Đại Minh
Chiến tranh Nga-Ukraine vẫn chưa kết thúc, nhưng khoảng cách giữa ba ba cường quốc quân sự hàng đầu thế giới vẫn đang bị nới rộng.
Quân đội Hoa Kỳ là vô song và không ai có thể sánh bằng; quân đội Nga và Trung Quốc vẫn nằm trong danh sách 3 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới ở thời điểm hiện tại, nhưng sức mạnh quân sự toàn diện của Nga và Trung Quốc khó có thể sánh được với quân đội Hoa Kỳ.
Quân đội Nga đã bộc lộ nhiều lỗ hổng trong thực tế chiến đấu , bao gồm thông tin tình báo, các cuộc tấn công chính xác tầm xa, không chiến và không kích, các hoạt động chung, lập kế hoạch tổng thể, tổ chức và chỉ huy, trình độ chiến thuật của hạ sĩ quan và vấn đề hậu cần .
Một kế hoạch tác chiến dù tốt đến đâu cũng cần con người thực hiện, và dù thiết bị tốt đến đâu, nó cũng cần con người để vận hành nó. Thành tích của quân đội Nga trên chiến trường Ukraine phản ánh chất lượng biên chế của quân đội Nga chưa tương xứng với vị thế là lực lượng quân sự lớn thứ hai thế giới .
1. Chất lượng binh lính
Sau khi Liên Xô cũ tan rã, quân đội Nga đã trải qua một số cuộc cải tổ không thành công, hậu quả trực tiếp nhất là quân số bị cắt giảm mạnh, và một số lượng lớn sĩ quan rời quân ngũ. Do khó khăn trong việc tuyển dụng, cùng với vấn đề ức hiếp và tham nhũng lâu đời trong quân đội, hệ thống tuyển dụng của Nga đã được thay đổi nhiều lần, và cuối cùng là quy định những người đàn ông ở độ tuổi thích hợp cần phải phục vụ trong 12 tháng.
Những lính nghĩa vụ phục vụ ngắn hạn này đã được gấp rút sang chiến đấu ở Ukraine . Trực tiếp chỉ huy các lính nghĩa vụ này là các hạ sĩ quan hợp đồng.
Thành phần quân đội của ĐCSTQ cũng tương tự. Hạ sĩ quan được trả lương theo cấp bậc của họ, và binh lính cũng là lính nghĩa vụ. Trung Quốc có dân số lớn, nên tạm thời không có khó khăn trong việc tuyển dụng vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, động lực của các binh sĩ gia nhập quân đội không phải để chiến đấu, mà để tìm một lối thoát trong tương lai.
Quân đội Hoa Kỳ là quân tình nguyện ăn lương chuyên nghiệp, những người lính cấp thấp nhất cũng có lương. Những người tham gia quân đội biết rằng, họ có thể tham chiến bất cứ lúc nào. Điều này đảm bảo sự chuyên nghiệp hóa và chuyên môn hóa của quân đội, cũng như đào tạo quân dự bị cũng có thể duy trì ở mức cao.
Vì vấn đề kinh phí nên Nga không thể duy trì hàng triệu quân như Liên Xô cũ. Hiện Nga có khoảng 1,01 triệu binh sĩ đang tại ngũ, nhưng nhiều đơn vị vẫn chưa đủ biên chế. Trong cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất, quân đội Nga đã đi theo phương thức tác chiến của quân đội Liên Xô cũ, vốn từng bị các học giả Anh đánh giá là “tồi tệ một cách khiến người ta kinh ngạc”, thậm chí không thể hình thành và triển khai một đội quân được huấn luyện bài bản.
Trong Chiến tranh Chechnya lần thứ hai, một số lượng đáng kể các đơn vị quân đội Nga chỉ đạt 80% biên chế, điều này cũng thúc đẩy hình thành các đơn vị chiến thuật cấp tiểu đoàn. Khi đó, sau những điều chỉnh tạm thời, các đơn vị cấp lữ đoàn chỉ có thể hợp lại thành đơn vị hoàn chỉnh cấp tiểu đoàn tham gia chiến đấu.
Để đáp ứng yêu cầu tác chiến nhanh, quân đội Nga đã thúc đẩy mạnh mẽ việc hình thành các đơn vị chiến thuật cấp tiểu đoàn. Trước khi xâm lược Ukraine, nước này tuyên bố đã có 170 đơn vị chiến thuật cấp tiểu đoàn, và khoảng 120 đơn vị đã được triển khai tới Ukraine. Tuy nhiên, một số lượng lớn lính nghĩa vụ chưa qua đào tạo, rõ ràng là rất khó để thích nghi với chiến trường.
Vào ngày 24 tháng 6 năm 2020, cuộc duyệt binh của quân đội Nga trên Quảng trường Đỏ ở Moscow, người ta vẫn có thể nhìn thấy những dấu vết của quân đội Liên Xô cũ. (Pavel Golovkin / POOL / AFP qua Getty Images)
2. Chất lượng sĩ quan
Đương nhiên, những lính nghĩa vụ phục vụ ngắn hạn thì không có hy vọng. Các sĩ quan hợp đồng nhất định phải đảm đương nhiều trách nhiệm hơn. Dù sao họ cũng là quân nhân chuyên nghiệp, nhưng họ chưa thực sự chuyển đổi từ mô hình quân đội Liên Xô cũ sang quân đội hiện đại.
