Hans Yeung
Cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin đã gây ra những tác động kinh tế khác nhau trên toàn thế giới. Tại Âu Châu, đó là gián đoạn chuỗi cung ứng, rồi đến thiếu hụt các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt như dầu ăn và cà chua. Còn đối với Trung Quốc, ảnh hưởng này lại mang tính ý thức hệ nhiều hơn.
Không chỉ mỗi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền hành động trái ngược với thế giới bằng cách ủng hộ “hành động quân sự” của Nga, thậm chí còn yêu cầu trường học dạy về “tính hợp pháp” của cuộc xâm lược, mà nhiều người dân Trung Quốc bình thường được thấy là không hề có sự cảm thông với những nạn nhân là dân thường trong cuộc xâm lược này.
Nhiều người Trung Quốc đã rêu rao trên mạng internet những lời biện minh cho cuộc xâm lược, chẳng hạn như “ông Putin không còn lựa chọn nào khác,” và “Hoa Kỳ và NATO phải chịu trách nhiệm về cuộc xâm lược,” cho đến những phát ngôn vô liêm sỉ như: “Tôi rất vui khi được tiếp đón mấy cô mỹ nữ trắng trẻo vô gia cư người Ukraine.” Tuy nhiên, các bài đăng phản đối chiến tranh đã bị những người kiểm duyệt trực tuyến của nhà cầm quyền này xóa bỏ.
Chính hoàn cảnh này đã thôi thúc một số cư dân mạng Trung Quốc thành lập Phong trào Dịch thuật Vĩ đại (Great Translation Movement, GTM) để chống lại quan điểm phiến diện về cuộc chiến của Nga. Đây là một chiến dịch trực tuyến nhằm xác định những luận điệu theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của ĐCSTQ và những người ủng hộ đảng này, và đã dịch những ngôn luận đó sang Anh ngữ và các ngôn ngữ khác để thế giới ngoài kia có thể thấy được rõ hơn phương diện này của Trung Quốc.
Xét từ góc độ lịch sử, vấn đề ‘cừu hận ngoại quốc’ vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi ở Trung Quốc kể từ đầu thế kỷ 19. Tâm lý chống chủ nghĩa ngoại lai (bài ngoại) mạnh mẽ là nét đặc trưng của Trung Quốc thời hiện đại. Theo những người cộng sản, Trung Quốc trước năm 1949 bị “tam tọa đại sơn” (ba ngọn núi lớn) áp bức, một trong số đó là chủ nghĩa đế quốc. Thông qua việc xây dựng các luận điệu chống đế quốc, những người cộng sản Trung Quốc đã có được vốn chính trị thiết yếu.
Theo sau việc thành lập CHND Trung Hoa là các chiến dịch chống Mỹ và sau đó là chiến dịch chống Liên Xô.
Những người sống ở Hồng Kông, khi đó nằm dưới sự cai trị của Anh, không lạ gì những tư tưởng như vậy. Phong trào Tam Thị — cừu thị (choushi, tức cừu hận), bỉ thị (bishi, tức khinh bỉ), miệt thị (mieshi) — nguyên là phong trào chống Mỹ trong Chiến tranh Bắc Hàn, đã được sử dụng để chống lại người Anh ở Hồng Kông trong Cuộc bạo loạn năm 1967.
Trong khi đó, tất cả người Trung Quốc cần phải “phân định rõ giới tuyến” (huaqing jiexian) với chủ nghĩa đế quốc, và chủ nghĩa xét lại của Liên Xô, trong Cách mạng Văn hóa, nếu không họ sẽ mặc nhiên bị đấu tố và bêu gương xấu trong các chiến dịch chính trị.
Chủ nghĩa chống ngoại lai lắng xuống trong một thời gian dài sau Cách mạng Văn hóa. Thời kỳ Cải cách Khai phóng, đặc biệt trong những năm đầu của cuộc cải cách này, đã đón nhận phương Tây. Người cai trị mới của Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình, đã thử đội một chiếc mũ cao bồi do hai nữ cao bồi tặng ông trong chuyến thăm chính thức của ông tới Hoa Kỳ, gửi một thông điệp rõ ràng đến người dân Trung Quốc rằng việc học hỏi từ phương Tây giờ đây đã trở thành [một hành động] an toàn về mặt chính trị.
Đây là thời điểm quan trọng đối với người Trung Quốc, đặc biệt là đối với những người sưu tập sách như tôi, vì các nhà xuất bản Trung Quốc sẽ dịch và xuất bản bất kỳ tựa sách ngoại quốc nào có sẵn cho họ. Nổi tiếng nhất là bộ sách “Bước tới tương lai,” do Kim Quán Đào (Jin Guantao) và Lưu Thanh Phong (Liu Qingfeng) biên tập, họ đã sản xuất hơn 70 đầu sách cho đến ngày 04/06/1989.
Ngày 04/06 là một bước ngoặt đối với tất cả mọi thứ dù là có đang đi theo hướng nào.
Vì ĐCSTQ nhận thấy “diễn biến hòa bình” và “chủ nghĩa đế quốc không bao giờ từ bỏ tham vọng chinh phục chúng ta” (tức Trung Quốc) đằng sau biến cố này, nên việc đảng cai trị siết chặt công tác kiểm soát tư tưởng của người dân Trung Quốc là một kết quả hợp lý.
Không có gì ngạc nhiên khi thấy sự tái xuất của các ấn phẩm mang đặc trưng của chủ nghĩa chống ngoại lai, tập trung vào Hoa Kỳ.
