Tổng thống Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp giữa các cuộc biểu tình leo thang

Aldgra Fredly

Các sinh viên đại học tham gia một cuộc biểu tình yêu cầu Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa từ chức vì cuộc khủng hoảng kinh tế đang làm tê liệt nước này, gần tòa nhà nghị viện ở thủ đô Colombo hôm 06/05/2022. (Ảnh: Ishara S. Kodikara/AFP qua Getty Images)

Hôm thứ Sáu (06/05), Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp lần thứ hai trên toàn quốc đảo này kể từ tháng Tư, trong bối cảnh các cuộc biểu tình yêu cầu ông từ chức diễn ra liên tiếp. 

Bộ phận Truyền thông của Tổng thống cho biết trong một tuyên bố rằng tình trạng khẩn cấp nói trên được áp đặt vì lợi ích an ninh công cộng, bảo vệ trật tự công cộng, và duy trì các nguồn cung cấp và các dịch vụ thiết yếu.

Biện pháp này được đưa ra sau khi diễn ra các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo bên ngoài tòa nhà nghị viện yêu cầu ông Rajapaksa và chính phủ của ông từ chức. Cuộc biểu tình bắt đầu hôm thứ Năm (05/05) sau khi một phó chủ tịch Hạ viện do chính phủ hậu thuẫn được bầu vào nghị viện.

Theo các tin tức địa phương, cảnh sát đã bắn hơi cay để giải tán những người biểu tình cố gắng vượt qua khu vực phong tỏa. Hàng trăm người biểu tình vẫn cắm trại bên ngoài tòa nhà, cản trở các nghị viên khi họ rời khỏi tòa nhà.

Hiệp hội Luật sư Sri Lanka (BASL) yêu cầu ông Rajapaksa giải thích lý do ban bố tình trạng khẩn cấp và thúc giục ông thu hồi tuyên bố này, nói rằng tuyên bố này không phải là một giải pháp cho cuộc biểu tình.

Theo các quy định về tình trạng khẩn cấp, tổng thống có quyền cho phép giam giữ mà không cần lệnh bắt giữ và sửa đổi bất kỳ luật nào ngoại trừ các điều khoản của Hiến Pháp.

“Chúng tôi nhắc lại rằng tình trạng khẩn cấp không được phép được sử dụng để trấn áp các cuộc biểu tình ôn hòa và bất đồng chính kiến ​​hoặc thực hiện các vụ bắt giữ và bỏ tù tùy tiện,” BASL cho biết trong một tuyên bố do Colombo Page đưa tin.

Bản tuyên bố cho biết thêm: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên trong cả chính phủ và phe đối lập nhận ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà đất nước cũng như người dân đang đối mặt cùng sự cấp thiết của việc giải quyết tình trạng bế tắc chính trị trong nước.”

Một người biểu tình đeo mặt nạ hình Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa tham gia một cuộc biểu tình về cuộc khủng hoảng kinh tế đang làm tê liệt nước này, gần tòa nhà nghị viện ở Colombo hôm 06/05/2022. (Ảnh: Ishara S. Kodikara/AFP qua Getty Images)

Đây là lần thứ hai ông Rajapaksa ban bố tình trạng khẩn cấp. Hôm 01/04, ông đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau một cuộc biểu tình bạo lực bên ngoài tư dinh của ông, mà cuối cùng ông đã thu hồi năm ngày sau đó.

Các cuộc biểu tình nổ ra ở Sri Lanka vì công chúng đổ lỗi cho chính phủ xử lý sai cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của đất nước trong nhiều thập niên. Hôm thứ Sáu (06/05), Hiệp hội các Chủ sở hữu Xe buýt Tư nhân đã dừng các hoạt động để tham gia đình công trong bối cảnh thiếu hụt dầu diesel.

Hôm 06/04, Chánh văn phòng Chính phủ Johnston Fernando cho biết ông Rajapaksa “sẽ không từ chức trong bất kỳ hoàn cảnh nào” vì ông được bầu theo ủy thác do 6.9 triệu người dân trao.

Quốc gia này đang trên bờ vực phá sản, với dự trữ ngoại hối giảm mạnh 70% trong hai năm qua, khiến nước này phải vật lộn để thanh toán cho các mặt hàng nhập cảng thiết yếu. Hôm 12/04, chính phủ cho biết họ đang tạm ngừng trả nợ ngoại quốc.

Ngân hàng Thế giới đã đồng ý cung cấp cho Sri Lanka khoản viện trợ tài chính 600 triệu USD để giúp trang trải chi phí nhập cảng các mặt hàng thiết yếu.

Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.

Thanh Nhã biên dịch

Related posts