Quân đội Liên Xô trước đây, giống như quân đội của ĐCSTQ, là một tầng lớp đặc quyền, và nạn tham nhũng chiếm ưu thế. Tiêu chuẩn để lựa chọn sĩ quan là chính trị chứ không phải khả năng quân sự.
Sau khi Liên Xô cũ sụp đổ, không người nào trong quân đội có thể là một nhà lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo Nga trước hết phải tập trung vào khả năng lãnh đạo quân sự hơn là xây dựng một quân đội hiệu quả. Cơ chế quan liêu của Liên Xô cũ vẫn còn tràn lan, vũ khí bị bán trộm với số lượng lớn, kinh phí không đủ, không khó để tưởng tượng rằng, một số sĩ quan có chuyên môn nghiệp vụ sẽ chọn ra đi. Các học viện quân sự tiếp nối từ Liên Xô cũ đã bị cô lập khỏi các cường quốc quân sự trên thế giới, và kết quả của việc xây dựng một quân đội sau những cánh cửa đóng kín là như thế nào, thì mọi người đều có thể được tưởng tượng.
Trong hơn 10 năm qua, dù chi tiêu quân sự của Nga từng bước tăng, nhưng vẫn khó đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa quân đội. Việc mua sắm vũ khí đời mới không đủ, việc nâng cấp, cải hoán và bảo dưỡng vũ khí cũ cũng bị kéo dài, kinh phí huấn luyện khó bảo đảm hơn, và tình trạng tham nhũng tiếp tục tồn tại.
Tên lửa chiến lược trên đất liền và tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga là những dự án ưu tiên hàng đầu, để duy trì khả năng đối đầu hạt nhân với Mỹ. Lục quân, không quân và hải quân không thể có được thiết bị hiện đại hơn, cũng như không thể tiến hành huấn luyện đầy đủ và hiệu quả. Sĩ quan quân đội Nga tất cả các cấp đều thiếu sự hiểu biết về chiến tranh hiện đại. Trên chiến trường Ukraine, quân đội Nga đã không thể hiện được khả năng tác chiến liên hợp đa phương.
Không quân Nga có các máy bay chiến đấu Su-35, Su-34 và Su-30 tương đối tiên tiến, nhưng không thể kiểm soát ưu thế trên không tuyệt đối, phải bay ở độ cao thấp để tránh radar phòng không, thậm chí phải bổ nhào ném bom truyền thống. Tuần dương hạm Moskva của Hải quân Nga không tránh xa bờ biển, mà ở trong tầm bắn của tên lửa bờ biển chống hạm, khi bị tấn công, hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này đã thất bại hoàn toàn. Sau vụ đánh chìm tàu Moskva, Hạm đội Biển Đen nhận ra rằng, mình đã mắc một lỗi chiến thuật nghiêm trọng, và đã nhanh chóng rút lui.
Khi các đơn vị chiến thuật cấp tiểu đoàn của quân đội Nga tiến nhanh dọc theo con đường tới Kyiv, họ hoàn toàn phớt lờ việc bảo vệ bên sườn, và không có sự yểm trợ trên không, đồng thời liên tục bị phục kích. Quân đoàn lính dù Nga đáng lẽ là đơn vị tinh nhuệ nhất, nhưng do thiếu vũ khí hạng nặng và không quân yểm trợ, nên đã phải chịu nhiều thất bại trong các trận chiến, chịu thương vong nặng nề, thậm chí mất các đơn vị liên hợp do máy bay vận tải bị bắn rơi. Quân đội Nga đã phóng rất nhiều tên lửa nhưng lại thiếu khả năng thu nhận và đánh giá mục tiêu, kết quả thu được còn hạn chế.
Tiền thân của quân đội Ukraine cũng là một phần của quân đội Liên Xô cũ, nhưng kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, quân đội Mỹ và quân đội NATO bắt đầu hướng dẫn và huấn luyện toàn diện cho quân đội Ukraine, đồng thời đã thể hiện kết quả huấn luyện trong thực tế chiến đấu . Xét về tổng thể, quân đội Ukraine đã duy trì được kỷ luật chiến thuật nghiêm ngặt, đã tiêu hao một lượng lớn quân đội Nga, nhưng vẫn tiếp tục bảo toàn sức mạnh, và kéo cuộc chiến trở thành một cuộc chiến kéo dài. Quân đội Ukraine đã bước đầu chuyển đổi thành công trong thực tế chiến đấu.
Vì quân đội Nga đánh giá thấp kẻ thù nên đã sớm chịu nhiều thất bại, tinh thần sa sút, các sự kiện binh lính kháng lệnh xảy ra hết lần này đến lần. Lý do cơ bản nhất dẫn đến thất bại của quân đội Nga là chất lượng nhân sự, được phản ánh trong toàn bộ kế hoạch tác chiến, triển khai, chỉ huy cũng như thực thi và phản ứng ở tiền tuyến, dẫn đến việc một số thiết bị hiện đại không thể phát huy hiệu suất, tính năng. Một lý do ngay lập tức khác dẫn đến thất bại của quân đội Nga là công tác hậu cần.
