Châu rất đáng được suy ngẫm. NATO đã làm xáo trộn Âu Châu. Có phải bây giờ họ đang cố gắng làm xáo trộn Á Châu-Thái Bình Dương và thậm chí cả thế giới không?” Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết.
Trong khi đó, hôm 29/04, một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), đã tuyên bố rằng Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục hợp tác trong các vấn đề toàn cầu và đã cam kết tạo ra “một mô hình quan hệ quốc tế mới” sẽ được hình thành dựa trên các ý tưởng “không liên minh, không đối đầu, và không nhắm vào các nước thứ ba.”
Tuy nhiên, ông Blaxland tin rằng liên minh Nga-Trung sẽ không dài lâu.
“Đó là một liên minh của sự tiện lợi,” ông nói. “Đó không phải là một liên minh của sự tin tưởng.”
So sánh liên minh này với liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes) giữa Hoa Kỳ, Canada, Úc, Vương quốc Anh, và New Zealand, ông nói rằng ĐCSTQ và Nga không thể tái tạo các liên minh như vậy.
“Chúng ta là một phần của mạng lưới tin cậy qua nhiều thế hệ và điều đó không nên bị coi nhẹ. Đây là một mối quan hệ rất nghiêm túc và sâu sắc giữa năm quốc gia có một mức độ tương đồng về các giá trị và sự đan xen về các mối quan tâm của họ,” ông Blaxland nói.
Cô Victoria Kelly-Clark là một phóng viên tại Úc chuyên về chính trị quốc gia và môi trường địa chính trị ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, Trung Đông và Trung Á.
Nguyễn Lê biên dịch