Tác phẩm nổi tiếng nhất có nhan đề “Trung Quốc có thể nói Không” của nhà văn Tống Cường (Song Qiang) và các tác giả khác: một bản tuyên ngôn về chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc xuất bản năm 1996, với các tựa đề của chương như “Bước tiến trong ‘tinh thần thân Mỹ’ của tôi,” “Bệnh dịch tâm lý thân Mỹ đang lây lan như thế nào,” “Thiêu hủy Hollywood,” “Chủ nghĩa vị kỷ cực đoan mang tính tự luyến* của Mỹ quốc,” “Người đàn bà thép Trung Quốc nói ‘không’ với Hoa Kỳ,” đề cập đến bà Ngô Nghi (Wu Yi), Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác Kinh tế đương thời của Trung Quốc.
Cuốn sách này mô tả việc trưởng thành dưới sự ảnh hưởng văn hóa của Mỹ quốc như là một nguyên tội (hay Tội căn gốc)**, và sau đó, thách thức Hoa Kỳ trên đủ mọi phương diện (kinh tế, chính trị, văn hóa, v.v). Sống một cuộc sống Mỹ hóa được mô tả như một điều gì đó giống như nỗi ô nhục quốc gia.
Cuốn sách viết: “McDonald’s là một chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh của phương Tây, nó tương đương với quán ăn sáng hoặc quán mì của Trung Quốc. Một cặp vợ chồng trẻ Bắc Kinh được phát hiện đang cử hành hôn lễ ở đó, cho thấy sự thiếu hiểu biết và hành động sùng ngoại mù quáng khiến người đời cười chê.”
Và sau sự phục hưng của nền văn minh phương Đông, thì “phương Tây sẽ lại trải qua cuộc Đại Suy thoái như đã từng trong những năm 1920 và 1930, và lối thoát khả dĩ cho tư bản phương Tây sẽ là Phi Châu,” cuốn sách tiếp tục.
ĐCSTQ có thể nghĩ rằng các tác phẩm [truyền bá] tư tưởng của đảng sẽ không được độc giả ngoài Trung Quốc biết đến hoặc rằng Trung Quốc đã có đủ sức mạnh cần thiết, điều này đã chứng kiến các quan điểm lấy Trung Quốc làm trung tâm ngày càng phát triển tự do và buông thả (tôn thờ một cách cuồng loạn Trung Quốc).
Ví dụ, trong một ấn phẩm năm 2001 có nhan đề “Báo cáo Vấn đề Trung Quốc,” tin tặc Trung Quốc (dịch sang tiếng Trung Quốc là heike, có nghĩa là “tin tặc đen”) — những người đã nhắm mục tiêu vào những kẻ bạo động phản Hoa người Indonesia, nhắm mục tiêu vào Đài Loan vì “nền độc lập của Đài Loan,” nhắm mục tiêu vào chính phủ Hoa Kỳ và Nhật Bản vì những nhận xét cực hữu về vụ Thảm sát Nam Kinh — được ca ngợi là hongke (có nghĩa là “tin tặc đỏ”), và các chiến dịch tấn công của họ được ĐCSTQ ca ngợi là “những cuộc chiến ái quốc bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc.”
Theo báo cáo trên, Trung Quốc tự hào vì đã tiến hành bốn cuộc chiến tranh tấn công mạng như vậy từ năm 1997 đến năm 2000.
Nói cách khác, làn sóng cừu hận phương Tây vốn định hình những diễn ngôn của công chúng mang đậm tính chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà Phong trào Dịch thuật Vĩ đại nhắm đến để dịch này đã nhen nhóm từ những năm 1990.
Từ những ấn phẩm không chính thức này, không khó để có thể nhận thấy một hiện tượng rằng: trí tuệ cổ xưa của Trung Quốc và hệ tư tưởng của ĐCSTQ là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt.
Rất lâu trước khi “đội quân 50 xu” (ngũ mao) của ĐCSTQ trỗi dậy, nhiều người Trung Quốc (và cả những người Hoa ở hải ngoại) đã thể hiện lòng trung thành với ĐCSTQ và hệ tư tưởng của đảng này, trong đó khái niệm đối lập giữa “bạn và thù” đã ăn sâu vào tiềm thức của họ.
Sự trung thành chính trị với ĐCSTQ được đặc trưng bởi sự thiếu đồng cảm và cuộc đấu tranh mù quáng chống lại các quốc gia ngoại quốc — điều này sẽ cung cấp nguồn tư liệu vô tận đầy thú vị cho Phong trào Dịch thuật Vĩ đại.
Hans Yeung là cựu quản lý tại Cơ quan Kiểm tra và Đánh giá Hồng Kông, chuyên về đánh giá lịch sử. Anh cũng là một nhà sử học chuyên về lịch sử Hồng Kông và Trung Quốc hiện đại. Anh là nhà sản xuất và người dẫn chương trình về lịch sử Hồng Kông và là người phụ trách chuyên mục cho các hãng truyền thông độc lập. Anh hiện đang sống ở Vương quốc Anh cùng gia đình. Email: hku313@gmail.com
Chú thích của dịch giả:
(*) tự luyến: thực chất là một dạng tính cách đặc biệt của con người. Theo đó, người bị tự luyến luôn tự cho bản thân mình là tài giỏi vượt trội, nổi bật hơn người khác. Tên khoa học của bệnh này là ‘rối loạn nhân cách ái kỷ’.
(**) nguyên tội: là tội ác đầu tiên mà thủy tổ loài người là Adam và Eva vì ăn quả táo cấm nên đã phạm phải, theo Thiên Chúa Giáo.
Huệ Giao biên dịch