Vào ngày 13 tháng 9 năm 2018, Nga đã tổ chức một cuộc duyệt binh thiết bị quân sự tại khu huấn luyện Chugor, cách biên giới của Siberia với Trung Quốc và Mông Cổ không xa. (Mladen Antonov / AFP qua Getty Images)
3. Vấn đề hậu cần
Trong các cuộc chiến trước đây của thời kỳ Tam Quốc, đã có nhiều trường hợp buộc phải rút lui do nguồn cung cấp lương thực bị gián đoạn. Hậu cần lúc đó chủ yếu là khẩu phần ăn, thức ăn gia súc và cung tên… Công tác hậu cần ngày nay rõ ràng là lớn hơn rất nhiều, đặc biệt là cung cấp tiếp tế xăng dầu, đạn dược, khẩu phần ăn, v.v.
Quân đội Hoa Kỳ đã nắm được kế hoạch xâm lược của Nga, và quân đội Ukraine cũng đã rút lui toàn diện theo đề nghị của quân đội Hoa Kỳ, để thu hút quân đội Nga tiến vào sâu lãnh thổ Ukraine. Động thái này cũng kéo dài các tuyến tiếp tế của quân đội Nga, khiến các đoàn tiếp tế dễ bị tấn công. Sau khi quân thiết giáp Nga do quá hăng hái tiến lên, đã bị hết nhiên liệu. Khi không được bổ sung kịp thời, họ chỉ còn cách bỏ xe bỏ chạy, để tránh trở thành mục tiêu của đối phương.
Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, quân đội Nga luôn gặp khó khăn về nguồn cung cấp, không chỉ xăng dầu, mà ngay cả khẩu phần ăn cũng trở thành vấn đề. Do đó Nga đã không thể tổ chức một cuộc tấn công quy mô lớn liên tục. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến Quân đội Nga đã phải từ bỏ việc tấn công Kyiv và các thành phố lớn.
Quân đội Ukraine đã nhận được nguồn cung cấp ổn định liên tục từ quân đội Mỹ và NATO. Cho đến đầu chiến dịch quân sự lần thứ 2, Quân đội Nga mới bắt đầu oanh tạc các vị trí then chốt trên tuyến đường sắt của Ukraine, nhưng dường như không cắt đứt được đường tiếp tế của Ukraine.
Các căn cứ tiếp tế của quân đội Nga ở trong lãnh thổ Nga cũng ngày càng bị Ukraine tấn công. Ukraine rõ ràng đang làm tốt hơn trong việc cải thiện nguồn cung cấp và tấn công vào nguồn cung cấp của đối phương. Việc này có lẽ cũng phải nhận được sự trợ giúp đắc lực từ quân đội Mỹ thì mới làm được như vậy.
Mặc dù quân đội Mỹ không tham chiến, nhưng các nguồn cung cấp thời chiến của quân đội đã được kích hoạt. Quân đội Mỹ cũng nên giúp Ukraine thiết lập nhiều đường tiếp tế bên trong biên giới của mình, cung cấp năng lượng cho cuộc kháng chiến kéo dài của quân đội Ukraine.
Lời kết
Quân đội Nga đã bộc lộ hàng loạt vấn đề trên chiến trường Ukraine: Việc thiếu binh sĩ, chất lượng sĩ quan kém, thiếu khái niệm chiến tranh hiện đại, và nhiều trang thiết bị hiện đại đã không phát huy được vai trò thực sự, dẫn đến hậu quả là không đạt được mục tiêu chiến đấu giai đoạn đầu.
Quân đội Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng của Liên Xô cũ trong một thời gian dài, so với quân đội Nga thì quân đội Trung Quốc còn thiếu kinh nghiệm chiến đấu thực tế hơn nữa, hệ thống sĩ quan cũng tham nhũng và lạc hậu hơn. Hầu hết các thiết bị quân sự đều bắt chước Liên Xô cũ hoặc của Nga. Quân đội Trung Quốc cũng đang cố gắng bắt chước quân đội Mỹ. Mặc dù liên tục khoe khoang sức mạnh quân đội của mình, ĐCSTQ chỉ dám tuyên bố rằng, về cơ bản đã đạt được cơ giới hóa, và số hóa vẫn chỉ là mục tiêu của tương lai.
Trung Quốc và Nga đã không thể bắt kịp mô hình mà quân đội Mỹ thể hiện trong Chiến tranh Iraq cách đây 20 năm. Hiện tại, quân đội Mỹ không trực tiếp tham chiến, chỉ hỗ trợ quân đội Ukraine đã khiến quân đội Nga ở thế tiến thoái lưỡng nan.
Cuộc chiến thực tế ở Ukraine đã làm nổi bật khoảng cách giữa 3 cường quốc quân sự hàng đầu trên thế giới, và những trận chiến mới vẫn đang tiếp diễn.
Đại Minh
Theo Chu Điền – Epochtimes